Mỹ “bơm” thêm đạn pháo HIMARS cho Ukraine
Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự bổ sung mới cho Ukraine trị giá 175 triệu USD, cao hơn đáng kể các gói viện trợ được công bố gần đây nhất.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6/12 công bố gói viện trợ quân sự trị giá 175 triệu USD nhằm giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng không và bù đắp thiếu hụt đạn pháo, vũ khí chống tăng và các thiết bị khác trong cuộc xung đột đang diễn ra, Reuters đưa tin.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo HIMARS. Ảnh: New York Times
Vũ khí được cung cấp trong gói viện trợ mới này được lấy trực tiếp từ kho của quân đội Mỹ nên sẽ nhanh chóng được đưa ra chiến trường. Lầu Năm Góc xác nhận đây là lần thứ 52 Mỹ lấy khí tài trong kho để chuyển sang Ukraine kể từ tháng 8/2021.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các loại vũ khí trong gói viện trợ mới nhất bao gồm đạn tên lửa phòng không AIM-9M và AIM 7; pháo phản lực cho hệ thống HIMARS; đạn pháo cỡ nòng 155 và 105mm; tên lửa HARM; tên lửa chống tăng Javelin, TOW và hơn 4 triệu viên đạn.
Ngoài ra, Mỹ cũng cấp cho Ukraine một lượng không xác định xe kéo, thiết bị dọn đường, thiết bị bảo vệ cơ sở hạ tầng và phụ tùng để bảo dưỡng những vũ khí đã được cung cấp từ trước.
Video đang HOT
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine có giá trị lớn hơn đáng kể hai gói gần nhất vào các ngày 3/11 (125 triệu USD) và 20/11 (100 triệu USD). Trước đây, các gói viện trợ thường được công bố khoảng hai tuần một lần, trị giá 300-500 triệu USD.
Nhà Trắng gần đây cảnh báo nước này sắp cạn tiền viện trợ Ukraine. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ hôm 6/12 tiếp tục bỏ phiếu loại trừ khả năng thảo luận về dự luật ngân sách 110,5 tỷ USD cho an ninh quốc gia, với kết quả 51 phiếu chống và 49 phiếu ủng hộ.
Toàn bộ các nghị sĩ Cộng hòa kiểm soát Thượng viện đều bỏ phiếu chống. Nghị sĩ độc lập Bernie Sanders, người thường xuyên ủng hộ phe Dân chủ, cũng bỏ phiếu chống sau khi bày tỏ lo ngại về chiến dịch của Israel ở Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 10 kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách an ninh quốc gia, trong đó ràng buộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine với 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong chiến dịch tấn công Hamas.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa yêu cầu tách hai gói viện trợ ra; đồng thời nhấn mạnh gói ngân sách an ninh cần các điều khoản tăng cường kiểm soát biên giới phía Nam nước Mỹ. Họ cũng muốn chính quyền của ông Biden thể hiện trách nhiệm lớn hơn với các khoản viện trợ ra nước ngoài.
Lý do Tổng thống Ukraine hủy bài phát biểu trực tuyến trước Thượng viện Mỹ
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov đã giải thích lý do Tổng thống Volodymyr Zelensky không phát biểu trực tuyến trước Thượng viện Mỹ theo kế hoạch.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 23/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, nguyên nhân là do cuộc chiến ở Ukraine và tình hình liên tục thay đổi. Ông Rustem Umierov nói thêm: "Nhưng tôi nghĩ, Tổng thống Zelensky sẽ đánh giá cao việc này và sẽ phát biểu vào lần tới khi có thể".
Trước đó, ngày 5/12, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, cho biết ông Zelensky đã hủy bài phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ qua hình thức trực tuyến. Dự kiến, ông sẽ nói về tình hình ở tiền tuyến và nhu cầu về vũ khí của Ukraine.
Bài phát biểu này có ý nghĩa quan trọng vì Quốc hội Mỹ vẫn chưa ủng hộ phân bổ viện trợ bổ sung cho Ukraine, trong khi nguồn tiền được phân bổ trước đó sẽ hết hạn trong năm nay.
Trong bức thư công bố ngày 5/12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã nhắc lại yêu cầu được cung cấp thêm thông tin về chiến lược đối với Ukraine và nhắc lại yêu sách của đảng Cộng hòa đòi chính quyền thay đổi chính sách nhập cư. Động thái này tiếp tục gây ra tình trạng bế tắc trong cuộc tranh luận kéo dài nhiều tuần giữa các bên về hỗ trợ an ninh cho Kiev.
Ông Johnson công bố lá thư trên để hồi đáp lá thư của Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young hôm 4/12, trong đó bà cảnh báo rằng Washington sắp hết thời gian và tiền bạc để giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022, nhưng chưa thông qua bất kỳ khoản viện trợ nào cho Kiev kể từ khi đảng Cộng hòa tiếp quản Hạ viện từ tay đảng Dân chủ vào tháng 1/2023.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp 106 tỷ USD để trợ giúp Ukraine và Israel, nhưng các nghị sĩ từ chối thực hiện yêu cầu này.
Cũng liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, ngày 5/12, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Liên bang Nga tại Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyansky cho hay theo yêu cầu của Nga, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức cuộc họp về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev vào ngày 11/12.
Trong ngày 5/12, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal cho biết trên tài khoản mạng xã hội: "Năm nay, chúng tôi đã chi 3,4 nghìn tỷ hryvnia (khoảng 93 tỷ USD), trước hết, cho an ninh và quốc phòng, cũng như các mục ngân sách quan trọng. Chúng tôi đang bù đắp thâm hụt ngân sách hơn 1.000 tỷ hryvnia (27,3 tỷ USD) bằng sự hỗ trợ của các đối tác". Theo ông Shmyhal, trong 11 tháng qua, Ukraine đã nhận được 37,4 tỷ USD tài trợ nước ngoài, trong đó có 14 tỷ USD thông qua quỹ của Ngân hàng Thế giới.
Thủ tướng Shmygal trước đó từng tuyên bố Ukraine phân bổ 100% tiền thuế thu được từ người dân và doanh nghiệp cho nhu cầu quân sự. Trong khi đó, Bộ Tài chính Ukraine báo cáo, trong 9 tháng qua, chi tiêu cho nhu cầu quân sự đã vượt 34 tỷ USD, chiếm gần 60% chi ngân sách nhà nước.
Liên quan tới vấn đề hỗ trợ Ukraine, ngày 29/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này và các đồng minh vẫn kiên định ủng hộ Ukraine bất chấp những nghi ngờ về hỗ trợ trong tương lai và bế tắc trong cuộc xung đột ở nước này.
Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine ở Brussels (Bỉ). Ông nhấn mạnh các đồng minh NATO đã nhất trí sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và ông cũng nhận thấy cả hai viện Quốc hội Mỹ đều tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Nhà Trắng cảnh báo Mỹ đang cạn tiền cho Ukraine Mỹ sẽ hết kinh phí để gửi vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine vào cuối năm nay và điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến thực tế chiến trường Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 21/12/2022. Ảnh: AFP Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ qua video...