Mùa lũ dân ở đây nuôi cá ruộng, chả phải cho ăn mà bắt được cả tấn
Mỗi năm, khi con nước mấp mé tràn đồng, nông dân huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) lại tất bật chuẩn bị những mô hình sinh kế mùa nước nổi. Bằng việc tận dụng mặt nước trên ruộng vào mùa nước nổi, nhiều bà con đã chuyển một phần đất sản xuất lúa vụ 3 sang áp dụng mô hình nuôi cá ruộng.
Nuôi cá ruộng là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên lại nhẹ chi phí đầu tư, công chăm sóc.
Những ngày tháng 10 âm lịch, bà con nông dân ở những vùng đất trũng của huyện Cờ Đỏ lại nô nức chuẩn bị mùa thu hoạch cá ruộng – mùa được chờ đợi nhất trong năm. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, từ nhiều năm trước, bà con nơi đây đều trồng 3 vụ lúa/năm.
Từ thực tế vụ lúa Thu Đông không mang lại hiệu quả kinh tế cao do ảnh hưởng mùa nước nổi, các cấp Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ đã vận động, khuyến khích bà con chuyển sang trồng hoa màu, nuôi cá ruộng để sinh kế mùa nước nổi.
Khởi xướng mô hình nuôi cá ruộng, vào năm 2006, huyện đã trợ giá con giống cho bà con nuôi thử nghiệm. Từ đó đến nay, phong trào nuôi cá ruộng mùa nước nổi trên địa bàn huyện Cờ Đỏ phát triển khá mạnh, diện tích, quy mô không ngừng được mở rộng.
Bà con nông dân đặt lưới bao quanh ruộng nuôi cá để tránh thất thoát và hao hụt cá.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều bà con nông dân, trước khi nuôi cá chỉ cần bao lưới để tránh thất thoát và hao hụt cá. Giống cá chọn thả nuôi đều là những giống cá “hiền”, được thị trường ưa chuộng, như: cá mè, chép, thát lát cườm…
Video đang HOT
Lợi thế của mô hình nuôi cá ruộng là việc tận dụng thức ăn có sẵn trong đồng ruộng như: gốc rạ, lúa chét, mùn bã hữu cơ, côn trùng, giun, ốc…
Việc thay đổi từ sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm, chuyển sang hình thức luân canh lúa – cá đã mang lại lợi ích kinh tế cao. Sau 3 – 4 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng dao động từ 300 – 600g/con thì thu hoạch, lợi nhuận đạt từ 8 – 10 triệu đồng/ha. So với việc sản xuất lúa vụ 3, mô hình nuôi cá ruộng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, không cần đầu tư vốn nhiều, lại nhẹ công chăm sóc.
Những ngày thu hoạch cá, lũ trẻ con cũng háo hức cùng người lớn đi bắt cá đồng.
Toàn huyện Cờ Đỏ hiện có trên 300ha diện tích nuôi cá ruộng, tập trung vào các xã: Đông Thắng, Đông Hiệp, Thới Xuân… Với lợi thế vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, mô hình nuôi cá ruộng vào mùa nước nổi đã giúp bà con nông dân cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên khấm khá. Hiện nay, mô hình này cũng đang được ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng, giúp đồng ruộng đón nhận phù sa, thêm màu mỡ.
Không chỉ có mô hình nuôi cá ruộng, vào mùa nước nổi, nhiều bà con đi giăng lưới, đặt lú… để kiếm cá mưu sinh.
Tận dụng mặt nước sông, mô hình nuôi cá lóc trong vèo cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân vào mùa lũ.
Ngoài nguồn lợi thuỷ sản, trên các tuyến đê bao, bà con tận dụng đất để trồng hoa màu các loại, như: bầu, bí, mướp,… để cải thiện kinh tế gia đình.
Theo Hồng Vân (Báo Cần Thơ)
Hậu Giang: Lũ lìu tìu, dân nuôi cá ruộng buồn thiu vì cá đói mồi
Nuôi cá ruộng nhiều năm qua được nhiều người dân lựa chọn thay thế cho sản xuất lúa vụ 3 vào mùa lũ. Tuy nhiên, năm nay nước lũ về ít và muộn nên gây không ít khó khăn cho các hộ nuôi cá.
Ông Lê Bá Hùng, ở ấp 6, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), là một trong những hộ có thâm niên nuôi cá ruộng lâu năm. Năm nay, ông mua 15kg cá giống gồm cá chép, cá mè, cá trê về thả hồi rằm tháng 7 trên diện tích 10 công ruộng. Ngoài ra, tranh thủ thời gian rảnh ông Hùng còn bắt thêm cá sặc, cá lóc nhỏ thả vào thêm để đỡ tốn tiền con giống.
Nhiều hộ nuôi nhận định cá trên ruộng chậm lớn hơn các năm trước do thiếu nước lũ.
Trong khi, khoảng thời gian này năm ngoái nước đã ngập gần qua ngọn lúa chét, nhưng giờ hôm nào có mưa thì nước mới lên được 4 tấc. Ông Hùng cho hay: "Giờ này, ruộng đỡ khô chứ lúc mới thả, cứ 3 ngày tôi phải bơm để giữ nước cho cá. Vụ này, tôi còn chuẩn bị kỹ hơn, mua cá giống sớm hơn 1 tháng để thả nuôi trước trong vèo nhằm giảm hao hụt khi ra ruộng nhưng tính ra cá còn lớn chậm hơn năm ngoái".
Sau khi thu hoạch lúa Hè thu, những khu vực trũng thấp khi có nước lũ về tràn đồng là thời điểm người dân thả cá trên ruộng, tận dụng được rong, tảo, lúa chét làm thức ăn tự nhiên, không cần tốn chi phí mua thức ăn công nghiệp mà cá vẫn lớn nhanh.
Tuy vậy, nhiều người than thở rằng giờ nước có về cũng đã muộn vì không đủ phù sa, rong tảo trong thời gian dài nên cá thiếu thức ăn, nhiều khả năng năng suất năm nay không cao, thu nhập sẽ thấp hơn. Bởi cá đạt trọng lượng từ 500gram trở lên mới bán được giá từ 14.000-16.000 đồng, còn dưới thì chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, cá nhỏ hơn thì chỉ bán cá vụn.
Theo thông tin của Tổ kỹ thuật xã Hòa Mỹ, diện tích nuôi cá ruộng của địa phương năm nay khoảng 580ha, tương đương với năm ngoái. Tuy không giảm về diện tích nhưng với tình hình này thì khó giữ được năng suất. Ngoài ra, mực nước đầu vụ thấp đã tồn đọng nước cỏ, nước phèn làm cá giống bị yếu, hao hụt khi thả trực tiếp và chậm lớn. Tổ cũng khuyến cáo người dân có mương, vèo nên nuôi trước để cá giống cứng cáp mới thả ra ruộng.
Còn ông Phạm Văn Sóc, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, không nuôi trong vèo và mương trước mà thả trực tiếp cá giống ra ruộng. Năm nay, ông Sóc là một trong 4 hộ ở xã Vị Bình nhận được hỗ trợ cá giống từ Phòng NN&PTNT huyện.
Ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, thuộc ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, nhiều thành viên HTX cũng thả nuôi cá ruộng với diện tích khoảng 150ha, các năm trước lợi nhuận trung bình cỡ 10 triệu đồng/ha. Năm nay, xã viên tiếp tục thả 2 loại là cá chép và cá mè với mật độ dày hơn.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, ông Trần Văn Huynh, Giám đốc HTX nhận định năm nay năng suất cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 70% so với năm ngoái. Điều đáng mừng là khoảng 30ha được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ cá giống và có liên kết với đơn vị bao tiêu khi thu hoạch nên cũng nhẹ phần nào chi phí cho người dân. Bà con xã viên cũng động viên nhau theo dõi mực nước thường xuyên, gia cố bờ bao để giảm hao hụt khi có nước dâng.
Nhận định về tình hình nuôi cá ruộng tại địa phương, ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Qua nhiều năm thực hiện, nuôi cá ruộng trở thành mô hình hiệu quả cho người dân ở nơi không có điều kiện thuận lợi canh tác lúa vụ 3.
Ngoài diện tích người dân tự phát triển, năm nay Phòng NN&PTNT huyện chủ động xây dựng dự án hỗ trợ cá giống. Những loài thủy sản được chọn có đặc tính dễ nuôi, lớn nhanh, có đầu ra tương đối ổn định, được bao tiêu khi thu hoạch nên góp phần giúp bà con có thêm thu nhập.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, diện tích thủy sản nuôi trên ruộng toàn tỉnh là 4.220ha, tăng 224ha so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi, chi cục đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị, thu hút 150 học viên ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và thị xã Long Mỹ tham gia.
Theo dự báo của ngành chức năng, nước lũ năm nay ở mức thấp, vì vậy mô hình này đang gặp khó khăn, một phần do ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trên ruộng, mặt khác nhiệt độ nước thay đổi cũng tác động đến thời gian sinh trưởng và phát triển của cá. Do đó, ngành nông nghiệp ở các địa phương đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối hợp với người dân theo dõi sát môi trường nuôi, mực nước, kịp thời khuyến cáo và hỗ trợ hộ nuôi để giảm hao hụt.
Theo Thiên Trang (Báo Hậu Giang)
Cá nuôi trong ruộng lúa "khát" lũ giữa mùa nước nổi miền Tây Nhiều năm qua, bà con nông dân huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) chuyển một phần đất sản xuất lúa vụ 3 sang áp dụng mô hình nuôi cá trên chân ruộng vào mùa lũ nhằm góp phần tái tạo độ phì nhiêu cho đất và tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, năm nay nước lũ về ít khiến cho các hộ nuôi cá...