Mùa tiêu “đắng”
Đang vào thời điểm ra hoa đậu trái nhưng giá hồ tiêu xuống thấp kỷ lục, cùng với đó là ảnh hưởng thời tiết khiến hàng trăm hécta tiêu đang xanh tốt bỗng ngả vàng rồi chết. Người trồng tiêu tại tỉnh Bình Phước lao đao, lo lắng sẽ có một mùa tiêu “đắng”.
Hồ tiêu rụng bông và chết hàng loạt ở Bình Phước. Ảnh: HOÀNG BẮC
Tiêu chết hàng loạt
Vụ tiêu vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Minh (ngụ xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) bị thiệt hại gần 1.000 trụ tiêu đang độ tuổi thu hoạch. Khi mới phát hiện bệnh thì chỉ có vài trụ tiêu chết, sau đó tiêu chết thành từng cụm, lây lan nhanh vô phương cứu chữa. Những nọc tiêu kịp thời được cách ly tuy không bị lây bệnh nhưng cũng èo uột, thiếu sức sống. Để trang trải cuộc sống, gia đình chị Minh phải cưa bỏ toàn bộ vườn tiêu, chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò.
6 năm trước, bên cạnh 1.500 trụ tiêu 4 năm tuổi, gia đình ông Trần Văn Lương (ngụ xã Tân Thành, huyện Bù Đốp) trồng thêm 1.000 trụ tiêu mới. Sau 3 năm, vườn tiêu được đánh giá đẹp nhất xã này bỗng ngả màu vàng và hơn 1 tuần sau thì rụng lá rồi chết hàng loạt. Dù gia đình ông Lương tìm mọi cách cứu vườn tiêu nhưng vô vọng, số tiền đầu tư xem như mất trắng, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình ông đang cố gắng chăm sóc vườn keo (trụ sống tiêu) để lấy thức ăn cho dê và gom góp tiền trả nợ ngân hàng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, cho biết, cây hồ tiêu trên địa bàn bị bệnh chết là do khi giá tiêu tăng cao đột biến, bà con nông dân đã ồ ạt chuyển đổi cây trồng sang trồng hồ tiêu, trồng cả ở nhiều vị trí không phù hợp cho sự phát triển của cây tiêu. Do trồng nhiều nên các hộ dân chủ quan, không kiểm tra, kiểm soát tốt giống cây trồng khi mua, có một số loại giống không bảo đảm phát triển lâu dài. “Nhiều người trồng tiêu cũng chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu, sử dụng một số loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp”, ông Bắc cho biết.
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, trong năm 2018 và đầu năm 2019, diện tích hồ tiêu chết tại các tỉnh Gia Lai là 5.547ha, Đắk Lắk 2.219ha, Đắk Nông 1.827ha, Đồng Nai 831ha và Bình Phước 962ha. Trong đó, riêng tại Bình Phước, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 574ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh gây hại, tập trung nhiều tại huyện Bù Gia Mập với 107ha và huyện Bù Đốp là 25ha.
Loay hoay tìm giải pháp
Không chỉ đối mặt với giá rớt kỷ lục, mà vào thời điểm này, người trồng hồ tiêu còn đang đối mặt với tình trạng mất mùa do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Nhiều vườn tiêu sau khi ra hoa, trái đậu rất ít và thậm chí còn rụng đầy gốc. Gia đình ông Đặng Văn Lập (ngụ xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) có 1.000 trụ tiêu, vụ mùa năm 2018 thu được 4 tấn, năm nay ông mạnh dạn đầu tư khoảng 50 triệu đồng mua phân thuốc các loại. Dù giá tiêu rớt xuống chỉ còn 37.000 đồng/kg nhưng ông mừng vì vườn tiêu xanh tốt, hoa ra nhiều và dự kiến sẽ thu lợi. Tuy nhiên cận kề ngày kết trái thì hoa hồ tiêu rụng đầy gốc, trơ cành lá.
Video đang HOT
Ông Lập buồn rầu nói: “Vườn tiêu được gia đình tôi chăm sóc rất kỹ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đúng theo quy trình nhưng không hiểu tại sao gặp hiện tượng hoa chưa kịp đậu trái đã rụng quá nửa. Tôi chỉ mong các cơ quan vào cuộc xem xét hỗ trợ bà con nông dân”. Tương tự, vườn tiêu nhà anh Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) có 400 trụ tiêu cũng rụng bông hàng loạt. Hơn 20 năm trồng tiêu, chứng kiến nhiều lần thiệt hại nhưng đối diện với khả năng mất trắng ngay trước vụ khiến gia đình anh rất lo lắng.
Theo các nhà vườn tại huyện Bù Gia Mập, năm nay hiện tượng mưa đến muộn, thời tiết khô nóng, độ ẩm không khí thấp đã dẫn đến tình trạng trên. Trước tình trạng tiêu chết, Sở KH-CN Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có giải pháp giúp người dân. Còn hiện tại, biện pháp chính vẫn là người trồng tiêu tự cứu mình bằng những kinh nghiệm vốn có cùng với những khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, thừa nhận có tình trạng tiêu chết nhiều do giá cả xuống thấp kéo dài suốt một thời gian dài nên nhiều vườn tiêu trồng trên đất không phù hợp, có năng suất thấp, bà con không đầu tư chăm sóc hoặc mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn nên đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
Theo dự báo, do vẫn thừa nguồn cung trên phạm vi toàn cầu nên trong 5 năm tới, giá tiêu chưa thể lên lại, việc mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác để giảm mạnh diện tích, sản lượng cũng là một giải pháp quan trọng để vực dậy giá trị của hồ tiêu xuất khẩu và cần được các địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai quan tâm; cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ việc chuyển đổi này cho các nông hộ.
VĂN PHONG – HOÀNG BẮC
Theo SGGP
Cám cảnh trồng tiêu: Giá thấp lỗ chỏng gọng, trồng hữu cơ cũng chết
Năm 2016, toàn tỉnh Bình Phước có 16.452 ha hồ tiêu. Đây cũng là thời điểm huy hoàng hồ tiêu được mệnh danh là vàng đen.
Bất chấp khuyến cáo từ các nhà khoa học, người người, nhà nhà thi nhau trồng tiêu. Chỉ trong năm 2016, diện tích hồ tiêu tăng 726 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu cả tỉnh lên 17.178 ha. Giá hồ tiêu những năm gần đây liên tiếp giảm, nhiều nhà vườn không còn vốn để đầu tư phân bón, thuốc trị bệnh dẫn đến tiêu chết hàng loạt.
523,1 ha hồ tiêu của tỉnh bị nhiễm bệnh ở mức độ trên 70% trong niên vụ 2017-2018 là lời cảnh báo cho nông dân trồng tiêu trước khi mùa mưa kết thúc.
NHỮNG MÙA TIÊU ĐI...
Niên vụ 2018-2019, 2,5 ha hồ tiêu 8 năm của gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho năng suất 13 tấn. Thế nhưng dự báo mùa vụ năm nay, năng suất vườn tiêu của gia đình bà có thể giảm hơn một nửa.
Bà Liên cho biết, nguyên nhân chính khiến năng suất giảm là do giá hồ tiêu xuống thấp nên gia đình không đầu tư phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật như những năm trước. Không chỉ năng suất giảm, một số nọc tiêu trong vườn đang bị vàng lá, khô cành, tháo lóng, biểu hiện của bệnh chết nhanh, chết chậm đã xuất hiện.
Dự báo năng suất vườn tiêu 2,5 ha của hộ bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sẽ giảm hơn 50% do thiếu đầu tư phân bón và sự tác động của thời tiết.
Bù Đốp hiện có 4.468 ha hồ tiêu, chiếm 26,1% tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh. Cuối mùa mưa, đầu mùa khô năm 2019, toàn huyện Bù Đốp có 110 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, trong đó 41,1 ha nhiễm bệnh ở mức độ trên 70% và 46,2 ha nhiễm bệnh từ 30-70%.
Năm 2018, toàn tỉnh có 523,1 ha tiêu bị chết, chủ yếu do bệnh chết nhanh, chết chậm. Từ khi trồng đến lúc bắt đầu cho thu hoạch và rơi vào tình trạng chết nhanh, chết chậm không thể cứu chữa phải mất ít nhất 3 năm. Trong 3 năm ấy, người dân đầu tư thấp nhất cũng khoảng 200 triệu đồng/ha. 523,1 ha hồ tiêu bị chết trong năm vừa qua đồng nghĩa với người trồng tiêu trên địa bàn toàn tỉnh mất trắng 104 tỷ đồng.
Bình Phước hiện có trên 16.987 ha hồ tiêu, giảm 191 ha so với năm 2018. Mưa tắt, nắng lên là hồ tiêu dễ rơi vào tình trạng vàng lá, tháo lóng, bỏ nọc rồi chết hàng loạt mà người trồng tiêu hay gọi là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bình quân mỗi năm có ít nhất cả trăm héc ta hồ tiêu chết vì căn bệnh này.
Dù biết nguyên nhân gây nên loại bệnh này do nấm phytophthora và fusarium nhưng ít ai biết được khởi nguyên bệnh do nấm phytophthora và fusarium tấn công bộ rễ của hồ tiêu ngay từ trong mùa mưa. Tấn công xong bộ rễ cũng là lúc mùa khô đến khiến cây tiêu không còn đường cung cấp chất dinh dưỡng dẫn đến chết nhanh hoặc chết chậm.
Tùy theo mức đầu tư của nhà vườn, mỗi héc ta hồ tiêu từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất từ 200-300 triệu đồng, thậm chí 500 triệu đồng. Nhiều nhà vườn không nắm được nguyên nhân cơ bản của bệnh chết nhanh, chết chậm nên mua thuốc bảo vệ thực vật về phun, tưới cho vườn tiêu.
Thế nhưng càng phun, tưới thuốc thì hồ tiêu càng chết nhanh hơn và người trồng lại mất thêm khoản chi phí cho tiền công, thuốc bảo vệ thực vật có khi lên cả trăm triệu đồng nhưng vẫn không thể cứu được vườn.
1 ĐỒNG PHÒNG HƠN 10 ĐỒNG CHỮA
Theo các nhà nông học, có 4 nguyên nhân cơ bản khiến hồ tiêu chết hàng loạt. Trước tiên là do cách trồng hồ tiêu thấp hơn mặt đất dẫn đến ẩm độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phytophthora và fusarium phát tán trên diện rộng. Thứ hai, nhà vườn thường chủ quan không triệt tiêu hay cách ly ngay từ đầu những nọc tiêu mắc bệnh.
Thứ ba, không chủ động phòng bệnh và cuối cùng là do thiếu đầu tư phân bón hoặc bón phân không cân đối dẫn đến hồ tiêu thiếu sức đề kháng, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công.
Đặc biệt, trước thực trạng hồ tiêu mất giá như hiện nay, nhiều nhà vườn thiếu đầu tư chăm sóc dẫn đến không ít vườn bị chết hàng loạt. 523,1 ha hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh bị chết trong năm vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất.
Dự báo năng suất vườn tiêu 2,5 ha của hộ bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sẽ giảm hơn 50% do thiếu đầu tư phân bón và sự tác động của thời tiết.
Kỹ sư Đỗ Hữu Đức, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: Có một thực tế vừa mừng nhưng lại vừa lo hiện nay là người dân thường tập trung vào phương pháp hữu cơ, ít quan tâm đến tỷ lệ phân bón vô cơ dẫn đến vườn tiêu mất cân đối về dinh dưỡng.
Đặc biệt, phân bón vô cơ còn là giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất cây trồng nếu sử dụng đúng liều lượng. Do vậy, song song với phương pháp hữu cơ, nhà vườn cần phải sử dụng phân bón vô cơ ở mức độ hợp lý, không chỉ giúp vườn cây phát triển cân đối dinh dưỡng để kháng bệnh mà còn nâng cao năng suất cây trồng.
Tiếp theo là thay đổi cách trồng từ phương pháp đào hố âm dưới mặt đất sang cách trồng nổi. Phòng bệnh ngay từ mùa mưa là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp hồ tiêu cũng như các loại cây trồng khác tránh được dịch bệnh do nấm phytophthora và fusarium gây nên.
Tiến sĩ nông học Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho rằng, nhà nông đầu tư 1 đồng cho việc phòng trừ dịch bệnh sẽ tốt hơn phải bỏ ra 10 đồng để chữa bệnh.
Theo Đông Kiểm (Báo Bình Phước)
Bình Phước: 3 người chết do sốt xuất huyết Toàn tỉnh Bình Phước có hơn 6.000 ca mắc sốt xuất huyết và tiếp tục tăng, đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, trong đó 2 ca tại huyện Bù Đốp, 1 ca tại huyện Lộc Ninh. Ngành Y tế Bình Phước khuyến cáo, người dân có dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến các...