Mưa bất thường ở Nam Bộ
Trong mấy ngày vừa qua, mưa giông đã xuất hiện nhiều nơi ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt đã có mưa lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Phước… Có phải đang bắt đầu vào mùa mưa?
Trên ảnh mây vệ tinh hôm qua 23-3, mây giông bao phủ toàn bộ khu vực Nam Bộ, nam Tây Nguyên và nam Trung Bộ. Trên vùng biển phía Nam, mây giông cũng xuất hiện dày đặc. Tại TP.HCM chiều tối qua cũng đã có mưa nặng hạt ở khu vực trung tâm TP. Một hiện tượng thời tiết giống như mùa mưa.
Đề phòng giông, sét, gió giật…
Giải thích về hiện tượng này, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ) cho biết, đó là do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh (KKL) từ mấy ngày trước đã tăng cường xuống đến Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, đồng thời trục rãnh thấp xích đạo đang hoạt động với những nhiễu động hình thành trên trục rãnh này. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có mưa liên tục trong mấy ngày qua, trong đó tại Bù Nho có mưa to (34 mm). Các tỉnh dọc theo biên giới như Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang có nơi mưa vừa đến mưa to. Đặc biệt, tại Bạc Liêu và Cà Mau có mưa rất to. Lượng mưa đo được từ tối 22-3 đến trưa hôm qua là 77 mm tại Cà Mau và 108 mm tại Bạc Liêu. Bà Lan dự báo tình hình mưa ở Nam Bộ sẽ còn xảy ra trong một vài ngày nữa, có nơi mưa vừa đến mưa to, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và phía bắc miền Đông. TP.HCM cũng có thể có mưa trên diện rộng. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra như giông, sét, gió giật, mưa đá… trong những ngày này.
Mây giông phát triển dày đặc trên khu vực Nam Bộ và trên vùng biển phía Nam – Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư
Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ cho biết, hiện tượng thời tiết hiện nay giống như mùa mưa, nhưng chưa phải là mùa mưa đang bắt đầu, mà chỉ là một đợt mưa trái mùa. Đặc biệt trong tháng 3 năm nay, những đợt gió mùa đông bắc tràn sâu xuống phía Nam, cùng với sự xuất hiện của những nhiễu động trong trường gió đông đã làm cho mây giông phát triển và mưa trái mùa xảy ra nhiều hơn. Theo ông Giám, hệ thống thời tiết gây mưa hiện nay là hoàn toàn khác với hệ thống thời tiết chủ đạo trong mùa mưa ở Nam Bộ. Ông giải thích thêm: Mùa mưa ở Nam Bộ bắt đầu khi có sự xuất hiện của gió mùa tây nam, còn hiện nay vẫn đang chịu tác động của gió mùa đông bắc, phải chờ đến đầu tháng 4 tới mới có nhận định chính xác.
Video đang HOT
Nói về ảnh hưởng của mưa trái mùa, ông Giám cho rằng, có mặt lợi và cũng có mặt hại. Đối với những vùng khô hạn, cần nước tưới thì đó là những trận mưa vàng. Ở những cánh rừng có nguy cơ cháy cao, mưa trái mùa sẽ giảm được nguy cơ này. Nhưng với những vườn cây đang ra hoa, như cây điều, những cơn mưa trái mùa vào thời điểm này sẽ làm rụng hoa, giảm đậu trái. Một điều chắc chắn rằng, thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay sẽ làm cho con người dễ bị mắc bệnh, nhất là trẻ em. Trên nhiều loại cây trồng, mưa trái mùa sẽ làm cho sâu bệnh phát triển nhiều hơn.
Đợt không khí lạnh mới
Trong khi đó, ở miền Bắc đang chuẩn bị đón nhận một đợt KKL mới, nối tiếp đợt KKL có cường độ khá mạnh đã xảy ra trong 2 ngày vừa qua. Trước đó, liên tiếp trong 4 ngày (từ 15 -18-3), do ảnh hưởng của KKL tăng cường kết hợp với rãnh gió tây trên cao, nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to, gây ra rét hại với nhiệt độ trung bình ngày phổ biến 10 – 12 độ C.
Còn về đợt KKL mới này, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, khoảng trưa chiều nay 24.3 sẽ tăng cường yếu xuống các tỉnh miền Bắc nước ta, do đó ở Bắc Bộ có mưa vài nơi; Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa. Gió đông bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4 – 5; ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật trên cấp 7 – 8, biển động. Khu vực bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9, biển động mạnh. Còn vùng biển từ Bình Thuận – Cà Mau, Cà Mau – Kiên Giang và khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa giông mạnh, trong cơn giông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh.
Mưa đá kèm lốc xoáy Hôm qua 23-3, Phòng Nông nghiệp H.Bù Gia Mập (Bình Phước) đã thống kê sơ bộ, cơn mưa đá kèm theo lốc xoáy với cường độ mạnh vào tối 22.3 đã làm hư hỏng khoảng 500 ha điều, cao su, cà phê; ước tính thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng. Trong khi đó tại Bạc Liêu, trận mưa lớn và kéo dài từ 1-9 giờ ngày 23-3 làm hầu hết các tuyến đường trong nội ô TP Bạc Liêu bị ngập sâu; nhiều đoạn đường xe cộ không thể đi lại được; rất nhiều nhà bị ngập. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, trận mưa này đã giải cơn khát khô hạn kéo dài cho hơn 10.000 ha lúa vụ 3 trong toàn tỉnh, song cơn mưa cũng làm 3.300 ha muối ở vùng ven biển bị thiệt hại, 23.000 tấn muối bị mất trắng, tổn thất hơn 10 tỉ đồng; hàng chục ngàn ha tôm mới nuôi cũng bị ảnh hưởng vì môi trường thay đổi đột ngột. Nhật Văn – T.T.Phong
VGT(Thanh Niên)
Động đất Nhật làm ngày ngắn lại, trục trái đất dịch chuyển 17cm
Siêu động đất làm rung chuyển đông bắc Nhật Bản hôm thứ sáu vừa qua đã làm ngày trái đất ngắn lại đôi chút, làm dịch chuyển trục trái đất, và làm thay đổi cách phân bổ trọng lượng của trái đất, cũng như làm Nhật tiến gần hơn tới Mỹ.
Động đất và sóng thần tại Nhật gây thiệt hại ước tính lên tới ít nhất 100 tỷ USD.
Theo nhà địa vật lý Richard Gross tại Phòng thí nghiệm phản lực của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA tại Pasadena, California, một phân tích mới về trận động đất 9,0 richter hôm thứ sáu vừa qua ở Nhật cho thấy, trận động đất mạnh tới mức đã làm tăng tốc độ quay vòng của trái đất.
Theo tính toán của Gross, ngày trên trái đất đã bị ngắn đi 1,8 micro giây (1 micro giây bằng 1 phần triệu giây).
"Bằng cách thay đổi sự phân bổ trọng lượng trái đất, trận động đất tại Nhật đã khiến trái đất quay nhanh hơn một chút, làm ngày trên trái đất ngắn khoảng 1,8 micro giây", ông Gross cho biết với trang SPACE.com chuyên về vũ trụ.
Cách thức này được ví như quá trình một nghệ sỹ trượt băng nghệ thuật vòng tay vào trong khi quay tròn mỗi lúc một nhanh hơn trên sân băng. Trong một trận động đất, khối lượng trái đất càng thay đổi ở gần xích đạo bao nhiêu, thì vòng trái đất lại càng quay nhanh bấy nhiêu.
Một ngày trên trái đất dài khoảng 24 giờ, hay 86.400 giây. Suốt một năm, độ "dài" đó xê dịch khoảng 1 mili giây (hay 1.000 micro giây) do sự khác biệt theo mùa vụ trong cách phân bổ trọng lượng trái đất.
Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy trận động đất hôm thứ sáu làm đảo chính của Nhật dịch chuyển khoảng 2,5cm, theo Kenneth Hudnut thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ. Trận động đất cũng làm trục trái đất dịch chuyển 17cm, Gross cho hay.
Nhật Bản "rộng hơn trước", Ross Stein, nhà địa vật lý tại Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho hay. Cũng vì thế mà Nhật tiến gần hơn tới nước Mỹ.
Trục trái đất không giống như trục bắc -nam của nó trong vũ trụ, quay 1 vòng một ngày, với tốc độ 1.604km/h. Đây là trục mà quanh đó trọng lượng trái đất được cân bằng.
"Việc thay đổi vị trí trục sẽ khiến trái đất nghiêng hơi khác khi nó quay, song sẽ không gây ra thay đổi ở trục trái đất trong vũ trụ. Chỉ có lực bên ngoài, như lực hút của mặt trời, mặt trăng và các hành tinh khác mới có thể làm được điều đó", Gross cho hay.
Đây không phải là lần đầu tiên ngày trái đất bị ngắn lại do một trận động đất lớn. Trận động đất 8,8 richter ở Chile năm ngoái cũng làm tăng tốc vòng quay của trái đất và làm ngày ngắn lại 1,26 micro giây. Trận động đất 9,1 richter ở Sumatra năm 2004 cũng làm ngày ngắn lại 6,8 micro giây.
Tác động của trận động đất 9,0 richter ở Nhật có thể chưa hoàn toàn chấm dứt. Những cơn dư chấn mạnh vẫn có thể tiếp tục gây ra những thay đổi nhỏ nữa.
Trận động đất ngày 11/3 là trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận ở Nhật và lớn thứ năm thế giới kể từ năm 1900, theo số liệu của cơ quan khảo sát địa chất Mỹ. Động đất xảy ra cách đông bắc Tokyo khoảng 373km và cách đông thành phố Sendai khoảng 130km, tạo ra trận đại hồng thủy tàn phá nhiều khu vực bờ biển đông bắc Nhật. Ít nhất 20 dư chấn có cường độ từ 6,0 richter đã xảy ra sau trận siêu động đất.
"Về lý thuyết bất cứ điều gì làm tái phân bổ trọng lượng trái đất sẽ thay đổi vòng xoay của nó", Gross cho hay. "Vì vậy theo nguyên tắc, dư chấn nhỏ hơn cũng có thể ảnh hưởng đến vòng quay của trái đất. Nhưng do dư chấn có cường độ nhỏ hơn, nên tác động của nó sẽ nhỏ hơn".
Theo Dân Trí
Nam Trung Bộ: Sắp có đợt lũ mới Vết nứt đã thành sạt lở nặng, xâm lấn đến hơn 2/3 mặt đường Tại Phú Yên, Quốc lộ 1A đã bị sụp, gãy nghiêm trọng, khiến giao thông ách tắc. Trong 1-2 ngày tới, từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa sẽ có một đợt lũ vừa. Quốc lộ sụp gãy nghiêm trọng Sau khi được phát hiện vết nứt nhẹ dài khoảng...