Mỹ chuẩn bị cho khả năng đóng cửa chính phủ do hết ngân sách
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 23/9 cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị cho một khả năng đóng cửa chính phủ trong bối cảnh ngân sách hiện tại sẽ cạn kiệt vào ngày 30/9.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Psaki cho biết: “Điều này phù hợp với thông lệ lâu đời của nhiều cơ quan hành chính để nhắc nhở các nhân viên cấp cao về nhu cầu xem xét và cập nhật các kế hoạch đóng cửa chính phủ. Đây không phải là một hướng dẫn chính thức, mà chỉ là một lời nhắc nhở, chúng ta sẽ nghỉ 7 ngày, và tất nhiên chúng ta cần chuẩn bị cho mọi trường hợp bất trắc”. Bà Psaki cũng nhấn mạnh: “Trên thực tế, việc đóng cửa chính phủ cũng vô cùng tốn kém, gây gián đoạn và tổn hại”. Ngoài ra, bà Psaki lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Biden đang thực hiện các bước đi để giảm thiểu tác động của khả năng chính phủ đóng cửa đối với việc đối phó với đại dịch, phục hồi kinh tế hoặc các ưu tiên khác của Mỹ.
Trước đó, ngày 21/9, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép các cơ quan liên bang của Mỹ duy trì hoạt động đến ngày 3/12 cũng như tránh để xảy ra nguy cơ đóng cửa chính phủ vào cuối tháng này, bất chấp việc dự luật này có thể không được Thượng viện chấp thuận. Dự luật tạm thời của được các Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ đưa ra, được biết đến với tên gọi “giải pháp duy trì”, bao gồm việc đình chỉ áp đặt mức trần nợ công của Mỹ cho đến sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. Theo đảng Dân chủ, biện pháp này cho phép nền kinh tế đầu tàu thế giới tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái
Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho rằng dự luật chi tiêu của đảng Dân chủ vượt ra ngoài tầm quyển soát, đồng thời cam kết sẽ bỏ phiếu chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm nâng mức trần nợ. Không một nghị sĩ nào của phe Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu cho “giải pháp duy trì”.
Malaysia, Ấn Độ đứng đầu châu Á về phục hồi kinh tế nhanh hơn dự báo
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bloomberg, hoạt động kinh tế tại Malaysia và Ấn Độ trong năm tới dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó, dù hai nước này nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trong những tháng gần đây.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn kết quả khảo sát cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế của Malaysia được điều chỉnh tăng nhiều nhất trong khu vực, với 0,85%, lên mức tăng trưởng dự kiến 5,65% vào năm tới. Tiếp theo là Ấn Độ, với mức điều chỉnh tăng 0,8% điểm phần trăm, dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%.
Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam với mức điều chỉnh tăng 0,3%. Triển vọng kinh tế của Indonesia ít thay đổi, trong khi triển vọng tăng trưởng của Thái Lan và New Zealand được điều chỉnh giảm lần lượt khoảng 0,2% và 0,45%.
Dù là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất thế giới trong tháng 8 vừa qua và đã trải qua đợt thay đổi bộ máy lãnh đạo, nhưng Malaysia không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro kinh tế trước mắt nào. Nhu cầu trong nước cải thiện và xuất khẩu gia tăng đã hỗ trợ cho hoạt động của nền kinh tế và GDP của nước này quý II/2021 tăng 16,1%.
Đối với Ấn Độ, bà Madhavi Arora, nhà kinh tế hàng đầu tại Emkay Global Financial Services Ltd, cho rằng nhu cầu hàng hóa tăng mạnh giúp nước này đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm tính đến tháng 3 vừa qua, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hằng tuần giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng tính đến ngày 19/9. Đến thời điểm hiện tại, những thiệt hại về kinh tế của quốc gia Nam Á này đã được khắc phục và sẽ được thúc đẩy nhờ các nhân tố như các công ty thích ứng tốt hơn, điều kiện tài chính ổn định và tăng trưởng toàn cầu được đẩy mạnh.
Đà giảm chi phối chứng khoán Mỹ trong cả tuần qua Đà giảm đã chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua khi thị trường "vật lộn" với những lo lắng kéo dài về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và tốc độ phục hồi kinh tế của Mỹ đang chậm lại. Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Trong...