MSB đạt lợi nhuận gần 290 tỷ đồng trong Quý I/2020
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020. Theo đó, dù gặp phải những khó khăn do đại dịch mang lại, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn đạt gần 290 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức xấp xỉ 155 nghìn tỷ.
Hoạt động kinh doanh ổn định, hướng đến khách hàng
Tổng thu nhập thuần của Ngân hàng trong quý I/2020 đạt 1.263 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập từ lãi thuần và thu nhập từ phí đạt 893 tỷ đồng và 121 tỷ đồng, tăng lần lượt là 47% và 110% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, MSB đã khẩn trương tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, ngân hàng hết sức chú trọng đến mảng tín dụng để đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nhờ những chính sách phù hợp và kịp thời mà mức tăng trưởng cho vay của MSB đạt gần 65,7 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với quý I/2019, trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 44%, cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng hơn 31%. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 81 nghìn tỷ, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Chỉ số tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của MSB tiệm cận mức 80%, đảm bảo theo quy định của NHNN.
Kết quả này đến từ các chính sách linh hoạt của Ngân hàng trong việc ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid, kịp thời đưa ra những giải pháp tài chính phù hợp cho khách hàng vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp: Gói tín dụng 7.000 tỷ với lãi suất ưu đãi 6,99% cho khách hàng; Thúc đẩy chi tiêu qua thẻ, ngân hàng điện tử đem lại sự thuận tiện và nhiều ưu đãi cho người dùng khi chi tiêu không dùng tiền mặt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Với khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, MSB đã thực hiện việc hỗ trợ cơ cấu lại nhóm nợ, điều chỉnh thời gian trả nợ và lãi theo thông tư số 01 của NHNN.
Kết thúc Quý I/2020, MSB vẫn đạt kết quả tăng trưởng ổn định trong bối cảnh đại dịch
Bảng cân đối tài sản lành mạnh
Kết thúc quý I/2020, MSB đạt được gần 290 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 297% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 265%. Tổng tài sản của ngân hàng cũng đạt gần 155 nghìn tỷ, tăng gần 15% so với quý I/2019.
Song song với việc điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn nhiều thách thức, MSB đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát các chỉ số an toàn theo quy định của NHNN trong quý I/2020 với tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất theo Thông tư 41 đạt 10,54% (so với mức 8% quy định của NHNN); tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng (riêng lẻ) được kiểm soát ở mức 1.85%, tăng nhẹ so với mức 1.71% thời điểm cuối năm 2019 do ngân hàng giảm tiến độ thu hồi nợ kể từ đợt Tết nguyên đán và thời gian các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế
Trong quý I/2020, MSB công bố hoàn tất cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn quy định vào tháng 3 vừa qua, ngân hàng tiếp tục triển khai Basel II theo phương pháp nâng cao và đang hướng tới các chuẩn mực của Basel III trong thời gian tới.
Video đang HOT
Cùng vượt qua đại dịch, Ngân hàng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động liên tục ở tất cả các điểm giao dịch đồng thời vẫn đảm bảo duy trì thu nhập ổn định cho cán bộ nhân viên, cũng như thực hiện đầy đủ các chế độ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động, khách hàng.
Chung tay vì cộng đồng
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, MSB đã chung tay cùng hỗ trợ cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch bằng hành động kịp thời và thiết thực như ủng hộ 10 tỷ đồng cho Mặt trận tổ quốc Việt Nam, kêu gọi cán bộ nhân viên cùng ủng hộ tối thiểu 01 ngày lương cho Chương trình khắc phục hạn mặn tại ĐBSCL và phòng chống Covid 19.
Khách hàng của MSB được tuyên truyền, khuyến khích sử dụng các biện pháp giao dịch qua internet, mobile banking, thẻ tín dụng và được tặng dung dịch sát khuẩn nếu đăng ký dịch vụ lần đầu. Khi đến giao dịch tại các chi nhánh, tất cả khách hàng của MSB đều được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn để phòng, tránh lây nhiễm dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Năm 2020, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12%, đạt mức 1.439 tỷ đồng và tổng dư nợ tín dụng và huy động tăng lần lượt 20% và 10% so với thực hiện năm 2019.
Về MSB
Thành lập năm 1991, MSB là ngân hàng TMCP đầu tiên ra đời trong thời kỳ kinh tế mở cửa và phát triển của Việt Nam. Trải qua 29 năm hình thành và phát triển, mang trong mình sức mạnh tập thể và tinh thần tiên phong của các cổ đông sáng lập, MSB không ngừng tạo lập nhiều cột mốc mang tính đột phá trong ngành tài chính ngân hàng. Mạng lưới của MSB bao gồm gần 300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 8,000 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. MSB hiện có hơn 6,700 cán bộ, phục vụ trên 2 triệu khách hàng cá nhân, 50,000 khách hàng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và lớn.
TS. Lê Xuân Nghĩa: "Chưa bao giờ lợi nhuận ngân hàng lại thực chất đến thế"
Nhận định về những con số lợi nhuận "khủng" ngành ngân hàng trong năm 2019, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chưa bao giờ lợi nhuận ngành ngân hàng lại thực chất như thế.
Lần đầu tiên ngành ngân hàng ghi nhận tới 7 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Lần đầu tiên ngành ngân hàng ghi nhận tới 7 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Để làm rõ hơn động lực nào đã tạo nên những con số lợi nhuận "khủng" nêu trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng về vấn đề này.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Phóng viên: Năm 2019 đi qua ghi nhận thắng lợi lớn của ngành ngân hàng với những con số lợi nhuận chưa từng có. Theo ông, động lực nào đã làm nên những con số này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Có 3 điểm chính yếu làm nên những con số lợi nhuận "khủng" của các ngân hàng trong năm vừa qua.
Đầu tiên phải kể tới là thành tích trong xử lý nợ xấu. Nếu để ý sẽ thấy năm 2019 tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng rất thấp, nhất là những ngân hàng quốc doanh, nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi lớn. Điều đó chứng tỏ một lượng lớn nợ xấu đã được các ngân hàng xử lý, làm giảm bớt gánh nặng cho ngân hàng cũng như một nguồn tiền lớn đã được thu về.
Có thể thấy năm 2019 ghi nhận lợi nhuận thực chất nhất của ngành ngân hàng. Nếu như trước đây nhiều yếu tố kỹ thuật được áp dụng để tạo ra con số lợi nhuận "ảo" như tăng tín dụng vào dịp cuối năm tài chính bằng cách cho khách hàng vay rồi khách hàng lại mang tiền đó gửi lại ngân hàng, qua năm tài chính thì tất toán; hoặc bán tài sản để hạch toán vào lợi nhuận. Thế nhưng đến năm 2019 thì các "động tác" này đều đã bị Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi", bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên rất ít xảy ra.
Nhiều ngân hàng ở những năm trước lợi nhuận phụ thuộc hoàn toàn vào tăng trưởng tín dụng, mà tăng trưởng tín dụng có một vấn đề là lãi dự thu nhưng chưa chắc là lãi thật vì khoản vay có thể trở thành nợ xấu. Còn lãi hiện nay của ngân hàng đến từ thu hồi, xử lý nợ xấu và đó là lãi "thật". Có thể thấy, nhiều ngân hàng năm vừa qua tăng trưởng lợi nhuận không cao như năm 2018 như Techcombank, VPBank nhưng lãi của họ lại thực chất hơn.
Nghị quyết 42 của Quốc hội đã có tác động tích cực tới quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Nhưng dường như tác động của Nghị quyết mới thể hiện rõ nét từ năm ngoái. Nhiều dự án bất động sản là tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã được phát mại, ráo riết xử lý. Đặc biệt là các bất động sản liên quan tới đại án ngành ngân hàng. Ví dụ như Sacombank năm vừa qua đã xử lý được khoảng gần chục ngàn tỷ nợ xấu. Tính trong 2 năm trở lại đây ngân hàng này đã xử lý được khoảng 28.000 tỷ đồng. Hay như NCB trong 2 năm vừa qua cũng xử lý được gần 4.000 tỷ nợ xấu.
Cuộc cách mạng ngành ngân hàng
Yếu tố thứ 2 làm nên cuộc cách mạng về lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2019 là việc nhờ giảm biên chế, ứng dụng công nghệ. Các ngân hàng đang rốt ráo áp dụng các giao dịch điện tử, giúp giảm biên chế tại các chi nhánh, làm tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí giảm mạnh.
Theo ước tính, trước đây tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí chiếm khoảng 18% thì nay chỉ còn khoảng 15%. Đây là mức trung bình cao của các nước trong khu vực Đông Nam Á (trung bình từ 12-14%) nhưng cũng ghi nhận những nỗ lực lớn của ngành ngân hàng trong áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động. Những ngân hàng có sự thay đổi mạnh mẽ như VPBank năm 2019 ghi nhận giảm 2.000 nhân viên, NCB giảm 500 nhân viên. Chi phí số hóa không quá lớn và đã được đầu tư trong một quá trình dài trước đó đã giúp các ngân hàng giảm mạnh tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí.
Đặc biệt, có những ngân hàng thay đổi căn bản cấu trúc quản trị doanh nghiệp, như VPBank giảm rất nhiều các chức danh như Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban, Phó trưởng ban, đưa xuống làm nhân viên và coi như họ phải phấn đấu lại từ đầu. Các ngân hàng dần cấu trúc lại tổ chức theo hướng phù hợp hơn với chiều sâu, dựa trên nền tảng công nghệ chứ không phải theo chiều rộng là mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh như trước đây nên cũng góp phần tiết giảm được chi phí hoạt động.
Yếu tố thứ 3 là các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để bù đắp lại sự sụt giảm của cho vay bất động sản. Trong đó, nổi lên hình thức ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong chính ngân hàng chứ không phải thông qua thành lập công ty tài chính. Đây là một xu hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa số ngân hàng ở các nước tiên tiến có nghiệp vụ chính là cho vay tiêu dùng chứ không thành lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng như ở Việt Nam.
Việc thành lập công ty tài chính thực chất sẽ tạo thêm rủi ro cho hoạt động cho vay. Vì tiền tại công ty tài chính cũng là từ ngân hàng mà ra nhưng lại không được kiểm soát như là các khoản vay trong ngân hàng. Các công ty tài chính không phải áp dụng các quy định về chỉ tiêu an toàn và cũng không có khả năng kiểm soát rủi ro như hệ thống ngân hàng. Vì vậy, thiết nghĩ nên khuyến khích hình thức ngân hàng cho vay tiêu dùng thay vì để họ thành lập các công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng như nhiều ngân hàng đang làm hiện nay.
Trên thế giới, ở các nước phát triển, cho vay tiêu dùng là nghiệp vụ cơ bản nhất của các ngân hàng. Theo thống kê sơ bộ tại 16 quốc gia châu Âu, cho vay sản xuất kinh doanh chỉ chiếm tỷ trọng 14% trong tổng tín dụng, vay bất động sản chiếm khoảng 14%, còn lại khoảng 72% tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng là cho vay tiêu dùng. Đáng chú ý cho vay thuần túy mua sắm đã chiếm tới 47%, còn lại cho vay mua ô tô cá nhân là 24%. Nếu tính cho vay tiêu dùng như công thức của Việt Nam hiện nay (bao gồm cả cho vay mua nhà) thì ở 16 nước trên hơn 80% là cho vay tiêu dùng.
Việc khuyến khích các ngân hàng cho vay tiêu dùng là phù hợp với thông lệ quốc tế và có như vậy việc quản trị rủi ro với các khoản vay này cũng sẽ tốt hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn cho ngân hàng.
Những yếu tố trên liệu có tiếp tục là động lực làm nên bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2020?
Vừa rồi các ngân hàng cũng đưa ra chỉ tiêu thu hồi nợ trong năm 2020 cao hơn năm 2019. Tuy nhiên, có làm được hay không thì chưa biết. Năm 2019, thị trường bất động sản bắt đầu tràn xuống các tỉnh, mà nợ xấu được đảm bảo bằng bất động sản của ngân hàng nằm ở các tỉnh rất nhiều. Vì vậy, khi bất động sản các tỉnh tăng giá khiến cho việc xử lý nợ xấu ngân hàng được đẩy nhanh và thuận lợi hơn.
Năm 2020 được dự báo thị trường bất động sản vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, vì vậy việc xử lý nợ xấu có thể sẽ tiếp tục có những tín hiệu tích cực.
Xin cảm ơn ông!
Cập nhật kết quả kinh doanh Top 7 ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng năm 2019.
Top 7 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2019
Dẫn đầu là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2018; tổng tài sản đạt trên 1,22 triệu tỷ đồng.
Tiếp theo là Techcombank có mức lợi nhuận trước thuế đạt 12.838 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2018; tổng tài sản đạt 383.699 tỷ đồng.
Agribank về đích thứ 3 với lợi nhuận trước thuế 11 tháng ước đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 59,6% so với năm 2018; tổng tài sản trên 1,45 triệu tỷ đồng.
Tiếp đến là Vietinbank với con số lợi nhuận là 11.780 tỷ đồng, tăng 79,6% so với năm trước; tổng tài sản đạt 1,24 triệu tỷ đồng.
Đứng thứ 5 là BIDV với mức lợi nhuận trước thuế năm 2019 ghi nhận 10.768 tỷ đồng, tăng 13,6%; tổng tài sản đạt 1,45 triệu tỷ đồng.
Thứ 6 là VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2018; tổng tài sản đạt 337.213 tỷ đồng.
Ngân hàng cuối cùng nằm trong câu lạc bộ lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ năm 2019 là MB Bank với mức lợi nhuận trước thuế đạt 10.036 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018; tổng tài sản đạt 411.487 tỷ đồng.
Theo Đình Vũ/nhadautu.vn
Ủy thác đầu tư: Không chỉ dựa trên niềm tin Với cam kết mang lại lợi nhuận từ 30 - 40%/năm cho các nhà đầu tư, dịch vụ ủy thác đầu tư tài chính đã thu hút nhiều người có tiền nhàn rỗi. Thực tế, hình thức đầu tư này giúp thị trường chứng khoán gia tăng dòng tiền, nhưng sự phát triển theo hướng tự phát như hiện nay đang tiềm ẩn...