Mười địa danh kỳ lạ nhất trên trái đất
Những vùng đất này ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ và cũng mang nhiều nét đặc biệt về vị trí, sự rộng lớn cũng như những tác động tự nhiên của nó.
1. Cổng địa ngục, Turkmenistan
Cổng địa ngục là một miệng núi lửa có đường kính 70m. Năm 1971 các nhà địa chất đã đưa máy móc thiết bị đến đây để khoan dò tìm khí gas và đã phát hiện một hang động khổng lồ dưới đất. Mặt đất phía trên hang động này đã sụp xuống và nuốt trọn tất cả thiết bị của các nhà địa chất. Vì lo sợ các loại khí độc trong hang nên không ai dám vào để cứu máy móc. Để ngăn ngừa khí độc tràn ra ngoài các nhà địa chất đã đốt cháy hang động với hy vọng ngọn lửa sẽ tắt trong một vài ngày, nhưng cho đến nay đã là 39 năm nhưng ngọn lửa chưa có dấu hiệu ngừng cháy. Bạn có thể nhìn thấy nó trên Google Earth tại 40 15″8 58 N 26″23 “E.
2. Núi Roraima, thuộc Brazil, Venezuela và Guyana
Roraima là một ngọn núi bàn với các vách đá thẳng đứng, có nơi cao đến 400 mét. Chỉ có một con đường bộ duy nhất để leo lên núi là một cầu thang tự nhiên phía thuộc về Venezuela. Trên đỉnh núi hầu như có mưa mỗi ngày, những cơn mưa thường xuyên đã rửa trôi hết các chất dinh dưỡng trong đất, khiến cây cối rất ít phát triển và điều đó cũng tạo ra một cảnh quan độc đáo trên bề mặt sa thạch. Trên đỉnh núi chỉ có một vài đầm lầy nơi có các thảm thực vật phát triển, trong đó có những loài đặc chủng của ngọn núi này.
3. Hố thiên thạch Meteor Crater, Mỹ
Meteor Crater là một hố va chạm thiên thạch nằm trên sa mạc Arizona, phía bắc Mỹ. Meteor Crater được tạo ra khoảng 50.000 năm trước. Vào thời điểm đó khu vực này là một đồng cỏ rộng lớn và cũng là nơi sinh sống của voi mamút và lạc đà. Theo các nhà khoa học thì khoảng thời gian đó con người chưa xuất hiện ở châu Mỹ. Khối thiên thạch đã rơi xuống Meteor Crater bao gồm sắt và niken, nó đã va chạm với trái đất ở tốc độ vài km/giây.
4. Cồn cát lớn nhất châu Âu
Có thể bạn sẽ không tin vì châu Âu không có sa mạc nhưng đây thật sự là một địa danh rất đặc biệt ở Pháp. Cồn cát này dài 3km, rộng 500m và cao 100m, một đầu của nó gối lên cánh rừng già rậm rạp và đầu còn lại chạy xuôi ra bờ biển. Điều kì lạ của cồn cát này là người ta không thể hiểu tại sao một cồn cát có thể được hình thành trong một khu rừng rậm rạp. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng ngoạn mục khi đứng trên đỉnh cồn vì nó cao hơn bất kì ngọn cây nào trong cánh rừng.
5. Đảo Socotra, cộng hòa Yemen
Socotra là một địa điểm thu hút khách du lịch cũng như các nhà nghiên cứu hàng đầu vì sự kì lạ. Hòn đảo bị cô lập với khí hậu khô nóng và rất khắc nghiệt nhưng lại là nơi có sự đa dạng sinh học rất phong phú. Một phần ba trong số các loài thực vật tại Socotra không tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên trái đất, ví dụ như cây huyết rồng, là một loài đặc chủng của đảo với nhựa cây đỏ như máu. Ngoài ra còn có một số lượng lớn các loài chim, nhện và động vật khác cũng là đặc hữu của đảo. Socotra được coi là hòn đảo đa dạng sinh học nhất trong vùng biển Ả Rập và nó cũng được công nhận là một di sản thế giới.
6. 83-42, Điểm cực bắc của trái đất
83-42 là một địa danh nhỏ bé, nó chỉ rộng 15m, dài 35m và cao 4m. 83-42 thường xuyên bị ảnh hưởng khi biển động. Ở đây chỉ có duy nhất một loài địa y tồn tại và sinh sôi và cho đến nay cũng chỉ có 5 người trên thế giới từng đặt chân lên vùng đất này.
7. Bể bùn sôi Rotorua, New Zealand
Rotorua là một thành phố bên bờ phía nam của hồ cùng tên, nằm trong khu vực Vịnh Plenty, phía bắc New Zealand. Rotorua nổi tiếng với các hoạt động địa nhiệt, các mạch phun nước khoáng và một bể bùn sôi nằm trong thành phố. Nó cũng nổi tiếng với mùi hương “trứng thối” của hợp chất lưu huỳnh được giải phóng vào khí quyển trong các hoạt động nhiệt của bể bùn. Đây là một trong những thành phố không thể bỏ qua của những nhà nghiên cứu cũng như những khách du lịch yêu thích khám phá.
8. Don Juan, hồ nước mặn nhất thế giới
Với độ mặn trên 40%, hồ Don Juan được công nhận là hồ nước mặn nhất thế giới. Hồ Don Juan được đặt theo tên của hai phi công đầu tiên đến thám hiểm hồ là Trung úy Don Roe và Trung úy John Hickey. Đây là một hồ nước nhỏ, nó chỉ rộng 100m dài 300m và có độ sâu trung bình là 0.1m nhưng dù nằm ở Nam Cực băng giá nhưng nước trong hồ không bao giờ bị đóng băng vì nó quá mặn. Nước trong hồ mặn gấp 18 lần nước biển bình thường và mặn gấp 8 lần nước biển chết.
9. Tảng băng trôi khổng lồ B-15
B-15 là tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận với diện tích ban đầu là 3.100km vuông, lớn hơn cả diện tích của quốc đảo Jamaica. Nó được tạo thành từ vụ nổ của Ross Ice Shelf năm 2000. Năm 2003 nó bị vỡ lần đầu tiên và mảnh lớn nhất có tên B-15A tiếp tục trôi dạt về phía bắc, đến năm 2005 nó lại va đập và bị mất 8km vuông diện tích, vụ va đập khiến nhiều bản đồ Nam Cực phải viết lại. Năm 2006 một cơn bão ở Alaska đã cuốn B-15A đi 13.500km và tiếp tục vị vỡ thêm một lần nữa. Một thập kỷ qua phần lớn nhất của tảng băng hầu như không tan chảy. B-15A ngày nay vẫn tồn tại và có diện tích 1.700km vuông.
10. Thác Guaíra, biên giới Brazil và Paraguay
Nằm trên sông Parana, Guaíra là thác nước có tổng lưu lượng nước chảy mỗi ngày nhiều nhất và Guaíra cũng là dòng thác có tốc độ dòng chảy lớn nhất thế giới . Năm 1982 một con đập đã được xây dựng để tận dụng tốc độ dòng chảy lớn của nó. Đập Itaipu là đập nước lớn thứ 2 thế giới sau đập Tam Hiệp của Trung Quốc. Itaipu cung cấp tới 90% điện năng của Paraguay và 19% điện năng của Brazil.
Theo Uphaa