Mùa phim Tết 2022 nhiều khó khăn của điện ảnh Việt
Năm 2022 nhiều khả năng là lần đầu thị trường trống vắng những tác phẩm mới, thay bằng các phim bị dời lịch.
Từ ngày 19/11, rạp phim ở TP HCM – thị trường lớn nhất nước – đã tái hoạt động. Tuy nhiên, tâm lý dè dặt vẫn còn ở một số khán giả và giới phát hành. Thời gian gián đoạn lâu trong năm 2021 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành phim ảnh, cả cho hệ thống rạp lẫn nhà sản xuất.
Dự đoán sớm cho mùa Tết 2022
Một hệ quả của việc trì trệ là nhiều phim phải dời lịch, nhiều dự án chưa được sản xuất. Do đó, mùa Tết Nguyên đán năm 2022 có thể là lần đầu không có các phim Việt “mới”. Thay vào đó, đường đua sẽ là cuộc chiến của các phim được sản xuất từ khá lâu trước đó.
1990 là phim đầu tiên ấn định ra mắt dịp Tết 2022.
1990 của đạo diễn Nhất Trung là phim đầu tiên công bố ra mắt mùa Tết. Tác phẩm quy tụ Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My 9X, từng dự kiến công chiếu dịp 30/4 năm nay. Tuy nhiên, nhà sản xuất quyết định dời lịch, sau đó dịch ập xuống khiến dự án phải chờ thêm nữa. Đạo diễn Nhất Trung vốn nổi tiếng mát tay mùa Tết với hai phim Cua lại vợ bầu và Đôi mắt âm dương. Trong đó, phim đầu từng giữ danh hiệu phim Việt ăn khách nhất tại thị trường nội (trước khi bị Bố già vượt qua).
Chìa khóa trăm tỷ quy tụ Thu Trang, Kiều Minh Tuấn cũng được đồn đoán ra mắt Tết 2022. Dự án từng được định vị là phim hè, trước khi Covid-19 buộc phim đổi kế hoạch phát hành. Qua những chất liệu đầu tiên, có thể thấy phim mang màu sắc hài hước pha hành động từng mang về thành công cho Thu Trang. Không khí của Chìa khóa trăm tỷ vô tình khá phù hợp với mùa Tết.
Video đang HOT
Kiều Minh Tuấn, Thu Trang sẽ tái xuất.
Thanh Sói của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng có thể góp mặt vào đường đua dịp này. Dự án này từng khởi động đình đám vào năm 2019, nhưng do điều kiện bất lợi nên phải ba năm sau mới có thể ra mắt. Ngô Thanh Vân hẳn cũng đang trông đợi Thanh Sói ra mắt để quên đi thành tích không như ý của Trạng Tí.
Tết quan trọng thế nào với phim Việt?
Tết Nguyên đán luôn là thời điểm sôi động nhất của rạp Việt, với giá vé cao và lượng người đi xem đông. Một thập niên qua (cho đến trước Covid-19), tổng doanh thu mùa Tết nhìn chung tăng dần đều. Trong đó, phim Việt ngày càng giữ vai trò đầu tàu về doanh thu.
Năm 2011, có tới 6 phim Việt phát hành dịp Tết, đánh dấu sự rộn rã của thị trường. Những năm sau, dịp này liên tiếp chứng kiến các phim đạt doanh thu cao như Mỹ nhân kế (2013, 52 tỷ đồng), Nhà có 5 nàng tiên (2014, 60 tỷ đồng ), Tía tui là cao thủ (2016, hơn 50 tỷ đồng) hay Siêu sao siêu ngố (2018, 109 tỷ đồng).
Năm 2019, phim Cua lại vợ bầu bứt phá với 191 tỷ đồng, dẫn đầu bảng xếp hạng nội địa. Năm 2020, khi đã bắt đầu nỗi lo về Covid-19, phim Gái già lắm chiêu 3 của Bảo Nhân, Nam Cito vẫn thu hơn 160 tỷ đồng. Bộ phim đang dẫn đầu doanh thu mọi thời ở Việt Nam – Bố già – thực chất cũng được phát triển theo định hướng “phim Tết”. Tác phẩm của Trấn Thành không thể ra mắt vào đúng mùa Tết năm nay do dịch bệnh, nhưng đã công chiếu sau khi rạp mở lại và thắng lớn.
Bố già định chiếu Tết 2021 nhưng phải dời lịch ra sau thời điểm này.
Do đặc thù xã hội, thời điểm ăn nên làm ra của phim Tết thường kéo dài số ngày nghỉ. Vào cuối kỳ nghỉ, một số người ở quê mới trở lại thành phố và bắt đầu đi xem phim. Không khí nhộn nhịp vì thế được duy trì trong một thời gian tương đối lâu. Đối với các nhà sản xuất, nếu gặt hái doanh thu lớn từ mùa Tết, đó sẽ là thuận lợi lớn giúp họ tự tin phát triển các dự án tiếp.
“Phim Tết bớt nhảm” là xu thế tích cực trong một thập niên qua. Cách đây vài năm, các phim Tết ăn nên làm ra song thường bị chỉ trích bởi nội dung hời hợt, chủ yếu gây cười mảng miếng. Theo đà đi lên của điện ảnh, các bộ phim ẩu, dở, dần đánh mất sức hút.
Nhà làm phim cũng không còn chỉ chú trọng khai thác tiếng cười vào dịp này nữa. Một số phim Tết ăn khách gần đây thuộc thể loại tâm lý ( Gái già lắm chiêu 3, Bố già) hay kinh dị ( Đôi mắt âm dương), chứng tỏ gu thưởng thức ngày càng đa dạng. Yêu cầu của khán giả cũng cao hơn dẫn đến tình thế phòng vé có thể thay đổi đột ngột. Như năm 2020, phim 30 chưa phải là Tết (có Trường Giang, Mạc Văn Khoa) ban đầu được đánh giá cao nhất nhưng rồi bị rớt hạng vì điểm trừ chất lượng.
Mùa Tết năm 2022 sẽ là thời điểm mà các nhà phát hành tiếp cận với tâm thế vừa háo hức, vừa lo lắng. Bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao và số người chết theo ngày giảm, không thể nói trước gì về Covid-19. Mọi thứ có thể diễn biến rất nhanh ngoài tầm dự đoán. Ngay như năm 2021, quyết định đóng rạp mùa Tết được đưa ra ngay trong ngày mà một số phim có buổi chiếu cho báo giới.
Do sự bất an này, các rạp đang hoạt động nhưng cũng chuẩn bị nhiều phương án phòng rủi ro. Ngoài ra, tâm lý thận trọng của công chúng, tình hình tài chính đi xuống của người dân và việc ngồi giãn cách (nếu có) cũng có thể thành trở ngại, khiến mùa phim Tết 2022 nhiều khả năng khó tái lập thành tích như cũ.
Hàng chục dự án phim Việt chờ ngày công chiếu
Mới đây nhất, bộ phim Em và Trịnh đã công bố lùi lịch chiếu sang năm 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều dự án cũng có số phận tương tự bộ phim này.
Trên trang thông tin chính thức của phim Em và Trịnh , nhà sản xuất đã công bố lùi lịch chiếu phim sang năm 2022. Trước đó, phim có lịch chiếu là Giáng sinh năm nay. Nguyên nhân lùi lịch được cho là vì rạp chiếu phim ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước chưa mở cửa trở lại sau dịch bệnh. Do đó, khó có khả năng rạp chiếu hoạt động bình thường vào dịp Giáng sinh năm nay.
Phim điện ảnh Em và Trịnh kể về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ khi còn trẻ đến tuổi trung niên, khi ông hoài niệm về những nàng thơ trong cuộc đời mình. Phim có kinh phí hơn 50 tỉ đồng, do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn.
Cùng tin lùi lịch chiếu, nhà sản xuất công bố chuỗi podcast Nắng thủy tinh do Galaxy Play thực hiện để đáp ứng sự chờ đợi của khán giả. Podcast Nắng thủy tinh sẽ do Hoàng Hà và Avin Lu - hai diễn viên vào vai Dao Ánh và Trịnh Công Sơn lúc trẻ trong phim Em và Trịnh - dẫn dắt. Số đầu tiên của chương trình ra mắt lúc 19h ngày 14/10 trên các nền tảng trực tuyến có bản quyền.
Phim 1990...
...và Bẫy ngọt ngào đều đã chờ đợi một thời gian dài để được ra mắt
Không chỉ bộ phim Em và Trịnh, nhiều dự án hiện đã phải chờ đợi thời gian rất dài để ra mắt công chúng. Theo thống kê, có tới hơn 15 bộ phim chiếu rạp đã được nhà sản xuất quảng bá rầm rồ, sẵn sàng cho ngày công chiếu nhưng phải ngưng lại và hiện chưa có lịch phát hành mới như Bẫy ngọt ngào, Rừng thế mạng, Người lắng nghe, 578: Phát đạn của kẻ điên, 1990, Chìa khóa trăm tỉ, Dân chơi không sợ con rơi, Bí mật thiên đường, Người tình và Tim hằn vết sẹo...
Bên cạnh đó, có những dự án đã công chiếu được một thời gian ngắn nhưng phải tạm ngừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, như Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ hay Trạng Tí của Ngô Thanh Vân..., đều đang chờ đợi ngày trở lại để thu hồi vốn.
Việc không thể hoạt động và ra mắt sản phẩm đã khiến nhiều nhà sản xuất phim gặp khó khăn. Mới đây, đại diện 20 doanh nghiệp phim lớn tại TP.HCM đồng ký tên vào công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM xem xét cho phép các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình được phục hồi sản xuất, kinh doanh từ ngày 15/10. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, hoạt động của các rạp chiếu phim cũng như thói quen ra rạp của khán giả chưa thể ổn định ngay lập tức. Thay vào đó, thời điểm vàng cho các dự án tấn công phòng vé là vào đầu năm 2022.
Ở thời điểm hiện tại, khi nhiều địa phương được nới lỏng giãn cách xã hội, các đơn vị sản xuất phim đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch hoạt động trở lại. Ngày 10/11, Minh Hằng - nhà sản xuất của Bẫy ngọt ngào - đã chia sẻ hình ảnh trở lại với công việc sau nhiều tháng bị trì hoãn. Cô cũng đã bày tỏ mong muốn bộ phim của mình sẽ sớm được ra rạp.
Phim Việt đầu năm 2021: Thảm họa và ồn ào nối tiếp 4 tháng đầu năm 2021, giới phim Việt vướng nhiều ồn ào khi phim thảm họa ra rạp, nhà sản xuất lên án cụm rạp chèn ép, đạo diễn mâu thuẫn với diễn viên... 1990 : Ngày 17/4, đạo diễn Nhất Trung bất ngờ thông báo lùi lịch chiếu của bộ phim và chưa công bố ngày ra mắt trở lại. Sau đó,...