Mùa dâu chín
Vào cuối xuân, lúc trời đất đang chuyển mùa, cái rét nàng Bân chỉ đủ se se gọi chồi non vươn lá, những ngọn gió cũng chỉ đủ lay nhẹ những bông hoa gạo đến ngày bở cuống rụng đỏ cả bến nước khúc sông quê.
Hương bờ bãi thơm thơm gọi mời những đàn chào mào, sáo nâu tíu tít rủ nhau bay về từ ban mai lờ mờ sương sớm. Ấy là lúc phía bãi dâu quê tôi rực mầu chín đỏ.
Người dân xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ thu hoạch dâu tằm chín. Ảnh: KHÁNH HUY
Khi bóng đêm còn chưa tỏ, tiếng gà còn ậm ừ trong cổ họng, sương đêm vẫn la đà bay dạo chơi trên đường làng, trong xóm ngõ đã vang tiếng í ới gọi nhau ra bãi hái dâu. Những bước chân gấp gáp, những tiếng xe máy nổ giòn tan, những ánh đèn pha le lói lao đi theo con đường dẫn ra bãi trước. Vầng hồng dương vừa hé hình rẻ quạt vén màn sương đêm lảng bảng, trải những tia nắng đầu tiên của ngày mới lên bờ bãi, làm hiện ra những khoảng đất rộng trải bạt được đổ đầy những trái dâu chín. Những bàn tay nhẹ nhàng thoăn thoắt hái những chùm dâu đỏ tím chi chít trên cành bỏ đầy vào chiếc làn nhựa đeo bên hông, những bước chân di chuyển vội vàng nhộn nhịp, tiếng nói cười rôm rả của người dân quê mở ra cả một không gian những ngày cuối xuân tưng bừng, náo nức niềm vui.
Hiệp Thuận quê tôi là làng quê yên bình bên dòng sông Đáy xanh trong ở ngoại ô Hà Nội, với triền đê xanh chạy dài theo dòng chảy tới chân núi Chùa Thầy, cho nên được thừa hưởng những bãi bồi mênh mông, tít tắp. Từ những ngày xây làng lập xóm, dân quê tôi bám bãi trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Những ngày tháng ba, sau mỗi buổi học, tôi cùng các bạn trong làng háo hức theo người lớn ra bãi, tròn mắt trước mầu xanh non tơ mát mắt của cây dâu và thích thú khi nhìn thấy xen trong mầu xanh ấy là những chùm dâu chín mọng, căng tròn. Những trái dâu ngắn tũn ngũn bằng đốt ngón tay có vị ngọt và chua dìu dịu. Lũ trẻ chúng tôi lọt thỏm trong các gốc dâu, hái quả chín ăn no bụng. Ăn không hết còn bọc vào vạt áo. Tay chân, mặt mũi quần áo đứa nào cũng dính đầy nhựa dâu tím thẫm.
Mùa dâu chín vào đúng mùa giáp hạt, hương vị bánh dâu mẹ tôi làm theo suốt cuộc đời tôi. Nhà tôi nghèo lại đông anh em, thay vì cho đàn con ăn sắn khô thái lát đem đồ chín, hằng đêm mẹ tôi giã sắn khô thành bột, giây bỏ vỏ, bỏ xơ, rồi khi đi bãi về mẹ chọn những quả dâu chín tím bọc vào mảnh vải màn vắt lấy nước cho vào bột và nhào nặn thành bánh. Những chiếc bánh sắn mầu tím hồng dậy mầu đẹp mắt, thơm mùi dâu, ngọt vị dâu, dẻo mềm hấp dẫn tôi cả thời thơ ấu. Hôm nào đi học về, bụng đói tôi chỉ muốn sà ngay vào mẹt bánh sắn dâu thơm ngon của mẹ mà ngấu nghiến ăn. Những bữa cơm dọn ra mà có thêm bát dưa chuột và dâu muối xổi thì thật tuyệt. Mẹ bứt tầm hơn chục quả dâu còn đỏ như tôm đồng rang chín, bổ dọc chúng ra cho vào cái bát sắt to, ra vườn hái vài ba quả dưa chuột mang vào cắt lát, thêm vài lát ớt tươi, chút muối, chút đường đỏ, mấy ngọn rau húng quế cắt nhỏ rồi trộn đều là có món dưa xổi giòn mát, thơm ngon.
Nước xi-rô dâu mẹ tôi làm cũng luôn nhắc tôi nhớ mãi. Những trái dâu chín tím, mọng nước được mẹ nhặt kỹ cuống, rửa sạch, tráng bằng nước muối pha loãng, rồi để ráo nước. Không có đường cát trắng, mẹ lấy đường mía bào mỏng rồi rắc lên từng lớp dâu trong chiếc vò bằng đất nung. Vài ngày sau, khi quả dâu quắt lại, mẹ vớt chúng ra rồi mang nước cốt dâu đó nấu thành xi-rô đặc sánh, thơm ngon dậy mùi hương dâu mật mía. Mẹ cất xi-rô vào các chai thủy tinh, trên cùng mẹ cho một thìa nhỏ mỡ lợn mẹ nói như thế nước dâu để lâu không bị lên men và không nổi váng. Còn những trái dâu đã ngâm đường mẹ đem sên thành mứt, cất chúng vào một chiếc âu sứ có dóng mây treo ở góc hè, chúng tôi chỉ được thưởng thức mứt dâu khi đem điểm chín, điểm mười về khoe mẹ. Những trưa hè nóng bức, sau những buổi đi học hay đi làm về, cả nhà tôi lại cùng nhau thưởng thức nước giải khát chua chua ngọt ngọt, thơm mát hương dâu, vương mùi mật mía.
Mặt trời đã lên trên ngọn cây gạo, nắng vàng rực rỡ. Lúc ấy, phía trên đầu bãi, dâu chín đã được đóng vào các thùng xốp, những chiếc ô-tô tải nhỏ và xe máy của các thương lái đậu kín con đường vào bãi. Tiếng nói cười trao đổi mua bán nhộn nhịp như một góc chợ quê. Nhìn những ánh mắt long lanh tràn đầy niềm vui, những nụ cười tươi rói trên môi của những khuôn mặt người dân quê chất phác là biết ngay mùa dâu năm nay bội thu, thắng lợi.
MINH HUẾ
Hành trình xuyên thế kỷ truy tìm dì ghẻ sát hại con riêng của chồng
Thù hận vì gia đình chồng đối xử tệ bạc, Nguyễn Thị Sâm nhẫn tâm sát hại cháu nhỏ, đào hố chôn xác rồi bỏ đi biệt tích.
Video đang HOT
Xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, như bao làng quê thuần nông khác, rất bình yên và thấm đượm tình người, nghĩa tình làng xóm. Nhưng hơn 30 năm về trước, năm 1988 đã xảy ra một vụ trọng án khiến người dân nơi đây, dù đã có người sống thời ấy về nơi thiên cổ, dù những đứa trẻ đã lớn lên và trưởng thành, vẫn không khỏi ám ảnh, xót xa.
Buổi trưa 19/5/1988, cháu Nguyễn Văn Hợp là con trai của anh Nguyễn Văn Nhân khi đó mới 5 tuổi bỗng dưng mất tích. Trưa hôm ấy, khi gia đình anh Nhân dọn cơm ra ăn thì không thấy cháu Hợp đâu. Gọi mãi không được, mọi người trong nhà bỏ cơm, hốt hoảng bủa đi tìm khắp làng nhưng cũng không thấy.
Họ trình báo cả công an xã. Ao chuôm, sông ngòi đều được người dân và lực lượng công an nhảy xuống mò tìm vì nghĩ cháu bị sảy chân. Mọi người còn chia nhau đến các bến xe ở khu vực nội thành Hà Nội, rồi có người còn lên biên giới Lạng Sơn tìm nhưng đều vô vọng.
Sự biến mất của đứa trẻ 5 tuổi
Rồi điều không ai mong muốn cũng đã xảy ra. 4 ngày sau, trong khi cơ quan công an cùng gia đình đang tập trung truy tìm cháu Hợp thì chị Nguyễn Thị Rõ, người thôn Quế Lâm, cùng xã Hiệp Thuận, trong khi đi cắt cỏ bất ngờ phát hiện thi thể cháu bé xấu số bị vùi lấp một cách sơ sài trong ruộng ngô trên cánh đồng bãi Giảng.
Nguyễn Thị Sâm day dứt vì những lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ. Ảnh: ANTĐ.
Ông Nguyễn Đức Đoài, Trưởng Công an xã Hiệp Thuận, thời điểm xảy ra vụ án, nhớ lại đó là một câu chuyện đau lòng mà chưa bao giờ xảy ra ở nơi làng quê này. Đây là một vụ trọng án cực kỳ dã man, cháu bé là một đứa ngoan ngoãn hiền lành. Cơ quan công an đã tiến hành rà soát nguyên nhân khiến người nào đó có thể xuống tay với cháu Hợp.
Ở địa phương, anh Nhân có nghề bện dây thừng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã vào những ngày nông nhàn. Hàng của anh bán cho người dân xung quanh, và ai cũng bảo anh bán giá "ưu đãi". Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc kinh doanh, anh Nhân là người sống hòa nhã, không có mâu thuẫn thù tức với ai đến nỗi người ta phải xuống tay với cháu bé vô tội con anh.
Rà soát mối quan hệ gia đình được biết, vợ hiện tại của anh không phải là mẹ của cháu Hợp. Người phụ nữ có tên Nguyễn Thị Sâm đến với anh Hợp qua mai mối sau khi anh Nhân chia tay với người vợ đầu là mẹ cháu Hợp. Cuộc sống gia đình khá yên ả, không có mâu thuẫn gì quá lớn. Xác minh thời gian biểu của người trong gia đình anh Nhân vào buổi sáng cháu Hợp mất tích cũng thấy không có gì bất thường.
Quá trình rà soát quãng đường từ nhà anh Nhân ra đến ruộng lạc, một nhân chứng khác cho biết có nhìn thấy một người phụ nữ quẩy một đôi quang gánh và có một đứa trẻ khoảng 5 tuổi đi phía sau nhưng không biết danh tính của cả hai. Một nhân chứng khác cũng cho biết nhìn thấy Sâm gánh một đôi thúng rất nặng đi về phía bên kia đê.
Hành trình gần 20 năm đi tìm sự thật
Một cái chết quá thương tâm đặt ra yêu cầu cho cơ quan công an là phải nhanh chóng tìm ra kẻ thủ ác. Đại tá Đinh Công Dụng, Trưởng CAH Thanh Oai (Hà Nội), khi đó là người thụ lý vụ án, nhớ lại, sau khi khám nghiệm tử thi xác định, cháu Hợp tử vong do bị ngạt thở và chấn thương sọ não. Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra xác định, đây là vụ giết người man rợ rồi giấu xác cháu bé ngoài cánh đồng.
Theo đại tá Đinh Công Dụng, khi rà soát các mối quan hệ của anh Nhân cũng như mọi thành viên trong gia đình anh, trinh sát không phát hiện có gì mâu thuẫn sâu sắc đến mức phải sát hại đứa trẻ vô tội. Trong khi đang tiến hành triệu tập các nhân vật nghi vấn để điều tra thì bất ngờ người trong gia đình anh Nhân chạy đến báo tin, Sâm cùng đứa con gái mới hơn một tuổi là con chung của chị ta và anh Nhân đã biến mất.
Tổng hợp thông tin từ người dân cung cấp cộng với các chứng cứ, tài liệu khác, cơ quan điều tra nghi vấn kẻ gây ra cái chết của cháu Hợp chính là Sâm, người dì ghẻ ác độc. Sự biến mất của Sâm càng củng cố niềm tin cho các trinh sát rằng chính Sâm là kẻ sát hại cháu Hợp. Sau khi Sâm ôm con bỏ trốn, cơ quan điều tra tổ chức truy tìm ở tất cả các địa chỉ quen thân của chị ta và gia đình nhưng không phát hiện ra dấu vết.
Cơ quan công an sau đó đã thu được đôi quang gánh, vật chứng vụ án tại nhà anh Nhân. Kiểm tra tỉ mỉ, lực lượng kỹ thuật hình sự phát hiện một số chất dịch màu nâu đỏ nghi là máu người và nhiều khả năng là máu của cháu Hợp. Lệnh truy nã Nguyễn Thị Sâm về tội Giết người cũng được cơ quan điều tra phát đi toàn quốc. Nhiều điều tra viên dày dạn kinh nghiệm đã được tung vào cuộc, nhiều biện pháp nghiệp vụ cơ bản và chuyên sâu cũng đã được áp dụng nhưng dấu tích của nghi can số 1 trong vụ án vẫn hết sức mờ nhạt.
17 năm sau, nghĩa là đã qua 2 thế kỷ 20 và 21, vào năm 2005, bất ngờ cơ quan điều tra nhận được một cú điện thoại gọi đến. Người ở máy bên kia là một phụ nữ. Chị ta không cho biết tên, địa chỉ của mình, chỉ cung cấp thông tin, có một phụ nữ tên Thanh, quê ở Hiệp Thuận, Phúc Thọ, hình như bị truy nã về tội giết người, hiện sinh sống ở thôn Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Câu chuyện của gần 20 năm trước được lật lại. Lại hàng tháng trời các trinh sát theo dõi người phụ nữ tên Thanh. Quá trình theo bóng người phụ nữ này, các trinh sát phát hiện chị ta thường xuyên đi chùa và mỗi lần đứng trước tượng Phật đều khẩn cầu rất lâu, dường như muốn sám hối một điều gì đó. Thanh có một cuộc sống ổn định với người chồng hiện tại cùng một đàn con.
Công lý phải được thực thi
Phải rất dày công đeo bám sau đó, các trinh sát mới khẳng định, Thanh chính là Nguyễn Thị Sâm. Khi các trinh sát ập vào nhà Sâm, câu chuyện sát hại con riêng của chồng đã bị bại lộ và thị đã nhận tội ngay lúc ấy.
17 năm về trước, khi về làm vợ anh Nhân, Sâm cho rằng mình bị gia đình chồng ngược đãi. Chưa làm vợ đã làm mẹ, Sâm gặp không ít khó khăn khi đối diện với con riêng của chồng và gia đình chồng. Đôi lần Sâm còn bị chồng đánh vì những ứng xử không khéo léo.
Sáng hôm xảy ra vụ việc, khi đi bón lạc trồng ngoài đồng, Sâm gặp cháu Hợp đang tha thẩn chơi một mình ở đây. Thấy Sâm, cháu Hợp mè nheo đòi mẹ kế cho đi theo ra đồng. Quát mắng, đuổi con về nhà nhưng cháu Hợp không chịu nghe. Tức mình, Sâm tát cháu Hợp một cái khá đau khiến cháu òa lên khóc nức nở.
Sợ rằng cháu Hợp sẽ về mách bố mẹ chồng và chồng, Sâm móc trong túi ra một nắm ngô rang dỗ dành nhưng cháu vẫn khóc. Bực tức cộng với lòng căm ghét khiến Sâm đã ra tay sát hại cháu bé, bình tĩnh cho thi thể cháu Hợp vào rổ và gánh ra ruộng ngô trên cánh đồng bãi Giảng, chôn giấu xác cháu Hợp, phủ lên trên mấy lá ngô khô.
Khi thi thể cháu Hợp được phát hiện, Sâm biết sớm muộn gì tội ác cũng bị lộ tẩy nên gói ghém một ít tư trang rồi bế đứa con gái mới hơn một tuổi ra ga Hà Nội lên tàu trốn vào TP.HCM. Sau đó, hai mẹ con Sâm tìm đến Vĩnh Hòa, Phú Giáo, Bình Dương. Sâm lấy tên là Thanh rồi bịa ra một kịch bản khá bi thương, do trẻ người, nhẹ dạ, trót có con với một kẻ "Sở Khanh" nên chị ta phải tha hương cầu thực mò vào đây làm thuê, làm mướn.
May mắn, Sâm được ông Nguyễn V., một người đàn ông mới mất vợ nhận vào làm người giúp việc. Vậy là hai mẹ con Sâm có nơi tá túc. Thấy người thiếu phụ trẻ khỏe mạnh, chịu khó, thật thà, hoàn cảnh lại thương tâm nên ông chủ nhà động lòng trắc ẩn và hai người nên duyên vợ chồng.
Hai mẹ con Sâm được ông V. làm thủ tục cho nhập khẩu vào sổ hộ khẩu của gia đình rồi làm chứng minh nhân dân cho chị ta dưới cái tên Nguyễn Thị Thanh. Sâm đã sinh cho ông V. 3 người con trai. Song thật trớ trêu, khi Sâm sinh đứa con trai thứ ba được ít ngày thì ông V. qua đời vì mắc bệnh ung thư. Thế là Sâm trở thành góa bụa cùng với đàn con thơ.
Trong khi Sâm một nách 4 đứa con đang loay hoay, xoay xở thì một thời gian sau, có một người đàn ông thứ ba tìm đến với chị ta. Ông ấy là Trương Văn T. - một người dân Vĩnh Hòa. Hai người không kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. Có nhà, có cửa cùng với hàng mẫu đất của người chồng thứ hai để lại, cuộc sống của Sâm cùng người chồng hờ khá ổn định. Tuy nhiên, nhiều đêm Sâm cũng chợt giật mình thức giấc, dằn vặt, sợ hãi mỗi khi nhớ lại tội ác giết con chồng. Nhiều lần Sâm cũng định ra đầu thú nhưng chị ta lại không dám, bởi lo cho đàn con nhỏ bị bơ vơ.
Với tội danh giết người, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây khi đó đã tuyên phạt Nguyễn Thị Sâm bản án tù chung thân. Về thụ án tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa), Sâm hầu như không có người thân thăm nuôi. Nhiều đêm, tỉnh giấc giữa phòng giam lạnh lẽo, Sâm mơ thấy cháu Hợp về đòi mạng sống. Tỉnh dậy, mồ hôi Sâm vã ra đầm đìa, lạnh toát sống lưng, không sao ngủ tiếp được nữa.
Và còn một nỗi đau đớn và day dứt hơn nữa với những người đang sống đó là đứa con gái chung của anh Nhân với Sâm bị mẹ bế đi từ ngày chưa đầy tuổi, 30 năm qua, chưa một lần về gặp lại cha bởi thiếu thốn tình cảm và nỗi đau mà Sâm đã mang đến cho anh Nhân không dễ được tha thứ...
Theo news.zing.vn
Mùa dâu tằm chín rộ, tranh thủ làm siro dâu tằm để giải nhiệt mùa hè nào! Chỉ cần chút tỉ mỉ, cẩn thận là chúng ta sẽ có những lọ siro dâu tằm thơm ngon, sạch sẽ, đảm bảo chất lượng cho cả nhà thưởng thức trong dịp hè sắp tới. Nguyên liệu: - Dâu tằm chín: 1,5kg - Đường phèn: 1kg - Muối trắng: 2 thìa canh - Lọ hoặc hũ thủy tinh để đựng. Thực hiện: -...