Mỹ áp loạt biện pháp trừng phạt lớn với Nga
Mỹ công bố loạt biện pháp trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử, tấn công mạng, dù Biden và Putin lên kế hoạch gặp thượng đỉnh.
Nhà Trắng hôm nay công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 30 thực thể của Nga, gồm 6 công ty bị cáo buộc hỗ trợ cơ quan tình báo Nga tấn công mạng các cơ quan liên bang và công ty tư nhân Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đồng thời mở rộng lệnh trừng phạt hiện có với các ngân hàng Mỹ giao dịch với chính phủ Nga.
Lệnh trừng phạt còn bao gồm trục xuất hơn 10 nhà ngoại giao Nga, những người bị nhắm mục tiêu vì cáo buộc Nga treo thưởng cho các tay súng Afghanistan giết lính Mỹ. Nga phủ nhận cáo buộc này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Binden. Ảnh: AFP .
Lệnh trừng phạt đồng nghĩa Washington chính thức cáo buộc tình báo Nga thực hiện vụ tấn công mạng SolarWinds nhằm vào hơn 100 công ty Mỹ và 18.000 mạng máy tính của chính phủ và tư nhân. Chủ tịch Microsoft, một trong những công ty bị nhắm mục tiêu, cho biết độ tinh vi và quy mô cuộc tấn công SolarWinds ở mức chưa từng thấy.
Nga nhiều lần phủ nhận thực hiện vụ tấn công mạng này.
“Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden gửi đi một tín hiệu rằng Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt theo phương thức chiến lược và tác động kinh tế lên Nga nếu nước này tiếp tục hoặc leo thang các hành động gây bất ổn quốc tế”, Nhà Trắng cho hay.
Ngoài ra, Mỹ cũng trừng phạt 8 cá nhân và thực thể Nga vì sáp nhập Crimea. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Canada đã áp biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề này. EU và NATO ra tuyên bố ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng không có kế hoạch áp thêm trừng phạt.
Lệnh trừng phạt được công bố trong thời điểm quan hệ Mỹ – Nga gặp khó khăn vì nhiều vấn đề, gần đây nhất là việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 13/4 điện đàm, thống nhất “tiếp tục đối thoại”. Biden cũng đề nghị Putin tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại một nước trung lập.
Phản ứng trước thông tin trừng phạt trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ cũng là bất hợp pháp và sẽ đáp trả.
“Những gì đang được thảo luận sẽ không giúp ích cho một hội nghị thượng đỉnh. Điều đó rất rõ ràng”, Peskov nói, nhưng nhấn mạnh quyết định tổ chức hội nghị phụ thuộc vào lãnh đạo hai nước.
Mỹ lần đầu tiên áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đáng kể đối với Nga vào năm 2014 để đáp trả việc Moskva sáp nhập Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, nhằm vào các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga. Những lệnh trừng phạt này được bổ sung trong những năm qua.
Các lệnh trừng phạt cùng giá dầu lao dốc đã bóp nghẹt nền kinh tế Nga trong một thời gian, nhưng Moskva đã thích ứng bằng cách cắt giảm chi tiêu công, thay thế hàng hóa nhập khẩu nước ngoài bằng hàng hóa trong nước và dựa vào nguồn thu từ khí đốt, dầu mỏ.
Nga điều gần 2.000 lính đến biên giới Armenia - Azerbaijan
Nga triển khai lữ đoàn gồm 1.960 binh sĩ đến vùng xung đột Nagorno-Karabakh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, giám sát lệnh đình chiến giữa Armenia và Azerbaijan.
"Nga bắt đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực xung đột Nagorno-Karabakh từ 3h ngày 10/11 (10h giờ Hà Nội), song song với hoạt động rút quân của lực lượng vũ trang Armenia", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết.
Quân đội Nga đã huy động nhiều vận tải cơ Il-76 và các đoàn xe cơ giới để chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc biên chế Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 15 của Quân khu Trung tâm đến biên giới Armenia - Azerbaijan. Sở chỉ huy chiến dịch đã được thiết lập ở thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh.
Lính Nga di chuyển đến biên giới Armenia - Azerbaijan rạng sáng 10/11. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Theo thỏa thuận đình chiến được Yerevan ký với Mosvka và Baku hôm 9/11, quân đội Nga sẽ duy trì 1.960 binh sĩ, 90 xe thiết giáp và 380 xe cơ giới các loại dọc tuyến biên giới Armenia - Azerbaijan tại khu vực xung đột, cũng như hành lang giao thông nối Nagorno-Karabakh với lãnh thổ Armenia.
Thỏa thuận có hiệu lực từ 1h ngày 10/11 (4h ngày 10/11 giờ Hà Nội) sẽ chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh.
"Tôi vừa ký một tuyên bố với Tổng thống Nga và Tổng thống Azerbaijan về chấm dứt cuộc chiến Karabakh. Đây là động thái đau đớn không thể tả với cá nhân tôi và với người dân. Tôi đưa ra quyết định sau những phân tích chuyên sâu về tình hình quân sự. Thỏa thuận này là giải pháp tốt nhất hiện nay", Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết trong bài đăng Facebook hôm 9/11
Thông báo được đưa ra sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 8/11 tuyên bố nước này đã kiểm soát thị trấn chiến lược Shusha tại Nagorno-Karabakh. Giới chức Armenia cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày 9/11, nhưng quan chức ly khai thân Armenia thừa nhận họ đã "hoàn toàn mất kiểm soát Shusha" và lực lượng Azerbaijan đang uy hiếp thủ phủ Stepanakert.
Khu vực Nagorno-Karabakh. Đồ họa: RFE/RL.
"Chúng ta buộc họ ký văn kiện này. Về cơ bản, đây là sự đầu hàng", Tổng thống Aliyev nói trên truyền hình và khẳng định thỏa thuận có "ý nghĩa lịch sử quan trọng", thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia tiến trình gìn giữ hòa bình cùng Nga.
Khoảng 5.000 người đã thiệt mạng từ khi giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan quanh Nagorno-Karabakh nổ ra hồi cuối tháng 9. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận thuộc lãnh thổ Azerbaijan, nhưng khu vực này có nhiều người gốc Armenia sinh sống và đòi ly khai để sáp nhập vào Armernia.
Baku và Yerevan từng ba lần đồng ý ngừng bắn vì lý do nhân đạo, nhưng chưa từng ký thỏa thuận chấm dứt xung đột và các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực.
Azerbaijan thừa nhận bắn nhầm trực thăng Nga Azerbaijan cho biết đã bắn nhầm trực thăng Mi-24 Nga do căng thẳng tại khu vực biên giới giáp Armenia và đề xuất bồi thường. "Azerbaijan đã gửi lời xin lỗi đến Nga liên quan đến sự việc bi thảm này", Bộ Ngoại giao Azerbaijan ra thông cáo cho biết hôm 9/11, thêm rằng binh sĩ nước này quyết định khai hỏa do...