Mỹ công bố cấp 55 triệu liều vắc xin cho các nước, trong đó có Việt Nam
Trong đợt phân phối 55 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 này, 75% được cung cấp cho các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc.
Mỹ dự kiến hoàn tất chia sẻ 80 triệu liều vắc xin cho các quốc gia/vùng lãnh thổ trước cuối tháng 6, đầu tháng 7 (Ảnh: Reuters).
Nhà Trắng ngày 21/6 công bố chi tiết kế hoạch chia sẻ tiếp 55 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, sau khi đã hỗ trợ 25 triệu liều cho thế giới.
Trong số 55 triệu liều này, 41 triệu liều (hay 75%) sẽ được chia sẻ thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc, với 14 triệu liều dành cho các nước khu vực Mỹ Latinh và Caribe, khoảng hơn 16 triệu liều cho châu Á và 10 triệu liều cho châu Phi.
Các quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á được tiếp nhận gồm có: Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Đài Loan, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Papua New Guinea, các đảo Thái Bình Dương.
Khoảng 14 triệu liều còn lại (hay 25%) sẽ được chia sẻ cho các khu vực ưu tiên và các bên tiếp nhận khác, trong đó có Colombia, Argentina, Haiti, Cộng hòa Dominica, Costa Rica, Panama, Afghanistan, Bangladesh, Pakistan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Nigeria, Kenya, Ghana, Ai Cập, Jordan, Iraq, Yemen, Tunisia, Oman, Bờ Tây và Dải Gaza, Ukraine, Kosovo, Georgia, Moldova…
Sau khi đã tiêm chủng cho phần lớn dân số Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt đầu chia sẻ nguồn cung vắc xin với cam kết sẽ phân phối xong 80 triệu liều cho thế giới vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 này.
Trong thông cáo phát đi hôm qua, Nhà Trắng cho biết: “Trong khi chúng tôi tiếp tục chiến đấu với đại dịch Covid-19 trong nước và nỗ lực chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới, Tổng thống Biden đã cam kết Mỹ sẽ trở thành kho vắc xin của thế giới. Một phần trong kế hoạch đó là chia sẻ vắc xin”.
Thông cáo cho biết thêm rằng, số vắc xin hỗ trợ này nên được ưu tiên cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao như đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch và dựa trên kế hoạch phân phối vắc xin của từng quốc gia/vùng lãnh thổ.
Ngoài việc chia sẻ vắc xin, chính quyền Tổng thống Biden cũng cam kết phối hợp với các nhà sản xuất của Mỹ sản xuất thêm vắc xin cho thế giới.
Video đang HOT
Trong tháng này, trước khi lên đường công du châu Âu và dự hội nghị G7, Tổng thống Biden tuyên bố, Mỹ sẽ mua 500 triệu liều vắc xin Pfizer để chia sẻ cho 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có thu nhập thấp và trung bình và các nước thành viên Liên minh châu Phi. Đây là một phần trong số hơn 1 tỷ liều vắc xin mà các nước G7 cam kết chia sẻ với mục tiêu giúp thế giới thoát đại dịch vào cuối năm sau.
Mỹ cũng cam kết mở rộng sản xuất vắc xin tại các nước. Thông qua hợp tác Bộ Tứ và sự hỗ trợ của Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (IDFC), khoảng hơn 1 tỷ liều vắc xin sẽ được sản xuất tại châu Phi và Ấn Độ trong năm 2021 và 2022.
Lý do khiến châu Á nguy cơ thua trong cuộc chiến Covid-19
Tình thế đang đảo ngược khi phương Tây dỡ bỏ hạn chế thì châu Á lần lượt phong tỏa, giãn cách khiến kinh tế đình trệ trở lại.
Tại Mỹ, quốc gia từng hứng nhiều đợt bùng phát kinh hoàng, các sân vận động chật kín bởi những cổ động viên đã tiêm vaccine. Những chuyến bay cũng đông đúc do người dân bắt đầu đi du lịch. Trong khi đó, các hình mẫu chống dịch thành công ở phương Đông vẫn mắc kẹt trong chu kỳ bất ổn, giãn cách xã hội và phong tỏa.
Ở miền nam Trung Quốc, biến thể Delta gây ra đợt bùng phát mới. Giới chức phải phong tỏa đột ngột thành phố Quảng Châu. Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Australia cũng hứng làn sóng Covid-19 mới. Virus trỗi dậy ở Nhật Bản lần thứ 4, khiến nỗi lo về thảm họa từ Thế vận hội Olympic ngày càng cao.
Người dân sống chung với dịch. Ở điều kiện có thể, họ duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và đi chơi gần nhà. Về mặt kinh tế, hầu như các nước vượt qua đại dịch tương đối tốt vì có được thành công ở giai đoạn đầu.
Với hàng trăm triệu người chưa tiêm chủng và nguy cơ phải đóng cửa biên giới quốc tế trong tương lai gần, khả năng chịu đựng của cộng đồng ngày càng mỏng manh. Biến thể mới cũng là mối đe dọa lớn.
Người dân đã chán ngấy sống trong cảnh hạn chế và đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta đi sau? Đến khi nào mọi thứ tốt đẹp trở lại, đại dịch bao giờ kết thúc?".
Terry Nolan, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Tiêm chủng tại Viện Doherty ở Melbourne, Australia, cho biết: "Chúng ta như đang chờ đợi giữa vũng lầy, nếu không muốn nói là bị mắc kẹt. Mọi người đều cố gắng thoát ra". Melbourne đang trải qua đợt phong tỏa mới.
Tình hình của châu Á khác nhau, song nguồn cơn đều đến từ vấn đề thiếu hụt vaccine. Tại Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng hầu như chưa thấm tháp. Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, số người tiêm vaccine tăng mạnh trong những tuần gần đây. Song chương trình chưa được mở rộng quy mô cho toàn dân.
Nhân viên y tế Bangkok khử trùng những ngôi nhà ở cửa người lao động, tháng 6/2021. Ảnh: NY Times
Trong khi nhiều người Mỹ ăn mừng bình minh mới, đối với 4,6 tỷ dân châu Á, phần còn lại của năm 2021 sẽ giống với năm ngoái. Một số nước chứng kiến thảm kịch thực sự, số khác bị bỏ lại trong tình trạng lấp lửng, sống bình thường một cách thấp thỏm.
Việc triển khai vaccine chậm chạp dễ dẫn đến phong tỏa, gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế. Rủi ro bắt nguồn từ quyết định được đưa ra nhiều tháng trước, khi đại dịch chưa trở nên tồi tệ.
Từ mùa xuân năm ngoái, Mỹ và châu Âu đặt cược vào vaccine , phê duyệt và chi hàng tỷ USD để mua những lô hàng đầu tiên. Nhu cầu rất cấp bách. Riêng Mỹ, vào thời kỳ đỉnh dịch, hàng nghìn người chết mỗi ngày do thất bại kiểm soát Covid-19.
Tại Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong tương đối thấp. Các nước tập trung vào giãn cách, kêu gọi người dân tuân thủ quy định phòng dịch, xét nghiệm rộng rãi và truy vết nhanh chóng. Khi virus được kiểm soát, cộng thêm khả năng sản xuất trong nước hạn chế, việc đặt hàng lượng lớn vaccine chưa được kiểm chứng không quá cấp bách.
Phó giáo sư, tiến sĩ C. Jason Wang, Đại học Y khoa Stanford, chuyên gia nghiên cứu chính sách Covid-19, cho biết: "Mối đe dọa với cộng đồng rất thấp. Chính phủ đưa ra quyết định dựa trên mối đe dọa này. Để kết thúc đại dịch, bạn cần cả chiến lược phòng ngự và tấn công. Chiến lược tấn công chính là vaccine".
Đầu năm nay, nhiều nước không nhận đủ nguồn cung như được hứa hẹn. Italy chặn xuất khẩu 250.000 liều AstraZeneca để dự trữ trong nước khi dịch bệnh đang hoành hành. Các lô hàng khác bị trì hoãn vì trục trặc sản xuất.
Richard Maude, uỷ viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á tại Australia, cho biết: "Vaccine có được chuyển đến. Nhưng công bằng mà nói, chúng không đủ lượng hàng đã cam kết".
Peter Collignon, giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, giải thích đơn giản: "Những nước sản xuất vaccine giữ nguồn cung cho chính họ".
Trước thực tế đó, cộng thêm tranh cãi về tình trạng đông máu sau tiêm AstraZeneca, nhiều chính trị gia châu Á - Thái Bình Dương sớm nhận định không cần vội vàng.
Kết quả giờ đây là hố sâu tiêm chủng nếu so sánh với Mỹ và châu Âu.
Tại châu Á, khoảng 20% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Con số này ở Pháp là 45%, Mỹ là 50% và Anh là 60%.
Khách hàng tại một quán cà phê ở Paris vào tháng 6/2021. Ảnh: NY Times
Mạng xã hội Mỹ tràn ngập hình ảnh người New York mừng rỡ ôm hôn sau khi tiêm chủng. Ở Paris, thực khách tươi cười tại các quán ca phê. Trong khi tại Seoul, người dân di chuột một cách ám ảnh để tìm kiếm lượng vaccine còn sót lại, thường không thu được gì.
"Vaccine có tồn tại không? Hay nó đã biến mất trong 0,001 giây giống như những tấm vé hàng ghế đầu của buổi hòa nhạc K-pop?", một người dùng Twitter tự hỏi.
Nhu cầu tăng lên khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung bắt đầu giảm bớt. Trung Quốc, nơi phải vật lộn giải quyết thái độ hoài nghi vaccine, tiêm 22 triệu mũi vào ngày 2/6, lập kỷ lục mới. Đất nước 1,4 tỷ dân đã tiêm tổng cộng 900 triệu liều.
Nhật Bản cũng gia tăng nhóm ưu tiên tiêm vaccine. Giới chức đặt các trung tâm tiêm chủng lớn ở Tokyo và Osaka, mở rộng chương trình đến các doanh nghiệp và trường đại học. Thủ tướng Yoshihide Suga đặt mục tiêu tiêm phòng cho tất cả người trưởng thành vào tháng 11.
Đài Loan làm điều tương tự. Nỗ lực triển khai vaccine càng được đẩy mạnh sau khi Nhật Bản tặng hòn đảo 1,2 triệu liều AstraZeneca. Tuy nhiên, Đài Loan chỉ đủ vaccine cho 10% trong 23,5 triệu dân. Các hiệp hội, doanh nghiệp ngỏ ý mua thêm vaccine để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, song các hãng dược chỉ làm việc với chính phủ.
Đây là bức tranh rất điển hình ở nhiều nước châu Á.
Chương trình tiêm chủng chậm chạp khiến quá trình mở cửa bị đình trệ. Australia tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới một năm nữa. Nhật Bản cấm nhập cảnh với hầu hết người không phải công dân. Động thái tương tự từ Trung Quốc khiến doanh nghiệp đa quốc gia thiếu nhân lực chủ chốt.
Trong tương lai gần, châu Á chỉ có thể tối ưu hoá nỗ lực dập dịch. Giới chức cần tiêm chủng trước ngày vaccine hết hạn. Indonesia dọa phạt tiền khoảng 540 USD với người từ chối tiêm chủng. Việt Nam kêu gọi công dân quyên góp quỹ vaccine. Hong Kong đưa ra hàng loạt chiến dịch để xoa dịu thái độ hoài nghi của công chúng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán châu Á chưa thể thoát Covid-19 trong năm nay.
Mỹ ưu tiên tặng vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á Mỹ sẽ dành tặng 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho toàn thế giới, ưu tiên các nước Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ Latinh, Caribbean và châu Phi. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay công bố kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 đầu tiên cho toàn cầu, trong đó 75% sẽ được phân phối thông qua chương trình chia...