Mỹ bắt nghi phạm mới trong vụ gửi thư tẩm chất độc cho Obama
Hôm qua, lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đã bắt giữ nghi phạm mới có tên James Everett Dutschke vì bị nghi đã gửi những bức thư tẩm chất độc ricin tới Tổng thống Obama, một thượng nghị sỹ và một thẩm phán.
Dutschke bị nghi đã gửi thư tẩm độc tới Tổng thống Obama
James Everett Dutschke bị bắt tại nhà riêng ở thành phố Tupelo, bang Mississippi vào khoảng 12 giờ 50 phút sáng qua theo giờ địa phương. Tên này bị cáo buộc tội danh sở hữu một chất độc hóa học với ý định sử dụng làm vũ khí. Phát ngôn viên của FBI khẳng định với AFP.
Trước đó ông Scott Floyd, thành viên sở cảnh sát Tupelo cũng đã xác nhận về vụ bắt giữ. Tuy nhiên các chi tiết cụ thể hơn liên quan đến nghi phạm này chưa được công bố.
Nếu bị tòa án liên bang kết tội, Dutschke có thể phải đối mặt với mức án tối đa là tù chung thân kèm theo khoản phạt tiền 250.000 USD. Dự kiến vào thứ hai tới, nghi phạm sẽ được đưa ra xét xử tại một tòa án cấp quận tại bang Mississippi.
Hôm thứ Ba và thứ Tư vừa qua, các đặc vụ FBI cùng thành viên của lực lượng chống khủng bố thuộc lực lượng cảnh vệ quốc gia Mississippi đã lục soát nhà của Dutschke và địa điểm nơi từng là võ đường do tên này điều hành tại Tupelo.
Cơ quan điều tra đã chuyến hướng sang Dutschke sau khi nghi phạm đầu tiên là Paul Kevin Curtis được xác định vô tội. Các cuộc khám xét nhà của ông Curtis không cho thấy bằng chứng nào về việc người này đã gửi các bức thư tẩm chất độc ricin tới Tổng thống Obama, thượng nghị sỹ Roger Wicker và thẩm phán của Mississippi Sadie Holland.
Hal Neilson, luật sư của ông Curtis cho biết tên của Dutschke nằm trong danh sách một loạt người bị tình nghi có lí do để làm hại thân chủ mình.
Video đang HOT
Trước đây ông Curtis từng làm việc vài năm cùng Dutschke và họ đã thảo luận về việc phát hành một cuốn sách có tên “Missing Pieces” (tạm dịch: Những bộ phận bị đánh cắp), về âm mưu bán các bộ phận cơ thể người trên thị trường chợ đen. Nhưng rồi Dutschke quyết định không xuất bản.
Dù vậy ông Dutschke lại khẳng định với hãng tin AP rằng mình không biết rõ Curtis và rằng lần cuối cùng hai người liên lạc là năm 2010.
Và Dutschke còn cho rằng Curtis đã gài bẫy mình để thoát tội. “Tôi đoán Kevin đã vô vọng. Có cảm giác hắn ta muốn chạy khỏi một tội ác rõ ràng”, Dutschke trả lời trên tờ Clarion Ledger trước khi bị bắt. “Nó đã khiến gia đình tôi trở nên rất không an toàn, khiến chúng tôi thành mục tiêu và điều đó thật vô lý và vô trách nhiệm”.
Gia đình của thẩm phán Holland được cho là đã đối đầu với Dutschke trong một cuộc vận động chính trị tại thành phố Verona năm 2007 khi người này là ứng viên của đảng Cộng hòa và ganh đua cùng con trai của nhà Holland. Ông Holland khẳng định Dutschke có một bài diễn văn bôi nhọ gia đình mình và sau đó mẹ của tên này đã buộc hắn phải xin lỗi.
Theo Dantri
Cuộc sống bần cùng ở nơi nghèo nhất nước Mỹ
Delta nổi tiếng là góc nghèo nhất ở bang Mississippi nghèo nhất nước Mỹ. Và, những gì mà một chút cơ hội kinh tế của khu vực mang lại chỉ là vài nhà máy bên bờ phá sản.
Nhà báo Paul Adams của BBC đã có bài phóng sự về cuộc sống ở nơi bần cùng nhất nước Mỹ này.
Vẫn còn đó những ngôi nhà siêu vẹo ở Mississippi sau bao nhiêu năm.
Mississippi Delta từ lâu đã là điển hình những khó khăn nghèo đói. Khu vực này là nơi trú ngụ của những kẻ buồn chán và chưa bao giờ thoát khỏi tiếng tăm khổ cực, bần hàn và phân biệt chủng tộc.
Khi một tay nhiếp ảnh trẻ tuổi, Al Clayton, ghi lại khung cảnh của khu vực năm 1967, những hình ảnh mà anh chụp được - về những đứa trẻ suy dinh dưỡng và những người sống trong căn nhà siêu vẹo - đã thu hút sự chú ý của cả nước về tình cảnh tuyệt vọng nơi đây.
Những bức ảnh đen trắng, được tập hợp trong cuốn sách Vẫn đói ở Mỹ (Still Hungry in America), đã gây sốc cho toàn nước này. Và đối với Clayton, những gì chứng kiến khiến ông rất bàng hoàng.
"Thật khó để mà vượt qua", Clayton ngày nay nhớ lại.
Quá ít thay đổi
Mặc dù tính chất đặc biệt của cảnh nghèo ở Missisippi Delta đã thay đổi sau hơn một nửa thế kỷ nhưng khu vực này vẫn chìm trong khủng hoảng.
Tính trên cả nước, có 14,3% người Mỹ sống nghèo vào năm 2009. Ở bang Mississippi, con số này là 22% và ở một số hạt như Delta là 48%.
Delta, nơi dạ dày trẻ nhỏ từng sưng phồng vì suy dinh dưỡng, giờ đây là khu vực béo nhất ở Mỹ và đứng đầu cả nước về tình trạng trẻ nhỏ mang thai và cha mẹ đơn thân.
Một số ngõ ngách ở Belzoni, một thị trấn mà nhiếp ảnh gia Clayton tới thăm cùng với nhân viên về quyền dân sự Kenneth Dean, gần như không hề thay đổi. Phố số 3 vẫn còn đó với những ngôi nhà bằng gỗ siêu vẹo trống hoác.
Tuy giờ đây đã có nhà vệ sinh và nước máy song những ngôi nhà ọp ẹp này vẫn y nguyên như 44 năm trước. Hai căn nhà trên một cánh đồng cạnh Cao tốc 49 giờ biến thành một phần của bảo tàng.
"Chúng cũ nát như hồi năm 1967", ông Dean nói khi tới thăm khu vực ngày nay.
Nhưng có một số điều đã thay đổi kể từ Clayton lần đầu tiên giơ máy ảnh chụp lại cảnh nghèo thê thảm.
Vào thập niên 1960, những căn nhà này là nơi sinh sống của các bà mẹ đơn thân đang chật vật xoay xở cái ăn cho con cái. Một số cư dân gốc ở Phố số 3 nay vẫn sống ở đây, nhưng hầu hết là nam giới thất nghiếp, một số đắm chìm trong ma túy và bia rượu.
Belzoni vẫn đầy phụ nữ độc thân, nhưng nhiều người trong số họ sống ở các ngôi nhà dành cho các đối tượng thu nhập thấp bên rìa thị trấn.
Trẻ em ở Mississippi Delta ngày nay được chăm sóc và giáo dục tốt hơn so với thập niên 1960 nhờ các chương trình của chính phủ.
Nhờ chương trình Head Start bắt đầu từ những năm 1960 và kéo dài trong nhiều năm, con cái của họ được ăn uống và đi học trong những môi trường tốt, chẳng hạn như trung tâm dành cho trẻ trước tuổi đến trường của tổ chức Những người bạn của Trẻ em Mississippi.
Nhu cầu đối với những chương trình như vậy rất lớn, theo giám đốc điều hành Marvin Hogan. Hơn 93.000 trẻ nhỏ Mississippi dưới 6 tuổi sống trong cảnh nghèo đói, ông Hogan cho biết.
"Có rất nhiều trẻ nhỏ", ông nói.
Một số bà mẹ làm việc ở nhà máy chế biến cá da trơn ở Isola gần đó.
Vào thập niên 1960, ngành chế biến cá da trơn đã giúp tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp do hết thời lĩnh canh và nông nghiệp được cơ giới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ châu Á đã buộc một số nhà máy trong khu vực phải đóng cửa, và sự sa sút của ngành này đã tạo ra một nguy cơ lớn đối với khu vực, theo Dick Stevens - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Cá da trơn.
"Tôi không thấy có gì sắp tới ở đây thay thế được ngành đó", ông nói. "Tình hình tồi tệ gần như hồi xưa. Ở khu vực này, hoặc bạn làm việc trong một nhà máy cá da trơn, trong lĩnh vực giáo dục hoặc y tế, hoặc bạn không làm gì. Thế đấy. Không có gì khác".
Sản xuất cá da trơn là một trong những ngành mạnh nhất ở Mississippi Delta nhưng họ đang đối mặt với khó khăn do sự cạnh tranh từ châu Á.
"Vẫn đang thoái lui"
Trong một nỗ lực nhằm xuất khẩu những gì mà những cơ hội ít ỏi mang lại, một trung tâm đào tạo việc làm ở Belzoni đã mở nhiều khóa về điều dưỡng và tin học.
Marcus Dennard, sinh ra trong gia đình có cha mẹ làm lĩnh canh vào năm mà Al Clayton và Kenneth Dean lần đầu tiên tới khu vực, đang học để trở thành nhân viên điều dưỡng. Có rất ít các cơ hội khác ở đây, anh cho biết.
"Thế hệ trẻ hơn không có gì để làm", anh bày tỏ. "Chúng tôi không có giao thông công cộng để đi lại làm việc. Tất cả họ đều quẩn quanh, làm những gì có thể để sống sót".
Dennard nói rằng Delta cảm thấy bế tắc. "Tất cả mọi người dường như đều cố gắng nhưng lại thấy bị tụt lùi. Vì vậy, tôi đang làm tất cả những gì có thể".
Trong một phòng tại trung tâm đào tạo việc làm, hai sinh viên đang học trích máu tĩnh mạch. Hồi những năm 1960, họ đã có thể tiêm chủng cho trẻ nhỏ phòng các bệnh truyền nhiễm hoành hành khắp các cộng đồng ở Delta.
Ngày nay, những căn bệnh đó gần như đã bị tiệt trừ, nhưng nhân viên y tế phải đối mặt với các căn bệnh khác: béo phì và tiểu đường.
Quá khứ đau thương
Ở một khía cạnh lớn khác, cuộc sống đã được cải thiện.
Cảnh áp bức và bạo lực mà người Mỹ gốc Phi phải chịu đựng giờ không còn nữa, và Belzoni đang có một thị trưởng và cảnh sát trưởng da màu.
Nhưng một vấn đề thâm căn cố đế, bắt nguồn từ quá khứ đau thương của khu vực này, vẫn còn đó.
"Dân số lớn này, được tạo thành bởi sự ra đời của chế độ nô lệ, vẫn ở đây", ông Dean cho biết. "Làm thế nào mà dân số này vươn tới các tài sản và giá trị quy chuẩn Mỹ trung lưu khi mối quan hệ của họ với đất bị cắt đứt?".
Theo VietNamNet