Mỹ chưa có động thái rút khỏi WHO
Trump tuyên bố cắt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hai tuần trước, nhưng nước này vẫn chưa có động thái rút lui nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/5 tuyên bố tại Nhà Trắng, rằng ông sẽ cắt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cách tổ chức này xử lý Covid-19, cáo buộc Trung Quốc “toàn quyền kiểm soát” cơ quan y tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, đã hai tuần trôi qua kể từ tuyên bố của Trump, Mỹ vẫn không có động thái chính thức nào đối với WHO. Một phát ngôn viên của WHO nói rằng cơ quan này không nhận được thông báo nào về việc Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức.
Các quan chức cấp cao của WHO cho biết họ vẫn tiếp tục làm việc với các tổ chức chính phủ Mỹ như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Viện Y tế Quốc gia (NIH).
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo ở Thụy Sĩ ngày 28/2. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
“Chúng tôi hợp tác với các đồng nghiệp Mỹ tại CDC, NIH và nhiều tổ chức học thuật trên toàn nước Mỹ trong nhiều mạng lưới, nền tảng khác nhau kể từ khi bắt đầu đại dịch và điều này sẽ tiếp tục”, Maria Van Kerkhove, chuyên gia người Mỹ giám sát phản ứng kỹ thuật của WHO với Covid-19, cho hay.
Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Các tình huống khẩn cấp của WHO, cũng cho biết cơ quan này vẫn phối hợp cùng các đối tác Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nỗ lực ứng phó đợt dịch Ebola mới ở Congo.
“Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào các đồng nghiệp và tổ chức ở Mỹ như CDC, NIH cũng như hàng trăm trung tâm hợp tác mà WHO có trên khắp nước Mỹ,” Ryan nói trong cuộc họp báo đầu tuần này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy cho đến khi có hướng dẫn hay thông báo khác”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 10/6 cho hay ông vẫn liên lạc với Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar. “Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận tốt đẹp với Azar tuần trước và ông ấy đảm bảo với tôi về việc Mỹ tiếp tục cam kết hỗ trợ trong cuộc chiến, đặc biệt là dịch Ebola”, ông Tedros nói.
NIH, CDC không trả lời câu hỏi về quan hệ giữa Mỹ với WHO. Trong một email gửi Hill, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Ullyot cho hay “quyết định của Tổng thống Trump về việc cắt viện trợ cho WHO, trong lúc chờ các đánh giá đầy đủ về sai lầm trong quản lý của tổ chức, sẽ không làm giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu, bao gồm cả Covid-19″.
Ông Ullyot khẳng định Mỹ là bên tài trợ sức khỏe toàn cầu lớn nhất thế giới và đã cam kết chi 10,2 tỷ USD cho cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu.
Nghị quyết năm 1948 của quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO viết rằng Mỹ “có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm”. Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp, đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
Số tiền các thành viên WHO phải đóng góp được tính toán dựa trên tiềm lực kinh tế và dân số. Mỹ chiếm khoảng 20% tổng ngân sách của WHO trong hai năm qua, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Năm ngoái họ đã cấp ít nhất 400 triệu USD.
Ngoài ra, Washington hàng năm còn tự nguyện tài trợ hàng trăm triệu USD cho các chương trình cụ thể của WHO như chống bệnh bại liệt, HIV, viêm gan và bệnh lao. Theo trang web của WHO, Mỹ còn “nợ” tổ chức 200 triệu USD đã cam kết đóng góp.
Lo ca Covid-19 không triệu chứng, WHO kêu gọi tăng cường nghiên cứu
WHO cho rằng cần tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mức độ lây lan của dịch Covid-19 từ những người không có triệu chứng.
Tuyên bố đưa ra chỉ vài ngày sau khi một chuyên gia của tổ chức này khẳng định khả năng lây nhiễm từ những người không triệu chứng là rất hiếm. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, thế giới đang ngày một hiểu biết hơn về virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, song vẫn còn nhiều điều chưa được biết tới và vẫn cần nghiên cứu kỹ hơn về những trường hợp lây nhiễm không triệu chứng.
"Từ đầu tháng 2, chúng tôi đã nói rằng những người không có triệu chứng có thể lây nhiễm Covid-19, nhưng chúng tôi cần nghiên cứu thêm để có thể đưa ra đánh giá chính xác về mức độ lây truyền virus của những người này. Nghiên cứu đó vẫn đang diễn ra và chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều nghiên cứu được thực hiện về vấn đề này".
Phát biểu đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, khả năng người mắc Covid-19 không có triệu chứng lây nhiễm cho người khác là "rất hiếm", dù sau đó quan chức này đã phải đính chính thông tin.
Trên thực tế, một nghiên cứu tiến hành trên một tàu du lịch hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, 81% hành khách xét nghiệm dương tính với Covid-19 không có bất kỳ triệu chứng nào. Điều này có nghĩa là tỷ lệ người mắc bệnh song không triệu chứng có thể cao hơn so với ước tính của các cơ quan y tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là những bệnh này vẫn có khả năng truyền virus gây bệnh.
Vấn đề lây truyền virus SARS-CoV-2 từ những người không có triệu chứng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm có sự điều chỉnh tốt nhất các biện pháp phòng ngừa trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo Viện sức khỏe và nghiên cứu y tế quốc gia Pháp, những dữ liệu quốc tế đầu tiên đã đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của những người mang virus SARS-CoV-2 không có hoặc có rất ít các triệu chứng song vẫn có thể phát tán virus.
Nếu không được xác định và cách ly, họ có thể vô tình truyền virus cho những người khác và những người này sau đó có thể phát triển những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Thêm vào đó phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là dùng vaccine để phòng SARS-CoV-2 vẫn chưa có và thuốc điều trị hữu hiệu cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Cũng tại cuộc họp báo trực tuyến ngày hôm qua (10/6), Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, ông Michael Ryan một lần nữa cảnh báo, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới. Biện pháp cấp bách và hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vẫn là phát hiện, cách ly và tiến hành xét nghiệm đối với những người có triệu chứng mắc bệnh, truy dấu và cô lập những đối tượng có tiếp xúc.
"Chúng ta cần tập trung vào việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và nếu những thay đổi về khí hậu có thể hỗ trợ cho cuộc chiến hiện nay thì đó là một thông tin tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là câu trả lời. Câu trả lời là phải tập trung vào các biện pháp y tế công cộng, các biện pháp xã hội, vệ sinh dịch tễ và các chiến lược y tế công cộng toàn cầu đã chứng minh được tính hiệu quả tại nhiều nơi trên thế giới".
Mỹ có ngăn nổi Trung Quốc kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu? Chiến tranh thương mại vốn đã khiến nhiều người ở Mỹ muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng hóa chiến lược. Giờ đây, đại dịch Covid-19 càng "mài sắc" quyết tâm hành động của các chính trị gia. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đề cập việc 'hồi hương" các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, và...