Mỹ đóng cửa Chính phủ, dân gánh hậu quả
Sáng 1-10, hàng triệu người Mỹ tỉnh giấc với thông tin: Chính phủ ngừng hoạt động. Tình thế hiếm hoi này xảy ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận ngân sách vào phút chót để tránh cho các cơ quan Chính phủ liên bang ngừng hoạt động.
Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân
Đây là lần đầu tiên sau 17 năm Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, lần gần đây nhất kéo dài 21 ngày vào năm 1996. Nguyên nhân mấu chốt lần này là do bất đồng giữa Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do Đảng Dân chủ chiếm đa số về chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Barack Obama, thường gọi là “Obamacare”, buộc tất cả người Mỹ phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt về kinh tế. Tầng lớp người giàu và các nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối đạo luật này, cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ nhượng bộ để đạt được thỏa thuận.
Theo đạo luật được thông qua từ sau cuộc nội chiến Mỹ vào năm 1865, chính quyền liên bang bị cấm chi tiêu quá số tiền đã được quốc hội phê chuẩn. Như vậy, do không có tiền hoạt động, nhiều cơ quan Chính phủ liên bang Mỹ cũng như công viên quốc gia, thư viện và viện bảo tàng đã bắt đầu ngừng hoạt động từ 0h01 ngày 1-10. Hậu quả là hơn 800.000 người trong tổng số 2,1 triệu nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc không lương cho đến khi kế hoạch ngân sách được thông qua. Việc chính phủ ngừng hoạt động cũng khiến công tác chi trả lương hưu và trợ cấp cựu chiến binh bị tạm ngừng còn các hồ sơ xin thị thực sẽ phải nằm chờ. Tượng Nữ thần tự do – biểu tượng của thành phố New York và nước Mỹ – sẽ phải đóng cửa không đón khách tham quan trong khi gần như toàn bộ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, các ngành và các cơ quan làm nhiệm vụ thiết yếu như kiểm soát không lưu, kiểm tra hành khách, an toàn thực phẩm, các toà án liên bang, cơ quan bưu chính, phần lớn nhân viên của Bộ An ninh nội địa sẽ tiếp tục hoạt động.
Video đang HOT
Bên cạnh tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp và người dân Mỹ, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh của nước này. Chuyên gia kinh tế Brian Kessler thuộc hãng phân tích Moody’s ước tính, nếu đóng cửa trong vòng từ 3-4 tuần, nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 55 tỷ USD.
Trong bài viết đăng ngày 1-10, ông Nicolas Demorand, biên tập viên tờ báo Libération ở Pháp, cho rằng: “Thật khó tưởng tượng vào một ngày nhất định, tại một thời điểm cụ thể, nước Mỹ có thể “mất liên lạc” một phần. Điều đó chỉ có trong khoa học viễn tưởng hay đơn giản là một việc làm điên rồ”.
Theo ANTD
Cánh cửa vẫn khép
Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa dài ngày khi mà hai phe Cộng hoà đối lập và Dân chủ của Tổng thống Barack Obama vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề ngân sách liên bang.
Thư viện và bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda đóng cửa
vì không có kinh phí hoạt động từ 1-10
Ngày 2-10, Chính phủ Mỹ đã phải tạm ngừng hoạt động sang ngày thứ 2 do Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua ngân sách tài khoá 2014 mà lẽ ra phải có hiệu lực từ ngày 1-10. Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Harry Reid tuyên bố đảng Cộng hòa phải đồng ý đưa Chính phủ hoạt động trở lại trước khi đảng Dân chủ xem xét đề nghị mới nhất của phe Cộng hòa nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc về ngân sách liên bang dẫn tới việc đóng cửa các cơ quan Chính phủ.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ phải đóng cửa do không có ngân sách đề duy trì hoạt động. Nếu tính cả lần đóng cửa hiện nay thì chính phủ của quốc gia giàu nhất thế giới đã bị đóng cửa tổng cộng tới 18 lần kể từ năm 1976 tới nay.
Lần đóng cửa đầu tiên của Chính phủ Mỹ diễn ra 11 ngày, từ 30-9 đến 11-10-1977, trong thời gian ông Gerald Ford làm Tổng thống. Lần đóng cửa ngắn nhất của Chính phủ Mỹ là chỉ 1 ngày, vào 1-10-1982 dưới chính quyền Tổng thống Ronald Reagan, còn lần đóng cửa lâu nhất, tới 21 ngày, từ 16-12-1995 tới 6-1-1996 thời Tổng thống Bill Clinton.
Hai Tổng thống Mỹ phải đối mặt với tình trạng đóng cửa Chính phủ nhiều nhất là Jimmy Carter và Ronald Reagan, mỗi vị cùng 6 lần trong thời gian cầm quyền. Thế nhưng, Tổng thống Carter có "thành tích" ấn tượng hơn khi cả 6 lần Chính phủ Mỹ phải đóng cửa chỉ diễn ra trong 1 nhiệm kỳ 1977-1981, trong đó chỉ riêng năm 1977 cầm quyền đầu tiên đã có tới 3 lần Chính phủ phải đóng cửa với tổng cộng 28 ngày từ 30-9 đến 9-12-1977.
Việc đóng cửa Chính phủ Mỹ, tuỳ theo thời gian dài hay ngắn mà có những tác động khác nhau tới nền kinh tế cũng như người dân nước này, trước hết là đội ngũ công chức làm công ăn lương. Trong đó, nạn nhân đầu tiên và trực tiếp là khoảng 800.000 - 1 triệu công chức chính phủ liên bang phải nghỉ việc không lương.
Dù đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ không biến động nhiều sau khi Chính phủ phải đóng cửa song điều đó cũng ảnh hưởng khá lớn tới kinh tế nước này. Công ty nghiên cứu tài chính IHS tính toán, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại cho 300 triệu USD/ngày khi Chính phủ ngừng hoạt động, trong khi công ty Goldman Sachs cho rằng đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia có tổng GDP mỗi năm 15.700 tỷ USD này sẽ giảm 0,3% sau mỗi tuần đóng cửa.
Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nhiều hoạt động bình thường khác của Chính phủ cũng như uy tín và hình ảnh của Mỹ đã bị tổn hại khá nghiêm trọng song hiện vẫn chưa rõ khi nào thì Chính phủ cường quốc này mới hoạt động trở lại. Bởi Chính phủ Mỹ đóng cửa không phải yếu tố kỹ thuật mà là hậu quả trực tiếp của cuộc đấu đá, giành giật quyền lực không khoan nhượng giữa Nhà Trắng và Quốc hội, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xung quanh các chính sách cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế và hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế suốt 3 năm qua.
Chính phủ Mỹ chỉ có thể mở cửa trở lại khi hai phe Dân chủ và Cộng hoà nhượng bộ lẫn nhau để tìm được tiếng nói chung, song không dễ để đạt được điều này do còn bị chi phối bởi yếu tố bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 và bầu Tổng thống vào năm 2016 khiến các bên càng tỏ ra cứng rắn hơn với quan điểm của mình.
HOÀNG HÀ
Theo ANTD
15 hình ảnh đáng nhớ của ngày chính phủ Mỹ ngừng hoạt động Kể từ khi Quốc không thể thông qua chi tiêu trước thời điểm hạn chót nửa đêm, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu đóng cửa một phần hôm 1-10 kể từ năm 1995. Kết quả là tất cả các công viên và công trình kỷ niệm và hơn 800.000 nhân viên liên bang đã nghỉ làm mà không được trả lương. Các cuộc...