Mùa lũ ở miền Tây: Sống khỏe re nhờ ra đồng bắt ốc bươu vàng
Mùa lũ đến, nhiều người dân vùng Đồng bằng sông Cửu long lại ra đồng giăng câu thả lưới, bắt cá cải thiện cuộc sống. Trong khi đó, một số hộ dân khác cũng sống khỏe re nhờ kiếm bộn tiền từ nghề … bắt ốc bươu vàng mùa lũ.
Mùa lũ miền tây bắt đầu từ tháng 7 kéo dài đến hết tháng 11 hàng năm. Khi đó, các cánh đồng trồng lúa (chủ yếu khu vực ngoài đê bao) nước ngập trắng đồng, cá, tôm, cua, ốc… nhiều vô số kể.
Nghề bắt ốc bươu vàng chỉ cần chiếc vỏ hay xuồng rồi bơi ra đồng… bắt ốc.
Trong lúc có nhiều người dân kiếm tiền bạc trăm, bạc triệu với nghề giăng câu, thả lưới, đặt dớn… thì một số người dân khác “sống khỏe” nhờ nghề bắt ốc bươu vàng.
Trứng ốc bươu vàng. Khi đẻ trứng, chúng bò lên cây, ngọn cỏ… cho khỏi mặt nước để đẻ trứng.
Video đang HOT
Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai, được du nhập vào nước ta cách nay 7-8 năm qua. Đây là loài vật gây hại mùa màng, dù nhiều năm qua bằng nhiều cách nông dân diệt trừ vẫn chưa hết, vì chúng sinh sản rất nhanh…
Dần dần ốc bươu trở nên hút hàng, bán được giá cao và dù có nhiều bao nhiêu cũng có thương lái mua hết. Do vậy, với hai người đi bắt ốc có thể kiếm từ 150.000 -200.000đồng/ngày.
Để lấy ruột ốc dễ dàng, người ta luộc ốc như thế này.
Sau đó, dùng que nhọn lấy phần ruột ốc ra khỏi vỏ.
Hiện giá ốc bươu vàng sống người dân bắt bán cho thương lái với giá từ 2.500 -3000 đồng/kg, còn ốc luộc lấy thịt giá từ 15.000 – 17.000 đồng/kg.
Người ta thường dùng ruột ốc bươu vàng để làm mồi nuôi cá, vịt…
Việc thu gom ốc bươu vàng như hiện nay có lợi nhiều mặt, như có lợi cho nghề nuôi thủy sản, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ mùa màng… Tuy nhiên phần xử lý vỏ ốc thường không được quan tâm, người dân hay đổ vỏ ốc xuống ao, sông…
Theo Nguyễn Hành (Dân Trí)
Ra đồng cào ốc bán, kiếm bộn tiền mà lại sạch ruộng
Từ cuối năm 2017 đến nay, tại một số địa phương của huyện Hải Lăng (tinh Quang Tri) xuất hiện nhiều điểm thu mua ốc bươu vàng để bán vào các tỉnh Nam Trung bộ phục vụ nuôi thủy, hải sản. Việc này đã mang lại "lợi ích kép" cho người nông dân, giúp họ vừa có nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống vừa góp phần bảo vệ, hạn chế tối đa sự tàn phá cây lúa của loài ốc ngoại lai này.
Từ cuối năm 2017 đến nay, chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng ngày nào cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi là ra đồng bắt ốc để bán kiếm thêm thu nhập. Theo chị Hiền, ở vùng thuần nông như Phương Lang, ngoài trồng lúa và canh tác hoa màu trên vùng cát thì chẳng có thêm nghề khác để có thêm nguồn thu nhập...
Một người dân thôn Phương Lang bắt ốc bươu vàng bằng dụng cụ thủ công
"Từ khi có điểm thu mua ốc bươu vàng tại thôn, người dân có thêm việc làm và thu nhập. Cứ mỗi lúc làm việc đồng áng hay có thời gian rảnh là tôi, có khi có thêm các con phụ thêm tranh thủ đi dọc theo các tuyến kênh mương, mép ruộng, ao hồ... để nhặt ốc. Chăm chỉ thì một buổi cũng nhặt được 30 - 40kg ốc, bán được chừng 60 - 80.000 đồng, cũng có thêm tiền trang trải cuộc sống", chị Hiền nói.
Là người theo nghề "ngao, sò, ốc, hến" từ vài chục năm qua, vợ chồng anh Lê Hữu Ly, ở thôn Phương Lang từ khi có điểm thu mua ốc bươu vàng cũng đã tích cực bắt loại ốc gây hại này. Vốn dân chuyên nghề nên vợ chồng anh Ly không dùng tay nhặt mà có hẳn dụng cụ là chiếc dũi làm bằng tre.
Ông Võ Văn Tâm, (70 tuổi) ở thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh vừa tranh thủ mang khoảng 20kg ốc bươu vừa bắt được sang bán cho chị Thúy, cho biết: "Vợ chồng tui đều lớn tuổi nên cũng không làm lụng được gì nhiều, chỉ tranh thủ bắt ốc bươu vàng nên có thêm đồng ra đồng vào để mua thức ăn".
Bắt đầu khoảng 3 giờ chiều, tại địa điểm thu mua ốc bươu vàng quen thuộc của chị Nguyễn Thị Thúy nằm sát mép đê thủy lợi thôn Phương Lang đã có rất đông người dân đến bán ốc bươu vàng. Người bắt ốc bươu vàng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và một số người lớn tuổi.
Khách hàng bán ốc cho "đại lý" thu mua của chị Thúy không chỉ trong xã Hải Ba mà còn ở nhiều xã lân cận như Hải Quế, Hải Xuân, Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng); Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong)...
Chị Thúy cho biết: "Trước đây tôi làm công nhân may ở trên thị trấn Hải Lăng. Từ khi biết có người về thu mua ốc bươu vàng nên tôi nghỉ làm công nhân và mở điểm thu mua ốc cho người dân. Bình quân mỗi ngày tôi thu mua từ 3 - 4 tấn ốc, cao điểm lên đến 5 tấn. Đầu năm 2018, giá ốc 3.000 đồng/kg, đến nay thì giảm còn khoảng 2.500 đồng/kg. Khoảng 2 - 3 ngày là có xe ô tô tải đến thu gom một lần. Nói chung nghề này cũng nhẹ nhàng, hợp với nông dân và cũng có thêm nguồn thu nhập nên ai cũng thấy phấn khởi".
Tiếp xúc với chủ xe tải mang biển kiểm soát tỉnh Bình Định đang thu gom ốc bươu vàng từ điểm của chị Thúy, người này cho biết, ốc thu mua sẽ bán lại cho những cơ sở nuôi thủy hải sản như tôm, cá và cả gia súc, gia cầm ở các tỉnh Nam Trung bộ làm thức ăn cho vật nuôi...
Có thêm nguồn thu nhập trên chính cánh đồng của mình, thời gian gần đây, nông dân vùng trũng huyện Hải Lăng tự giác bắt ốc bươu vàng mà không chờ chính quyền phát động như trước đây. Trước đây, ốc bươu vàng bắt được sau các đợt phát động, người dân thường rải lên đường để xe cán qua tiêu hủy hoặc chất đống ngoài đồng chờ phân hủy, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Nay việc thu mua ốc bươu vàng mang lại "lợi ích kép" khi vừa diệt được sinh vật ngoại lai, bảo vệ mùa màng vừa mang lại thu nhập khá cho người dân lúc nông nhàn. Hiện nay, nông dân tại nhiều xã ở huyện Hải Lăng có thời gian rỗi là lại ra đồng bắt ốc để có thu nhập cũng như góp phần tiêu diệt, hạn chế sự tàn phá đồng ruộng của ốc bươu vàng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ba Trần Ngọc Hoàng cho biết: "Trước đây, sau thời điểm gieo sạ chúng tôi thường chỉ đạo các HTX phát động người dân ra quân tiêu diệt ốc bươu vàng. Nhưng nay không cần phát động, nông dân cũng tự giác bắt vì họ có thu nhập khá từ công việc này. Hiện toàn xã có 4 điểm thu mua, bình quân mỗi ngày thu mua được trên 10 tấn ốc, đây là điều rất đáng mừng".
Theo Danviet
Ăn theo mùa lũ ở miền Tây: Dồi dào sản vật, cá theo lũ về nhiều Năm nay lũ lớn nên cư dân vùng đầu nguồn sông Cửu Long cũng tất bật với mùa đánh bắt thủy sản. Với họ, những sản vật thiên nhiên ban tặng không chỉ giúp có việc làm, tăng thêm thu nhập mà còn góp phần duy trì ổn định cái nghề mà họ đã đeo đuổi hàng chục năm qua. Khi lũ tràn...