Mỹ, EU hợp tác đảm bảo năng lượng cho châu Âu
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7/2 cho biết Washington và Liên minh châu Âu (EU) đang hợp tác bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu giữa những xáo trộn phát sinh từ cuộc khủng hoảng an ninh liên quan đến vấn đề Ukraine.
Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell (trái) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington DC., ngày 14/10/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Bộ Ngoại giao Mỹ với Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell đang ở thăm Washington, ông Blinken nói: “Chúng tôi đang phối hợp cùng các đồng minh và đối tác, với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng, về cách thức tốt nhất để chia sẻ dự trữ năng lượng”.
Cùng ngày, tuyên bố chung sau cuộc họp của Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU tại Washington cho biết Washington và Brussels dự kiến sẽ phối hợp tăng nguồn cung khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trên thị trường thế giới trước tình hình căng thẳng ở Ukraine. Tuyên bố chung có đoạn: “Để đối phó với các tác động địa chính trị và khí hậu lên thị trường năng lượng hiện nay, EU và Mỹ dự kiến sẽ phối hợp để đảm bảo các thị trường LNG toàn cầu có khả năng đảm bảo nguồn cung bổ sung và đa dạng trong trường hợp gián đoạn nguồn cung thông qua các đường ống dẫn khí đốt trong thời gian tới”. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh Mỹ và EU đã tái khẳng định cam kết cùng hợp tác để “đối phó với bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào liên quan đến hoạt động cung cấp các nguồn năng lượng” cho châu Âu.
Video đang HOT
Trước đó cùng ngày 7/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận với Mỹ và các nhà cung cấp khác về việc tăng lượng khí đốt tự nhiên giao cho châu Âu trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Bà von der Leyen cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng quan hệ đối tác an ninh năng lượng với Mỹ để tăng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chúng tôi cũng đang thảo luận với nhiều nhà cung cấp khí đốt khác, như Na Uy, về việc tăng nguồn cung cho châu Âu”.
Căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Moskva liên quan đến Ukraine đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga cho Liên minh châu Âu. Nga hiện cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU.
Những tháng gần đây, giá khí đốt đã tăng lên các mức cao kỷ lục. Lượng khí dự trữ của EU hiện thấp hơn khoảng 10% mức bình thường vào thời điểm này hằng năm. Bà von der Leyen dự báo giá khí đốt sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian nữa. Trong khi EU nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, hầu hết các nước thành viên đã đưa ra nhiều hình thức giảm thuế, trợ cấp và các biện pháp khác nhằm giúp người tiêu dùng không phải đối mặt với những hóa đơn tăng cao chóng mặt.
EU thúc đẩy các nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, sẽ tới Mỹ vào ngày 7/2 tới để họp song phương với Ngoại trưởng nước chủ nhà Antony Blinken nhằm thảo luận các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế.
Đồng thời tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương tại thời điểm quan trọng đối với ngoại giao toàn cầu.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kế hoạch, tại Washington, ông Borrell sẽ cùng Ngoại trưởng Blinken đồng chủ trì cuộc họp Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ. Tham dự cuộc họp còn có Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simon và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm.
Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác về an ninh năng lượng và cam kết chung nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sang công bằng và trung lập với khí hậu cho các công dân của EU, Mỹ và trên toàn cầu. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá cả biến động mạnh.
Cũng theo chương trình làm việc, vào ngày 8/2, Đại diện cấp cao EU Borrell sẽ phát biểu tại sự kiện khai mạc chuỗi Cuộc trò chuyện Jean Monnet, do Phái đoàn EU, Đại sứ quán Pháp và Đại Tây Dương đồng tổ chức. Ông Borrell cũng sẽ gặp các thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Trong diễn biến liên quan tới vấn đề năng lượng, ngày 4/2, một phái đoàn của EU đã tới Azerbaijan nhằm thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng. Tại thủ đô Baku, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simson đã đồng chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên của các nước tham gia Hành lang khí đốt phía Nam (SGC).
Đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân, Ủy viên năng lượng EU bày tỏ sự cảm ơn Azerbaijan vì nỗ lực tăng nguồn cung cấp khí đốt cho EU thông qua SGC. Bà nhấn mạnh SGC là chiến lược đối với chính sách đa dạng hóa năng lượng của EU và an ninh nguồn cung cấp, đồng thời khẳng định hành lang này là "thành công lớn".
SGC là một tổ hợp gồm ba đường ống dẫn khí đốt nối Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania và cuối cùng là biển Adriatic, đến Italy. Hoàn thành vào năm 2020, mạng lưới này nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Baku bắt đầu vận chuyển khí đốt đến châu Âu vào cuối năm 2021, từ mỏ Shah Deniz khổng lồ.
Tại cuộc gặp song phương sau đó với Tổng thống Aliyev, Ủy viên EU Simson đã hoan nghênh sự "tăng cường đối thoại về tăng cường cung cấp khí đốt và hợp tác về năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng". Về phần mình, Tổng thống Aliyev bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa Azerbaijan và EU về một thỏa thuận mới sẽ sớm được hoàn tất.
Thông thường, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây quan ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang sẽ dẫn đến việc Moskva ngừng cung cấp khí đốt tới "Lục địa Già". Việc giảm nguồn cung trong nhiều tháng qua cũng đã khiến giá cả nguồn nhiên liệu này tăng phi mã. Trước tình hình đó, phương Tây đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế, đặc biệt là bằng cách tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Đòn bẩy địa chính trị trong căng thẳng Nga-EU Cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine là một tín hiệu cảnh báo với người châu Âu về mức độ phụ thuộc của họ vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Theo france24.com ngày 30/1, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc các lựa chọn của mình để có một phản ứng thống nhất và mạnh mẽ với Nga, thì khối...