Một ứng dụng email bé nhỏ bị Apple giết chết vì dám không nộp phí “bảo kê” 30%, làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt
Anh chàng tí hon David đã khiêu chiến với gã khổng lồ Goliath.
Giám đốc công nghệ của Basecamp, ông David Heinemeier Hansson đã liên tiếp chỉ trích Apple vì hành động từ chối cập nhật cho ứng dụng email Hey trên App Store. Sự việc xảy ra ngay sau khi Ủy ban Châu Âu tuyên bố tiến hành điều tra chống độc quyền đối với kho ứng dụng App Store của Apple.
Hey của Basecamp là một ứng dụng email mới được ra mắt, đem đến những trải nghiệm khác với những ứng dụng email truyền thống như Gmail. Hey yêu cầu người dùng phải trả phí đăng ký hàng năm là 99 USD, nhưng cũng cung cấp một thời gian dùng thử miễn phí. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó thì câu chuyện không có gì để bàn đến.
Ứng dụng tìm cách để không chia sẻ 30% doanh thu cho Apple
Phiên bản Hey 1.0 đã được Apple phê duyệt để ra mắt trên App Store, mới chỉ tuần trước. Nhưng Apple đã xem xét lại khi Basecamp ra mắt bản cập nhật 1.0.1 để sửa lỗi. Một cuộc gọi và một email từ Apple gửi đến Basecamp, cho biết rằng ứng dụng Hey cần phải thực hiện các bước đăng ký thông qua hệ thống thanh toán của App Store. Nếu không, ứng dụng sẽ bị xóa bỏ.
Theo ông Hansson, Apple nói với Basecamp rằng Hey đã vi phạm quy tắc 3.1.1 trong bản quy tắc hướng dẫn của App Store. Dưới đây là nguyên văn quy tắc 3.1.1:
Video đang HOT
“Nếu bạn muốn mở khóa các tính năng hoặc dịch vụ trong ứng dụng của mình (ví dụ như đăng ký thuê bao, nạp tiền vào trò chơi, truy cập vào nội dung cao cấp hoặc mở khóa phiên bản đầy đủ), bạn phải sử dụng tính năng in-app purchase. Ứng dụng không được phép sử dụng các cơ chế riêng để mở khóa nội dung hoặc tính năng. Ứng dụng cũng không được phép sử dụng các đường link, nút liên kết hay bất kỳ khuyến nghị nào hướng người dùng đến hình thức thanh toán khác bên ngoài”.
Ứng dụng Hey không cho phép người dùng đăng ký thuê bao ngay trong ứng dụng. Thay vào đó, người dùng truy cập vào trang web của Hey để đăng ký, thông qua kênh thanh toán riêng của Basecamp. Cũng giống như nhiều ứng dụng phổ biến khác là Spotify hay Netflix. Mục đích là để không chia sẻ 30% doanh thu cho App Store.
Tuy nhiên điều khó hiểu là phiên bản Hey 1.0 đã được Apple chấp nhận, trong khi phiên bản hey 1.0.1 chỉ sửa một số lỗi nhỏ và không hề thay đổi các hình thức đăng ký thuê bao, thì lại bị Apple từ chối cập nhật. Nguyên nhân ẩn sau chính là vì Apple còn có một quy tắc nữa, mà không bao giờ công khai với các nhà phát triển.
Theo những chia sẻ của biên tập viên David Pierce tại Protocol, người đã theo dõi sát sao sự việc này, thì Apple có một bí mật không tiết lộ với các nhà phát triển:
“Apple nói với tôi rằng sai lầm thực sự là đã phê duyệt ứng dụng ngay từ đầu, khi mà ứng dụng này không tuân thủ các quy tắc của App Store. Apple cho phép những ứng dụng loại này (ứng dụng chỉ cho phép đăng nhập mà không có tính năng đăng ký) cho các dịch vụ doanh nghiệp, không phải cho người dùng. Đó là lý do vì sao Basecamp (ứng dụng cho doanh nghiệp) được cho phép trên App Store, còn Hey (ứng dụng cho người dùng) không được phép”.
Một điều nữa là: “Apple cho phép các ứng dụng dạng ‘Reader’, như Netflix hay Kindle hay Dropbox. Các ứng dụng này cho phép người dùng đăng ký thuê bao mà không cần thông qua in-app purchase của App Store. Nhưng email, nhắn tin và các ứng dụng khác lại không được tính là ứng dụng Reader”.
Cộng đồng các nhà phát triển phẫn nộ với Apple
Cộng đồng các nhà phát triển đã phản ứng gay gắt sau sự việc này và tỏ ra vô cùng phẫn nộ đối với Apple. Bởi những quy tắc đã không được làm rõ trong bản hướng dẫn của App Store. Sự phẫn nộ từ bấy lâu của các nhà phát triển cũng xuất phát từ việc tin rằng App Store lấy 30% doanh thu đăng ký từ các ứng dụng là không chính đáng.
Trong khi đó, CTO David Heinemeier Hansson của Basecamp khẳng định rằng sẽ không thực hiện thay đổi theo yêu cầu của Apple: “Cho dù là 1 triệu năm nữa, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ trả cho Apple một phần ba doanh thu của mình. Đó là hành vi của tội phạm. Và chúng tôi sẽ tiêu từng đồng USD mà chúng tôi có để loại bỏ điều đó, để đưa chúng ta đến một nơi tốt đẹp hơn”.
Trên trang Twitter của mình, ông Hansson còn liên tục so sánh Apple giống như xã hội đen, chuyên ăn chặn tiền của những người kinh doanh chân chính, chỉ có điều là Apple chưa bị pháp luật sờ đến. Mặc dù đã có nhiều khiếu nại như trường hợp của Spotify, nhưng cho đến nay các khiếu nại đó vẫn chưa được giải quyết.
Nguyên nhân khiến Apple có thể thoải mái đặt mức “thuế” lên tới 30% là nhờ sự độc quyền. “Vì sao phí xử lý giao dịch thẻ tín dụng chỉ dao động trong khoảng 1,8 – 2,8%, trong khi App Store của Apple ngang nghiên đặt mức phí 30%? Đó là bởi vì không có sự cạnh tranh. Họ có sự độc quyền nên có thể tự quyết định tất cả”, ông Hansson cho biết.
App Store thúc đẩy 519 tỷ USD giao dịch thương mại toàn cầu
Apple vừa công bố kết quả một nghiên cứu có thể khiến mọi người kinh ngạc trước ảnh hưởng sâu rộng mà kho ứng dụng App Store mang lại.
Dù Apple thường tiết lộ một số thống kê về App Store tại WWDC, đây là lần đầu tiên "táo khuyết" nêu chi tiết kết quả nghiên cứu về hệ sinh thái này. Theo báo cáo của Analysis Group, App Store góp phần tạo ra 519 tỷ USD thương mại trên toàn cầu. Con số lớn và mới hơn nhiều so với các công bố trước đó vì nó bao gồm tất cả giao dịch mà App Store thúc đẩy, không chỉ có những giao dịch mang đến hoa hồng cho Apple.
Ra mắt năm 2008, App Store hiện là nhà của gần 2 triệu ứng dụng, đón nửa tỷ người ghé thăm mỗi tuần tại 175 quốc gia. Tổng cộng, người dùng đã tải hàng trăm tỷ lượt phần mềm về thiết bị của mình. Trong khi đó, hệ sinh thái Apple Developer hỗ trợ 23 triệu nhà phát triển.
Đầu năm nay, Apple thông báo đã trả trực tiếp 155 tỷ USD cho các lập trình viên tính đến thời điểm hiện tại nhưng không nhắc tới doanh số từ các nguồn khác như hàng hóa vật lý, dịch vụ. Nghiên cứu mới phân tích thế giới giao dịch rộng lớn hơn trên App Store. Nói cách khác, nó đánh giá doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua App Store, chẳng hạn khi người dùng mua hàng qua ứng dụng iOS của Best Buy hay Target, đặt xe công nghệ hay đặt đồ ăn.
Apple chỉ nhận hoa hồng từ các hóa đơn liên kết với dịch vụ, hàng hóa kỹ thuật số. Hơn 85% trong tổng số giao dịch 519 tỷ USD thuộc về các nhà phát triển và doanh nghiệp. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra doanh số ước tính từ dịch vụ và hàng hóa vật lý chiếm thị phần lớn nhất, đạt 413 tỷ USD. Trong đó, các ứng dụng thương mại di động tạo ra phần lớn doanh số, mảng bán lẻ tạo ra 268 tỷ USD. Mảng bán lẻ bao gồm các cửa hàng như Target cũng như các chợ điện tử như Etsy, không bao gồm dịch vụ chuyển phát hàng tạp hóa. Các ứng dụng thương mại di động hàng đầu khác nằm trong danh mục du lịch, gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa.
Doanh thu từ dịch vụ và hàng hóa kỹ thuật số chạm mốc 61 tỷ USD năm 2019, bao gồm dịch vụ stream nhạc, video, tập luyện, giáo dục, sách điện tử, sách âm thanh, tin tức, tạp chí, hẹn hò. Danh mục game tạo ra doanh thu lớn nhất nhưng báo cáo không nêu chi tiết.
Doanh thu từ quảng cáo trong ứng dụng đạt 45 tỷ USD và 44% (20 tỷ USD) đến từ quảng cáo trong game. Các ứng dụng không phải game kiếm tiền từ quảng cáo trong ứng dụng thường miễn phí, chẳng hạn Twitter hay Pinterest.
Không phải ngẫu nhiên mà Apple lại công bố báo cáo ngay lúc này. Theo Axios, cùng với Amazon, Alphabet, Facebook, các nhà điều tra chống độc quyền của Mỹ đang gây áp lực để Apple ra điều trần trước Quốc hội. Amazon là công ty duy nhất trong bộ tứ thông báo sẽ tham dự. Về phần mình, Apple bị cáo buộc điều hành chợ ứng dụng phản cạnh tranh, nơi các dịch vụ riêng của họ đối đầu với các đối thủ khác. Các đối thủ phải trả hoa hồng cho Apple với mỗi giao dịch phát sinh từ App Store. Apple còn lợi dụng vị thế để loại bỏ cạnh tranh bằng cách ra mắt sản phẩm tương tự với đối thủ nhưng được tích hợp sâu hơn trong hệ điều hành iOS.
Như vậy, báo cáo muốn chuyển hướng tập trung từ việc Apple kiếm lời từ các lập trình viên như thế nào sang xây dựng App Store như nơi đóng góp giá trị lớn cho thương mại toàn cầu.
Nóng: Apple xác nhận sẽ giới thiệu iOS 14 và loạt 'bom tấn' khác vào ngày 22/6 Đây sẽ là lần đầu tiên sự kiện WWDC của Apple được tổ chức dưới hình thức trực tuyến dưới những tác động của dịch bệnh. Mặc dù Apple đã xác nhận rằng sự kiện WWDC 2020 sẽ được khởi động từ ngày 22/6 tới, những thông tin chi tiết về lịch trình sự kiện vẫn chưa được Apple chia sẻ. WWDC 2020...