Mỹ điều tàu chiến tập trận rầm rộ sát vách Nga
Mỹ đã triển khai các tàu chiến hiện đại với hơn 800 thủy thủ và đội đặc nhiệm SEAL tới biển Đen để tham gia cuộc tập trận kéo dài 12 ngày với lực lượng hải quân của 15 quốc gia khác tại khu vực ngoài khơi Ukraine sát sườn Nga.
Quân đội Mỹ và Ukraine tham gia tập trận Sea Breeze nằm 2015 (Ảnh: Naval Today)
Theo RT, cuộc tập trận đa quốc gia có tên gọi Sea Breeze 2017 sẽ diễn ra trong 12 ngày tại khu vực phía tây bắc của biển Đen, gần thành phố cảng Odessa của Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết 31 tàu chiến, 29 máy bay và hơn 3.000 binh lính thuộc lực lượng hải quân của 16 quốc gia sẽ tham gia cuộc tập trận lần này.
Các lực lượng tham gia tập trận sẽ luyện tập khả năng “lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch theo đúng quy chuẩn của NATO”, trong đó tập trung vào các chiến dịch chống hạm, chống ngầm, phòng không, phá bom mìn và giải cứu con tin.
Tham gia tập trận Sea Breeze 2017, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu tuần dương lớp Ticonderoga mang tên lửa dẫn đường USS Hue City, tàu khu trục lớp Arleigh Burk mang tên lửa dẫn đường USS Carney và một máy bay tuần tra Poseidon P-8A.
Video đang HOT
Ngoài ra, khoảng 800 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến Mỹ, cùng đội rà phá bom thuộc lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ và các người nhái tác chiến dưới biển cũng sẽ tham gia cuộc tập trận tại Ukraine.
“Chúng tôi đang xây dựng các mối quan hệ bền chặt mà chúng tôi cho rằng đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực này. Sự hiện diện và tham dự của chúng tôi tại cuộc tập trận Sea Breeze sẽ thúc đẩy lòng tin và trấn an các nước đồng minh cũng như các đối tác trong khu vực về cam kết của Mỹ đối với an ninh tại biển Đen”, Đại tá Dan Gillen, sĩ quan chỉ huy của tàu tuần dương Mỹ, cho biết.
Phát biểu tại lễ khai mạc tập trận ngày 10/7, Phó Đô đốc Igor Voronchenko, Tư lệnh Hải quân Ukraine, cho biết: “Biển Đen là khu vực khủng hoảng liên quan tới việc Nga sáp nhập Crimea cũng như tình hình tại Đông Ukraine… Do vậy, cuộc tập trận Sea Breeze sẽ hỗ trợ đáng kể cho Ukraine trong việc đạt được các chuẩn mực của NATO”.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên NATO đang lo ngại rằng khu vực biển Đen sẽ trở thành “ao nhà” của Nga. Từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, các tàu chiến, trong đó có các tàu tuần dương tên lửa của Mỹ, thường xuyên tuần tra định kỳ tại biển Đen và theo dõi sát sao mọi diễn biến tại khu vực này.
Thành Đạt
Theo RT
Ông Trump đính chính thông tin lập "tường lửa" với Nga
Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng đính chính thông tin do ông đưa ra trước đó về việc thành lập một đơn vị an ninh mạng chung với Nga sau khi nhiều nghị sĩ cảnh báo rằng Nga không phải là nước đáng tin để Mỹ có thể hợp tác.
Tổng thống Donald Trump (trái) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump ngày 9/7 thông báo trên Twitter rằng ông đã bàn chuyện thành lập một đơn vị an ninh mạng chung với Nga để ngăn tin tặc tấn công các cuộc bầu cử trong cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.
"Ông Putin và tôi đã thảo luận về việc thành lập một đơn vị an ninh mạng không thể xuyên thủng để ngăn chặn những vụ việc như tin tặc tấn công bầu cử và nhiều thứ không hay khác", Reuters dẫn lời ông Trump viết trên Twitter.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Tổng thống Trump lại đăng đàn trên Twitter để đính chính thông tin này. Ông viết: "Việc Tổng thống Putin và tôi thảo luận thành lập một đơn vị an ninh mạng chung không có nghĩa là tôi cho rằng chuyện đó có thể xảy ra. Nó sẽ không xảy ra đâu".
Ông Trump còn cho biết thêm rằng mặc dù ý tưởng về một đơn vị an ninh mạng chung với Nga có thể không xảy ra nhưng một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria "có thể và đã" thực hiện được trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Ngay trước khi lên tiếng đính chính, bình luận đầu tiên của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Các nghị sĩ đặt nghi vấn về tính khả thi của việc phối hợp với Nga để đảm bảo an ninh mạng trong khi chính Moscow lại đang vướng vào vụ lùm xùm liên quan đến nghi vấn can thiệp bầu cử Mỹ.
"Đây không phải là ý tưởng nực cười nhất tôi từng nghe, nhưng cũng gần giống như vậy", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói với NBC.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama Ash Carter, nhận định: "Ý tưởng này chẳng khác nào việc một kẻ từng đột nhập vào nhà bạn ăn trộm bây giờ lại đề xuất thành lập một nhóm hợp tác với bạn để bàn về vấn đề trộm cắp".
Đề cập tới ý tưởng gây tranh cãi của ông Trump, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói: "Phải rồi, bây giờ là lúc để tiến lên phía trước. Nhưng có một cái giá sẽ phải trả cho chuyện đó".
Thành Đạt
Theo Dantri
Chiến thắng cho Putin trong lần đối mặt đầu tiên với Trump Ông Putin bước khỏi phòng hội đàm trong thế thắng khi chứng minh được vai trò ngang hàng của Nga với Mỹ trên trường quốc tế, chuyên gia nhận định. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 7/7. Ảnh: AFP. Tổng thống Mỹ Donald Trump và...