Mưu đồ của Trung Quốc ở biển Đông
Chiếm đóng trái phép các bãi đá ngầm ở những vị trí quan trọng và cải tạo chúng thành đảo nhân tạo, Trung Quốc đang đi những bước đi nguy hiểm ở biển Đông.
27 năm sau khi Trung Quốc (TQ) dùng vũ lực để chiếm Gạc Ma (14-3-1988 – 14-3-2015) – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mưu đồ của chính quyền Bắc Kinh đối với biển Đông ngày càng lộ rõ. Thông tin cho thấy cùng với Gạc Ma, TQ đang tiến hành cải tạo hàng loạt bãi, đá chiếm đóng trái phép khác, biến chúng thành những “công sự nổi”, mà nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đó là bước đi hết sức nguy hiểm trong hành trình thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông của TQ.
Nhìn lại “bàn cờ lớn” 27 năm qua
Nếu thử nối lần lượt các địa điểm mà TQ hiện đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa, dễ dàng thấy TQ đang dàn một thế trận bao vây và chia cắt toàn bộ khu trung tâm của quần đảo, với mỗi đảo nhân tạo sẽ là một điểm chốt để nhanh chóng triển khai lực lượng tiếp ứng khi có “vấn đề” xảy ra.
PGS-TS Alexander Vuving, thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), nhận định trên trang National Interest rằng TQ đang tăng cường kiểm soát các điểm chiến lược, rồi biến những điểm chiến lược này thành các điểm kiểm soát đủ mạnh để khống chế toàn bộ khu vực.
Theo ông Vuving, nếu đặt trên bản đồ thì Đá Chữ Thập, Vành Khăn, Hoàng Nham và đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa) sẽ tạo thành một tứ giác với bán kính 250 hải lý, đủ sức khống chế hoàn toàn biển Đông vốn được cho là “yết hầu của các tuyến đường hàng hải quốc tế”.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Wall Street Journal (Mỹ), ông James Hardy, biên tập viên mảng châu Á-Thái Bình Dương của tuần san quốc phòng IHS Jane’s (Anh), việc xây dựng các đảo nhân tạo của TQ trên biển Đông là “một chiến dịch được lên kế hoạch kỹ lưỡng, có phương pháp cụ thể nhằm tạo nên một chuỗi các pháo đài có cả sức mạnh hải quân lẫn không quân, cắt ngang vùng trung tâm của quần đảo Trường Sa”. Các cơ sở mới này sẽ đóng vai trò như các trạm tiếp nhiên liệu và hậu cần cho hải quân và không quân TQ tuần tra khắp khu vực.
Nhiều chuyên gia, trong đó có bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến minh bạch châu Á, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định những hòn đảo nhân tạo mới có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong nhiều trường hợp, bao gồm cả tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở biển Đông (ADIZ), tạo áp lực lên tất cả nước láng giềng.
Chuỗi căn cứ này, phối hợp cùng căn cứ hiện TQ đang chiếm đóng trái phép tại đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam) sẽ là bàn đạp giúp TQ dễ dàng triển khai quân sự trên biển Đông, hiện thực hóa vùng ADIZ bằng hành động quân sự thực tế chứ không chỉ trên tuyên bố chính trị ngoại giao đơn thuần.
Ảnh trên: TQ đang ồ ạt xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma (cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam). Ảnh: Internet
Ảnh dưới: Không ảnh của NASA chụp cụm Sinh Tồn, trong đó có đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam (khoanh tròn). Nguồn: Internet
Video đang HOT
Gạc Ma: Nút thắt “mặt tiền” Trường Sa
Theo một chuyên gia nghiên cứu biển Đông, khi TQ tấn công Việt Nam thực hiện âm mưu thống lĩnh quyền hiện diện ở quần đảo Trường Sa năm 1988, chính quyền Bắc Kinh ưu tiên cho tiêu chí “chất lượng” hơn là “số lượng” – tức chiếm các vị trí trọng điểm thay vì chiếm càng nhiều bãi đá càng tốt. Theo đó, Gạc Ma là một trong sáu bãi đá do Bắc Kinh chiếm giữ có vị trí chiến lược quan trọng nhất trên quần đảo Trường Sa.
Cụ thể, đá Gạc Ma (cùng với đá Su Bi, đá Ga Ven và đá Châu Viên) nằm ở rìa của bốn nhóm đảo khác nhau, tạo nên “bốn mặt tiền” của một vùng biển rộng lớn cùng các tuyến đường biển quan trọng đi vào các nhóm đảo. Đặc biệt, Gạc Ma là nút thắt quyết định của cả cụm đảo Sinh Tồn và cụm đảo phía Bắc (Song Tử); nằm án ngữ trên các tuyến hải trình ra Trường Sa và đi qua khu vực biển Đông, lại khá gần với bờ biển Việt Nam (chỉ khoảng 250 km về phía đông).
Gạc Ma và nhất là đá Châu Viên rất gần với khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây và khu vực các nhà giàn DK 1 của Việt Nam – nơi có những tiềm năng to lớn về dầu khí và tài nguyên khoáng sản. Một khi hoàn thành, những căn cứ này đủ lớn để bố trí các lực lượng tấn công mạnh. Điều này cũng sẽ giúp TQ khắc phục được những điểm yếu trước đây như tham vọng lớn nhưng bố trí lực lượng không phù hợp, cải thiện về căn bản khâu tiếp liệu, vận tải, phối hợp tác chiến không biển… TQ sẽ nâng cao đáng kể khả năng kiểm soát cả trên không, trên biển và dưới mặt nước.
Nhìn một cách tổng thể, nếu Gạc Ma thực sự thành căn cứ quân sự trên biển, chính quyền TQ hoàn toàn dễ dàng “với tay” đến các địa điểm khác trên quần đảo Trường Sa với sự hỗ trợ đắc lực của đường băng vừa mới hoàn thành tại đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa cùng một số bãi đá khác đang trong tiến trình được xây dựng, hoàn thành.
Một kịch bản “đẹp” của Bắc Kinh
Quan sát hành động chiếm giữ và xây đảo nhân tạo tại các bãi đá ngầm ở Trường Sa của TQ, vị chuyên gia trên cho rằng việc xây đảo nhân tạo và các tuyên bố chủ quyền bất chấp luật quốc tế là bề nổi. Còn giá trị cốt lõi – phần chìm của “tảng băng” chính là ba yếu tố quan hệ hữu cơ: i) Tính chính danh; ii) Tính can dự – phòng thủ; iii) Yếu tố kinh tế-chính trị trong dài hạn.
Một là, Gạc Ma hay bất kỳ bãi đá nào cũng là cơ sở để Bắc Kinh tuyên bố tính chính danh – tức có quan hệ trực tiếp đối với khoảng 80% diện tích biển Đông. Bãi đá ngầm sẽ trở nên “nguy hiểm” khi bàn tay Bắc Kinh từng bước biến thành đảo nhân tạo với cơ sở, hạ tầng chính trị, quân sự, dân sự được đưa vào hoạt động như một vùng lãnh thổ thực sự của TQ.
Hai là, như chính trò chơi “cờ vây” của người TQ, các bãi đá ngầm một khi thành đảo nhân tạo sẽ “bủa vây” các quốc gia khu vực biển Đông. Cụ thể, đảo nhân tạo càng nhiều sẽ phân cắt khu vực biển Đông, tạo nên thế trận “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các nước láng giềng sẽ lâm vào tình trạng thiếu “không khí”, thiếu sự hậu thuẫn từ các quốc gia ngoài khu vực, từ đó trở nên yếu ớt và giảm khả năng chống cự. Chiêu bài “chia để trị” vốn được TQ ưa thích, dưới thế trận bủa vây đảo nhân tạo, Bắc Kinh sẽ tăng cường can dự trên diện rộng trên biển Đông.
Theo Pháp luật TP.HCM
Cựu binh Gạc Ma tưởng nhớ đồng đội
Những người đồng đội cũ lặng lẽ thắp nén hương, cúi đầu chào rồi theo chiếc cano ra biển thả vòng hoa xuống biển Đông để tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa 27 năm trước.
Sáng 14/3, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn E83 (nay là Lữ đoàn 83 công binh Hải quân) đã cùng nhau về cầu cảng của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng) tổ chức Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/31988. Chiếc bàn thờ được đặt cùng danh sách 64 liệt sĩ treo hướng ra biển Đông.
Một vòng hoa lớn kết hoa hình quốc kỳ được những đồng đội đưa đến buổi lễ. Đây là lần thứ 2 lễ tưởng niệm được tổ chức tại Đà Nẵng.
Cựu binh Dương Văn Dũng, người sống sót sau khi lính Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm bãi đá Gạc Ma, đến dự lễ tưởng niệm. Trong trận Gạc Ma, riêng ở Đà Nẵng có 9 liệt sĩ.
Ông Dũng bị phía Trung Quốc bắt giữ cùng 8 đồng đội khác. Khi đó, giấy báo tử được gửi về gia đình, người thân lập bàn thờ ông. Hơn 1 năm sau, ông cùng đồng đội được phía Trung Quốc trả về nước qua đường ngoại giao.
Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Phó chỉ huy chính trị Trung đoàn 83, thay mặt ban liên lạc nhắc lại sự kiện của 27 năm trước. Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải và bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thì 4 tàu Trung Quốc xuất hiện, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở Len Đao và HQ-505 ở Cô Lin, dùng vũ lực cưỡng chiếm Gạc Ma, giết hại 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam.
Dòng người lặng lẽ thắp nén hương tưởng nhớ các liệt sĩ trong trận hải chiến. Đến nay, nhiều hài cốt của các liệt sĩ vẫn đang nằm lại lòng biển lạnh.
"64 cán bộ, chiến sĩ dùng cảm chiến đấu với Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn không trở về đất mẹ với bao ước vọng của tuổi xuân chưa kịp thực hiện. Các anh đã hi sinh cho Tổ quốc và sẽ mãi sống trong lòng Tổ quốc, trong lòng nhân dân", lời của thượng tá Hoan khiến mọi người xúc động.
Theo thượng tá Hoan, lễ tưởng niệm này nhằm ghi công những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, góp phần giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cũng nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay rằng chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm.
Những cái tên đồng đội từ khắp các tỉnh thành như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa... được mọi người dự lễ đọc tỷ mỉ. Câu chuyện về từng người vẫn được các đồng đội ghi nhớ.
Cựu binh Dũng (bên phải) thả vòng hoa xuống cho 64 đồng đội, rồi lặng lẽ đưa tay chào. 27 năm qua, ông Dũng luôn sống với những ký ức về đồng đội, về trận chiến.
Những người đồng đội luôn tin rằng những vòng hoa được thả xuống biển sẽ làm những liệt sĩ Gạc Ma thêm ấm lòng.
3 chiếc cano chở Ban liên lạc Trường Sa tiếp tục chạy chậm quanh vòng hoa trước khi về lại đất liền.
Trước đó, sáng 13/3, tại Công viên Biển Đông - bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha thuộc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, sau nữa huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tưởng niệm liệt sĩ hy sinh, bảo vệ Gạc Ma Sáng 14.3, tại cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC), Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984 - 1988 tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi bảo vệGạc Ma, quần đảo Trường Sa trước mũi súng Trung Quốc. Tưởng...