Mỹ bác khả năng sớm công nhận chính quyền của Taliban
Mỹ tuyên bố sẽ không nhanh chóng công nhận chính quyền của Taliban, không chắc duy trì hiện diện ngoại giao ở Afghanistan sau khi rút quân vào tuần tới.
“Tôi muốn làm rõ rằng Mỹ hoặc bất cứ đối tác quốc tế nào mà chúng tôi đã đối thoại sẽ không vội vàng đưa ra bất cứ hình thức công nhận nào”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo ngày 27/8.
Mỹ tuyên bố việc công nhận bất cứ chính quyền nào do Taliban thiết lập trong tương lai phụ thuộc việc lực lượng này không cho phép Afghanistan trở thành căn cứ khủng bố và tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ.
Các tay súng Taliban đi ngang qua hai cảnh sát giao thông Afghanistan (bên trái, đội mũ trắng) trong chuyến tuần tra tại thủ đô Kabul ngày 19/8. Ảnh: AP .
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Taliban yêu cầu Mỹ duy trì hiện diện ngoại giao ở Afghanistan sau khi rút số binh sĩ còn lại ở quốc gia Trung Á vào ngày 31/8. “Họ nói với chúng tôi rằng muốn Mỹ tiếp tục hiện diện ngoại giao”, Price nói. “Tất nhiên điều này không do Taliban quyết định”.
Price cho biết Mỹ cần đảm bảo an ninh và an toàn cho các quan chức nước của mình. Price nói Taliban cam kết sẽ đảm bảo điều này, song đó chỉ là “tuyên bố miệng” và Mỹ sẽ cần chắc chắn hơn trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào.
Sau khi Taliban tiếp quản Kabul hôm 15/8, các quan chức ngoại giao của đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan di chuyển tới sân bay Hamid Karrzai, nơi quân đội Mỹ vận hành.
Mỹ giữ liên lạc chặt chẽ với Taliban khi triển khai chiến dịch di tản hàng chục nghìn người khỏi Afghanistan vào những ngày cuối của chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm.
Một vụ đánh bom liều chết xảy ra ở cổng Abbey của sân bay Hamid Karzai ngày 26/8 giữa đoàn người đang chờ vào trong. Ít nhất 170 người thiệt mạng trong vụ tấn công, bao gồm 13 binh sĩ Mỹ, khoảng 200 người khác bị thương.
Bi kịch của thanh niên Afghanistan rơi từ máy bay Mỹ
Khi Taliban bao vây Kabul ngày 15/8, Fada Mohammad kể với gia đình rằng Mỹ và Canada đang tiếp nhận bất kỳ ai muốn rời Afghanistan từ sân bay Hamid Karzai.
Cha của Fada là Payanda Mohammad khi đó chỉ nghĩ Fada Mohammad đang kể chuyện phiếm đọc được trên Facebook, vì con trai không đề cập đến việc muốn rời khỏi Afghanistan. Cuối cùng, Fada không bao giờ tới được Mỹ hay Canada, thi thể của nha sĩ trẻ được tìm thấy trên một mái nhà cách sân bay hơn 6 km, sau khi anh rơi từ vận tải cơ C-17 của Mỹ.
Đó là một trong những hình ảnh bi thảm và không thể xóa nhòa trong những ngày cuối chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan. Hơn 10 ngày sau khi hàng trăm người Afghanistan chạy theo và đu bám vận tải cơ C-17 Mỹ mang hô hiệu Reach 885, nhiều chi tiết về diễn biến tại sân bay Kabul hôm 16/8 vẫn là ẩn số.
Một video cho thấy khoảng một chục người ngồi trên nắp càng đáp của chiếc C-17. Một video khác cho thấy hai người rơi khỏi vận tải cơ đang lấy độ cao.
Trong số những thi thể được tìm thấy sau đó có Fada Mohammad và Zaki Anwari, cầu thủ bóng đá đầy tiềm năng. Không quân Mỹ cho biết phi hành đoàn chiếc C-17 quyết định rời sân bay Kabul càng nhanh càng tốt vì tình hình khi đó xấu đi nhanh chóng.
Người Afghanistan rơi khỏi máy bay C-17 ở Kabul ngày 16/8.
Wali Salek, người sống 20 năm trong khu Panjsad Family của Kabul, tự hỏi tại sao bất hạnh rơi xuống từ bầu trời khi hai thi thể rơi trúng mái nhà của ông, bao gồm Fada.
Còn cha của Fada không hiểu sao con trai cả đến sân bay Kabul hôm 16/8 mà không báo với ông. Payanda cũng đặt câu hỏi tại sao phi công Mỹ ra quyết định thiếu nhân văn khi cất cánh trong lúc nhiều người bám vào chiếc C-17.
"Nếu ai đó bám vào máy bay, phi công có quyền cất cánh không? Điều này có đúng luật không? Như thể giết một con muỗi chứ không phải một con người", Payanda nói ngày 24/8.
Fada sinh năm 1996 hoặc 1997 (cha anh không nhớ chính xác năm), vào thời Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên ở Afghanistan. Anh là con cả trong gia đình có 10 người con, lớn lên ở thị trấn Paghman, phía tây Kabul.
Payanda bán quần áo với người thân để kiếm sống và chật vật nuôi con, song ông thấy khả năng phát triển của Fada sau khi Taliban bị lật đổ năm 2001. Gia đình gom tiền cho Fada đi học nha khoa tại Đại học Shifa ở Kabul.
Sau khi tốt nghiệp, Fada cùng bạn mở phòng khám ở gần Quảng trưởng Shaheed tại Kabul với mức thu nhập khoảng 200 USD mỗi tháng. Payanda năm ngoái bán phần lớn đất đai của gia đình và vay khoảng 5.000 USD để Fada có thể kết hôn.
Payanda cho biết con trai của mình cân nhắc học thêm để có bằng cấp cao hơn. Mohamad Basir, anh họ và bạn thân của Fada, cho biết cả hai khao khát rời khỏi Afghanistan, dù đó chỉ là giấc mơ.
"Chúng tôi nghĩ nhiều về chuyện ra nước ngoài một ngày nào đó, nhưng không thảo luận quá nhiều", Basir nói. "Phải trả rất nhiều tiền và điều kiện kinh tế của gia đình cậu ấy không tốt".
Fada Mohammad. Ảnh: WSJ .
Khi Taliban tiến quân như vũ bão hồi đầu tháng 8, Fada trở nên lo lắng và không chắc điều gì sẽ xảy ra với một người được học hành và trên đà phát triển khi tình hình trở nên hỗn loạn, Payanda nói. Vô số người ở Kabul có mối lo tương tự và đổ dồn về sân bay để tìm đường thoát.
Fada rời nhà lúc 8h30 sáng 16/8, gia đình vẫn nghĩ anh tới phòng khám. Vận tải cơ C-17 mang hô hiệu Reach 885 hạ cánh xuống sân bay cùng ngày, lập tức bị hàng trăm người Afghanistan vây lấy khiến phi hành đoàn quyết định dừng dỡ hàng và cất cánh.
Video cho thấy hai trực thăng tấn công Apache bay là là trên mặt đất phía trước chiếc C-17, cố gắng xua đoàn người Afghanistan ra khỏi đường băng. Khi chiếc C-17 bắt đầu tăng tốc chạy đà, nhiều người đàn ông thả tay và chạy theo chiếc máy bay, song số khác vẫn đu bám trên đó.
Salek, nhân viên bảo vệ tại chợ Mandawi ở Kabul, đang chợp mắt thì nghe thấy âm thanh như tiếng nổ phía trên mái nhà. Khi trèo lên, Salek nhìn thấy thi thể của Fada trong một bể nước, gần đó là thi để của một thanh niên 18 tuổi.
Video do con trai của Salek quay lại cho thấy hàng xóm vây quanh thi thể của hai thanh niên, sau đó mang họ tới một thánh đường Hồi giáo gần đó. Một người kiểm tra túi của hai nạn nhân, tìm thấy căn cước công dân và điện thoại của họ.
Cha mẹ và các em của Fada được gọi tới thánh đường Hồi giáo này, những người phụ nữ gục xuống bên thi thể của anh. "Như thể đó là ngày tận thế vậy", cha của Fada nói. "Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất cuộc đời tôi".
Hàng trăm người Afghanistan chạy theo vận tải cơ C-17 của Mỹ tại sân bay Kabul ngày 16/8. Ảnh: AP .
Nhiều người vẫn chấn động trước cái chết của Fada. Salek cho biết ông hiểu mối lo sợ tăng cao ở Kabul. "Tất nhiên mọi người cần chạy trốn", Salek nói. "Nhưng với tư cách một bác sĩ và được giáo dục, Fada đáng lẽ phải có tư duy logic để biết điều gì tốt hơn, thay vì bám vào chiếc máy bay".
Còn Payanda nói rằng con trai ông chắc chắn lường trước nguy hiểm, song tin rằng phi hành đoàn sẽ không bao giờ cất cánh trong tình huống như vậy và Fada có thể có cơ hội xin đến Mỹ.
"Tất cả chúng ta chung nhận thức về con người, các phi công đáng lẽ phải hiểu tốt hơn là không cất cánh", Payanda nói. "Thay vào đó, họ tạo ra hình ảnh mất nhân tính trong mắt người Afghanistan".
Còn anh họ của Fada vẫn chật vật tìm câu trả lời cho mất mát của mình. "Cuộc đời của cậu ấy đã kết thúc. Đó là định mệnh của cậu ấy", Basir cho biết.
'Nhiều người bốc cháy rừng rực' trong vụ đánh bom sân bay Kabul Nhân chứng kể "nhiều người bốc cháy rừng rực", "không thể thở được" khi hai quả bom phát nổ giữa đám đông chờ di tản bên ngoài sân bay Kabul. Hàng nghìn người Afghanistan chiều 26/8 vẫn tập trung quanh sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, hy vọng sẽ được các binh sĩ Mỹ canh gác tại cổng Abbey cho vào...