Mỹ, EU dọa trừng phạt thêm Nga
Tổng thống Mỹ Barack Obama và một số lãnh đạo EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, sau khi các phiến quân thân Nga tiến hành vụ pháo kích tại thành phố cảng Mariupol ở đông Ukraine làm 30 người thiệt mạng.
Tổng thống Obama (phải) tuyên bố cân nhắc các lệnh trừng phạt mới với đất nước của ông Putin (trái). (Ảnh: CBA)
Đang trong chuyến công du tới Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Barrack Obama ngày 25/1 tuyên bố ông sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp gây áp lực lên Mátxcơva sau khi phe ly khai thân Nga tiến hành vụ pháo kích vào vùng ngoại ô Mariupol, đông Ukraine khiến ít nhất 30 người chết, 83 người bị thương cùng nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy.
VOA dẫn lời ông Obama bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc tấn công hôm 24/1 của các phiến quân ly khai vào thành phố cảng Mariupol và cáo buộc “họ có sự hậu thuẫn, hỗ trợ thiết bị, tài chính và huấn luyện từ Nga”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo cách tiếp cận mà chúng tôi từng làm trước đây, gia tăng áp lực với Nga”, Tổng thống Mỹ tuyên bố và cho biết sẽ xem xét tất cả các lựa chọn bổ sung mà nước này có thể thực hiện, ngoại trừ đối đầu quân sự để nỗ lực giải quyết vấn đề đông Ukraine.
Trước khi các cuộc tấn công ác liệt nổ ra tại đông Ukraine trong tuần trước, một số lãnh đạo châu Âu từng bàn về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt với Mátxcơva. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk mới đây đã đăng tải thông điệp trên mạng xã hội Twitter: “Một lần nữa, sự nhân nhượng càng khuyến khích những kẻ hiếu chiến tiến hành các hành động bạo lực hơn. Đây là thời điểm cần tăng cường các chính sách dựa trên những sự thật đã xảy ra, thay vì dựa trên những ảo tưởng”.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 25/1 tuyên bố rằng Kiev nắm trong tay bằng chứng cho thấy phe ly khai thân Nga là thủ phạm gây ra vụ tấn công vào thành phố cảng Mariupol ngày 24/1.
Cảnh tượng hoang tàn sau trận pháo kích ở thành phố cảng Mariupol. (Ảnh:Boston Herald)
Video đang HOT
Mariupol có dân số khoảng 500.000 người và nằm ở vị trí chiến lược, giữa miền Đông Ukraine đang bị quân ly khai kiểm soát và bán đảo Crimea, trước đó đã sát nhập vào Nga vào tháng 3/2014. Việc tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hạng nặng gây lo ngại rằng phe ly khai thân Nga đang muốn chiếm giữ thành phố này nhằm xây dựng một hành lang nối Crimea với Nga trên đất liền. Hiện Nga chỉ có thể tiếp cận bán đảo Crimea bằng đường không và đường biển.
Từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Mỹ và châu Âu đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt với Nga, bởi cáo buộc Mátxcơva hỗ trợ phe ly khai ở miền đông. Tuy nhiên, Mátxcơva đến nay vẫn bác bỏ cáo buộc này. Nền kinh tế Nga hiện đang lâm vào khủng hoảng, đồng rúp đã hứng chịu những đợt trượt giá mạnh sau các lệnh trừng phạt này.
Thoa Phạm
Theo VOA
Nền kinh tế "lảo đảo" của Nga cần thuốc gì?
Cùng lúc đối mặt với nhiều vấn đề, Nga khó có thể nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay...
Hai tuần đầu năm nay, khi nước Nga còn đang trong kỳ nghỉ, lạm phát vọt lên ngưỡng hai con số.
Giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, tuột xuống dưới mốc 50 USD/thùng, khiến các chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Nga. GDP của nước này được dự báo sẽ giảm 3-5% trong năm nay. Định hạng tín nhiệm của Nga đang đối mặt nguy cơ bị đánh tụt về ngưỡng không khuyến nghị đầu tư, hay còn gọi là ngưỡng "rác" (junk).
Theo The Economist, cách duy nhất để nền kinh tế Nga thoát khỏi tình trạng hiện nay là tái cơ cấu, nhằm khôi phục lại vai trò của thị trường. Và trong lúc Putin đang cân nhắc các lựa chọn, thì nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục trượt dốc - Ảnh: EPA.
Tạp chí kinh tế The Economist trong bài bình luận mới đây cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ mất một thời gian dài để hồi phục, và đang rất cần đến những cải cách mạnh mẽ.
Tờ báo nhận định, từ sự thiếu vắng của thông tin kinh tế trên truyền thông Nga những ngày này, có thể nói, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đến với nước Nga. Cho dù, bức tranh chính thức được vẽ ra hiện nay trên truyền thông Nga được bao phủ bởi cuộc xung đột ở Ukraine (với quan điểm là do Mỹ "đổ dầu vào lửa"), sự suy sụp kinh tế của Ukraine (bị Mỹ phớt lờ), và những thành tựu của Nga trong thể thao, múa ba-lê, và các lĩnh vực khác (khiến nước Mỹ phải ghen tị).
Tuy vậy, người dân Nga vẫn đang bận rộn đổi Rúp sang USD, mua bất cứ thứ gì mà giá cả chưa tăng, và lên kế hoạch cho những tình huống xấu có thể xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng, việc giá dầu giảm xuống dưới mức 50 USD/thùng sẽ khiến quốc khố của Nga thiệt hại một khoản 3.000 tỷ Rúp, tương đương 45 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại 20%. Ngân sách Nga hiện đang được tính toán dựa trên mức dự báo giá dầu 100 USD/thùng. Bộ trưởng Siluanov mới đây tuyên bố có thể cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách trong năm 2015, và có thể, ông sẽ còn phải tính toán cắt giảm thêm.
Cho dù lương hưu của Nga được nâng thêm 5%, lạm phát hai con số đồng nghĩa với việc thu nhập của người Nga sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Điện Kremlin hy vọng sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay như đã vượt qua cuộc khủng hoảng 2008-2009 khi GDP của Nga giảm 7,5%. Khi đó, Chính phủ Nga đã kích thích nhu cầu trong nước bằng cách tăng chi tiêu công và giải cứu các công ty ngập trong nợ. Nhưng hiện nay, theo The Economist, đó không còn là một lựa chọn.
Dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm xuống trong 4 năm qua, và có thể chỉ đủ dùng cho 1 năm rưỡi nữa. Động thái tăng lãi suất lên 17% vào tháng 12 vừa qua nhằm mục đích bảo vệ đồng Rúp, nhưng chưa hiệu quả. Người Nga đã bắt đầu rút tiền gửi tiết kiệm, như bình luận của bà Natalia Orlova, chuyên gia kinh tế trưởng Alfa Bank.
Đồng Rúp có lẽ đã mất giá mạnh hơn nếu điện Kremlin không yêu cầu các công ty xuất khẩu của Nga bán ra ngoại tệ, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp lớn không được gom mua ngoại tệ. Tuy vậy, cho dù Ngân hàng Trung ương Nga bơm bao nhiêu thanh khoản cho các nhà băng của nước này, thì số tiền đó vẫn sẽ tìm đường tới thị trường ngoại hối để được đổi sang ngoại tệ, gây áp lực mất giá lớn hơn cho đồng Rúp.
Việc bơm thanh khoản, bởi thế, sẽ không kích thích được nhu cầu tiêu dùng nội địa, mà càng làm gia tăng các dòng vốn chạy khỏi Nga. Cách duy nhất để hỗ trợ cho đồng Rúp là hạn chế cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng, nhưng việc này lại gây áp lực lớn cho các ngân hàng.
Có tin, ông German Gref, giám đốc ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Nga Sberbank, đã lên tiếng cảnh báo rằng, một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Nga có thể sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng quy mô lớn.
Cùng lúc đối mặt với sự tháo chạy của các dòng vốn và giá dầu lao dốc, khả năng tiếp cận thị trường vốn suy giảm do lệnh trừng phạt, và các vấn đề về dân số, Nga khó có thể nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay - theo The Economist. Moscow hy vọng sự mất giá của đồng Rúp sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu (giống như sau cuộc khủng hoảng 1998) và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng hy vọng này là phi thực tế. Vào năm 1998, Nga còn sản xuất được những mặt hàng cơ bản dựa trên các loại máy móc, thiết bị đã lỗi thời còn sót lại từ thời Liên Xô. Trong khi đó, những thứ mà Nga nhập khẩu ngày nay không thể được thay thế nhanh chóng bằng hàng sản xuất trong nước. Để thay thế được hàng nhập khẩu, Nga cần phải đầu tư, mà vào lúc này, lại không nhà đầu tư nào muốn rủi ro cả.
Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin và chuyên gia kinh tế Evsey Gurvich lập luận rằng, nền kinh tế Nga không thể khôi phục được bằng các biện pháp tiền tệ hay tài khóa. Ngay cả thể chế yếu kém cũng chỉ là một vấn đề phụ.
Trọng tâm của "cơn đau" kinh tế Nga hiện nay là sự suy yếu của các lực lượng thị trường và cạnh tranh bị hạn chế, khiến kinh tế Nga không còn là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Sự mở rộng của khu vực quốc doanh đồng nghĩa với việc nền kinh tế này nằm dưới sự thống lĩnh của các doanh nghiệp quốc doanh hoặc nửa quốc doanh với doanh thu, lợi nhuận không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động, mà phụ thuộc vào các mối quan hệ chính trị.
Tình trạng thiên vị, tham nhũng và thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã đẩy những công ty hoạt động hiệu quả nhất ra khỏi thị trường, củng cố vị trí cho các doanh nghiệp quốc doanh "ăn bám" và được quản lý tồi.
Việc giá dầu giảm chỉ làm lộ ra những lỗ hổng trên trong nền kinh tế Nga, thay vì gây ra chúng.
Theo The Economist, cách duy nhất để nền kinh tế Nga thoát khỏi tình trạng hiện nay là tái cơ cấu, nhằm khôi phục lại vai trò của thị trường. Và trong lúc Putin đang cân nhắc các lựa chọn, thì nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục trượt dốc.
Theo Anh Huy
Vneconomy
Đức mong Nga giảm cấm vận nông sản: Điều gì tiếp theo? Chính phủ Đức bày tỏ hy vọng phía chính phủ Nga sẽ giảm nhẹ các lệnh cấm vận đối với hàng nông nghiệp của Đức Truyền thông Đức ngày 11/1/2015, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schimidt đã cho biết ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận đối với phía Nga để giảm nhẹ các lệnh cấm vận nông sản của Đức....