Muốn cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, cần phải đáp ứng điều kiện gì?
Đây là một trong những vấn đề được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm khi đang có ý định cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo quy định hiện nay tại Điều 23, Thông tư số 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có hướng dẫn cụ thể về thời điểm lập hóa đơn điện tử thì tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Về chủ thể: Có kinh nghiệm trong việc xây dựng giải pháp công nghệ thông tin và giải pháp trao đổi dữ liệu điện tử giữa các tổ chức, cụ thể: Có tối thiểu 05 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Đã triển khai hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin cho tối thiểu 10 tổ chức; Đã triển khai hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử giữa các chi nhánh của doanh nghiệp hoặc giữa các tổ chức với nhau.
- Về tài chính: Có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với giá trị trên 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ.
- Về nhân sự: Có tối thiểu 20 nhân viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin, trong đó có nhân viên có kinh nghiệm thực tiễn về quản trị mạng, quản trị cơ sở dữ liệu; Có nhân viên kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kiểm tra 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần để duy trì hoạt động ổn định của hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử và hỗ trợ người sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử.
Video đang HOT
- Về kỹ thuật: Có hệ thống thiết bị, kỹ thuật, quy trình sao lưu dữ liệu tại trung tâm dữ liệu chính theo quy định tại mục d, khoản 1 Điều 32 của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP; Có hệ thống thiết bị, kỹ thuật dự phòng đặt tại trung tâm dự phòng cách xa trung tâm dữ liệu chính tối thiểu 20km sẵn sàng hoạt động khi hệ thống chính gặp sự cố.
Đồng thời, việc kết nối trao đổi dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế phải đáp ứng yêu cầu: Kết nối với cơ quan thuế thông qua kênh thuê riêng hoặc kênh MPLS VPN Layer 3 (gồm 1 kênh truyền chính và 2 kênh truyền dự phòng). Mỗi kênh truyền có băng thông tối thiểu 10 Mbps; Sử dụng dịch vụ Web ( Web Service) hoặc Message Queue (MQ) có mã hóa làm phương thức để kết nối; Sử dụng giao thức SOAP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu…
Theo tài chính
NEAC: Áp dụng hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh cá thể, chữ ký số cá nhân sẽ tăng trưởng mạnh
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho biết, tới đây khi quy định các hộ kinh doanh cá thể cũng phải dùng hóa đơn điện tử, thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số cho cá nhân dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.
Nhận định nêu trên được ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TT&TT chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị "Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019" được Bộ TT&TT phối hợp cùng Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức ngày 11/10 vừa qua tại Hà Nội.
Thuê bao chữ ký số cá nhân hiện mới chỉ chiếm hơn 1,1%
Cập nhật thông tin về tình hình triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số, ông Hoàn cho biết, đến nay, chứng thư số chuyên dùng để ký chữ ký số văn bản điện tử trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã cấp đến tất cả bộ, ngành và các tỉnh, thành.
Cụ thể, theo số liệu của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ, tính đến tháng 9/2019, cơ quan này đã cung cấp hơn 200.000 chứng thư số cho 95 đầu mối (gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 địa phương) cùng 351 chứng thư số cho lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh.
Đối với chứng thư số công cộng, sau 10 năm phát triển, thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số đang có 10 doanh nghiệp hoạt động. Tính đến giữa năm 2019, các CA công cộng này đã cấp gần 2,7 triệu chứng thư số, trong đó số lượng chứng thư số đang hoạt động là trên 1,1 triệu chứng thư số. Đáng chú ý, trong hơn 1,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong khi 100% doanh nghiệp đã sử dụng, thì số lượng chứng thư số cá nhân hiện nay chỉ khoảng 13.000, chiếm hơn 1,1% tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động.
Đại diện lãnh đạo NEAC nhấn mạnh, cần nhìn nhận thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng một cách tổng thể, với cả 3 thành phần quan trọng, không thể thiếu gồm CA công cộng, người sử dụng dịch vụ và các đơn vị cung cấp ứng dụng chấp nhận chữ ký số.
Các chứng thư số công cộng đã được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài ra còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử...
Thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số cá nhân sẽ bùng nổ
Đề cập đến những khó khăn trong việc triển khai và phổ biến chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo NEAC cho hay, hiện tại khó khăn lớn nhất là nhận thức về chữ ký số của người sử dụng, các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Mặt khác, các văn bản pháp lý trong các ngành, lĩnh vực khác nhau cần có quy định chấp nhận chữ ký số trên thông điệp dữ liệu (có giá trị tương đương chữ ký tay trên bản giấy).
Riêng với các cơ quan nhà nước, cần đẩy mạnh triển khai sử dụng chữ ký số, đại diện NEAC cho rằng, cần có sự chỉ đạo mạnh việc tổ chức triển khai các hệ thống thông tin quản lý khi các văn pháp quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử như Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử; Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Thông tư 41 ngày 19/12/2017 của Bộ TT&TT quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; và Thông tư 01 ngày 24/1/2019 của Bộ Nội vụ quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - Bộ TT&TT.
Đáng chú ý, Phó Giám đốc NEAC Phạm Quốc Hoàn thông tin, vào cuối tháng 9/2019 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68 hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử có sử dụng chữ ký số. Có văn bản này, việc áp dụng chữ ký số trong hóa đơn điện tử mới được chấp nhận và đưa vào sử dụng rộng rãi.
"Thông tư 68 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn điện tử, trong hóa đơn điện tử có nội dung các hộ kinh doanh cá thể phải ký số trên hóa đơn, cho nên việc dự kiến khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể cũng phải sử dụng chữ ký số. Đây là quy định bắt buộc hộ kinh doanh cá thể phải triển khai chữ ký số nên dự kiến sẽ bùng nổ được thị trường chứng thực chữ ký số cá nhân", ông Hoàn nhận định.
Cũng theo phân tích của ông Hoàn, công nghệ triển khai chữ ký số cũng đang dần được hoàn thiện, mở rộng đa dạng môi trường hơn. Hiện nay, cả Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ đang xây dựng các giải pháp công nghệ để có thể triển khai chữ kỹ số trên thiết bị di động, và các môi trường dịch chuyển khác thuận lợi cho người sử dụng mọi lúc, mọi nơi.
Đại diện lãnh đạo NEAC giải thích thêm: "Xét về mặt pháp lý triển khai chữ ký số công cộng đến thời điểm hiện tại là tương đối đầy đủ, nhưng các phương pháp kỹ thuật công nghệ thì đang còn có một chút hơi cứng nhắc. Bộ TT&TT hiện đang xây dựng các dự thảo Thông tư quy định về cung cấp dịch vụ chữ ký số trên nền tảng di động và cho phép ký từ xa, dự kiến sẽ được ban hành ngay trong năm nay. Khi Thông tư này được ban hành, bên cung cấp dịch vụ sẽ có căn cứ pháp lý để triển khai các giải pháp, có thể tạo ra sự bùng nổ dịch vụ chữ ký số di động trong thời gian tới".
Theo ITC News
Ứng dụng công nghệ Blockchain chống giả mạo hóa đơn điện tử Công nghệ Blockchain giúp lưu trữ tất cả những thay đổi liên quan đến hóa đơn dưới dạng các liên kết chuỗi khối không thể tác động, phá vỡ. Theo Công ty Misa, meInvoice.vn là phần mềm hóa đơn điện tử duy nhất tại Việt Nam ứng dụng công nghệ Blockchain, đảm bảo an toàn, bảo mật và chống làm giả hóa đơn....