Mr Xoay: Làm việc với Xuân Bắc mệt lắm
“Làm việc với anh Bắc đôi khi mệt lắm vì tôi không còn giữ được sự “nghiêm nghị” của vai diễn do cứ ngoạc mồm ra mà cười, thành ra phải quay đi quay lại” – Đinh Tiến Dũng trần tình về vai GS. Cù Trọng Xoay khi làm bạn diễn với Xuân Bắc.
Tôi có nghệ danh đầu đời nhờ anh Xuân Bắc
- Anh nghĩ sao khi một danh hài có tiếng như Xuân Bắc tự bạch rằng đang bị anh làm cho lu mờ khi lên sóng Hỏi Xoáy – đáp xoay?
Ôi, đó là tình cảm của những đàn anh đi trước dành cho tôi đấy. Chứ ai cũng biết làm gì có chuyện anh Bắc lu mờ vì tôi được. Tôi “mon men” bước vào con đường diễn xuất hay dẫn chương trình thì các anh chị ấy cũng dành cho tôi những sự động viên rất quý báu.
Có khi là cái bắt tay kèm lời cổ vũ: “Cố lên em, cứ làm hết mình đi”. Có khi là một cái vỗ vai và nụ cười đấy khích lệ của đàn anh khi thấy tôi đứng lo lắng trong cánh gà. Qua đây tôi cũng muốn gửi một lời cảm ơn chân thành tới các anh chị đi trước vì tôi thực sự rất trân trọng tình cảm mà các anh chị ấy đã dành cho tôi.
- Cảm giác lần đầu tiên xuất đầu lộ diện trên sóng truyền hình có làm anh mất ăn, mất ngủ?
Tôi nói thực là ăn ngủ cũng không điều độ lắm vì đôi khi cũng “lẫn”, thấy đói đói mới nhớ là chưa ăn, thấy buồn ngủ mới nhớ đêm qua thức, nên xem ra chương trình cũng không làm tôi mất ăn mất ngủ hơn được nữa.
- Anh dự liệu bao nhiêu % rằng mình có khả năng làm hỏng chương trình khi gương mặt quá mới. Cái khó của chương trình chỉ ngồi mà nói khiến khán giả vẫn phải cười là gì?
Tôi nghĩ là trong nguy thì luôn có cơ, biết đâu chính sự mới mẻ cũng là một điều hấp dẫn, do vậy lúc nào tỷ lệ cũng là 50/50. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là xây dựng kịch bản, viết vài cái thì dễ chứ viết trường kỳ thế này thì cũng mệt lắm.
Cứ ngồi mà nói mãi cũng nhàm thành ra lại phải nghĩ thêm trò. Nên cái khó của chương trình chỉ ngồi nói mà khiến khán giả vẫn phải cười đó là phải chấp nhận có nhiều lúc không thể làm khán giả cười nổi. Nếu không biết chấp nhận điều này thì chắc chúng tôi cũng chẳng còn đủ độ gan lỳ bám trụ chương trình để thi thoảng lại đem đến một nụ cười nào đó cho khán giả đâu.
- Hỏi Xoáy – Đáp xoay mang lại cho anh những gì? Nổi tiếng có mang lại cho anh sự phiền hà.
Video đang HOT
Chương trình mang lại cho tôi tiền cát xê viết kịch bản và diễn xuất. Mang lại cho tôi một sự nổi tiếng nhất định để mở ra cho tôi nhiều hướng đi mới cho sự nghiệp của mình. Còn cái gì cũng có giá của nó cả, sự phiền hà là không thể tránh khỏi nhưng nó chẳng thấm tháp vào đâu so với những tình cảm mà tôi nhận được từ người hâm mộ.
- Có điều gì vừa lòng nhất và chưa vừa lòng nhất về người bạn diễn của anh?
Nếu nói vừa lòng thì e hơi mạo phạm, phải nói là tôi thấy mình may mắn khi được làm việc bên cạnh một đàn anh tài năng và rất nhiều kinh nghiệm như anh Bắc. Chính sự có mặt của anh ấy đã đảm bảo cho chương trình một vị trí trong lòng người hâm mộ, tôi được hưởng lợi từ điều này để đến gần với người hâm mộ hơn.
Cũng chính anh ấy đặt cho tôi cái tên Cù Trọng Xoay, chứ theo kịch bản ban đầu thì không phải vậy. Thế là thay vì phải nghĩ “nghệ danh đầu đời” là gì thì tôi đã được đàn anh tặng cho một cái tên quá hay.
Còn không vừa lòng thì thực ra cũng có. Làm việc với anh Bắc đôi khi mệt lắm vì tôi không còn giữ được sự “nghiêm nghị” của vai diễn do cứ ngoạc mồm ra mà cười, thành ra phải quay đi quay lại. Dễ gây thù chuốc oán với đạo diễn lắm.
Hết duyên viết kịch bản sẽ đi làm chủ hôn đám cưới
- Trong lần gặp gỡ với phóng viên, anh Xuân Bắc có khuyên nhủ anh không nên làm diễn viên hài kịch. Còn bản thân anh, có lúc nào nghĩ rằng mình sẽ tấn công mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nghệ thuật giải trí này?
Tôi hiểu và trân trọng nỗi lo mà đàn anh dành cho tôi, vì thực sự có tham gia vào mới biết làm diễn viên hài chẳng dễ dàng một chút nào. Tôi trưởng thành và thu được những thành công nhất định từ những sân khấu quần chúng quy mô nhỏ, nay tham gia vào sân khấu kịch lớn thật chả khác nào chèo thuyền nan ra biển, nhiều lúc cũng ngợp và nản lắm.
Từ lúc ra trường đến giờ, tôi thấy công việc toàn chọn tôi chứ tôi cũng chưa mấy khi chọn việc, tôi tin vào duyên, nếu tôi có duyên với nghề gì thì cứ để tự nhiên nghề đó đến, tôi không toan tính nhiều.
- Anh Bắc có gợi ý nếu anh học biên kịch thì sẽ phát huy hết được tinh hoa tài năng. Còn anh, cứ coi việc viết kịch bản như nghề tay trái hay sẽ là một nghề kiếm sống trong tương lai?
Các cụ dạy biết một nghề thì sống, biết đống nghề thì chết. Tôi chỉ xin phát triển thêm là làm một đống nghề cùng một lúc mới chết, còn biết đống nghề nhưng mỗi một giai đoạn cuộc đời, ta tập trung vào một nghề nào đó mình có khả năng thực hiện tốt nhất thì vẫn sống.
Lúc này tôi đang có sức khỏe, vừa làm ban ngày ở FPT, tối về nhà viết kịch bản hăng say thì nghề biên kịch có vẻ ổn. Sau này có vợ con hoặc có tuổi rồi, không thức đêm được thì có thể tôi sẽ phải chọn một nghề khác, có thể làm một công chức bình thường thi thoảng đi làm chủ hôn đám cưới cho bạn bè.
- 31 tuổi, còn trẻ, nhưng anh được nhiều đạo diễn và bạn bè đồng nghiệp đánh giá rất cao về những kịch bản hài của anh. Cơ duyên ban đầu đến với Táo quân của anh là gì?
Có được những thành công trong lĩnh vực sân khấu như hiện nay, tôi phải biết ơn đạo diễn Đỗ Thanh Hải rất nhiều. Ngoài là người tin tưởng “đặt hàng” tôi tham gia viết kịch bản Táo quân sau một lần anh ấy đến làm ban giám khảo cho hội diễn của FPT cách đây 4 năm, anh ấy còn dành cho tôi cả sự nghiêm khắc và bao dung để giúp tôi trưởng thành hơn.
Nếu không có những lần “mắng mỏ” tan nát của anh ấy về chất lượng kịch bản kém thì tôi chắc khó mà cay cú để viết tử tế được.
- Viết khỏe và viết rất độc đáo, liệu anh có đủ dai sức để cho ra lò hàng loạt kịch bản không bị đụng hàng và không rơi vào lối mòn.
Tôi đồng tình rằng cần phải sáng tạo không ngừng để sản phẩm không nhàm chán, nhưng tôi không ngại “đụng hàng” hay rơi vào lối mòn đâu, nếu điều đó vẫn hay và vẫn hiệu quả cho tác phẩm của tôi.
Ngày xưa tôi cũng ti toe sáng tác ca khúc. Sáng tác xong tôi lại phân vân vì đoạn này giống bài này quá, đoạn kia giống bài kia quá, lại hí hoáy sửa vài nốt cho nó khỏi “đụng hàng”, kết quả bài hát của tôi thành một thứ dị dạng, chẳng còn ra cái gì nữa, thế là vứt đi, dại ơi là dại.
Rút kinh nghiệm, giờ trong viết kịch thì tôi xác định rất rõ mục tiêu, đó là viết ra những kịch bản phù hợp cho diễn viên có thể phát huy hết khả năng của họ, thông qua đó sẽ mang lại nhiều nụ cười cho khán giả. Điều đó mới là quan trọng nhất. Còn viết khỏe thì chắc do tôi làm ở FPT nên khả năng gõ máy tính 10 ngón cũng khá nhanh mà thôi.
Xin cảm ơn GS Cù Trọng Xoay!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đạo diễn Thư giãn Cuối tuần VTV3 "gọi tên" vua hài đất Bắc
Tìm lời kết cho câu hỏi "Ai là danh hài số 1 đất Bắc", phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, người phụ trách chương trình "Thư giãn cuối tuần" đang phát trên VTV3.
Vị tổng đạo diễn này cho rằng Việt Nam hiện chưa có ai xứng đáng được tôn xưng là vua hài. Thế nhưng, anh cũng thẳng thắn phân loại các diễn viên hài thành các đẳng cấp khác nhau theo cách nhìn nhận của riêng mình.
Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh.
Nhiều danh hài xứng là số 1
- Là một đạo diễn chuyên làm các chương trình hài trên truyền hình như "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm" và bây giờ là "Thư giãn cuối tuần", anh có thể đơn cử một gương mặt cho danh hiệu "Danh hài số 1 đất Bắc"?
Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh: Các diễn viên hài miền bắc không nhiều, thế nhưng để đánh giá ai là số 1, ai là số 2 thì chắc chắn không ai đánh giá được. Với tôi Công Lý, Xuân Bắc, Vân Dung, Tự Long...ai cũng là số 1.
Diễn viên hài mỗi người có một sự thông minh riêng, cái duyên riêng. Ví dụ như Quang Thắng, ngoài cái duyên về hình thể còn có cái duyên trong cách thoại, cách xử lý thông minh, bản năng. Đó là cái duyên trời cho. Cũng là những lời nói đó nhưng qua miệng người khác thì bình thường không gây cười, còn qua miệng Quang Thắng lại rất hài hước. Trong mắt tôi, họ đều rất tài năng và đáng yêu nhưng khán giả mới là người quyết định vị trí của họ. Dẫu rằng không ai hoàn chỉnh cả, ai cũng có khiếm khuyết nhưng không đáng để nói vì mặt mạnh của họ trội hơn nhiều.
- Trong chương trình "Thư giãn cuối tuần" phát sóng trên kênh VTV3 tối thứ 7 hàng tuần, anh lựa chọn bộ đôi Công Lý, Tự Long vào vai anh copy và anh bơm vá. Phải chăng anh đánh giá tài năng của họ hơn những bộ đôi khác?
Không phải thế. Tôi chọn Công Lý, Tự Long đơn giản là vì họ hợp với vai diễn đó, không gian đó chứ không phải là ưu ái riêng. Như Xuân Bắc diễn rất thông minh và duyên dáng nhưng lại không thể vào vai những nhân vật chuyên kiếm sống ở hè đường như vậy.
Hay bộ đôi Quang tèo và Giang còi thì lại phù hợp với mảng nông thôn. Từ hình thể cho đến cách diễn khiến cho anh bán lợn và anh chăn vịt này mặc định hình ảnh của mình trong lòng khán giả nông thôn. Tức là mỗi một diễn viên hài thành công đều chiếm giữ một góc hài nào đó mà không ai có thể thay thế được.
- Thế nhưng có một số người cho rằng Xuân Bắc giờ pha trò rất nhạt?
Đôi lúc Xuân Bắc có phát ngôn chưa hợp với khán giả nhưng không thể phủ nhận Bắc cực thông minh. Anh ấy biết gẩy cả bạn diễn của mình lên. Trong hài thì vai trò đạo diễn không nhiều mà chủ yếu ở khả năng và sự nhanh nhạy, tinh tế của diễn viên.
- Trong các diễn viên hài nữ, anh thích ai nhất?
Ở ngoài Bắc tôi ấn tượng nhất vẫn là Vân Dung, còn phía nam là Hồng Vân. Nếu phải so sánh 2 nhân vật này thì tôi thấy rất khó vì họ đều có mặt mạnh riêng.
Vân Dung có cách diễn cuốn hút, hấp dẫn, cách xử lý linh hoạt. Kịch bản nhiều khi chỉ là tình huống, là "khung xương" nhưng Vân Dung đều xử lý câu thoại rất tinh tế và bất ngờ để lấy được tiếng cười của khán giả. Chị Hồng Vân cũng là người cực kỳ thông minh, phản ứng rất nhanh và ngẫu hứng. Nếu bắt tôi phải chọn 1 người thì không khác gì đánh đố. Tôi chỉ có thể lựa chọn họ khi đặt trong một kịch bản với những nhân vật cụ thể mà thôi.
Vân Dung và Công Lý trong Thư giãn cuối tuần.
- Tôi thấy cũng nhiều khán giả chia sẻ rằng họ thích nhất là nghệ sĩ Xuân Hinh. Nhưng cũng có nhiều người "tẩy chay" danh hài này vì cho rằng lời thoại của Xuân Hinh ngày càng tục. Anh có bình luận gì về những ý kiến trên?
Xuân Hinh thật sự bản năng và tài năng. Tuy nhiên anh ấy không tham gia quá nhiều vào sân khấu hài mà chỉ tham gia những cái anh ấy thích, làm bằng ngẫu hứng. Đó là sự khác biệt của nghệ sĩ này. Trên sân khấu Xuân Hinh có thể một mình gây hoạt náo, nếu có tương tác với bạn diễn cũng chỉ là phụ họa.
Còn về lời thoại tục như nhiều người nhận xét thì thật ra, hầu như trong hài đều có yếu tố tục nhưng quan trọng là người ta xử lý cái tục đó như thế nào. Xuân Hinh tục thật nhưng cái tục của anh ấy vẫn rất duyên và chấp nhận được vì nó không quá đỗi trần trụi.
Việt Nam chưa có vua hài
- Là một đạo diễn gắn bó với hài gần chục năm nay, anh có thể phân chia một cách tương đối đẳng cấp của các diễn viên hài mà anh từng cộng tác và theo dõi?
Đúng là trong đầu của một đạo diễn như tôi thì có sự phân chia đẳng cấp của các diễn viên hài nhưng cũng chỉ là tương đối thôi. Tốp 1 có thể nhắc đến những cái tên như Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Hinh, Phạm Bằng. Tốp 2 là Thành Trung, Chiến Thắng, Bình Trọng, Đức Khuê, Quang tèo, Giang còi. Có một số trường hợp đặc biệt như Hiệp gà thì chơi vơi giữa tốp 1 và tốp 2. Công Vượng thì tôi không biết nên xếp vào tốp nào nhưng chắc chắn tốp 2 là chưa được. Tôi cũng chưa mời Vượng tham gia một tiểu phẩm nào của mình.
- Căn cứ nào để anh đưa ra sự xếp loại trên?
Tôi phân chia như trên là dựa vào việc đánh giá tài năng và sự đam mê, gắn bó với sân khấu hài của mỗi diễn viên. Trong đó quan trọng nhất vẫn là căn cứ vào tài năng của họ. Thế nhưng trong tốp 1 nếu yêu cầu tôi phải tìm ra người nào xuất sắc nhất thì tôi không thể làm được vì họ bằng bằng như nhau cả.
- Thế giới từng có vua hề Sác lô (Charlie Chaplin). Sau Sác lô, người ta lại say mê danh hài Pháp Louis de Funes và Rowan Atkinson (diễn viên thủ vai Mr Bean) của nước Anh. Theo anh vì sao ở Việt Nam chưa có ai được tôn xưng là "vua hài"?
Trước đây có một thời khán giả miền Nam coi NSƯT Bảo Quốc là vua hài trong đó. Nhưng theo tôi ở Việt Nam chưa có ai xứng với danh hiệu này cả. Thế giới tôn sùng Charlie Chaplin là vua hài vì tài năng và đẳng cấp của ông vượt lên hẳn so với các diễn viên cùng thời. Ở Việt Nam chưa nghệ sĩ nào làm được điều đó.
- Anh có thể so sánh một chút giữa hai thế hệ diễn viên hài như NSND Mạnh Tuấn với các danh hài trẻ bây giờ?
Giữa hai thế hệ chỉ có sự khác biệt về độ tuổi diễn viên chứ không khác biệt về tiếng cười. Theo tôi thì thế hệ đi trước rất giỏi khi áp dụng ca dao tục ngữ, thơ ca hò vè vào trong lời thoại của nhân vật, còn giới trẻ bây giờ lại tiếp nhận nhiều thông tin hơn, tính thời sự tốt hơn vì vậy có ngôn từ mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Các cụ ngày xưa được thừa hưởng, tích lũy văn hóa dân gian trong cuộc sống của họ còn hài bây giờ thì thô hơn. Bên cạnh đó các tích chèo cổ được đúc kết từ nhiều đời chứ không mang tính công nghiệp và sản xuất hàng loạt như bây giờ.
Hiện nay, không thể làm những cái lặp lại như ngày xưa được mà mỗi ngày phải nghĩ ra một cái mới, có thể chưa hay nhưng phải mới. Chính thế những người làm hài bây giờ gặp rất nhiều khó khăn khi phải phục vụ, đáp ứng được đông đảo người xem với tần suất liên tục như các chương trình "Thư giãn cuối tuần".
Theo giaoduc.net.vn
Danh hài số 1: "Bắc Xuân Bắc, Nam Hoài Linh" Trò chuyện với phóng viên Giáo dục Việt Nam, NSƯT Chí Trung khẳng định, nếu có cuộc bình chọn diễn viên hài xuất sắc nhất thì ở miền Bắc anh sẽ bỏ phiếu cho Xuân Bắc, còn miền Nam là danh hài Hoài Linh. "Tôi chỉ xếp thứ... 14" - Dạo này khán giả ít thấy Chí Trung xuất hiện trong các chương...