Mỹ cảnh báo ý đồ chia rẽ ở biển Đông
Mỹ lên tiếng cảnh báo về chiến lược “bẻ đũa” trong tình hình căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông hiện nay.
AFP hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố: “Các hành động nhằm “chia để trị” trong tranh chấp ở biển Đông không phải là cách giải quyết vấn đề”. Theo bà, Washington mong muốn Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sớm được hình thành và là cơ chế chính thức để giải quyết xung đột, ngăn chặn những tính toán sai lầm.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (phải) tiếp ông Dương Khiết Trì ngày 11.8 – Ảnh: AFP
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu một nước cụ thể nào nhưng tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hoàn tất chuyến thăm Indonesia, Malaysia và Brunei. Trong đó, ông Dương cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với từng nước để tiến tới một bộ quy tắc “trên cơ sở đồng thuận”, theo Tân Hoa xã. Lâu nay, Trung Quốc tuyên bố chỉ giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương. Nước này cũng bị cho là nhân tố tác động khiến Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua không đưa ra được tuyên bố chung, theo Reuters.
Ngoài ra, tuyên bố của Mỹ được đưa ra sau khi Tân Hoa xã ngày 13.8 đăng bài xã luận bác bỏ cáo buộc Trung Quốc gây chia rẽ trong ASEAN đồng thời cho rằng chính “một số nước phương Tây” đang gây bất hòa trong khu vực. Đây là lần thứ hai trong tháng này, Mỹ đề cập đến tình hình biển Đông. Hôm 3.8, Washington bày tỏ lo ngại khi Bắc Kinh thành lập phi pháp cái gọi là TP.Tam Sa và cho đồn trú quân sự.
Trong một diễn biến khác, tờ Philippine Daily Inquirer ngày 15.8 đưa tin Mỹ đang xem xét di chuyển tài sản hậu cần như lều, chăn mền, máy phát điện… từ Afghanistan đến Philippines và các nước Đông Nam Á khác, nhằm “ứng phó thảm họa hoặc bất trắc trong tương lai”.
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, người luôn nỗ lực phản đối các hành động gây quan ngại và tuyên truyền sai lệch của nước này về biển Đông, vừa đăng trên trang cá nhân (http://blog.sina.com.cn/s/blog_680f80d101015dkq.html) bài viết của tác giả Bao Phác Tiên Nhân cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và yêu sách đường lưỡi bò là không có cơ sở và căn cứ pháp luật. Ông này thừa nhận về vấn đề quần đảo Trường Sa, biện pháp đang được Trung Quốc sử dụng hiện nay là “cướp bao nhiêu thì được bấy nhiêu” chứ không có chứng cứ mang tính lịch sử. Bài viết cảnh báo nếu không thay đổi, Trung Quốc có nguy cơ trở thành kẻ thù chung của cả thế giới.
Theo Thanh Niên
Biển Đông: "Nếu cứ cố, Trung Quốc sẽ thành kẻ thù chung của thế giới"
"Nhưng cái Đường 9 đoạn hư ảo đó thực tình vẽ quá mức, cơ bản đều vẽ sát vào bờ biển nhà người ta. Người ta giải quyết xong chuyện trong nhà, đương nhiên phải ra mặt có ý kiến".
Căn cứ vào đâu mà tuyên bố?
Ngày 13/8, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc), người có nhiều bài viết phê phán những quan điểm sai trái của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, bác bỏ Đường lưỡi bò, đăng trên blog của ông loạt bài viết của một học giả Trung Quốc khác có bút danh "Bao Phác Tiên Nhân".
Học giả này cũng phân tích những điều sai trái, ngang ngược, vô lý trong lập trường, chủ trương, yêu sách của chính phủ Trung Quốc về biển Đông. Báo Tiền Phong đã trích dịch một số đoạn trong bài viết này.
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận (Ảnh: Xinhua)
Video đang HOT
"Cái gọi là vấn đề Nam Hải, bao gồm vấn đề Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa), chủ yếu là vấn đề Nam Sa, rốt cục là như thế nào? Ai là người đầu tiên tuyên bố Nam Hải là lãnh hải của Trung Quốc? Căn cứ vào đâu mà tuyên bố?Hoàng đế Thanh triều đến lãnh thổ trên bộ còn không giữ được, thật khó nói có biết đến chuyện lãnh hải hay không, đương nhiên không biết yêu cầu về quyền lợi biển.
Sau khi chính phủ Dân quốc thành lập, chẳng được mấy ngày bình yên, hết nội chiến lại đến ngoại họa, sau đó là Đại chiến thế giới, may mà đứng về phía bên chiến thắng, nên mới có vấn đề Nam Sa. Nếu đứng về bên thua trận thì ngày nay làm gì có tư cách bàn đến vấn đề này.
Năm 1946, Lâm Tuân dẫn hạm đội đi thu phục các đảo. Nói là thu phục, nhưng theo tôi, đúng ra là tiếp thu tài sản của kẻ thất bại. Có một số đảo thực ra không biết là của ai, Nhật Bản chiếm, rồi thua trận đem dâng cho ta, dĩ nhiên ta vui vẻ nhận.
Đi cùng hạm đội có một ông quan cấp vụ trưởng ở Bộ Địa chất Khoáng sản vung bút vẽ đại một Đường đứt khúc 9 đoạn hư ảo thành cái túi to tướng. Cái túi đó lớn đến mức bản đồ của ta phải vẽ thêm một ô phụ ở góc để thể hiện nó. Sau khi quay về, in vào bản đồ chính phủ Dân quốc, đem công bố, thế là ra đời một đường biên giới...
Nhưng cái Đường 9 đoạn hư ảo đó thực tình vẽ quá mức, cơ bản đều vẽ sát vào bờ biển nhà người ta. Người ta giải quyết xong chuyện trong nhà, đương nhiên phải ra mặt có ý kiến.
Thế là vấn đề Nam Hải càng ngày càng gay gắt. Cái Đường 9 đoạn hư ảo ấy rốt cục là đường gì? Nó không phải là đường cơ bản lãnh hải, cũng không phải là đường lãnh hải.
Rút cục nó có ý nghĩa pháp lý gì? Trong nhà chúng ta cũng thấy rất khó xử, cho nên năm 1995 khi công bố đường cơ bản lãnh hải đã không hề đề cập đến nó...
Quan điểm của tôi là: thực chất của vấn đề Nam Sa là tranh. Về mặt pháp lý, quả thực có vấn đề. Nhưng mạnh thì ra tay trước, tranh được bao nhiêu hay bấy nhiêu...
Trung Quốc thực sự có quyền lợi không thể tranh cãi ở Nam Hải không?
Nói đến quyền lợi ở Nam Hải, chúng ta thường thích nói một câu là: từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ "thiêng liêng".
Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử... Nhưng những chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại... Chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế".
Chuyên gia Trung Quốc này tiếp tục phân tích: "Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là "có" thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta đã không có được điều đó...
Vào thời nhà Thanh (đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị), có một chiếc tàu hàng Pháp chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa thì gặp cướp biển, bị cướp sạch.
Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng cứ để khi về báo cáo với chủ hàng và đòi hãng bảo hiểm bồi thường.
Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ (có lẽ là tri huyện) địa phương.
Viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng Pháp: "Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản".
Thế rồi tống cổ tay thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn. Nhưng sự kiện đó cần phải có cái kết, nếu không về Pháp biết ăn nói ra sao? Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng.
Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy lòng vòng, coi như đã truy bắt cướp.
Đó là chứng cứ gì? Đó chính là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế. Chứng cứ này nói lên: chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận Tây Sa là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó.
Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng Tây Sa là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó".
Chuyên gia Trung Quốc thẳng thắn thừa nhận: "Điều đó chả phải đã chứng minh Tây Sa từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao? Nếu bạn là đại biểu đàm phán của Trung Quốc, được huấn luyện đầy đủ về luật biển và luật quốc tế, trước những chứng cứ như thế thì phải làm thế nào? Thật là muốn có cỗ máy thời gian để quay trở lại thời đó bóp chết viên tri phủ kia!".
Tiếp mạch phân tích về điều sai trái, ngang ngược, vô lý trong lập trường, chủ trương, yêu sách của chính phủ Trung Quốc về biển Đông, chuyên gia Trung Quốc nêu vấn đề: "Cái Đường đứt khúc 9 đoạn kia rốt cục có ý nghĩa thế nào về pháp luật? Là lãnh hải? Là vùng biển quần đảo? Hay là vùng biển lịch sử? Chẳng ai biết được! Trước hết, có thể là lãnh hải không? Không thể! Quyền lực của một quốc gia đối với biển bắt nguồn từ lục địa (đất liền), cũng tức là quyền về biển bắt nguồn từ quyền về lục địa.
Muốn xác định lãnh hải, trước hết cần xác lập đường cơ bản lãnh hải. Muốn có đường cơ bản, trước tiên phải xác định các điểm cơ bản, đó phải là các đảo và lục địa không có tranh cãi về chủ quyền, khoảng cách giữa các điểm cơ bản không được quá 24 hải lý.
Điểm chặt chẽ nữa là trên đảo phải có đủ điều kiện để con người sinh sống. Vậy Nam Sa có điểm nào phù hợp? Sách giáo khoa của ta nói đến "các đảo Nam Hải" đều có một câu "phía Nam kéo dài đến bãi cát ngầm Tăng Mẫu".
Bãi cát ngầm, bãi đá ngầm không nhô khỏi mặt nước, đất còn chả có, nói gì đến quyền về biển? Câu đó về mặt pháp lý là không trụ vững được. Thế nhưng từ khi triều đại hiện nay lập quốc, chúng ta đã cứ giáo dục quốc dân như thế.
Nay đột nhiên nói câu đó không ổn về mặt pháp lý, quốc dân không chấp nhận được, chúng ta đành phải chơi trò rùa rụt đầu lại, không nêu lên nữa là xong.
Vùng nước mà Đường đứt khúc 9 đoạn bao bọc chắc chắn không phải là lãnh hải. Vậy thì phải tìm lý do khác. Nhiều đảo như thế, liệu có thể gọi là vùng biển quần đảo được không? Indonesia được thì chúng ta cũng là một quốc gia ngàn đảo được chứ! Vùng biển quần đảo là vùng biển chủ quyền được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 thừa nhận.
Căn cứ Công ước, cấu thành vùng biển quần đảo cần phải hội đủ mấy điều kiện. Thứ nhất, tỷ lệ diện tích vùng nước và diện tích lục địa (bao gồm các bãi san hô) phải đạt được từ 1:1 đến 9:1.
Thứ hai, độ dài đường cơ bản không được quá 100 hải lý, cho phép quá 3% thì cũng không được quá 125 hải lý. Các đảo Nam Sa vừa nhỏ, lại cách nhau quá xa, không thể đạt được hai tiêu chí đó.
Nếu chúng ta cứ cố tuyên bố đường cơ bản thì một rắc rối nữa lại xuất hiện: sau khi xác định đường cơ bản thì vùng biển phía trong nó trở thành nội thủy, phía trên nội thủy là vùng trời chủ quyền.
Về nguyên tắc, tàu thuyền nước ngoài, trong đó có tàu quân sự đều không được tự do qua lại. Muốn qua lại phải thông báo trước, phải được phép, phải nổi trên mặt nước, treo cờ, đi nhanh, không được dừng máy, không được thả neo, căng thẳng ra thì bắt giải giáp vũ khí.
Muốn tránh những rắc rối đó thì phải thiết lập hành lang hàng hải và hàng không để tàu thuyền, máy bay nước ngoài qua lại...
Chúng ta có thể tuyên bố Nam Sa là "vùng biển lịch sử" của mình. Nhưng làm sao các nước xung quanh lại không có phản ứng? Mấy cường quốc biển và vận tải biển như Mỹ, Nhật Bản sẽ đều chất vấn: "Nghe nói các ông muốn tuyên bố đây là vùng biển lịch sử? Thế từ nay về sau, chúng tôi qua đây đều phải báo cáo, xin phép các ông à?".
Nơi này vốn là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, mỗi ngày có hàng ngàn tàu thuyền qua lại. Nếu tuyên bố đây là vùng biển lịch sử, việc quản lý nó giống như quản lý nội thủy, không chỉ quản mặt biển mà còn phải quản cả vùng trời, lại còn phải quản lý theo luật trong nước, mọi quyền sinh quyền sát đều trong tay ta, muốn bắt thì bắt, muốn xử thì xử; không nói đến tàu quân sự, các tàu hàng, tàu khách đi qua đều không yên tâm... Nếu cứ cố tuyên bố thì chắc chắn ta sẽ trở thành kẻ thù chung của cả thế giới".
Mỹ phản đối Trung Quốc "chia rẽ và chế ngự" ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cảnh báo Trung Quốc không nên lợi dụng các cuộc đàm phán song phương để "chia rẽ và chế ngự" các nước có cùng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Thông tin được đăng tải trên báo Vnexpress.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland phát biểu trong cuộc họp báo từ Washington cho biết "những nỗ lực gây chia rẽ và chế ngự, kết thúc bằng tranh chấp giữa các bên, sẽ không đi đến kết quả nào".
"Điều chúng tôi lo lắng bây giờ là căng thẳng đang leo thang giữa các nước trong khu vực, chúng tôi mong muốn các nước sẽ đạt được thỏa thuận đáp ứng được đòi hỏi của các bên", AFP dẫn lời bà Nuland nói.
Người phát ngôn cho biết Mỹ mong muốn thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trở thành cơ chế chính thức để giải quyết xung đột và ngăn chặn những tính toán sai lầm trong vùng biển mà gần một nửa tàu thuyền của thế giới qua lại.
Tại hội nghị của ASEAN và các nước đối tác diễn ra tháng trước tại Campuchia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN "hợp tác để xây dựng bộ quy tắc chung và sớm thông qua bộ quy tắc này trong năm nay", bà Nuland cho hay.
Người phát ngôn Mỹ đưa ra lời phản đối trên sau khi hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Xinhua phủ nhận Bắc Kinh gây chia rẽ ở Đông Nam Á và quay sang chỉ trích "một số nước phương tây" mới chính là nguyên nhân gây chia rẽ vì lợi ích của các nước này ở Biển Đông.
Theo GDVN
Mỹ thừa nhận cung cấp thiết bị mềm cho Syria Mỹ ngày 14-6 thừa nhận đã cung cấp thiết bị liên lạc cùng các hình thức hỗ trợ khác cho các thành viên lực lượng "đối lập hòa bình" ở Syria. Đồng thời Washington cũng nói rõ hơn về cáo buộc chiến đấu cơ Nga xuất hiện trên bầu trời Syria. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland Mỹ chỉ thực...