Muôn ‘chiêu’ dụ người lao động không về quê ăn Tết tại Trung Quốc
Lo sợ các ca lây nhiễm tăng, lợi nhuận tổn thất và nguy cơ bị phong tỏa, các chính quyền địa phương và nhà máy lớn tại Trung Quốc đã đề xuất nhiều ưu đãi nhằm giữ chân người lao động ở lại trong dịp Tết Nguyên đán.
Người lao động tỉnh lẻ ngồi chờ bên ngoài một nhà ga tàu tại Bắc Kinh ngày 13/1. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, thời điểm này thường chứng kiến làn sóng di cư của 280 triệu lao động tỉnh lẻ trên toàn quốc, cũng như hàng triệu nhân viên văn phòng sống xa nhà, về quê ăn Tết.
Do đại dịch COVID-19 bùng phát trong kỳ nghỉ lễ năm ngoái, nhiều người lao động bị mắc kẹt tại quê trong mấy tháng liền và phải chịu cảnh cách ly khi quay trở lại thành phố làm việc.
Hoạt động nhà máy bị ngưng trệ, dây chuyền sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh và công nhân mất thu nhập trong nhiều tuần.
Để tránh kịch bản tương tự năm ngoái tái hiện, chính quyền các tỉnh, thành phố địa phương đã ra thông báo, khuyến khích người lao động tỉnh lẻ ở lại, viện dẫn tầm quan trọng trong việc kiểm soát đại dịch cũng như “đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng”.
Những ưu đãi mà các địa phương đề xuất bao gồm trả thêm tiền lương, phần thưởng, các hoạt động giải trí, miễn phí tiệc gặp mặt đêm Giao thừa và sắp xếp lịch nghỉ bù.
Trong một thông báo từ chính quyền thành phố cảng Ninh Ba – thủ phủ công nghiệp của tỉnh Chiết Giang, tình trạng ngừng sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán trong bối cảnh nhu cầu tăng cao có thể “khiến các công ty bị thiệt hại lớn”.
Mặc dù vẫn chưa biết có bao nhiêu người lao động ở lại trong năm nay, nhưng những nhà hoạch định Trung Quốc cho biết họ dự kiến mức độ di chuyển trong dịp nghỉ lễ “thấp hơn rõ rệt” so với mọi năm. Tỉnh Giang Tây dự kiến mức độ di chuyển trong kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ chỉ bằng 60% năm 2019.
Video đang HOT
Người lao động “tay xách nách mang” vội vã trở về quê ăn Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters
Họ mong muốn về nhà nhanh trước khi các thành phố áp đặt lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters
Một công ty hóa chất ở Chiết Giang tiết lộ cho giới truyền thông rằng 85% công nhân của họ có kế hoạch ở lại thành phố trong năm nay. Các ưu đãi giành cho công nhân ở lại bao gồm mức lương gấp đôi theo giờ và phần thưởng thêm 500 nhân dân tệ (77 USD) nếu làm toàn thời gian trong kỳ nghỉ Tết.
Ngày 14/1, Trung Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao nhất trong hơn 10 tháng, trong khi số ca mắc tại tỉnh Hắc Long Giang tăng gần gấp ba lần.
Wang Zhishen, một công nhân đang làm việc tại một nhà máy container ở thành phố Đông Hoản, chia sẻ có thể anh sẽ ở lại đây nếu nhà máy vẫn hoạt động. Trước đó, anh đã mua vé tàu về quê ở tỉnh Cam Túc, cách đó 2.000 km. “Nếu không may bị nhiễm virus trên đường trở về nhà thì sao? Sau đó cả gia đình bạn có thể bị lây. Nếu nhà máy của tôi không đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ, tôi nghĩ tôi sẽ ở lại Đông Hoản. Sẽ rất rủi ro nếu về nhà”, anh Wang cho hay.
Tuy nhiên, đối với một số lao động, đặc biệt là những người không có ông chủ hào phóng đề xuất tăng lương, phần thưởng và và đảm bảo công việc trong kỳ nghỉ lễ, việc đoàn tụ với gia đình vẫn đáng để mạo hiểm. Tại ga tàu hỏa Bắc Kinh, một người lao động nhập cư 64 tuổi họ Wang, đang làm công nhân xây dựng ở thủ đô, vội vã chen chân lên tàu để về quê thuộc tỉnh Sơn Đông trước nguy cơ quê ông bị phong tỏa.
Chủ thẩm mỹ viện Hong Kong khóc, cầu xin chấm dứt phong tỏa
Chủ các quán bar và thẩm mỹ viện ở Hong Kong (Trung Quốc) đã kêu gọi chính quyền khẩn cấp dỡ bỏ biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19, và cảnh báo kế sinh nhai của hàng nghìn người lao động đã bị tác động mạnh sau khi các doanh nghiệp này phải đóng cửa 2/3 thời gian năm 2020.
Theo SCMP, với khoảng 10.000 cửa hàng làm móng và trung tâm làm đẹp, thẩm mỹ viện khắp Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), có tới 56.000 người lao động gặp khó khăn về tiền bạc khi các cơ sở này phải đóng cửa trên 100 ngày năm 2020 để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Làn sóng lây nhiễm thứ tứ cuối tháng 11/2020 đã khiến các doanh nghiệp, địa điểm giải trí, quán bar, quán rượu bị đóng cửa tới tận ngày 6/1.
Tại họp báo ngày 3/1, 13 người đại diện cho ngành làm đẹp đã kêu gọi chính quyền đặc khu hành chính này dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội đối với nhân viên các cửa hàng này, để họ có thể trở lại làm việc và kiếm sống. Họ cũng chỉ trích mức hỗ trợ tài chính của chính quyền là quá ít ỏi, không giúp ích gì.
Chu Ching-chun (trái) khóc khi nói về hoàn cảnh tài chính. Ảnh: SCMP
Giám đốc cửa hàng làm đẹp Chu Ching-chun cho biết bà và chồng (một nhân viên trong ngành du lịch) đã chịu cảnh nợ nần chồng chất vì nghề kiếm sống của họ đều bị tác động mạnh trong đại dịch COVID-19.
Bà Chu đã khóc nấc lên khi nói: "Chúng tôi đã rất tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tại sao chúng tội buộc phải ngừng công việc vì hành vi sai trái của người khác? Giờ chúng tôi đã bị yêu cầu dừng công việc lần thứ ba, tình hình tài chính của chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề. Chúng tôi đã trả nợ thẻ tín dụng muộn".
Bà Chu cho biết cảm thấy xấu hổ về tình hình tài chính của hai vợ chồng và không đủ dũng cảm để gặp gia đình vào dịp đoàn tụ cuối năm. Bà kể: "Tôi đã không biết đối diện với mẹ thế nào và tôi không muốn mẹ phải lo về mình. Tôi không có tiền để gửi cho bà mẹ già nữa".
Hung Tse-yan, một nhân viên cửa hàng thẩm mỹ và là mẹ đơn thân có hai con gái, cho biết cô phải vay tiền bạn bè để trang trải cuộc sống.
Chủ tịch nghiệp đoàn ngành làm đẹp Nelson Yip Sai-hung cho biết ngành đang bị đề nghị đóng cửa trong một thời gian dài vô lý và không công bằng. Ông cho rằng chính quyền không thông cảm với ngành này.
Ông nói: "Ngành đã tuân thủ khi chính quyền ra lệnh đóng cửa và đã tăng cường biện pháp vệ sinh khi được mở cửa lại. Chúng tôi phải chịu đựng bao lâu nữa? Nhiều người và gia đình sống nhờ vào các ca làm việc tại cửa hàng làm đẹp, rất nhiều hộ gia đình đơn thân đang chịu đựng vì lần đóng cửa này". Ông Yip cho biết nhân viên toàn thời gian tại các cửa hàng làm đẹp có thể kiếm từ 10.000 đến 30.000 đô la Hong Kong/tháng, tùy vào lượng khách hàng họ phục vụ.
Bốn trường hợp mắc COVID-19 tại các cửa hàng làm đẹp tháng 4/2020 vừa rồi đã khiến ngành này bị đóng cửa, ngoại trừ cửa hàng tóc. Gần đây, 4 thợ cắt tóc làm việc tại Glow Spa&Salon đã mắc COVID-19 trong tháng 12/2020.
Trong khi đó, các địa điểm ăn uống và quán bar cũng bị giới chức y tế giám sát chặt chẽ trong dịp nghỉ lễ.
Từ thời điểm đêm giao thừa tới 2/1, Sở Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm đã tổ chức hoạt động chung với cảnh sát để thực thi quy định giãn cách xã hội, kiểm tra 2.802 địa điểm ăn uống và 416 cơ sở. Sở đã đề nghị truy tố 31 doanh nghiệp.
Các thẩm mỹ viện phải đóng cửa tới ít nhất 6/1. Ảnh: SCMP
Chủ tịch Hiệp hội Quán bar và Câu lạc bộ Hong Kong Ben Leung Lap-yan cho biết các địa điểm sẵn sàng tuân thủ quy tắc vệ sinh, tăng cường truy vết tiếp xúc và hạn chế phục vụ tại bàn miễn là họ được mở cửa trở lại.
Bà Leung nói họ mong chính quyền nới lỏng hạn chế với quán bar, nhưng cho rằng điều đó khó khả thi vì con số ca mắc dường như không giảm đủ nhanh. Ngành này đang chuẩn bị cho nguy cơ phải đóng cửa lâu hơn.
Trong giai đoạn tháng 9-11/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Hong Kong là 6,3%, mức đỉnh trong gần 16 năm với 244.300 người mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp trong ngành bán lẻ, dịch vụ ăn ở là 10,2%.
Theo quy định, các địa điểm như quán bar, trung tâm thể thao, thẩm mỹ viện, cửa hàng làm đẹp, phòng tổ chức tiệc phải đóng cửa, khiến nhiều người lao động phải nghỉ việc không lương.
Các quán bar chịu tác động nhiều nhất trong quý 3 năm 2020 khi tổng giá trị hóa đơn giảm 62,7% so với năm trước, xuống còn 133 triệu đô la Hong Kong khi các cơ sở bị đóng cửa từ 15/7 đến 17/9/2020.
Hong Kong ghi nhận 44 ca mắc mới ngày 3/1, nâng tổng số ca lên 8.940, trong đó có 150 ca tử vong.
Tổng thống Trump gia hạn lệnh cấm nhập cảnh Tổng thống Donald Trump ngày 31/12/2020 gia hạn tới ngày 31/3/2021 hai lệnh cấm vào nước Mỹ đối với những người đang xin thẻ xanh và người thuộc diện visa lao động H-1B. Các lệnh cấm này được ban hành tháng 4 và tháng 5, ban đầu có hạn cuối là ngày 31/12/2020 nhưng sẽ được gia hạn đến 31/3 năm nay. Khi...