Mỹ cảnh báo nguy cơ thiết bị viễn thông Trung Quốc
Trung Quốc có thể làm tê liệt toàn bộ các thiết bị viễn thông bán cho Mỹ, cựu chuyên gia phân tích Lầu Năm góc F. Michael Maloof nhận định.
Các công ty Trung Quốc rõ ràng là có khả năng bí mật tiếp cận từ xa đến các công nghệ viễn thông bán cho Mỹ và các nước phương Tây khác, và có thể “làm tê liệt hạ tầng viễn thông của Mỹ trước khi xảy ra một cuộc xung đột quân sự”, các nguồn tin đã hoặc đang làm việc trong ngành tình báo Mỹ khẳng định.
Trung Quốc cũng có khả năng sử dụng các mạng “để cho phép Trung Quốc tiếp tục đánh cắp các bí mật công nghệ và thương mại”, thông tin phổ biến công khai của công ty tình báo Lignet vốn sử dụng các cựu chuyên gia phân tích tình báo Mỹ.
Tâm điểm của vấn đề là hãng Huawei Technologies Co. Ltd. của Trung Quốc. Theo các nguồn tin tình báo Mỹ, công ty này có các mối liên hệ trực tiếp với chính phủ và quân đội Trung Quốc. Các nguồn tin này khẳng định rằng, Huawei và các hãng viễn thông khác của Trung Quốc như ZTE Corp. có các “cổng hậu điện tử” (electronic backdoors) đối với các công nghệ viễn thông bán cho Mỹ và các nước khác.
F. Michael Maloof là cây bút thuộc bản tin tình báo G2Bulletin WND và là cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh tại văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: BI
Việc khám phá khả năng duy trì cổng hậu điện tử điện tử ngầm của Trung Quốc trong các mạng viễn thông của Mỹ và phương Tây diễn ra ngay sau G2Bulletin/WND mới đây phát giác Trung Quốc đã sản xuất các linh kiện giả được mua và lắp đặt vào các hệ thống vũ khí nhạy cảm của Mỹ.
Vấn đề linh kiện điện tử giả Trung Quốc mà các nhà thầu quân sự Mỹ đã lắp đặt mà không thử trước và đang hoạt động trong các hệ thống quân sự của Mỹ có quy mô rộng lớn hơn ban đầu người ta nghĩ.
Các linh kiện này không đơn thuần đến thẳng từ Trung Quốc, mà còn đi vòng từ các nhà cung cấp ở Anh và Canada, sau đó các công ty này gửi sản phẩm Trung Quốc cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Video đang HOT
Những linh kiện giả này đã được phát hiện trong các hệ thống tên lửa nhạy cảm của Mỹ vốn dùng để đối phó với mối đe dọa tên lửa tiềm tàng của Trung Quốc, trong các khí tài nhìn đêm và các loại máy bay quân sự.
“Chúng tôi không muốn độ tin cậy của một tên lửa đánh chặn trị giá 12 triệu USD lại bị đe dọa bởi một bộ phận làm giả trị giá 2 USD”, Tướng Patrick O’Reilly, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) nói.
Tuy bị nghi ngờ sử dụng backdoor trong các thiết bị điện tử viễn thông, Huawei vẫn đang tiếp tục bán các công nghệ viễn thông ở Mỹ và các nước khác, mặc dù lệnh cấm đối với công ty này lẽ ra phải ngăn chặn Huawei tham gia đấu thầu các mạng điện thoại di động và giành các hợp đồng nhà nước, một nguồn tin đang làm việc trong lĩnh vực tình báo nói.
Khả năng theo dõi bằng backdoor điện tử ngầm được cho là có thể cho phép chính phủ Trung Quốc thông qua Huawei và ZTE tiếp cận được những thông tin đi qua các mạng viễn thông hay thậm chí phá hoại hoạt động của các thiết bị điện tử, Lignet nói.
Với khả năng này, Trung Quốc sẽ có khả năng phá hoại hoạt động của các hệ thống vũ khí thiết yếu và các site điều khiển học nhạy cảm của Mỹ, và có thể bao gồm cả hoạt động tình báo hay các hệ thống đang được sử dụng các nhà thầu quân sự Mỹ hoạt động với danh nghĩa chính phủ Mỹ.
Với sự gia tăng của hoạt động gián điệp điều khiển học và các cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ, các nguồn tin này khẳng định, công ty Huawei đã có được khả năng này với danh nghĩa chính phủ Trung Quốc.
Các nguồn tin nói rằng, Huawei có thể sử dụng “khả năng truy cập bí mật bằng backdoor” để xâm nhập các hệ thống của các công ty viễn thông nước ngoài mà họ không biết hoặc không cho phép.
Với nhà sản xuất điện thoại di động ZTE, Lignet nói rằng, công ty này đang lợi dụng những kẽ hở an ninh thông qua backdoor điện tử trên các điện thoại di động chạy hệ điều hành Android của Google.
“Cổng hậu này được cho là có thể cho phép ai đó điều khiển từ xa máy điện thoại”, Lignet nói.
Năm 2013, Tiểu ban Các lực lượng chiến lược thuộc Ủy ban Quân lực của Hạ viện Mỹ đã yêu cầu tiến hành truy tìm trong tất cả các kho vũ khí và hạ tầng hạt nhân của Mỹ để loại bỏ các sản phẩm của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE và vì khả năng có “các backdoor hay các mã phục vụ mục đích gián điệp và/hoặc phá hoại của chính phủ Trung Quốc”, Lignet cho hay.
Mỹ nghi ngờ Trung Quốc đứng sau các hoạt động tin tặc
nhằm vào nước Mỹ. Ảnh: chinalawandpolicy.com
Các phát giác này diễn ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng, các tin tặc Trung Quốc đang tìm cách cài cắm các chương trình độc hại vào các cơ quan chính phủ Mỹ và các ngành công nghiệp, có thể đe dọa kinh tế nước Mỹ.
Có những dấu hiệu cho thấy, các cuộc tấn công này trực tiếp do chính phủ Trung Quốc chỉ đạo.
“Người Trung Quốc là những tội phạm gián điệp kinh tế tích cực và gan lỳ nhất thế giới”, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu trong báo cáo mới đây trình Quốc hội Mỹ.
“Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu thập các thông tin công nghệ và kinh tế của Mỹ sẽ tiếp tục ở mức độ cao và sẽ là mối đe dọa gia tăng và dai dẳng đối với an ninh kinh tế Mỹ”.
“Trung Quốc có lẽ vẫn là đối tượng thu thập một cách quyết liệt và tài giỏi những thông tin kinh tế và công nghệ nhạy cảm của Mỹ, nhất là trong không gian điều khiển học”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết thêm.
Một vấn đề khác do các nguồn tin nêu ra là việc Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc khác cũng cung cấp công nghệ cho Iran và Taliban.
Theo các nguồn tin, mạng lưới an ninh của Iran dựa trên các công nghệ của Huawei, và theo các nguồn tin, điều đó đưa ra một triển vọng là Iran cũng sẽ có khả năng tiếp cận ngầm bằng backdoor như các cơ quan tình báo Trung Quốc đối với ngành công nghiệp quốc phòng và các ngành công nghiệp nhạy cảm khác của Mỹ.
Mối lo sợ này gia tăng thêm bởi những đe dọa mới của Iran mở chiến tranh điều khiển học với Mỹ để đáp lại những phát giác mới đây khẳng định Mỹ là thủ phạm chính phát động cuộc tấn công điều khiển học phức tạp nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran.
Đây là chiến dịch có mật danh “Thế vận hội Olympic” (Olympic Games) do chính quyền Obama cùng với Israel tiến hành nhằm phát động cuộc chiến tranh điều khiển học chống Iran. Tiết lộ đó cho thấy, không còn nghi ngờ gì nữa, chính Mỹ và Israel đứng sau việc phát tán virus Stuxnet vào các máy ly tâm làm giàu uranium của Iran.
Một nguồn tin nói rằng, Washington cũng đã tuyên bố, một cuộc tấn công điều khiển học nhằm vào các hệ thống máy tính Mỹ sẽ là một hành động chiến tranh và họ sẽ kêu gọi giáng trả bằng quân sự. Đầu tháng này, Lầu Năm góc cũng tuyên bố, Mỹ sẽ giáng trả quân sự ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công điều khiển học vào các mạng máy tính chính phủ Mỹ, thực chất Mỹ đã coi hoạt động tin tặc là một hành động chiến tranh.
Ấy vậy mà chính Mỹ đã bắt đầu một cuộc tấn công như thế vào Iran, quốc gia hiện nay cũng đang đe dọa làm điều tương tự đối với các hệ thống máy tính của Mỹ.
Trong nỗ lực phát hiện các cuộc tấn công điều khiển học trước khi chúng gây ra thiệt hại quá lớn, các nguồn tin khẳng định, hiện có hàng triệu dòng mã lập trình truyền tin một cách tin cậy nên việc tìm mã độc sẽ khó và tốn kém về kinh tế.
Phản ứng với các cáo buộc của Mỹ, chính quyền Trung Quốc luôn bác bỏ sự dính líu đến các hoạt động tin tặc nhằm vào nước Mỹ.
Theo Báo Đất Việt