Mỹ công bố số lượng vaccine ngừa COVID-19 chia sẻ với toàn cầu
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 26/1 thông báo Mỹ đã chia sẻ 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 với toàn cầu.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một cuộc họp, Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient đã công bố cột mốc quan trọng này, trong đó cho biết 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được gửi đến 112 quốc gia. Ông Zient lưu ý rằng Mỹ đã chia sẻ miễn phí số vaccine trên với thế giới nhiều hơn bốn lần so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Còn theo một quan chức Nhà Trắng, Mỹ đã gửi khoảng 3,2 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech tới Bangladesh và 4,7 triệu liều cho Pakistan trong tuần này, nâng tổng số liều được chia sẻ lên 400 triệu. Các liều vắc xin đang được chia sẻ thông qua COVAX, sáng kiến được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để tiêm chủng cho các nước có thu nhập thấp hơn.
Trước đó, Tổng thống Biden từng thông báo rằng chính quyền Mỹ sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để chia sẻ trên toàn cầu và cột mốc 400 triệu liều trên là một phần của tuyên bố này. Tổng cộng, Tổng thống Biden đã cam kết chia sẻ hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 với các quốc gia khác, điều mà các chuyên gia y tế cho rằng rất quan trọng để vượt qua đại dịch COVID-19.
Đức trở thành nhà tài trợ lớn nhất của WHO
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24/1 cho biết Đức trở thành nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này khi dữ liệu từ Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy nền kinh tế đầu tàu của châu Âu vượt Mỹ để trở thành nhà tài trợ lớn nhất trong kỳ tài trợ gần đây nhất (2020-2021).
Ống tiêm được sử dụng cho chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại công ty sản xuất thiết bị y tế ở Ditzingen, miền Nam Đức ngày 10/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhận xét trên được đưa ra khi ban lãnh đạo của WHO bắt đầu cuộc họp kéo dài một tuần khi các đề xuất tài chính để làm cho cơ quan y tế của LHQ độc lập hơn, kế hoạch vốn vấp phải sự phản đối của Mỹ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về sự hỗ trợ lâu dài của chính quyền Mỹ đối với WHO.
Phát biểu với Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Đức là một người bạn quan trọng và là đối tác lâu đời của WHO và trên thực tế, nước này hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO".
Đức là nước Chủ tịch luân phiên năm nay của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, và Bộ trưởng Schulze cho biết ưu tiên hàng đầu của nước này là chấm dứt đại dịch COVID-19. Bà kêu gọi một "chiến dịch tiêm chủng toàn cầu tăng tốc ồ ạt và thực sự".
Số liệu tính đến hết tháng 11/2021 của WHO cho thấy Đức đứng đầu bảng tổng hợp các khoản đóng góp bắt buộc và tự nguyện của quốc gia thành viên cho chu kỳ tài trợ hai năm 2020-2021, tiếp đến là Mỹ và Anh. Đức trao tổng cộng 1,235 tỷ USD so với khoảng 660.000 USD của Mỹ trong giai đoạn hai năm trên. Trong giai đoạn hai năm 2018-2019, Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho WHO với số tiền 853 triệu USD.
Ông Tedros ca ngợi cam kết của Đức trong việc chia sẻ vaccine, cũng như "cách tiếp cận có tầm nhìn xa, bắt nguồn từ quan hệ đối tác, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương".
Đức là một trong số 28 quốc gia ủng hộ ông Tedros tiến tới nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là người đứng đầu cơ quan y tế của LHQ, dự kiến được quyết định vào tháng 5/2022.
APEC nhất trí thúc đẩy các nỗ lực sản xuất và chia sẻ vaccine toàn cầu Tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 22/10, các bộ trưởng đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm mở rộng sản xuất và cung cấp vaccine, cũng như hỗ trợ chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu. Ảnh minh...