Mỹ đang tìm cách làm ‘tan băng’quan hệ với WTO
Ngày 14/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã thể hiện sự thay đổi về lập trường của Washington về quy trình giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới ( WTO).
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Tai nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của WTO và chúng ta đều muốn tổ chức này thành công”. Tuy nhiên, bà cho rằng WTO cần phải “linh hoạt”. Theo bà Tai, Mỹ đang tìm cách làm “tan băng” quan hệ với tổ chức thương mại toàn cầu này và cải thiện Cơ quan giải quyết tranh chấp (DBS) của WTO.
Bà cho rằng việc cải cách WTO có thể thành công nếu WTO linh hoạt hơn, thay đổi cách tiếp cận vấn đề chung, nâng cao tính minh bạch và bao trùm, cũng như khôi phục các cuộc thảo luận quan trọng của tổ chức. Ban Phúc thẩm gồm 7 thành viên của WTO có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc đảo ngược những kết luận ban đầu của cơ quan giải quyết tranh chấp.
Trước đó, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ hàng loạt việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho Ban Phúc thẩm của DBS, khiến cơ quan vốn được xem là tòa án cấp cao nhất giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu này không còn đủ thẩm phán để hoạt động và bị tê liệt.
Theo quy định, các vụ tranh chấp cần được tối thiểu 3 thẩm phán xem xét, song họ phải rời đi do hết nhiệm kỳ. Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc WTO vượt quá quyền hạn của mình với các phán quyết được coi là vi phạm chủ quyền quốc gia. Bà Tai cũng lưu ý rằng các điều khoản giải quyết tranh chấp đã khiến các vụ kiện bị kéo dài, tốn kém và gây nhiều tranh cãi.
G20 thúc đẩy cải cách WTO toàn diện và minh bạch
Ngày 12/10, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc với tuyên bố Sorrento, trong đó nhấn mạnh cam kết của các bên trong thực hiện cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua cách tiếp cận toàn diện và minh bạch.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Sorrento, Italy, ngày 12/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn tuyên bố Sorrento nêu rõ: "Nhắc lại Sáng kiến Riyadh về Tương lai của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng tôi vẫn cam kết làm việc tích cực và mang tính xây dựng với tất cả các thành viên của WTO để thực hiện cải cách cần thiết Tổ chức. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện cam kết này thông qua cách tiếp cận toàn diện và minh bạch".
Các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch đối với hoạt động hỗ trợ của nhà nước và việc tuân thủ các nghĩa vụ minh bạch. Tuyên bố khẳng định cam kết của các nước G20 trong thực hiện nghĩa vụ này, đồng thời kêu gọi các nước thành viên WTO cũng hành động tương tự.
Đồng thời, G20 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cạnh tranh bình đẳng, giảm căng thẳng thương mại, giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và thúc đẩy quan hệ thương mại cùng có lợi. Đây được coi là nền tảng cho các nền kinh tế ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các quy tắc vốn có của WTO cần phải thay đổi để đảm bảo thương mại phát triển một cách trật tự, bền vững và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc cải thiện việc tiếp cận kịp thời, bình đẳng và toàn cầu đối với vaccine, các liệu pháp, chẩn đoán và trang thiết bị bảo hộ cá nhân trước đại dịch, một cách hiệu quả và kinh tế. Theo đó, G20 tái khẳng định tinh thần đoàn kết quốc tế trong hỗ trợ thương mại và đầu tư quốc tế nhằm phản ứng với đại dịch.
Trên cương vị nước chủ nhà, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Italy đã mang đến thành công lớn là khởi động lại chủ nghĩa đa phương và việc ra tuyên bố Sorrento đồng nghĩa với việc các nước đều có nhu cầu sửa đổi và cải cách WTO. Ngoại trưởng Di Maio khẳng định: "Chủ nghĩa đa phương và các quyết định toàn cầu là căn bản và thiết yếu để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững... Luật chơi phải bình đẳng đó là nguyên tắc quan trọng ở cấp độ đa phương".
Australia nêu rõ điều kiện để Trung Quốc gia nhập hiệp định CPTPP Australia phản đối nỗ lực của Trung Quốc gia nhập hiệp định CPTPP, trừ khi Bắc Kinh đáp ứng các điều kiện để gia nhập hiệp định này. Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan (Ảnh: Reuters). Bình luận về thông tin Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ trưởng...