Mỹ ban hành lệnh trừng phạt các công ty Triều Tiên và Trung Quốc
Sau khi đưa Triều Tiên vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố, Mỹ tiếp tục ban hành lệnh trừng phạt lên các doanh nghiệp vận tải Bình Nhưỡng và các công ty thương mại Trung Quốc, động thái nhằm cô lập và gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Một tàu chở hàng Triều Tiên (Ảnh minh họa: NBC News)
Theo SCMP, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã ban hành lệnh trừng phạt các doanh nghiệp vận tải Triều Tiên và các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có giao kết thương mại với Bình Nhưỡng.
Bộ Tài chính Mỹ đồng thời đưa một công ty Triều Tiên vào danh sách đen với cáo buộc hỗ trợ xuất khẩu lao động Triều Tiên ra thị trường nước ngoài. Động thái này diễn ra đúng 1 ngày sau khi, Mỹ đưa Triều Tiên vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết những công ty trong danh sách trừng phạt bị cáo buộc đã hợp tác thương mại với Triều Tiên mang lại doanh thu hàng trăm triệu USD. Ông Mnuchin khẳng định Mỹ cũng tiếp tục đưa các doanh nghiệp vận tải Triều Tiên vào danh sách đen, động thái nhằm gây bất lợi cho hoạt động giao thương của Bình Nhưỡng với thế giới.
Trong số các doanh nghiệp bị áp lệnh trừng phạt mới có 4 công ty Trung Quốc và 1 cá nhân Trung Quốc được cho là có quan hệ thương mại chặt chẽ với Triều Tiên. Các công ty và cá nhân này sẽ bị cấm sở hữu tài sản ở Mỹ hoặc hợp tác với doanh nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt lần này được cho là đã xuất khẩu sang Triều Tiên lượng hàng hóa giá trị gần 700 triệu USD và nhập khẩu từ Triều Tiên 100 triệu USD từ năm 2013 tới nay.
Trong nỗ lực cô lập Bình Nhưỡng, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt với Bộ Giao thông vận tải và cơ quan hàng hải Triều Tiên, cấm 6 công ty vận tải và thương mại cùng 20 tàu vận tải mang cờ Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ lên án hành động lách lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc mà Triều Tiên đang thực hiện bao gồm phương pháp vận chuyển hàng từ tàu qua tàu. Cơ quan này đã công bố bức ảnh chụp vệ tinh cho thấy tàu Rye Song Gang 1 của Triều Tiên âm thầm chuyển dầu thô theo cách trên để giao thương với công ty nước ngoài.
Khi Tổng thống Trump tuyên bố đưa Triều Tiên trở lại danh sách quốc gia tài trợ khủng bố, ông cho biết Mỹ sẽ gây áp lực tối đa với những lệnh trừng phạt ở mức độ cao nhất tới Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng biện pháp ngoại giao và thương lượng để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên vẫn còn hy vọng. Tuy nhiên, phía Triều Tiên ngoài lên án lệnh trừng phạt, còn thể hiện quan điểm cứng rắn sẽ “trừng phạt không khoan nhượng” những hành động chống phá chế độ Bình Nhưỡng.
Video đang HOT
Đức Hoàng
Theo SCMP
Báo Mỹ nghi Triều Tiên đang âm thầm "rửa tiền" ở Hong Kong
Một nghiên cứu của CNN Mỹ cho thấy dường như Triều Tiên đang vận hành trơn tru một đường dây các công ty vỏ bọc, nhằm che giấu cho các hoạt động buôn bán giao thương để lách qua "cánh cửa hẹp" của lệnh trừng phạt và cô lập từ Liên Hợp Quốc và Mỹ.
Các tòa nhà cao tầng tại Hong Kong (Ảnh: Jll property)
Tòa cao ốc Easey là tòa nhà văn phòng trung cấp nằm khiêm tốn trên đường Hennessy ở khu vực quận Wan Chai đông đúc ở Hong Kong. Khung cảnh ở đây là điển hình của một Hong Kong với ánh sáng rực rỡ, nhà cao tầng và dòng người hối hả từ mọi nẻo đường.
Nhưng dường như đây chỉ là lớp vỏ "ngụy trang" cho một công ty vỏ bọc, công ty chỉ có tên và không thực sự có hoạt động.
Phòng 2103 của tòa nhà Easey là nơi đăng ký kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn Unaforte, Hong Kong. Đây là công ty nằm trong danh sách đen của Liên Hợp Quốc với cáo buộc vi phạm nghị quyết khi công ty này dường như đã giúp đỡ Triều Tiên thu về nguồn ngoại tệ để duy trì tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, địa chỉ trên giấy tờ ở tầng 21 tòa nhà Easey là thứ duy nhất công ty Unaforte sở hữu. CNN cho biết thậm chí còn không có công ty nào có tên như vậy tồn tại ở đây và phòng 2103 lại đang là trụ sở của một công ty khác. Khi CNN hỏi một người đàn ông thường hay đến đây nhận bưu phẩm, anh này cho biết anh chưa từng nghe thấy cái tên Unaforte bao giờ.
Theo 2 báo cáo gần đây của Hội đồng các chuyên gia của LHQ về vấn đề Triều Tiên, Unaforte dường như đã mở và sở hữu một ngân hàng ở thành phố Rason, Triều Tiên. Theo Christopher Wall, một luật sư chuyên về luật thương mại quốc tế người Mỹ, đây có thể được coi là hành động vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ về việc cấm các công ty quốc tế liên doanh với Triều Tiên.
Công ty vỏ bọc
Cây rút tiền tự động tại ngân hàng Ryugyong, Triều Tiên. (Ảnh: The Denver Post)
Theo CNN, Unaforte không phải là trường hợp duy nhất. Nó chỉ là 1 trong rất nhiều các công ty vỏ bọc bị LHQ, các tổ chức phi chính phủ và cơ quan hành pháp Mỹ nghi vấn giúp Triều Tiên "rửa tiền".
Công ty vỏ bọc được CNN định nghĩa là công ty hợp pháp nhưng không sở hữu tài sản giá trị hoặc vận hành các hoạt động kinh doanh. Một số doanh nghiệp phục vụ các mục đích kinh doanh hợp pháp như tạo nền tảng ở thị trường nước ngoài hoặc mang lại lợi ích về thuế. Một số công ty khác lại bị biến tướng thành công cụ che giấu các giao dịch bất hợp pháp.
Triều Tiên được cho là đã sử dụng các công ty này nhằm thực hiện các hoạt động giao thương "lách" qua lệnh trừng phạt, vượt qua "tai mắt" của các cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi quá trình thực thi nghị quyết của LHQ vơi Bình Nhưỡng.
Theo ông Hugh Griffiths, thành viên Hội đồng các chuyên gia của LHQ, Hong Kong và đảo British Virgin được cho là những nơi các công ty vỏ bọc của Triều Tiên đang hoạt động nhiều nhất.
Khi điều tra thông tin liên quan tới Unaforte, CNN phát hiện ra có duy nhất một cái tên của một người đàn ông. Người này sở hữu hộ chiếu từ Dominica, đảo nhỏ ở vùng Caribe và không có số điện thoại liên lạc.
Điều tra trên đã tiếp tục dẫn tới nghi vấn khác khi theo luật Hong Kong, điền kiện để thành lập một công ty là phải có 1 giám đốc (người thật) và 1 thư ký (cá nhân hay tổ chức nhưng phải ở tại Hong Kong). Dù văn phòng được đăng ký tại Hong Kong, nhưng các công ty này được phép được chia sẻ trụ sở và thư ký cũng như vận hành hoạt động kinh doanh ở nơi khác.
Theo báo cáo năm 2016 của công ty C4ADS, công ty phân tích các số liệu về an ninh có trụ ở tại Mỹ, có khoảng 160 công ty bị nghi là vỏ bọc của Triều Tiên. Báo cáo của công ty cùng ngành Sayari Analytics, Mỹ cũng cho thấy có 100 công ty Hong Kong bị cáo buộc có liên hệ với Bình Nhưỡng.
Hệ thống luật pháp của Hong Kong về đăng ký kinh doanh nhằm tạo ra cho các doanh nghiệp cơ hội làm ăn dễ dàng hơn. Tuy nhiên CNN cho rằng, lợi dụng sự "lỏng lẻo" của luật pháp, Triều Tiên có thể đã tìm cách lách qua những quy định này. Ví dụ như ở Hong Kong có dịch vụ thư ký trợ giúp các doanh nhân nước ngoài thành lập công ty dễ hơn. Và Unaforte được cho là đã sử dụng dịch vụ này.
Những thương vụ ngầm
Một tàu chở hàng Triều Tiên (Ảnh: The Times of Israel)
Dưới áp lực của lệnh trừng phạt, Triều Tiên khi muốn mua một mặt hàng nhu yếu phẩm được cho là đã phải trải qua một quy trình phức tạp thông qua một "mê cung" các công ty. Một vụ việc năm 2016 cho thấy dường như họ đã phải thông qua một công ty tên là DHID, một ngân hàng, một công ty Canada để thực hiện nhập khẩu hàng hóa.
Đó là vì DHID hay Unaforte không thể thực hiện giao dịch qua đồng USD. Mỹ đã nhiều lần truy vết ra các công ty có liên quan tới Triều Tiên thông qua hệ thống lưu chuyển tiền tệ của đồng USD. Theo ông Anthony Ruggiero, chuyên gia tài chính Mỹ cho biết Triều Tiên có thể đã sử dụng một hệ thống sổ cái phức tạp và cơ chế tín dụng "lòng vòng" nhằm che giấu việc nước này có tham gia vào các thương vụ mua bán sử dụng đồng USD.
Mười ba công ty vỏ bọc của DHID nằm ở Hong Kong và 7 trong số đó cùng đăng ký địa chỉ kinh doanh ở Wan Chai.
Theo bà Jessica Knight, giám đốc phân tích của công ty Sayari Analytics, ngoài DHID còn có hơn 100 công ty khác ở Hong Kong và 300 công ty ở Trung Quốc đại lục có liên quan tới mạng lưới "lách luật" của Triều Tiên. Luật pháp ở Hong Kong dễ dàng cho việc kinh doanh cùng với mối quan hệ thương mại Trung -Triều lâu năm nên bà Knight cho biết bà không thấy lấy làm lạ khi mạng lưới này dần được chuyển dịch sang Hong Kong.
Theo CNN, Hong Kong là một trong những nơi Triều Tiên dường như quy đổi ngoại tệ họ kiếm được từ các hoạt động buôn bán "lách luật" sang đồng USD.
Vì vậy, hiện tại Mỹ đang áp dụng chiến lược "áp lực hòa bình" nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Với tham vọng cắt đứt triệt để mọi mối quan hệ với Triều Tiên ra thị trường nước ngoài, Mỹ mong muốn sẽ gây đủ sức ép khiến Bình Nhưỡng phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Các lệnh trừng phạt gần đây nhất của LHQ là minh chứng rõ ràng cho hướng đi hiện tại của Mỹ với vấn đề Triều Tiên.
Đức Hoàng
Theo Dantri
4 tàu Triều Tiên bị "cấm cửa" toàn cầu Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã yêu cầu tất cả các quốc gia trên thế giới không cho phép 4 tàu hàng của Triều Tiên cập cảng do bị cáo buộc vận chuyển hàng cấm. Tàu Petrel 8 của Triều Tiên (Ảnh: AP) Theo AFP, ông Hugh Griffiths, người đứng đầu hội đồng các chuyên gia điều tra về việc thi...