Một vòng… “xíu mại” ở chợ Phan Thiết
Bạn sẽ hơi thắc mắc vì sao trong “bản đồ ẩm thực” của Sài Gòn lại có món xíu mại xa xôi ở tận Phan Thiết. Và đã đến đây sao không ăn hải sản như mực một nắng hay tôm cua cá ghẹ ở Mũi Né, mà lại chui tận vào chợ Phan Thiết chỉ để ăn loại thịt viên rất dễ dàng tìm thấy ở các tiệm bánh mì hay cơm tấm ở Sài Gòn này.
Quầy “bánh mì 2 chị em” với khay xíu mại lúc nào cũng nghi ngút khói
Tôi nghĩ chắc nhiều bạn hay đi Phan Thiết theo lịch trình đến resort ở khu Mũi Né vào buổi trưa hôm trước, nhận phòng, tắm biển và chơi cho đến chiều tối. Hôm sau trên đường về lại Sài Gòn sẽ ghé vào chợ Phan Thiết mua thêm các đặc sản như khô cá các loại, hải sản tươi sống, chả cá chiên, bánh bột lọc…
Duy có một lần tôi thử ghé chợ Phan Thiết vào buổi chiều và phát hiện ra quầy bánh mì độc đáo mà người dân địa phương hay gọi là “bánh mì 2 chị em” này. Gọi là “quầy” vì các món ăn kèm được bày biện trên một cái bàn lớn chứ không để vào xe như thường thấy ở Sài Gòn. Thú vị ở chỗ bánh mì không có patê; chả, thịt… như thường thấy mà lại ăn kèm với xíu mại, chả tôm, chả cá, thịt heo và trứng luộc… Cách bày biện lớp lang, “phô diễn” gần như các màu sắc bắt mắt nhất khiến cho những ai đi ngang qua con đường Nguyễn Huệ này (khúc gần với Trần Quốc Toản) cũng phải ngoái lại nhìn.
Đặc biệt nhất vẫn là khay xíu mại xếp theo hình tròn, ở giữa là nước sốt nóng hổi bốc khói nghi ngút. Ổ bánh mì giòn rụm với phần nhân xíu mại nóng, thêm vào nào là đồ chua, hành ngò, củ sắn hấp cùng loại nước sốt riêng khá đậm đà… như chảy tan trọng miệng ngay từ lần cắn đầu tiên. Để thêm phần đa dạng bạn cũng có thể gọi thêm chả cá, trứng luộc… ăn cũng rất ngon.
Tiệm bánh mì này đông nghịt từ chiều cho đến khuya. Đến đường Nguyễn Huệ gần chợ Phan Thiết sau 5h chiều, thử hỏi “bánh mì 2 chị em” bạn sẽ được chỉ dẫn tận tình. Nếu đến trễ vào những buổi tối cuối tuần thì việc chờ vài chục phút cho một ổ bánh mì là chuyện rất bình thường.
Tiệm bánh căn trong chợ Phan Thiết với hai món ăn kèm là xíu mại và cá kho
Video đang HOT
Xíu mại ăn cùng bánh căn là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi đi chợ Phan Thiết
Một phát hiện khác về xíu mại là trong chợ Phan Thiết. Trong một lần ghé chợ vào buổi trưa trước khi về lại Sài Gòn, tôi thử đi sâu vào bên trong và tìm thấy tiệm bánh căn này. Hơi khác với bánh căn kiểu Phan Rang như trong bài viết về quán Đạt, bánh căn ở đây ăn trong một cái tô lớn chan sẵn nước chấm cùng xoài sống bằm nhuyễn. Bạn có thể ăn kèm với xíu mại hoặc cá kho, trứng luộc… chứ không phải là nhân tôm, thịt có sẵn ở phía trên như thường thấy. Cầm trên tây tô nước chan cùng viên xíu mại nóng hổi rồi “nhúng” từng miếng bánh căn vào thì mới thấy hết cái ngon và lạ của sự kết hợp này. Vừa có chút cay cay của nước chấm, vị chua của xoài cũng như vị béo của thịt và miếng bánh căn… Một trải nghiệm thú vị về món thịt viên này.
Tiệm nằm ở gần cuối chợ Phan Thiết, đã mở hơn 40 năm nay. Cứ đi vào sâu trong chợ Phan Thiết (cổng đường Ngô Sỹ Liên) bạn sẽ dễ dàng tìm thấy tại khu vực ăn uống. Quán bán từ sáng sớm cho đến tầm 5 giờ chiều, gần như là độc nhất trong khu chợ này.
Viên xíu mại từ khi du nhập vào Việt Nam (thông qua menu điểm tâm của các trà quán Quảng Đông) đã trở thành món ăn kèm hấp dẫn trong bữa ăn của người Việt. Phổ biến nhất có lẽ là bánh mì xíu mại, rồi cơm tấm xíu mại, bánh căn, hay thậm chí là bánh tằm ở miền Tây. Thưởng thức, cũng là để thấy ẩm thực Việt còn biết bao điều thú vị mà ta chưa khám phá hết.
“Bánh mì 2 chị em” – đường Nguyễn Huệ (gần với Trần Quốc Toản)
Mở cửa: từ 5h chiều đến khuya
Giá: 12.000đ/ổ
Bánh căn chợ Phan Thiết (cổng Ngô Sỹ Liên)
Mở cửa: từ 6h sáng đến 5h chiều
Giá: 17.000đ/phần
Theo SGAT
Bánh ít ram, bánh cam Sài Gòn gợi nhớ hương quê
Đều được làm từ bột nếp nhưng sự biến tấu trong cách chế biến đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho những món quà quê dân dã này.
Bánh cam, bánh ít ram là những món ăn quen thuộc, gắn liền với khung cảnh làng quê và tuổi thơ của nhiều người. Những chiếc bánh cam bọc đường hay chiếc bánh ram giòn rụm là món quà vặt không thể thiếu trong giỏ đi chợ của các bà, các mẹ. Ngày nay, những loại bánh này trở nên phổ biến và được bán trên các gánh hàng rong qua các con phố ở Sài Gòn.
Bánh cam là món quà quê dân dã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ảnh: K.H.
Bánh cam là tên gọi của người miền trong vì nó có hình dáng tròn như quả cam, người miền ngoài gọi là bánh rán. Được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo nên bánh không ngán lại dẻo dai thơm ngon. Bột được nhồi dẻo, mềm để làm vỏ bánh, chia thành từng viên tròn nhỏ và nắn dẹt, cho nhân đậu xanh vào giữa rồi vo tròn lại, sau đó lăn qua vừng cho vừng bám đều bên ngoài rồi đem chiên. Chảo dầu phải nóng đều, cho bánh vào và trở sao cho bánh vàng đều các mặt.
Sau khi chiên xong, bánh được để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp mật có màu vàng óng, trong suốt và khô bề mặt. Mật được làm từ đường cát nấu với nước sôi theo một tỷ lệ nhất định để mật có độ dẻo, trong và vị ngọt thanh. Bánh cam cắn vào nghe tiếng lớp mật vỡ ra trước như tiếng kẹo gương, vỏ bánh giòn bên ngoài, mềm dẻo bên trong, cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên hương vị khó quên.
Nếu bánh cam xuất thân từ món quà vặt nhà quê thì bánh ít ram xứ Huế tiền thân là món ăn cung đình. Đây là món ăn được kết hợp rất độc đáo giữa cái mềm dẻo của bánh ít và cái giòn rụm của bánh ram đem lại sự lạ miệng rất thú vị. Bột nếp, tôm tươi, thịt ba chỉ... là những nguyên liệu được dùng để chế biến nên món ăn này.
Bánh ít ram là món ăn có nguồn gốc từ xứ Huế. Ảnh: K.H.
Nếp sau khi xay thành bột, được cho vào một chiếc túi vải và đăng cho hết nước, còn lại phần bột dùng để làm bánh. Bột nếp được pha với một ít muối, nhồi cho thật dẻo, không bị bở. Chia bột thành hai phần bằng nhau để làm bánh ít và bánh ram. Nhân bánh được làm từ tôm, thịt ba chỉ thái thành từng phần nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Phi thơm dầu, cho tôm thịt vào xào nhỏ lửa đến khi thấm gia vị, phần thịt, tôm hơi săn lại thì tắt bếp.
Để làm bánh ram, chia bột ra thành phần tròn nhỏ, to hơn quả quất (tắc) một tí, nặn dẹp phần bột, cho nhân tôm, thịt vào và vo tròn lại. Sau khi chuẩn bị xong thì đem chiên vàng. Để chiếc bánh ram chín vàng đều và giòn rụm, khi chiên bạn phải chiên ngập bánh trong dầu và phải để lửa lớn. Bánh chiên xong được vớt ra và để ráo dầu.
Bánh ít được hấp chín, thường ăn không với nước chấm hoặc ăn kèm với bánh ram. Ảnh: K.H.
Làm bánh ít cũng rất đơn giản, cách chế biến hoàn toàn giống banh ram nhưng thay vì chiên vàng thì bánh ít được làm chín bằng cách hấp. Chiếc bánh chín có màu trắng đục, ẩn hiện bên trong là màu đỏ của tôm rất hấp dẫn. Khi ăn, chiếc bánh ít được để lên trên chiếc bánh cam, khẽ ấn nhẹ ngón tay để hai loại bánh dính vào nhau thành từng cặp. Bánh ít ram được ăn kèm với nước mắm ớt vừa có vị chua ngọt lại hơi cay đúng chất Huế. Cái giòn rụm của bánh ram kết hợp với cái mềm dẻo của bánh ít đem đến cho người ăn một món ăn hài hòa, ngon miệng.
Theo Vnexpress
Vả trộn - Dân dã món ăn nhà quê Cái vị bùi bùi của quả vả, cái giòn rụm của bánh tráng cùng chén nước chấm đậm đà làm nên sự ngon miệng đầy quyến rũ của một món ăn rất bình dị. Vả là một loại quả có rất nhiều ở Huế, quả vả gần giống sung nhưng lớn hơn. Trong ẩm thực của người dân đất Cố đô, vả được...