Mua bình oxy về thở sẽ tan bụi mịn?
Trước thông tin không khí ô nhiễm, có bụi mịn, nhiều người tìm mua các bình oxy mini về thở, thuê các bình oxy y tế về nhà, hoặc tìm đến các spa có phòng thở oxy… với mong muốn tốt cho sức khỏe.
Một người đang sử dụng bình oxy mini – Ảnh: T.Dương
Chị N.T.H.T. (36 tuổi, ngụ ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM) kể từ khi nghe thông tin không khí ô nhiễm, có bụi mịn, chị và bạn bè của chị đã mua những bình oxy mini về thở để bổ sung năng lượng, có nguồn không khí sạch nhất cho cơ thể. Thực hư ra sao?
Quảng cáo bổ sung nguồn không khí sạch
Một số hãng bình oxy quảng cáo sử dụng bình này cho những bệnh nhân cần thở oxy thường xuyên như những người bị bệnh tim, bệnh hen suyễn.
Có những bình lại ghi rằng “bổ sung năng lượng để luyện tập thể thao”, “sử dụng để có nguồn không khí sạch nhất cho sự sống”, “khi mệt mỏi, căng thẳng, người già suy nhược cơ thể, khó ở”.
Tóm lại, ngoài những bệnh nhân ra thì theo quảng cáo những người bình thường đều có thể sử dụng được.
Tại một phòng spa, một nhân viên còn quảng cáo hít thở oxy trong những phòng thở oxy của spa này sẽ làm cho đầu óc hết mệt mỏi, căng thẳng, da đẹp lên và sức khỏe sẽ tốt hơn vì người thở đã được thở không khí sạch nhất. Thở oxy còn giúp cho người thở loại bỏ được những bụi mịn đang có trong không khí hiện nay.
Bà Lê Thị Tuyết Lan, phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, kể có lần đại diện một sân golf đã mời bác sĩ hợp tác vì họ muốn thành lập một phòng thở oxy để phục vụ cho những người sau khi chơi golf xong. Phòng hồi sức này sẽ có máy lạnh cho người chơi golf nghỉ ngơi và có những máy oxy cho người chơi golf thở.
Lúc đó bác sĩ Tuyết Lan mới trả lời đối với ngành y không có chỉ định oxy cho một người bình thường và đã từ chối.
Chỉ định cực kỳ nghiêm ngặt
Theo bà Tuyết Lan, trong y khoa, không sử dụng oxy liệu pháp cho những người bình thường. Oxy trong y khoa được coi là thuốc nên có cả tác dụng tốt và tác dụng phụ. Chỉ định dùng oxy là cực kỳ nghiêm ngặt.
Chỉ bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mới được sử dụng oxy nhưng các bác sĩ cũng rất cân nhắc vì không phải ai cũng cần thở oxy.
Bác sĩ phải thử máu động mạch, phân tích khí máu động mạch hai lần cho bệnh nhân rồi mới quyết định. Bệnh nhân đạt những tiêu chuẩn cần dùng oxy mới bắt đầu được sử dụng oxy.
Ngay cả khi quyết định cho bệnh nhân được sử dụng oxy, bác sĩ cũng phải xác định liều lượng oxy là bao nhiêu (ví dụ như 1 lít/phút, 2 lít/phút…), thời gian sử dụng trong ngày là bao nhiêu vì sử dụng oxy là có độc tính phải tái khám để quyết định lại bệnh nhân còn thở oxy tiếp tục hay không.
Ngoài bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân bị suy hô hấp, bệnh nhân suy tim mới được chỉ định thở oxy.
Nguy cơ phù, xơ phổi, cháy nổ…
Chưa kể, khi sử dụng oxy phải rất cẩn thận vì oxy là một chất gây cháy nổ. Do vậy, những nơi sử dụng oxy phải tuyệt đối không được hút thuốc lá. Những nơi có oxy cao áp thì không được có một công tắc điện nào trong phòng oxy cao áp vì công tắc điện cũng có thể xẹt ra tia lửa, có nguy cơ cháy nổ. Những điều này cho thấy phải thật cẩn thận khi sử dụng oxy.
Trong y khoa, chưa có cơ sở khoa học nào sử dụng oxy cho một người bình thường. Thở oxy 50% trong suốt hai ngày có thể làm phổi bị phù và xơ phổi. Thở 100% oxy trong vòng một ngày, người thở sẽ bị đau ở vùng xương ức, thở quá hai ngày sẽ bị ngộ độc oxy.
Video đang HOT
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bình oxy, bình lớn, bình nhỏ hoặc máy chiết xuất oxy từ khí trời có thể sạc oxy vào trong một cái bình nhỏ, mang trong túi, đi ra ngoài đường 2-3 tiếng để thở. Dù chọn sử dụng loại bình oxy nào cũng phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Nhiều người cho rằng thở oxy sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, bù đắp lại cho cơ thể những lúc hít phải bụi mịn. Tuy nhiên bà Tuyết Lan khẳng định trong khí trời hiện nay đã có đủ oxy.
Trong khí trời có 150mm thủy ngân oxy, khi đến phế nang còn lại 100mm vì hòa lẫn với các khí ở trong phổi, khi đi vào máu động mạch (máu đỏ) còn 95mm, khi đến mô còn 40mm thủy ngân oxy. Và khi đến mô nó chỉ cần 40mm thủy ngân oxy, chứ không cần nhiều. Vì nếu nhiều hơn sẽ độc hại cho mô.
Ngay bản thân cơ thể cũng biết oxy là độc cho nên cơ thể cũng lấy oxy theo nhu cầu của mình. Nhu cầu cho tới tận tế bào chỉ là 6mm thủy ngân oxy. Trong khi đó nếu cho thở oxy 100% thì sẽ là 760mm thủy ngân oxy vì không có khí nào đi theo. Như vậy, lúc này khí thở vào sẽ khô khan bằng áp suất khí trời, không tốt, sẽ gây các gốc oxy hóa, sẽ gây tổn hại cho cơ thể. Nếu trẻ sơ sinh mà hít thở oxy với phân áp oxy máu động mạch hơn 75 mmHg sẽ gây mù mắt.
Không phải biện pháp để chống đỡ ô nhiễm không khí
Trước tình trạng không khí ô nhiễm hiện nay, bà Tuyết Lan cho rằng không nên xử lý bằng cách thở oxy vì đây không phải biện pháp để chống đỡ ô nhiễm không khí. Để chống đỡ với bụi mịn nên đeo khẩu trang khi ra đường. Sau khi từ ngoài đường tới cơ quan, từ ngoài đường về nhà nên rửa mũi cho sạch sẽ.
Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, cần làm cho tim và hệ hô hấp mạnh hơn bằng cách tập luyện hơn 30 phút/ngày và cần biết giới hạn tập luyện của mình ở đâu. Ngoài ra, cần phơi nắng, ăn uống đầy đủ, trong đó lưu ý uống sữa, ăn các loại trái cây như cam, chanh, quýt, bưởi. Khi cơ thể có đầy đủ hồng cầu sẽ tự khắc cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể một cách bình thường nhất.
THÙY DƯƠNG
Theo tuoitre
Mẹ nên trang bị thêm những thói quen gì để bảo vệ con trong thời kỳ ô nhiễm?
Trong thời đại mà trốn đi đâu cũng có thể hít phải không khí ô nhiễm, người làm cha mẹ nên có thêm vài thói quen thường ngày để bảo vệ sức khỏe của con cái và bản thân.
Ngày nay, bên cạnh áp lực về cơm, áo, gạo, tiền... Còn có thêm nỗi lo canh cánh về sức khỏe trước tác động của ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không khí ô nhiễm tồn tại xung quanh chúng ta và quả thực, rất khó để tránh khỏi nó. Kể cả có ở xa những khu công nghiệp, lên rừng hoặc sống gần biển - chúng ta vẫn hít phải không khí ô nhiễm từng giờ từng phút.
Trên thực tế, bầu trời xanh trong quang đãng hay khói bụi mịt mù không thể phản ánh được hết mức độ trong lành của không khí. Trong vô vàn yếu tố gây hại tồn tại trong không khí, bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) là được quan tâm nhất. Về cơ bản, chúng có thể xâm nhập rất sâu vào phổi, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ hô hấp và tuần hoàn.
Theo The Guardian, không khí ô nhiễm có thể gây ra biến chứng thần kinh và tâm lý, kích ứng mắt, bệnh ngoài da; làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư... Khủng khiếp nhất chính là ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, dẫn tới sinh non hoặc thiếu cân.
Như vậy, trong tình cảnh mà trốn đi đâu cũng hít phải không khí ô nhiễm, người làm cha mẹ nên làm gì để bảo vệ bản thân và con cái?
Kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí trước khi ra ngoài
Rõ ràng, chất lượng không khí ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Vì vậy yếu tố này nên được rà soát thường xuyên để biết nên ra đường vào lúc nào cho phù hợp.
Đơn giản nhất chính là kiểm tra chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index). Nó cho ta biết không khí ở khu vực nào đó có ô nhiễm quá mức hay không.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) tính toán chỉ số AQI qua 5 thông số ô nhiễm sau:
- Ozone mặt đất
- Ô nhiễm phân tử (hay còn gọi là hạt lơ lửng trong không khí)
- Carbon monoxit (CO)
- Sulfur dioxide (SO2)
- Nitrogen dioxide (NO2)
Tất cả 5 yếu tố nói trên đều ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, EPA đã quy định các màu sắc cụ thể để mọi người dễ dàng đối chiếu:
Để có được thông tin chính xác về chỉ số AQI ở nơi mình sinh sống, cha mẹ có thể tra cứu trên mạng hoặc sử dụng ứng dụng (đã được công nhận) trên điện thoại như Air Quality/Air Visual - cho phép tham khảo thông tin về chất lượng không khí của hơn 10.000 thành phố, 80 quốc gia để tiện theo dõi. Ngoài ra, công cụ này còn có cả tính năng dự báo chất lượng không khí trong tương lai.
Tóm lại, bật điện thoại để kiểm tra chỉ số AQI trước khi ra ngoài nên trở thành thói quen cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Bổ sung đồ ăn tăng sức đề kháng cho con
Để chống chọi với ô nhiễm không khí, trẻ cần được bổ sung thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho hệ miễn dịch còn non nớt.
Theo Đại học Cambridge (Anh), đây là danh sách thực phẩm có thể tăng sức đề kháng, giảm tác hại của sương khói ô nhiễm:
- Uống nước thường xuyên sẽ giúp làm ẩm da, tăng loại bỏ độc tố qua hệ bài tiết cũng như chức năng lọc bụi của phổi.
- Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C như dâu tây, kiwi, cam hoặc đu đủ. Hàm lượng vitamin C cao cũng như các chất chống oxy trong các loại quả này sẽ thúc đẩy hệ miễn dịch.
- Ăn trứng luộc để bổ sung vitamin E. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, loại vi chất này giúp tăng sức đề kháng, chống oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Trang bị khẩu trang cho con để hạn chế tác hại của bụi mịn
Trong tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay, đeo khẩu trang chính là cách đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, đại đa số người làm cha mẹ chỉ cho con đeo khẩu trang vải bình thường, khẩu trang y tế một lớp mỏng manh... Sự thật là chúng không có đủ khả năng bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây ô nhiễm chính. Để yên tâm nhất, nên chọn loại khẩu trang chống được bụi mịn (PM 2.5), vi khuẩn và các chất độc hại.
Bên cạnh đó, khẩu trang cần phải có kích thước phù hợp, ôm sát mặt để không khí ô nhiễm không thể lọt vào trong. Ngoài ra, cha mẹ nên chọn khẩu trang có quai đeo co giãn, mềm mại để trẻ không bị khó chịu khi sử dụng.
Như vậy, nên sử dụng khẩu trang có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được các cơ quan y tế chứng nhận để yên tâm sử dụng mỗi ngày. Ngoài ra cha mẹ không được "tiếc của" mà dùng lại quá nhiều lần một chiếc khẩu trang, khoảng 1 - 3 ngày là nên thay.
Vệ sinh mũi đều đặn cho con
Sau khi kiểm tra chỉ số chất lượng không khí, đeo khẩu trang chất lượng cao, việc cần làm là vệ sinh mũi đều đặn cho con.
Trong hệ hô hấp, mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với không khí nên dễ gặp vấn đề khi thời tiết thay đổi hít phải không khí bẩn. Ngoài ra, các triệu chứng như nghẹt, sổ mũi, viêm xoang, đau nhức đầu... Còn làm tăng tình trạng dị ứng ở trẻ.
Bệnh lý về mũi/xoang sẽ ảnh hưởng đến tai và họng như viêm họng, tắc nghẽn vòi nhĩ. Nếu cả tai - mũi - họng cùng bị ảnh hưởng nặng - sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến hệ hô hấp cũng như tuần hoàn.
Để hạn chế các tác nhân gây hại tích tụ trong mũi sau cả ngày dài ra đường, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ nên rửa mũi đều đặn. Phương pháp này thường được áp dụng để tránh tình trạng dịch nhầy và rỉ mũi gây bít tắc, xâm nhập xuống cuống họng hoặc tai gây rồi gây bệnh.
Tuy nhiên, cần phải rửa mũi đúng cách, đặc biệt là với trẻ em. Các bác sĩ khuyến cáo như sau:
- Đặt trẻ nằm yên với phần đầu kê cao
- Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%) vào mũi bé, đợi từ 20 - 30 giây
- Để trẻ nghiêng người sang một bên để làm ráo mũi, sau đó lấy giấy ăn thấm nhẹ quanh lỗ mũi nhưng không được xâm nhập sâu
- Lặp lại từ 2 - 3 lần mỗi bên
Hi vọng những thói quen đơn giản nhưng cần thiết này có thể giúp chị em bảo vệ sức khỏe của con cái và chính bản thân mình.
Theo Helino
10 câu hỏi nhiều người thắc mắc khi không khí ô nhiễm Bụi mịn gây nguy hiểm thế nào? Ô nhiễm không khí có phải nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh ung thư? Đó là những băn khoăn của nhiều người khi chỉ số AQI ở Hà Nội, TP.HCM ở mức cao. Ô nhiễm không khí là gì? Thạc sĩ Trịnh Vạn Ngữ, Viện Khoa học Y sinh Soon Chun Hyang (SoonChunHyang Institute of Medi-Bio...