Mua nhà trả góp ‘ngột thở’ giữa mùa dịch, kiến nghị giảm 2% lãi vay
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay 2% một năm với doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà.
Năm 2020, vợ chồng anh Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) có mua 1 nhà đất 30m2 ở Long Biên với giá hơn 2 tỷ đồng. Sau khi tính toán, cân đối tài chính rất kỹ hai vợ chồng anh vay ngân hàng hơn 1 tỷ mua nhà. Trong năm 2020, nhờ tính toán chủ động chi tiêu nên gia đình anh trả cả gốc lẫn lãi theo đúng tiến độ mà vẫn đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Nhưng sang đến năm 2021, dịch bùng phát, cả hai vợ chồng đều làm trong ngành dịch vụ nên thu nhập bị sụt giảm. Vài tháng trở lại đây gia đình phải chật vật vay mượn mới lo được tiền trả ngân hàng.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn (Ảnh minh hoạ)
“Vừa lo trả nợ ngân hàng rồi tiền sinh hoạt hàng ngày khiến cuộc sống của chúng tôi rất căng thẳng nhất là đến kỳ thanh toán tiền nhà. Dịch bệnh cứ kéo dài khó khăn quá chắc chỉ còn đường cắt lỗ bán nhà” – anh Hải thở dài.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Trước thực tế trên, HoREA vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 trong đó nhấn mạnh để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
Về cơ chế chính sách tín dụng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2% một năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn.
Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp địa ốc được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.
Video đang HOT
Đối với người mua nhà, cần có chính sách tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký, đồng thời hỗ trợ cho vay đối với người mua nhà ở thuộc phân khúc bình dân, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Về chính sách thuế, HoREA đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, cũng như xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch, góp phần kéo giảm giá nhà và giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19.
Việc giảm lãi suất có ý kiến cho rằng đây là việc cần thực hiện để giúp doanh nghiệp cũng như người dân mua nhà hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến e ngại rằng, với mức lãi suất cho vay bất động sản như hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước đây, nếu tiếp tục giảm nữa, nguy cơ rủi ro cho thị trường là rất cao.
Theo khảo sát, hiện tại lãi suất cho vay ưu đãi được các ngân hàng áp dụng dao động trong khoảng từ 5%/năm đến 8,5%/năm.
Từ giữa tháng 7, một số ngân hàng liên tiếp ra thông báo giảm lãi suất cho vay mua nhà nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2% so với lãi suất hiện hành, trong đó có nhóm khách hàng kinh doanh resort, khách sạn.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm lãi suất 2%/năm so với lãi suất hiện hành tại địa bàn khu vực phía Nam và giảm 1,5% tại địa bàn khác đối với khách hàng cá nhân mua nhà để ở.
Vietcombank cũng thông báo giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021, trong đó giảm tối đa 0,5% với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Theo chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà là chính sách phù hợp, nhưng phải có phương án hợp lý để hỗ trợ đối tượng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ tạo “bong bóng” bất động sản.
Mua chung cư mini, nhiều chủ nhà ôm 'bom'
Nhiều người trót bỏ tiền mua chung cư mini đang khốn khổ khi phân khúc này không hề dễ bán lại do vướng nhiều bất cập.
Trong hơn 10 năm qua, nhất là từ 2010 đến nay, chung cư mini, chung cư hộp diêm nở rộ tại các đô thị, quận nội thành. Ở Hà Nội, hàng trăm khu nhà ở được gọi là "chung cư mini" đã đi vào hoạt động.
Đặc biệt, dù nằm ở vị trí trung tâm, nhưng giá của mỗi căn hộ chung cư này rất rẻ, từ 800 - 1,2 tỷ đồng/căn diện tích từ 25m2 - 42m2 - 49m2 - 52m2. Sự hấp dẫn về vị trí cũng như mức giá đã khiến nhiều nhà người quyết định xuống tiền vào phân khúc này.
Chung cư mini không hề dễ bán do quá nhiều bất cập. (Ảnh minh họa)
Năm 2016, chị Hoàng Thị Bích (quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định bỏ ra 615 triệu đồng để mua một căn hộ chung cư mini 56m2 tại quận Đống Đa, tương đương 11 triệu đồng/m2. Dự án này nằm ở trung tâm thành phố, sát với các trục đường lớn, nhưng giá bán chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với các dự án chung cư thương mại xung quanh. Tầng 1 của chung cư là khu vực để xe, còn lại mỗi tầng có 4 căn hộ.
" Biết là chất lượng không bằng chung cư bình thường, nhưng với mức giá phù hợp thu nhập, tôi không phải tốn quá nhiều thời gian chờ đợi để gom tiền. Hơn nữa, chung cư nằm ở vị trí trung tâm, tiện cho việc đi làm nên chúng tôi mới quyết định mua căn hộ này ", chị Bích nói.
Tuy vậy, sau khi ở, chị Bích mới thấy nhiều bất cập. Chung cư không được chủ đầu tư quan tâm, tu sửa, nhiều hạng mục xuống cấp, mỗi khi xảy ra hỏng hóc thì chính những người dân sinh sống ở đây phải tự bỏ tiền túi ra thuê người sửa chữa. " Thang máy hỏng cũng là chúng tôi tự góp tiền sửa, chứ họ có sửa đâu ", chị Bích cho biết.
Đáng nói hơn, nhà chung cư mini chỉ có sổ đỏ chung, nếu khách đồng ý mua sẽ có hợp đồng mua bán viết tay giữa hai bên, theo dạng chìa khóa trao tay. Chủ nhà hứa hẹn, trong 3 năm sẽ hoàn thành sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở) cho cư dân. Thế nhưng, cho tới nay, sau hơn 5 năm, chị Bích vẫn chưa được cấp như lời hẹn. Rất nhiều lần, chị Bích cùng nhiều cư dân khác mua căn hộ tại dự án này yêu cầu chủ nhà thực hiện đúng cam kết nhưng chưa có kết quả
Sau nhiều năm bức xúc, chị Bích quyết định bán căn hộ mini, với giá bằng thời điểm mua hoặc rẻ hơn đôi chút nếu khách hàng có thiện ý. Tuy nhiên, trong suốt nửa năm "treo biển" bán nhà, không có bất kỳ ai liên hệ với chị để mua.
Cũng giống chị Bích, ông Đông (quận Thanh Xuân) cách đây 6 năm đã bỏ gần 700 triệu đồng để mua một căn hộ mini tại quận Thanh Xuân do giá rẻ.
Sau một thời gian kinh doanh thành công, ông Đông dự tính bán căn hộ này, bù tiền thêm để "nâng đời" nhà ở. Tuy nhiên, kể từ thời điểm ông Đông rao bán (cuối năm 2020), cho tới nay chỉ có 1 - 2 khách đến hỏi mua, nhưng đều không thành công. Ngay cả khi ông Đông nhờ các đơn vị môi giới bất động sản cũng rất ít nơi nhận bán lại các căn hộ mini.
" Hầu hết khách hỏi mua, câu đầu tiên họ hỏi là căn hộ có sổ không. Nếu có thì họ tới xem, còn không thì thôi. Tuy nhiên, do dự án này do dân xây, nên rất khó xin. Vì vậy, việc bán lại rất khó ", ông Đông nói.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, lý do hầu hết các chung cư mini hiện nay đều không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, nguyên nhân là bởi đa số các căn hộ ở dạng này đều vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn tự ý cơi nới thêm tầng nhằm kiếm thêm lợi nhuận.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dẫn giải, tình trạng "nở rộ" chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về "phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân".
Chung cư mini bùng nổ dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư; gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng; làm gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán căn hộ,...
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Phó phòng Tranh tụng, hãng luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội) thực tế, các dự án chung cư mini vẫn có thể cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở (sổ hồng) nếu đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật. Tuy nhiên, hầu hết các dự án chung cư mini hiện nay đều khó cấp sổ hồng do vướng nhiều sai phạm.
" Khi xây dựng chung cư mini, nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở của pháp luật bằng cách "núp bóng" xin phép nhà ở riêng lẻ trên đất ở (hợp pháp). Sau đó, tự ý thực hiện việc xây dựng công trình theo kiểu nhiều tầng, phân chia thành nhiều căn hộ mà không tuân thủ các quy định, quy chuẩn của pháp luật về xây dựng (xây sai phép). Điều này dẫn đến việc các quyền lợi cho người mua rất khó để đảm bảo ", luật sư Hùng nói.
Ông Hùng khuyến cáo, do luật pháp về đất đai chưa quy định rõ về loại "căn hộ chung cư mini", chính vì vậy người mua cần tìm hiểu kĩ trước khi muốn mua, tránh "ôm bom" khi không tthể bán .
6 tháng cuối năm, có nên đổ tiền vào bất động sản? Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm được dự đoán sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro về pháp lý. Để dự đoán kịch bản cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm, cần nhìn lại sự biến động trong 6 tháng đầu năm vừa qua. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup,...