Mùa trứng kiến
Trứng kiến được ví là “lộc rừng”, ngon, lạ và bổ dưỡng, vì thế giá của nó không hề rẻ. Và để “săn” được sản vật này là cả một quá trình đầy gian nan, kỳ công…
Ông Trương Hồng Dũng chỉ cách lấy trứng kiến.
Nghề “săn” lắm công phu
Hôm nọ, tôi nhận được cú điện thoại của cô cán bộ văn hóa xã Điền Hạ (Bá Thước). Em bảo: “Ở Điền Hạ đang mùa trứng kiến, chị có ăn, em gửi xuống một ít. Lần trước lên công tác, em thấy chị khen quá trời”. Mừng như bắt được vàng, tôi nhờ em gửi xuống thành phố 1kg, dự định cuối tuần này sẽ mang về quê cho cả gia đình thưởng thức. Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi mỉm cười nhớ về chuyến đi rừng “đột xuất” cách đây đúng một năm.
Chuyện là quê tôi ở miền biển, xưa nay không biết trứng kiến là gì. Tháng 3 năm ngoái, tôi lên công tác tại xã Điền Hạ. Trong bữa cơm giao lưu, lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức món trứng kiến rang. Chỉ một lần duy nhất nhưng cũng đủ khiến một khách phương xa như tôi lưu luyến tới giờ. Xúc một thìa trứng kiến đưa vào miệng, những quả trứng kiến màu trắng sữa, kích cỡ như hạt gạo, căng mẩy lạo xạo trong lưỡi, vỡ lụp bụp. Trứng có vị béo, bùi, chua chua quyện với vị chan chát của lá rau rừng tạo thành một hương vị độc đáo và dân dã nhưng không kém phần quyến rũ, mê hoặc.
Cả bữa ăn hôm ấy, tôi chỉ loanh quanh hỏi về món trứng kiến độc đáo. Thấy khách hào hứng, anh cán bộ xã nhiệt tình rủ tôi đi luôn vào rừng để tận mắt thấy quá trình lấy trứng kiến. Đồ đạc mang theo chẳng có gì nhiều, một con dao, cái rá tre để đựng trứng kiến và đồ bảo hộ, như: Găng tay, ủng chân, khẩu trang, nón để tránh kiến, rắn, rết và các loài côn trùng tấn công. Cùng đi với chúng tôi còn có ông Trương Hồng Dũng, thôn Sèo, xã Điền Hạ – một cao thủ “săn” trứng kiến ở địa phương. Vừa đi, ông Dũng vừa giải thích: “Đi lấy trứng kiến nên đi vào ngày nắng vì khi hạ tổ kiến xuống mà gặp nắng to, kiến tản ra ngoài sẽ dễ lấy trứng. Còn nếu mưa, kiến “nằm lỳ” bên trong, rất khó lấy trứng. Tuy nhiên, không phải loài kiến nào cũng có thể lấy trứng, mà phải loại kiến vàng hoặc kiến nâu thì trứng mới thơm và ngậy. Còn trứng kiến đen mùi rất hôi, giống này còn khá lì lợm, gõ mạnh vào tổ chúng cũng không chịu ra. Người “làm nghề” lâu năm nhìn tổ kiến là biết “ngon” hay “không ngon”: Tổ đen sẫm, khô tức kiến già, trứng đã nở hết thành con; tổ màu đen bạc, tròn vo, không nhăn dúm, khi chặt cành nâng lên thấy nặng tay, đó sẽ là tổ kiến mẩy; tổ nào trông đen sì, xốp khỏi mất công chặt đốn, để gây đến mùa sau”.
Vào mùa này, núi rừng huyện Bá Thước yên bình với những bạt hoa dại đua hương, khoe sắc; đàn bò, dê béo tròn lững thững tìm thức ăn dưới cái nắng vàng trải khắp cánh rừng già. Vượt qua con đường nhỏ bùn lầy, ông Dũng dẫn đoàn chui tọt vào vạt rừng luồng, nơi có nhiều mỏm đá lởm chởm, cây che hết tầm mắt. Tôi băn khoăn hỏi: “Ở đây cũng có kiến ạ?”. Ông Dũng giải thích: “Kiến chỉ chọn làm tổ ở những nơi vắng, không mùi thuốc trừ sâu, ít khói đốt vườn rẫy… Trong cánh rừng này có nhiều bụi tre, luồng lớn sẽ có nhiều tổ kiến, không phải mất công tìm”. Vừa đi, chúng tôi vừa căng mắt nhìn lên cây để tìm tổ kiến, vừa quệt mồ hôi chảy xuống mắt cay xè. Theo lời ông Dũng, trước kia mỗi ngày ông có thể bắt được 4 – 5kg trứng kiến. Bây giờ sức khỏe yếu, hơn nữa rừng bị khai thác, lãnh địa của loài kiến thu hẹp, bắt được vài kg trứng kiến cũng bở hơi tai.
Chỉ tay về phía tổ kiến tròn như cái mũ cối, trong lùm cây, ông Dũng reo lên: “Nó đây rồi! Tổ này nhiều trứng lắm”. Tiến lại gần, ông Dũng vơ nắm lá khô xung quanh tổ, vô tình làm động tổ kiến. Thế là hàng loạt chú kiến với đôi càng dữ tợn ào ào chui ra khỏi tổ tỏa ra khắp nơi. Ông Dũng bảo mọi người đứng ra xa, rồi nhanh tay chặt chạc cây có tổ kiến xuống, nhẹ nhàng đặt vào giữa lá cọ to đã được chuẩn bị trước đó. Sau đó, ông dùng mũi dao chọc vào tổ, bẻ tổ thành 3-4 miếng. Lũ kiến thợ và kiến lính trong tổ túa ra, loạn xạ chạy, bám vào những cây cỏ xung quanh. Ông Dũng chặt những cành cây nhỏ, nhiều lá phủ lên trên tổ kiến. Chờ một lúc, ông nhấc chúng bỏ ra xa, đem theo nhiều kiến mẹ đang bám vào. Cứ làm như thế, thêm khoảng 4-5 lần nữa thì lũ kiến mẹ bị nhấc đi hết, chỉ còn những mảnh tổ. Lúc bấy giờ, ông Dũng mới dùng tay nhặt những mảnh tổ lên, úp và vỗ nhẹ, khẽ, cho trứng rơi xuống, tránh cho những vụn tổ rơi xuống nhiều. Những vụn tổ màu đen rơi xuống được tôi nhanh tay nhặt bỏ luôn. Cuối cùng trên lá cọ chỉ còn mớ trứng trắng ngần. Ông Dũng bảo: “Đó là “lộc rừng” đấy”.
Đứng ngoài quan sát, tôi nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông rám nắng in hằn nhiều nếp nhăn, giật mình vì khắp người ông chi chít vết kiến cắn đã sưng đỏ, nhiều chỗ gai cào từng đường dài đang tứa máu. Thi thoảng, ông lại thò tay qua trái, qua phải rồi cả sau lưng để bắt những chú kiến “lọt” qua cành cây, chui vào người. Giơ cánh tay vẫn còn vài ba chú kiến đang chổng đít, gân cổ cắn kẻ thù, ông Dũng bảo: “Chịu đòn chúng nó như thế là thường, có khi phải leo lên đỉnh cây cao mà lôi tổ kiến xuống, nếu không cẩn thận bị ngã như chơi. Nhiều người còn phải “bỏ của chạy lấy người” khi đụng trúng ong rừng, rắn độc…”. Tôi hỏi ông Dũng có cách nào để không bị kiến tấn công, ông nhẹ nhàng gạt lũ kiến khỏi người mình, rồi buông lời: “Cứ bình tĩnh và nhẹ nhàng xua chúng đi. Làm công việc này không thể vội vàng, mạnh bạo được, càng nhẹ nhàng thì kiến càng dễ bỏ đi”.
Video đang HOT
Tặng phẩm của rừng
Cuộc đi săn kết thúc khi mặt trời xế bóng. Ngày hôm ấy, chúng tôi lấy được hơn 1kg trứng kiến. Mang “chiến lợi phẩm” về nhà, ông Dũng cẩn thận sàng sẩy sạch sẽ tạp chất, lá cây và những con kiến già lẫn trong đó. Công đoạn này phải thật nhẹ nhàng, khéo léo để trứng không bị vỡ.
Trứng kiến có thể chế biến các món ăn, tùy vào khẩu vị từng người, như: Xôi, làm bánh, nấu cháo, ăn cùng bánh đa, trộn lẫn trứng gà hoặc thịt băm để rán… Trong đó, xôi trứng kiến là phổ biến nhất. Cách làm rất đơn giản, nấu xôi chín, xào trứng kiến với hành rồi để riêng. Xào ướt, ăn ngậy; xào khô, ăn thơm. Khi ăn rải trứng kiến xào lên trên bát xôi. Xôi vừa dẻo thơm vừa béo ngậy, rất ngon miệng. Món trứng kiến hấp trứng gà thì cầu kỳ hơn chút. Thường thì bà con cho trứng gà quấy đều với trứng kiến, cho gia vị như hành lá, rau thơm, mắm muối vừa đủ, sau đó cho vào chõ hấp cách thủy khoảng 45 phút là được. Khi chín món trứng kiến hấp trứng gà sẽ có mùi thơm của hành, rau thơm; ngậy bùi, thơm của trứng kiến quyện trứng gà. Ngoài ra, trứng kiến đem nấu với lá lốt thái nhỏ, nấu chua với lá vón vén, với măng, hay với rau bí, rau tập tàng, rau dền… đều ngon, mang lại những hương vị khác nhau. Thế mới biết, trứng kiến là món ăn ngon, quý, đâu phải món ăn dân dã.
Trứng kiến và những món ăn được chế biến từ trứng kiến.
“Phải chế biến khi trứng còn tươi. Với những người lần đầu ăn trứng kiến nên ăn ít một để tránh cơ thể bị dị ứng” – ông Dũng đặc biệt lưu ý.
Trứng kiến trước đây đơn giản chỉ được bà con sử dụng làm thức ăn trong gia đình và đãi khách. Nhưng giờ, trứng kiến trở thành món ăn đặc sản không phải lúc nào cũng có. Lý giải về điều này, ông Dũng nói: “Việc lấy trứng kiến cũng tùy vào may rủi từng hôm. Hôm nào “số đỏ” lấy được vài kg thì việc kiếm bạc triệu không phải là khó nhưng cũng có ngày leo rừng, vượt núi, tóe cả máu chân cũng không được gì”.
Hiện tại, trứng kiến đang được bán với giá 300.000 – 350.000 đồng/kg, nhưng không có để mua. Bởi, trứng kiến thường được các nhà hàng, thương buôn đặt mua ngay từ cửa rừng. Ông Lục Công Đính, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ, cho biết: “Hiện nay, xã có khoảng gần chục người chuyên đi lấy trứng kiến để bán. Giá bán cao lại có nơi tiêu thụ, nghề lấy trứng kiến mang lại thu nhập đáng kể cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thời vụ lấy trứng kiến quá ngắn, dài nhất chỉ khoảng hai tháng, sau đó các tổ kiến sẽ tàng, trứng đã nở thành con non”.
Người Ê Đê đãi khách đến nhà bằng món... kiến vàng trứ danh
Những tổ kiến vàng còn nằm trên cây được người Ê Đê khéo léo lấy về rồi chế biến thành món ăn "độc nhất vô nhị". Đây có thể gọi là món ăn khó, khó từ lấy nguyên liệu đến cách chế biến và thưởng thức.
Kết thúc mùa thu hoạch cà phê, cũng là lúc Tây Nguyên vào xuân. Người Ê Đê ở huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) cũng nô nức chuẩn bị Tết như cộng đồng các dân tộc khác. Để chuẩn bị cho bữa cơm ngày Tết, những người đàn ông trong buôn lại rủ nhau vào rừng, lên rẫy để tìm những tổ kiến vàng- nguyên liệu chính của món canh chua kiến vàng. Đây được xem là món ăn truyền thống, đặc sản của người Ê đê dùng để đãi khách đến chơi nhà.
Hoa Djam Tang mọc dọc sông Sêrêpôk
Kiến vàng sinh sống trên các cành cây, làm tổ ở những nơi cao. Những ổ kiến vàng có trứng được xem là "lộc rừng". Đặc biệt vào mùa mưa từ đầu mùa mưa hoặc sau mùa thu hoạch, người Ê đê thường chọn thời điểm này đi "săn" kiến vàng vì đa phần chúng sẽ làm tổ và đẻ trứng nhiều. Từ loài kiến này, người Ê đê có món canh chua kiến vàng nấu với hoa "djam tang" khiến nhiều người mê mẩn.
Nguyên chính gồm kiến vàng, các loại tôm, cá, cua sông, ngò gai, nén, gia vị và hoa "djam tang"- một loài hoa mọc gần sông Sêrêpốk.
Cá suối dùng để nấu canh chua kiến vàng
Khi những cây "djam tang" lên búp, nở hoa từ lòng sông, cạnh các bờ đá, phụ nữ Ê đê rủ nhau đi hái. Bằng nhiều cách như đặt giỏ hay đánh lưới trên dòng sông, đàn ông người Ê đê ở đây dành những con tôm, cua, cá nhỏ để nấu món canh chua.
Để nấu được món ăn này, người Ê đê phải đi kiếm tổ kiến vàng. Thay vì dùng me hay lá giang để tạo vị chua cho món ăn, người Ê đê sẽ sử dụng kiến vàng tạo nên độ chua "độc lạ".
Món canh chua đặc biệt bao gồm kiến vàng và trứng kiến
Trên những cây cao ở trong rừng hoặc trong vườn cà phê, vườn cây trồng lâu năm, khi tìm thấy tổ kiến, người bắt cũng phải có kinh nghiệm và nghệ thuật để tránh làm vỡ tổ kiến. Những tổ đầy ắp kiến vàng và trứng kiến sẽ khiến hương vị của món canh càng đặc biệt và bổ dưỡng.
Món canh chua độc nhất vô nhị là món truyền thống, người Ê Đê dùng để đãi khách đến chơi nhà
Với nguyên liệu dân dã, cách nấu canh chua kiến vàng cũng khá đơn giản. Người Ê Đê nấu một nồi nước đủ dùng, khi nước sôi sẽ thả vào nồi các loại tôm, cua, cá nhỏ đã sơ chế và củ nén đập dập để tạo độ thơm.
Sau khoảng 5 phút, nguyên liệu trong nồi đã đạt độ chín và tạo độ ngọt cho nước thì lần lượt thêm hoa "djam tang" và kiến vàng đã ngâm nước sạch. Vị chua đặc biệt của kiến vàng sẽ kích thích vị giác của người nếm. Vị béo ngậy của trứng kiến khiến món ăn càng trở nên lạ miệng, hấp dẫn khi thưởng thức.
Người thưởng thức món canh chua kiến vàng nấu hoa "djam tang" sẽ có được ấn tượng khó phai.
Món canh chua khi ăn cùng với cơm trắng, cá suối nướng sẽ càng kích thích vị giác người thưởng thức
Đây được xem là một món ăn hấp dẫn của người Ê đê, khi ăn cùng với cơm trắng càng kích thích vị giác người thưởng thức. Từ cách nấu giản đơn nhưng có được sự đậm đà của món canh chua khẳng định được nghệ thuật ẩm thực độc đáo của người Ê đê.
Dương Phong
Bữa sáng nấu bát cháo tôm tươi thơm ngon ấm bụng tràn đầy năng lượng cho cả ngày Cháo nấu cùng với tôm tươi đậm đà, vị ngọt, thơm mùi tỏi phi, hành lá, có thể ăn vào bữa sáng hoặc xế đều được. Nguyên liệu: - 1 nắm gạo để nấu cháo - 150 gr tôm tươi - Tỏi băm - Hành ngò thái nhỏ Cách làm: Bước 1: Vo gạo rồi đun một nồi cháo. Tôm lột vỏ thái...