Mùa mưa đang tới, làm gì để không bị sốt xuất huyết?
Mùa mưa tới là nguy cơ xuất hiện các “ổ dịch” sốt xuất huyết tại TPHCM. Vậy làm gì để phòng tránh căn bệnh này?
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm dọc hành lang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Hà Phương
Lưu ý với phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, béo phì
Mùa mưa đang tới, dịch sốt xuất huyết vẫn luôn vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh bất kỳ lúc nào. Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Quốc tế City, lưu ý trẻ nhỏ một khi mắc sốt xuất huyết thường nặng hơn, nhất là trẻ béo phì. “Trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi nếu bị sốt xuất huyết diễn tiến thường nặng hơn những trẻ thường. Những trẻ bụ bẫm, béo phì phải theo dõi kỹ hơn. Phụ huynh thường không nghĩ trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi sẽ bị mắc bệnh, thường bỏ sót đến khi nặng thì khó khăn cho điều trị” – bác sĩ Huệ cho biết thêm.
Phó giáo sư – Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, nơi điều trị nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng, lưu ý trong mùa này phải hết sức cảnh giác về bệnh sốt xuất huyết. “Đây là một dịch bệnh hiện lưu hành quanh năm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, cho nên hằng năm thường có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Có nhiều trường hợp tử vong nếu điều trị trễ, điều trị không thích hợp. Mọi người cần biết, không có lăng quăng sẽ không có muỗi, và từ đó sẽ không có sốt xuất huyết. Nếu chẳng may bị sốt 3 ngày trở lên phải nghĩ đến sốt xuất huyết, cần đi khám để xác định bệnh và có phương án điều trị kịp thời”, bác sĩ Quang lưu ý.
Video đang HOT
Bác sĩ Dương Hồng Phúc, Bệnh viện Quận Thủ Đức – cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai, vì đây là đối tượng nguy cơ cao khi mắc sốt xuất huyết, ảnh hưởng rất lớn về mặt sức khỏe cả mẹ và bé. Do vậy, thai phụ khi thấy triệu chứng sốt trong thời điểm hiện nay phải lập tức đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm. Tuyệt đối không tự ý đi mua thuốc về uống.
Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo: “Chúng ta dành 15 hay 20 phút mỗi tuần để dọn dẹp tất cả vật dụng hay ổ chứa nước có lăng quăng. Nếu mỗi tuần chúng ta đều làm thì cả tuần sẽ không có muỗi và nếu không có muỗi thì không thể nào có bệnh sốt xuất huyết được”.
Nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết vẫn luôn xuất hiện trong môi trường xung quanh nơi người dân sinh sống, làm việc, học tập. Do đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định việc kiểm soát thành công bệnh sốt xuất huyết. Sự cảnh giác cao độ với bệnh tật sẽ giúp chủ động phòng tránh những rủi ro về sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Vậy nên, tâm thế chủ động cảnh giác để phòng bệnh luôn là hành động sáng suốt trong bối cảnh dịch bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa.
Hà Nội: Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế TP Hà Nội, trên địa bàn TP đã ghi nhận 137 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Các ca mắc sốt xuất huyết rải đều trên tất cả các quận, huyện, các xã, phường, trong đó trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển như quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội cho biết, mùa dịch sốt xuất huyết của năm 2020 đã bắt đầu.
Số ca mắc sốt xuất huyết được phân bổ tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường.
Với khu vực ngoại thành, theo ông Tuấn, các huyện giáp ranh như Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín là khu vực có nguy cơ cao bùng phát sốt xuất huyết trong nhiều năm liên tục.
Trên phạm vi cả nước, theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh.
Với dịch sốt xuất huyết, bài học năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người già và phụ nữ có thai mắc nhiều hơn. Hầu hết người dân tìm đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khi bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốc, chảy máu nặng, tổn thương nội tạng.
Đặc biệt, với những bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng chảy máu khó cầm, nhau bong non, tiền sản giật... dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Bác sỹ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện có nhiều sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết.
Theo đó, nhiều người bệnh mắc sốt xuất huyết, qua điều trị đã giảm sốt hoặc hết sốt thì lập tức dừng điều trị vì nghĩ giảm sốt là hết bệnh.
Tuy nhiên, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sốt xuất huyết sẽ sốt cao, từ ngày thứ tư trở đi thì giảm sốt, tuy nhiên đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh vì giai đoạn này người bệnh có thể có những biến chứng nặng.
Một sai lầm trong điều trị mà nhiều người mắc phải theo chuyên gia này là người bệnh khi bị sốt xuất huyết tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về uống, phổ biến nhất là uống 2 loại thuốc Aspirin và ibuprofen. Thực tế, 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh sốt xuất huyết trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
"Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, không được tự mua thuốc về điều trị bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều lần", bác sỹ Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan, PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, các đơn vị cần phải thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc cũng như khoanh vùng xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội lưu ý các đơn vị cần tiếp tục triển khai các hoạt động khác trong công tác y tế dự phòng. Tổ chức tốt công tác tiêm chủng để phòng các dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng, cung ứng đủ số lượng vắc xin, rà soát đối tượng tiêm bù, tiêm vét. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm chủng, quy trình bảo quản vắc xin.
Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tổ chức đợt cao điểm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy tại các xã, phường, phun hóa chất tại các khu vực nguy cơ cao.
Hà Nội phát hiện gần 140 ca mắc sốt xuất huyết Theo CDC Hà Nội, các ca mắc sốt xuất huyết tập trung ở khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển. Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 137 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong. Số ca mắc được phân bổ tại 23/30...