Mỹ công bố bản khiếu nại bom tấn của người tố cáo ông Trump
Bản khiếu nại của người tố cáo ông Trump với các quan chức tình báo Mỹ về nội dung cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine được giải mật và công bố bởi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.
Theo CNN, bản khiếu nại từ người tố cáo tập trung vào những quan ngại của người này về việc Tổng thống Trump đã sử dụng quyền lực của mình để “chào mời sự can thiệp từ nước ngoài” vào cuộc bầu cử.
Người tố cáo cũng cho rằng luật sư riêng của ông Trump, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, là “nhân vật trung tâm trong nỗ lực này”.
Dòng tweet của tống thống Mỹ sau khi bản khiếu nại được Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố.
Ngay khi bản báo cáo được công bố, ông Trump viết trên Twitter hôm 26/9, tất cả bằng chữ in hoa: “PHE DÂN CHỦ ĐANG CỐ GẮNG ĐỂ HỦY HOẠI ĐẢNG CỘNG HÒA VÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ MÀ HỌ ĐẠI DIỆN. HÃY ĐỨNG CÙNG NHAU, CHƠI TRÒ CỦA HỌ, VÀ CHIẾN ĐẤU KIÊN CƯỜNG. ĐẤT NƯỚC CHÚNG TA ĐANG BỊ ĐE DỌA!”.
Người tố cáo cũng cho biết các quan chức Nhà Trắng đã “cực kỳ băn khoăn” về nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine diễn ra vào ngày 25/7.
Bản khiếu nại cũng cho biết các luật sư Nhà Trắng khi đó đã ngay lập tức thảo luận về việc xử lý cuộc gọi này như thế nào, vì “có khả năng họ đã chứng kiến tổng thống lạm dụng quyền lực của mình để trục lợi cá nhân”.
Trong những ngày sau đó, theo người tố cáo, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã can thiệp để “phong tỏa toàn bộ hồ sơ về nội dung cuộc gọi, đặc biệt là bản đánh máy từng chữ của cuộc gọi được thực hiện theo thông lệ bởi Phòng Tình huống Nhà Trắng”.
“Chuỗi những hành động đó đã khẳng định với tôi rằng các quan chức Nhà Trắng hiểu được sức nặng của những gì đã diễn ra trong cuộc gọi”, người tố cáo cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York hôm 25/9. Ảnh: AFP.
Người này cũng nói rằng ông được biết Tổng thống Trump đã chỉ thị cho Phó tổng thống Mike Pence hủy chuyến thăm Ukraine, vốn đã được lên lịch trình từ trước. Chuyến thăm này dự kiến diễn ra vào tháng 5 để dự lễ nhậm chức của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, thay vào đó ông Trump cử Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry dẫn đầu phái đoàn Mỹ.
Người tố cáo cho biết thêm ông có nghe từ các quan chức rằng Tổng thống Trump không muốn gặp trực tiếp ông Zelenskiy cho đến khi ông Trump thấy được ông Zelenskiy “chọn cách cư xử” như thế nào.
Video đang HOT
Theo người tố cáo, các quan chức Mỹ tỏ ra quan ngại về việc luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giulliani có những cuộc tiếp xúc với phía Ukraine. Người tố cáo cho rằng các quan chức Mỹ tin rằng Giulliani là người đưa tin giữa Tổng thống Trump và các quan chức Ukraine.
Bản khiếu nại cũng cho biết hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp ông Giulliani “trong một nỗ lực để ‘hạn chế thiệt hại’ với an ninh quốc gia”. Các quan chức bộ ngoại giao cũng gặp gỡ lãnh đạo Ukraine để hiểu rõ về những thông điệp khác nhau mà họ nhận được từ các quan chức Mỹ và từ ông Giulliani.
Người tố cáo nói rằng Nhà Trắng đã phong tỏa các bản đánh máy nội dung cuộc gọi của ông Trump trong một hệ thống mã hóa bằng máy tính mà theo ông là vì mục đích chính trị chứ không phải để bảo mật các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo Zing.vn
Luận tội Tổng thống Mỹ: Quy trình thế nào và những ai từng bị luận tội?
Trong lịch sử nước Mỹ, trước ông Trump, có rất nhiều nhà lãnh đạo từng bị "dọa" luận tội, nhưng chưa từng có ai bị kết tội và bãi nhiệm.
Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Mỹ, bà Nancy Pelosi, tuyên bố bắt đầu thủ tục luận tội Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Theo bà, hành động của nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy ông đã quay lưng lại với trách nhiệm của một Tổng thống, phản bội lợi ích quốc gia và đe dọa tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Vậy ngoài ông Trump, còn vị Tổng thống Mỹ nào khác từng liên quan đến thủ tục luận tội trong quá khứ? Quá trình luận tội diễn ra như thế nào? Và làm cách nào nó có thể làm xoay chuyển tình hình nước Mỹ?
Hạ viện Mỹ tuyên bố bắt đầu thủ tục luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Riafan)
Những Tổng thống Mỹ từng bị "dọa" luận tội - họ là ai?
Trong lịch sử nước Mỹ, thủ tục luận tội đã 3 lần được khởi xướng, nhưng cả 2 người tiền nhiệm của ông Trump không gặp bất cứ vấn đề nào cả. Những nỗ lực bắt đầu thủ tục luận tội đã được thực hiện đối với một số Tổng thống Mỹ khác, nhưng chúng đều không tìm thấy được sự hỗ trợ cần thiết từ các nghị sĩ.
Vào ngày 10/7/1842, Nghị sĩ John Botts đề xuất một quyết nghị về luận tội Tổng thống thứ 10 của nước Mỹ - John Tyler. Lý do chính là quyền phủ quyết mà ông sử dụng trước các dự luật thuế quan của Quốc hội. Quyết nghị không được thông qua khi có tới 127 phiếu phản đối và chỉ có 83 phiếu đồng tình tại Thượng viện.
Những Tổng thống Mỹ từng bị "dọa" luận tội - họ là ai? (Ảnh: wikimedia.org)
Vào ngày 24/2/1868, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ luận tội Tổng thống Mỹ thứ 17 Andrew Johnson. Thủ tục bắt đầu sau khi nhà lãnh đạo Mỹ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Edwin Stanton mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Sau đó, trong phiên tòa tại Thượng viện, ông Andrew Johnson được trắng án với 35 phiếu thuận và 19 phiếu chống.
Vào ngày 13/12/1932, Nghị sĩ Louis McFadden đề xuất một quyết nghị về luận tội Tổng thống Mỹ thứ 31 Herbert Hoover lên Hạ viện và cáo buộc ông làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, tăng thuế và không tôn trọng quyền của cựu chiến binh. Tuy nhiên, văn kiện này đã bị phủ quyết bởi 361 phiếu phản đối (so với 8 phiếu ủng hộ).
Vào tháng 4/1952, nghị sĩ đảng Cộng hòa Paul Shaffer đưa ra quyết nghị chống lại Tổng thống Mỹ thứ 33 Harry Truman. Trong đó, ông Truman bị cáo buộc sa thải bất hợp pháp Tướng quân đội Mỹ Douglas MacArthur, cũng như không tôn trọng và giữ kín thông tin trước Quốc hội. Quyết nghị này không được tiến hành.
Vào ngày 8/8/1974, Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon từ chức. Trong những năm 1972-1974, Hạ viện đã nhận được tổng cộng 39 quyết nghị về luận tội liên quan đến vụ bê bối Watergate (nghe lén trụ sở của đảng Dân chủ ở Washington trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1972). Ông Nixon từ chức trước khi phiên điều trần của Thượng viện diễn ra và được ân xá bởi Tổng thống Mỹ kế nhiệm Gerald Ford.
Những Tổng thống Mỹ từng bị "dọa" luận tội - họ là ai? (Ảnh: wikipedia.org)
Vào ngày 10/11/1983, Hạ viện Mỹ nhận được một quyết nghị tuyên bố luận tội Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan. Các cáo buộc được đưa ra có liên quan đến sự bất thường trong việc đưa quân đội Mỹ vào Grenada. Quyết nghị đã được chuyển đến Ủy ban Pháp lý, nhưng chỉ dừng lại ở đó.
Vào ngày 19/11/1998, Quốc hội Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về luận tội ông Bill Clinton. Tổng thống Mỹ thứ 42 bị buộc tội khai man trong khi làm chứng và cản trở công lý. Điều này liên quan đến vụ bê bối với Monica Lewinsky. Về cáo buộc thứ nhất, có 55 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ, và về cáo buộc thứ hai, con số này là 50.
Những Tổng thống Mỹ từng bị "dọa" luận tội - họ là ai? (Ảnh: flickr.com)
Vào ngày 11/6/2008, Hạ viện Mỹ đã đưa ra một quyết nghị để luận tội Tổng thống thứ 43 George W. Bush. Có 251 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc đưa quyết nghị ra Ủy ban Pháp lý, 166 nghị sĩ bỏ phiếu phản đối và 16 người bỏ phiếu trắng. Theo những người soạn thảo bản quyết nghị này, Tổng thống Mỹ đã nói dối quốc gia để phát động chiến dịch Iraq, và do đó vi phạm lời thề (tổng cộng có 35 cáo buộc). Việc tiếp tục xem xét về quyết nghị chấm dứt do nhiệm kỳ Tổng thống của ông George W. Bush đã kết thúc.
Những Tổng thống Mỹ từng bị "dọa" luận tội - họ là ai? (Ảnh: Riafan)
Vào ngày 6/12/2017, Hạ viện Mỹ bác bỏ quyết nghị về luận tội Tổng thống thứ 45 Donald Trump bằng đa số phiếu: 364 nghị sĩ phản đối và chỉ có 58 nghị sĩ ủng hộ. Quyết nghị luận tội được đưa ra bởi nghị sĩ đảng Dân chủ Al Green - người nói rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump đã dẫn đến sự gia tăng phân biệt chủng tộc và thù hận trong xã hội Mỹ, trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ bị mất uy tín.
Quy trình luận tội như thế nào?
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có thể bãi nhiễm Tổng thống trước khi kết thúc nhiệm kỳ nếu như phát hiện có các tội ác và hành vi sai trái nghiêm trọng.
Thủ tục luận tội bắt đầu bằng việc xác định các điều khoản truy tố và trình bày chúng trước Hạ viện bởi Ủy ban Pháp lý. Sau đó việc bỏ phiếu sẽ diễn ra. Trong trường hợp có ít nhất một trong các cáo buộc đạt được đa số phiếu đồng tình, Tổng thống sẽ được coi là bị luận tội.
Quy trình luận tội như thế nào? (Ảnh: wikipedia.org)
Sau đó, hồ sơ vụ án được gửi đến Thượng viện của Quốc hội Mỹ. Cơ quan này tiến hành một quy trình xét xử tương tự dưới sự kiểm soát của Chánh án Tòa án Tối cao. Một nhóm từ Hạ viện sẽ đóng vai trò là bên buộc tội. Ngoài ra, Tổng thống có quyền luật sư. Các thượng nghị sĩ trong quá trình này sẽ hoạt động như các bồi thẩm đoàn.
Để bãi nhiệm Tổng thống, cần có 2/3 số thượng nghị sĩ đồng ý với việc truy tố. Trong trường hợp ngược lại, Tổng thống vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình.
Tại sao cần luận tội ông Trump?
Mục tiêu chính của việc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà Hạ viện của Quốc hội Mỹ khởi xướng, là hạ thấp xếp hạng chính trị của nhà lãnh đạo đương nhiệm - theo ông Konstantin Blokhin, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Tuy nhiên, ông Blokhin cũng lưu ý rằng, bắt đầu luận tội không có nghĩa là có thể kết tội.
" Để làm được điều đó, cần đến 2/3 số phiếu trong Thượng viện - nơi mà đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế. Mà ông Trump lại là đại diện của đảng Cộng hòa. Do đó, nếu họ đồng ý luận tội thì đối với họ, điều đó chẳng khác nào tự sát chính trị. Họ sẽ không làm thế" - ông Blokhin khẳng định.
Hơn nữa, bản thân thủ tục luận tội cũng mất một thời gian rất dài, khoảng 1 năm rưỡi - chuyên gia nhấn mạnh. Ông Trump sẽ yên tâm kết thúc nhiệm kỳ của mình sau hơn 1 năm nữa.
" Vậy khí đó câu hỏi đặt ra là tại sao lại là thời điểm này? Về mặt kỹ thuật, họ biết sẽ không thể chính thức hóa nó, bởi Thượng viện là của đảng Cộng hòa. Do đó, mục tiêu chính đặt ra là hạ thấp xếp hạng chính trị của ông Trump, đồng thời tăng xếp hạng của ông Joe Biden trước cuộc bầu cử. Những người phản đối ông Trump muốn chỉ cho người dân Mỹ thấy rằng không nên bỏ phiếu cho một người đang bị luận tội. Theo cách hiểu đó, việc luận tội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ông Trump" - ông Blokhin kết luận.
(Tổng hợp)
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Luận tội Tổng thống Trump: Cử tri Mỹ nghĩ gì? Hầu hết cử tri Mỹ đều tin rằng cuộc điều tra luận tội sẽ chỉ tiêu tốn thời gian của đất nước và không ảnh hưởng tới Tổng thống Trump. Bà Kristy Schneeberger, một người ủng hộ đảng Dân chủ tới từ miền Đông bang Iowa nói đã tới lúc đảng Dân chủ tính tới chuyện luận tội Tổng thống Trump. "Không ai...