Mỹ điều tàu khu trục đến các đảo nhân tạo của TQ: Gây sức ép cho sự khiêu khích
Sự kiện Mỹ đưa tàu chiến tuần tra trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trái phép đang được dư luận quốc tế rất quan tâm. Ẩn sau động thái này là những thông điệp đáng chú ý.
Tạm xóa hình ảnh “hổ giấy”
Giới phân tích nhận định, chiến lược đưa tàu vào Biển Đông để tuần tra là bước khởi đầu của Mỹ để can dự sâu hơn vào khu vực, gây sức ép đối với những hành động khiêu khích để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh chụp những hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ảnh: CSIS
Nguồn tin quân sự Mỹ cũng cho biết sứ mạng tuần tra đã hoàn tất mà không xảy ra sự cố nào. Việc Mỹ sử dụng tàu khu trục USS Lassen cho cuộc tuần tra đầu tiên được coi là một lựa chọn khôn ngoan. Giáo sư Carlyle Thayer- chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông- cho rằng việc cho tàu khu trục USS Lassen khởi động chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại vùng Trường Sa, Mỹ trước hết đã tạm thời xóa nhòa hình ảnh “hổ giấy” thường được gán cho mình.
Video đang HOT
Còn ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nhận định: “Khi dùng đến một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, chứ không phải là một loại tàu nào khác nhỏ hơn, Mỹ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ”. Thông điệp này, theo chuyên gia Storey, lại càng rõ ràng hơn khi Washington khẳng định sắp tới sẽ tiến hành thêm nhiều chiến dịch tương tự.
Hành động của Mỹ tuy kiên quyết, nhưng cũng được đánh giá là rất thận trọng, không muốn khiêu khích vô ích. Điều này thể hiện rõ rệt trong việc chọn địa bàn tiến hành chiến dịch là bãi đá Subi và Vành Khăn, hai bãi đá thuộc diện nửa chìm nửa nổi trước lúc bị Trung Quốc biến thành đảo, cho nên không thể được xem là có hải phận 12 hải lý. Đảo nhân tạo cũng không được quyền đòi có lãnh hải, do vậy Trung Quốc không thể nào cấm tàu Mỹ di chuyển trong vùng 12 hải lý quanh các đảo này.
Không đối đầu trực diện
Giáo sư Thayer nhận định Trung Quốc có thể sẽ không trực diện đối đầu với Mỹ tại Biển Đông, nhưng sẽ khuấy động dư luận chống Mỹ, đồng thời tiếp tục củng cố cơ sở trên các đảo nhân tạo để có thể biến các nơi này thành căn cứ quân sự khi có cơ hội. Ông Thayer cho rằng: “Chiến dịch tuần tra của Mỹ sẽ không cản được Trung Quốc trong việc củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc hoàn toàn có thời gian để quân sự hóa các đảo nhân tạo khi điều đó phù hợp với mục tiêu họ đề ra. Trung Quốc sẽ không dùng tàu hải quân của mình để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh thông tin và pháp lý để cố gắng ngăn không cho Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra. Trung Quốc sẽ nhắm vào các quốc gia trong khu vực, khuấy lên nỗi lo ngại rằng Mỹ đang làm mất ổn định khu vực”.
Trong bối cảnh đó, Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ cần phải thay đổi đối sách: “Mỹ cần phải thay đổi chủ trương lúc nào cũng tuyên bố không đứng về phe nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Washington cần phải tỏ rõ lập trường bảo vệ hiện trạng ở Biển Đông, và phản đối các hành động đơn phương có hệ quả chiến lược”.
Theo CNN, ông Gregpoling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington bình luận rằng, “động thái của Mỹ buộc Trung Quốc phải làm rõ những yêu sách về chủ quyền phi lý và những chiến lược mập mờ của Bắc Kinh trên Biển Đông”.
Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam Ngày 28.10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành 2 ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa’” Việc cái gọi là “chính quyền thành phố Tam Sa” tuyên bố đã hoàn thành việc xây dựng 2 ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không có giá trị. Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC và chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên. Thúy Đăng
Theo_Dân việt
Australia hoãn tập trận chung với Trung Quốc trên Biển Đông
Australia đã tạm hoãn cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc trên Biển Đông cho đến khi Hải quân Mỹ hoàn tất tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở khu vực này.
Theo trang tin News.com.au, thông báo tạm hoãn tập trận với Trung Quốc của Australia được đưa ra sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Lassen và máy bay trinh sát đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi và Đá Vành Khăn của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, thuộc Biển Đông hôm sáng 27-10.
Tàu hộ tống HMAS Stuart của Australia (Nguồn: News Corp Australia)
Hai tàu hộ tống lớp Anzac của Australia là HMAS Arunta và HMAS Stuart đang trên đường từ Nhật Bản đến thành phố cảng Pusan, Hàn Quốc, dự kiến trong vài ngày tới sẽ cập cảng Trạm Giang, phía nam Trung Quốc, nơi đồn trú của Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc gồm một tàu sân bay Liêu Ninh, cùng với 10 tàu khu trục và 17 tàu hộ tống.
Theo kế hoạch, hai tàu hộ vệ này sẽ tham gia tập trận chung với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông trong tuần tới.
Sau chuyến thăm tới Trạm Giang, tàu HMAS Arunta và HMAS Stuart còn thực hiện các nhiệm vụ khác ở châu Á trong vài tuần tiếp theo và sẽ di chuyển qua Biển Đông. Tàu HMAS Stuart và tàu tiếp dầu HMAS Sirius đã đi qua Biển Đông từ hai tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết các tàu Australia không tham gia với Mỹ trong hoạt động thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép ở biển đông.
"Mọi quốc gia đều có quyền tự do đi lại trên biển và trên không tại những khu vực luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có Biển Đông. Australia ủng hộ mạnh mẽ quyền này", bà Payne nói.
"Australia có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại và hàng hải ở Biển Đông. Ước tính khoảng 60% lượng hàng xuất khẩu của Australia đi qua vùng biển này", bà nói.
Ngọc Như
Theo_PLO
Mỹ - Trung bất ngờ hòa trên không lúc căng dưới biển Cả hai nước Mỹ Trung đều đang gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông trong lúc thỏa thuận hành xử trên không. Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận nhất trí cùng hành xử một cách an toàn giữa các máy bay quân sự của hai nước. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn các nguồn tin quân sự...