Mỹ cần gỡ rối xung đột Đài Loan – Philippines
Mỹ cần đứng ra làm trung gian hòa giải cho tranh chấp lãnh thổ giữa Đài Loan và Philippines vì lợi ích của chính nước Mỹ cũng như trên Biển Đông.
Đài Loan và Philippines hiện đang rơi vào thế bế tắc về ngoại giao sau vụ một ngư dân Đài Loan bị Cảnh sát biển Philippines bắn chết hôm 09/5 trên vùng biển mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Trong tình hình đó, giáo sư Charles I-Hsin Chen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan, Đại học London cho rằng Mỹ cần đứng ra làm trung gian hòa giải cho tranh chấp lãnh thổ giữa Đài Loan và Philippines vì lợi ích của chính nước Mỹ cũng như trên Biển Đông.
Lời xin lỗi cá nhân của Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã không được nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu chấp nhận vì thiếu tính chính thức và chưa đề cập đến việc bồi thường. Đài Loan đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển gần Philippines và thực hiện một loạt lệnh cấm vận nhằm hối thúc Manila thảo luận tìm ra một giải pháp hiện rất mờ mịt.
Cả hai bên đều đang tranh cãi về những gì đã thực sự xảy ra trên vùng biển tranh chấp này. Phía Philippines cho rằng cái chết của ngư dân này là một “mất mát không may và không cố ý” sau hành động “tự vệ” của lực lượng Cảnh sát biển nước này nhằm ngăn chặn tàu cá Đài Loan đâm thẳng vào tàu công vụ Philippines. Trong khi đó, Đài Loan gọi hành động này là một “vụ sát nhân máu lạnh” vì Cảnh sát biển Philippines đã bắn hơn 50 viên đạn vào tàu cá không vũ trang của Đài Loan mà theo Mã Anh Cửu là “một vụ giết người không thể bào chữa theo luật quốc tế”.
Video đang HOT
Tàu tuần tra của Cảnh sát biển Philippines
Căng thẳng leo thang giữa hai đồng minh thân cận này đang khiến cho Mỹ bối rối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc hai bên “kiềm chế tránh các hành động khiêu khích” và “có mọi biện pháp thích hợp để giải quyết bất đồng và ngăn ngừa thảm kịch tái diễn.” Đồng thời, Mỹ vẫn giữ nguyên tắc trung lập đối với các trường hợp tranh chấp lãnh thổ trên các vùng biển.
Tuy nhiên, việc làm này của Mỹ là vẫn chưa thỏa đáng. Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để tháo gỡ căng thẳng cũng như xây dựng một mô hình hòa bình và hợp tác để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác trên Biển Đông. Sự can thiệp của Mỹ hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Đối với Philippines, đó có thể là cách duy nhất để thuyết phục Tổng thống Aquino thay đổi thái độ. Nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ, bất cứ sự nhượng bộ nào đối với Đài Loan dưới sức ép của lệnh cấm vận có thể phản tác dụng. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh Philippines vừa mất sự kiểm soát thực tế đối với bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc sau cuộc đối đầu trên biển kéo dài hơn 9 tháng. Bởi vậy nếu không có sự đóng góp của Mỹ, Manila sẽ thiếu động lực để giải quyết vấn đề tranh chấp này.
Về phía Đài Loan, sự can thiệp của Mỹ có thể là cái cớ hay nhất để Đài Bắc ngừng đưa ra các lệnh cấm vận mang tính đe dọa đối với Manila. Phong trào chống Philippines ở Đài Loan đã buộc nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu phải đưa ra lập trường ngày càng cứng rắn hơn nữa.
Cơ hội hòa giải trở nên ít hơn khi Đài Loan quyết định áp dụng 11 lệnh cấm vận trong lúc hai bên đang tìm cách thảo luận giải pháp cho vấn đề. Các lệnh cấm vận này bao gồm triệu hồi đại diện ngoại giao, dừng cấp giấy phép lao động, đình chỉ các hoạt động trao đổi và hợp tác với Philippines. Các lệnh cấm vận này được ban hành cùng với lời hứa thường xuyên cử tàu chiến và tàu Cảnh sát biển hộ tống tàu cá ngư dân tới các vùng biển tranh chấp.
Đài Loan cử tàu chiến và tàu Cảnh sát biển hộ tống ngư dân trên vùng biển tranh chấp
Tuy nhiên, có vẻ như các đòn dọa dẫm của Đài Loan đã tung ra hết mà Manila vẫn không hề hấn gì. Thế nên lúc này một chính sách ngoại giao con thoi kịp thời và phù hợp của Mỹ sẽ được Đài Loan chào đón.
Vai trò chủ động của Mỹ nhằm xúc tiến một cuộc thương thảo hiệu quả giữa hai bên trong cuộc tranh chấp này có thể phục vụ cho lợi ích của chính nước Mỹ. Với tầm ảnh hưởng to lớn của mình lên cả Philippines và Đài Loan, cái giá của việc dàn xếp một giải pháp cho vấn đề này là rất thấp, thấp hơn nhiều so với các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác ở tây Thái Bình Dương.
Hiện nay Mỹ đang tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử chung cho các bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng chưa thành công. Một mô hình đi đến thỏa thuận giữa Đài Loan và Philippines đối với quyền đánh cá ở các vùng biển chồng lấn có thể được coi là phiên bản thu nhỏ của một khuôn khổ giải quyết tranh chấp biển ở phạm vi lớn hơn.
Đề xuất về “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Ấn Độ – Thái Bình Dương” được Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đưa ra gần đây có thể là nền tảng cho một hiệp ước chấm dứt vòng luẩn quẩn tranh chấp chủ quyền không chỉ ảnh hưởng đến Đài Loan và Philippines mà còn tới các quốc gia tây Thái Bình Dương khác, đồng thời nó có thể dọn đường cho “trục chiến lược Châu Á” mà Tổng thống Mỹ Obama đưa ra gần đây.
Theo 24h