Mỹ công bố chế độ ăn hợp lý trái ngược lời khuyên giảm đường, rượu
Chính phủ liên bang Mỹ vừa công bố chế độ ăn hợp lý mới dành cho mọi người dân, song không bao hàm lời khuyên của các nhà khoa học về việc giảm tiêu thụ đường và rượu bia trong một ngày.
Ảnh minh họa: USA Today
Bản hướng dẫn mới về chế độ ăn dinh dưỡng này được Bộ Nông nghiệp cùng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cập nhật mới sau mỗi 5 năm. Trong công bố ngày 30/12, hướng dẫn vẫn giữ nguyên các khuyến nghị trước đó về việc giới hạn lượng đường bổ sung nạp vào cơ thể ở dưới 10% lượng calo mỗi ngày.
Ngoài ra, khuyến nghị về giới hạn lượng rượu bia cũng không thay đổi, tương đương 2 cốc hoặc ít hơn với nam giới và 1 cốc hoặc ít hơn với nữ giới. Nếu quy đổi sang ml, nam giới không nên uống nhiều hơn 350ml bia nồng độ cồn 5% và 150ml rượu nồng độ cồn 12% trong một ngày.
Theo tờ USA Today, nếu bạn tiêu thụ 2.000 calo/ngày, bạn chỉ nên nạp vào tối đa 200 calo (tương đương 50 gram hoặc 12 thìa cà phê) chất đường. Để đối chiếu, một lon nước ngọt có chứa 39 gram đường và 140 calo.
Tuy nhiên, đầu năm nay, 20 nhà khoa học tại Ủy ban tư vấn hướng dẫn chế độ ăn đã khuyến cáo hai bộ trên điều chỉnh bản hướng dẫn nhằm đề xuất người dân Mỹ sử dụng lượng đường bằng dưới 6% lượng calo. Nhóm nhà khoa học trên đã lấy dẫn chứng là tỷ lệ các mắc bệnh nguy hiểm như béo phì, tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và ung thư đang tăng cao tại Mỹ. Đây đều là những bệnh lý nền dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn nếu nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đối với người Mỹ nói chung, lượng đường bổ sung chiếm hơn 13% năng lượng tiêu thụ hàng ngày, tức gần 270 calo. Hầu hết lượng đường này bắt nguồn thức uống có đường, món tráng miệng và đồ ngọt, đồ ăn nhẹ, cà phê và trà, kẹo và đường, ngũ cốc ăn sáng.
Ủy ban trên cũng khuyến cáo đàn ông Mỹ không nên uống nhiều hơn 1 cốc chất cồn mỗi ngày do có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư và bệnh tim mạch so với người uống nhiều rượu bia hơn. Ngoài ra, họ cũng dẫn chứng tỷ lệ gia tăng tử vong khi mắc bệnh liên quan đến uống rượu, trong đó có bệnh gan.
Tuy nhiên, chính phủ liên bang Mỹ đã phủ nhận các khuyến cáo của ủy ban trên, đồng thời ra tuyên bố rằng “không có bằng chứng vượt trội trong tài liệu mà ủy ban căn cứ khi đề xuất thay đổi chế độ ăn, theo yêu cầu của pháp luật”.
Video đang HOT
Bản hướng dẫn chế độ ăn cho người Mỹ giai đoạn 2020 – 2021 khuyến khích người dân tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh. Ảnh minh họa: USA Today
Ông Nigel Brockton, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, cho biết việc chính phủ không hạ mức giới hạn tiêu thụ rượu bia đốt với nam giới là điều đáng thất vọng. Tiến sĩ Brockton giải thích rằng việc uống nhiều rượu bia sẽ gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư – như ung thư dạ dày, gan, trực tràng và thực quản – thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
Nhìn chung, bản hướng dẫn chế độ ăn cho người Mỹ giai đoạn 2020 – 2021 khuyến khích người dân tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, chủ yếu là rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, thịt gia cầm và sữa ít béo, cùng với hải sản, các dầu ăn từ hạt và rau. Họ cũng khuyên bạn nên hạn chế tiêu thụ đường, chất béo bão hòa, muối và đồ uống có cồn, đồng thời duy trì mức giới hạn calo được khuyến nghị.
Bản hướng dẫn chế độ ăn hợp lý cho người Mỹ lần đầu được công bố năm 1980, tạo cơ sở cho các chương trình dinh dưỡng liên bang như bữa trưa tại học đường và khẩu phần ăn trong quân đội. Bản hướng dẫn cũng cập nhật mô hình dinh dưỡng “MyPlate” của chính phủ – hình ảnh chiếc đĩa và cốc chia thành năm nhóm thực phẩm – thay thế cho mô hình kim tự tháp thực phẩm vào năm 2011.
Phiên bản hướng dẫn năm 2020 lần đầu tiên bổ sung các khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo đó, Chính phủ Mỹ khuyên các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời, trong khi không cần bổ sung đường cho trẻ dưới 2 tuổi.
Một chế độ ăn không hợp lý cũng liên quan đến tình trạng gia tăng tỷ lệ báo phì và bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2. Trên 70% người trưởng thành Mỹ tuổi từ 20 trở lên bị thừa cân hoặc béo phì, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ năm 2015 – 2016.
Sàng lọc, can thiệp dinh dưỡng giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân nặng
Dinh dưỡng trong điều trị bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các bệnh nhân nặng, hồi sức tích cực.
ThS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu thăm khám cho bệnh nhân.
Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện với nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhiều đối tượng người bệnh, trong đó đa số là các bệnh nhân nặng, thời gian nằm viện dài ngày thì việc sàng lọc nguy cơ suy dinh dưỡng của người bệnh, từ đó có sự can thiệp dinh dưỡng sớm và hợp lý đã mang lại hiệu quả thiết thực.
"Sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng cho các bệnh nhân nặng" là một trong các Đề tài nghiên cứu khoa học của Khoa Hồi sức cấp cứu được Hội đồng Khoa học Bệnh viện Bưu điện đánh giá cao về nội dung và chất lượng.
ThS.BS Dương Vương Trung, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Vấn đề sàng lọc, can thiệp về dinh dưỡng đối với người bệnh hiện đang được nhiều bệnh viện quan tâm.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã chỉ ra những nguy cơ của suy dinh dưỡng đối với bệnh nhân điều trị trong bệnh viện cũng như hiệu quả đạt được của can thiệp dinh dưỡng lâm sàng. Chính vì thế, các trung tâm, bệnh viện lớn trên thế giới và trong nước cũng đã có những nghiên cứu và áp dụng phác đồ can thiệp dinh dưỡng lâm sàng cho người bệnh, góp phần mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
Các bệnh nhân nặng khi nhập viện đều có chỉ định can thiệp dinh dưỡng.
Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các bệnh viện đã triển khai thực hiện can thiệp dinh dưỡng và thực tế điều trị, chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bưu điện, nhóm nghiên cứu gồm bác sĩ, cử nhân của Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Dinh dưỡng đã phối hợp, tập trung thực hiện đề tài nghiên cứu này.
Dựa trên kết quả theo dõi, đánh giá toàn bộ số người bệnh nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu trong năm 2020, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Tỷ lệ người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng là 54,3%, trong đó tỷ lệ nguy cơ suy dinh dưỡng cao là 22,8%. Hầu hết người bệnh điều trị tại khoa đều là các bệnh nhân nặng, qua sàng lọc sẽ nhận biết được những người có nguy cơ suy dinh dưỡng cao cần can thiệp về dinh dưỡng. Can thiệp ở đây theo một cách hiểu thông thường đó là cho người bệnh ăn uống những loại chất dinh dưỡng gì, cách cho ăn như thế nào để đạt được năng lượng và tiêu chí về điều trị.
Bên cạnh đó, việc dùng những loại dinh dưỡng nào và thành phần ra sao đều có những công thức riêng. Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nếu không chú trọng vấn đề này này thì việc cho ăn có thể không đủ năng lượng hoặc người bệnh khó có thể dung nạp, thậm chí có thể gây nguy hiểm.
Với việc sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi nhập viện điều trị, tuân thủ theo phác đồ chuẩn nên những người bệnh được can thiệp dinh dưỡng đều có sự cải thiện về lâm sàng.
Một bệnh nhân nặng được can thiệp dinh dưỡng đường tĩnh mạch.
ThS.BS Dương Vương Trung cho biết thêm: Khi người bệnh nhập viện, các điều dưỡng của khoa sẽ phân loại, đánh giá bằng công cụ sàng lọc. Bệnh nhân nào có nguy cơ suy dinh dưỡng, cần can thiệp dinh dưỡng thì bác sĩ điều trị, điều dưỡng và cử nhân dinh dưỡng sẽ hội chẩn đưa ra các quyết định can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh.
Từ việc ăn thức ăn gì, hàm lượng dinh dưỡng ra sao, cách thức cho ăn bằng đường nào, qua sonde dạ dày hay kết hợp cả qua sonde dạ dày với dinh dưỡng đường tĩnh mạch và một số biện pháp khác sẽ được thực hiện. Tiếp đến, khi thực hiện can thiệp dinh dưỡng thì điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh là người trực tiếp thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ can thiệp dinh dưỡng.
Thường xuyên theo dõi biểu hiện dung nạp cụ thể của từng người bệnh, thông báo với các bác sĩ để có những phương án thay đổi, điều chỉnh hợp lý về chế độ dinh dưỡng. Hàng tuần đều có kiểm tra, đánh giá bằng cân nặng cụ thể của từng bệnh nhân ngay tại giường. Trên cơ sở những đánh giá này, bác sĩ sẽ có những chỉ định về theo dõi cận lâm sàng để thấy được hiệu quả can thiệp dinh dưỡng.
"Việc đánh giá tiến triển đối với dinh dưỡng không phải là ngày 1 ngày 2, theo khuyến cáo của Hiệp hội dinh dưỡng châu Âu và Châu Á thì phải sau khoảng 5 đến 7 ngày mới có thể biết hiệu quả của can thiệp dinh dưỡng có tiến triển tốt hay không. Thông thường, kết quả này được thể hiện qua cân nặng, đo vòng cánh tay, xét nghiệm prealbumin... của người bệnh" - ThS.BS Dương Vương Trung cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu, bệnh nhân nặng có nguy cơ suy dinh dưỡng cần được can thiệp dinh dưỡng sớm, cụ thể cần đạt mức năng lượng 25-35 kcal/kg/ngày và mức protein 1,2 - 2,0 g/kg/ngày cho các bệnh nhân nặng trong quá trình điều trị. Nên dùng chỉ số Prealbumin để đánh giá hiệu quả của việc can thiệp dinh dưỡng hơn là dùng các chỉ số cân nặng, albumin.
Thường xuyên theo dõi từng người bệnh được chỉ định can thiệp dinh dưỡng.
Kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ, cử nhân dinh dưỡng trên các bệnh nhân của Khoa Hồi sức cấp cứu cũng cho thấy sự cần thiết nên áp dụng việc sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng tại tất cả các khoa có người bệnh điều trị nội trú. Bởi điều này mang lại lợi ích và hiệu quả điều trị đáng kể cho người bệnh.
Khi người bệnh được kiểm tra, sàng lọc và tư vấn kỹ chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng, điều kiện sức khỏe thực tế cũng như bệnh lý thì bản thân người bệnh và người nhà sẽ biết mình nên ăn gì, ăn như thế nào sẽ đảm bảo chế độ về dinh dưỡng. Từ đó tuân thủ theo một chế độ ăn hợp lý, không còn tự ý ăn uống làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Thực tế cho thấy, không riêng ở Khoa Hồi sức cấp cứu mà ở các khoa khác vẫn có một tỷ lệ nhất định người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng. Chính vì thế, việc sàng lọc và nhận ra những người bệnh cần can thiệp dinh dưỡng là cần thiết đối với tất cả các khoa điều trị.
Do đó, ngay sau thành công của đề tài nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tiếp tục tìm hiểu, thống kê và nghiên cứu đề tài "Sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng cho các bệnh nhân nặng" trên quy mô toàn bệnh viện.
ThS.BS Dương Vương Trung chia sẻ: Đề tài " Sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng cho các bệnh nhân nặng" còn góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc toàn diện đã được triển khai thực hiện tại khoa trong 3 năm qua.
Bên cạnh việc chăm sóc về thể chất, hỗ trợ người bệnh mọi hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày, năm 2021, khi việc chăm sóc toàn diện được triển khai trong toàn bệnh viện thì Khoa Hồi sức cấp cứu - đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình này sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc người bệnh, quan tâm cả về thể chất và tinh thần, giúp người bệnh và người nhà hoàn toàn yên tâm khi đến điều trị tại khoa nói riêng và Bệnh viện Bưu điện nói chung.
6 lý do tiềm ẩn khiến việc mang thai khó khăn hơn Các yếu tố chính làm giảm cơ hội sinh con ai cũng biết như sử dụng thuốc tránh thai, hút thuốc. Tuy nhiên có một số nguyên nhân tiềm ẩn làm giảm khả năng mang thai nhiều người thường bỏ qua. Tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hóa Ăn chất béo chuyển hóa có trong bánh nướng, pizza, đồ ăn nhẹ như...