Một tuần phúc thẩm vụ bầu Kiên: Khi bị cáo “vạch áo cho người xem lưng”
Trong đơn kháng cáo, một số bị cáo trong vụ bầu Kiên kêu oan nhưng tại phiên toà phúc thẩm, họ lại không chứng minh được mình oan thế nào.
Nụ cười của bầu kiện khi bước vào phòng xét xử
Cán bộ ngân hàng không am hiểu… luật tài chính ngân hàng
Trong 4 nhóm tội danh được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, 6 bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự) đều có đơn kháng cáo.
Bị cáo kêu oan đầu tiên là Trịnh Kim Quang (SN 1954) nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB.
Tại phiên toà sơ thẩm vụ bầu Kiên, Quang xác nhận có tham gia cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22.3.2010. Theo nhận thức của bị cáo này, việc ủy thác cho cá nhân gửi tiền tại thời điểm đó, pháp luật không cấm và đó là việc làm thường xuyên của các ngân hàng. Do vậy, bị cáo không phạn tội cố ý làm trái…
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Quang vẫn khai giống như tại phiên toà sơ thẩm nhưng lại nói nước đôi: “Tôi không phạm tội cố ý làm trái…Quá trình xét xử, nếu HĐXX thấy tôi phạm một tội khác thì tôi xin được giảm nhẹ hình phạt”.
Bị cáo Lê Vũ Kỷ nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB nhận mình chỉ có chuyên môn về công nghệ thông tin, không am hiểu pháp luật về tài chính ngân hàng. Căn cứ giảm án mà bị cáo đưa ra là gia đình có công với các mạng, sức khỏe không được tốt…
Trước lời đề nghị của bị cáo Trịnh Kim Quang, chủ tọa phiên toà giải thích: “Tòa phúc thẩm chỉ xét xử theo nội dung đơn kháng cáo. Trường hợp bị cáo kêu oan, HĐXX sẽ xem xét, bị cáo có bị oan thật hay không? Nếu bị cáo có tội, HĐXX sẽ không xem xét giảm án. Ngược lại, nếu bị cáo oan thật, tòa sẽ tuyên bị cáo vô tội ngay tại công đường. Bị cáo phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quan điểm kháng cáo của mình”.
Sau khi giải thích, vị chủ tọa “chốt” lại: “Bị cáo kêu oan hay xin giảm án?”. Đứng như trời trồng trong giây lát, bị cáo quay ngoắt 180 độ: “Nếu thế, xin tòa xem xét giảm án cho bị cáo” – “Thế bị cáo còn kêu oan nữa không?”. Quang đáp: “Quan điểm của tòa thoải mái như vậy tôi không kêu oan nữa”. Câu trả lời đã khiến nhiều người dự khán phì cười.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958), nguyên thành viên HĐQT, Phó Giám đốc ngân hàng ACB, nói về nội dung kháng cáo của mình như sau: “Vì không hiểu biết pháp luật, bị cáo đã đồng tình thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng với các thành viên HĐQT ngân hàng ACB…”.
Không giống như bị cáo Quang, bị cáo Tuấn “thành thật” xin tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt. Tại phiên tòa sơ thẩm, đây là bị cáo chịu mức án tù thấp nhất: 2 năm.
Video đang HOT
Còn bị cáo Lê Vũ Kỷ (SN 1956), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB thẳng thắn thừa nhận mình chỉ có chuyên môn về công nghệ thông tin, không am hiểu pháp luật về tài chính ngân hàng. Căn cứ giảm án mà bị cáo Kỳ đưa ra tại phiên tỏa phúc thẩm là gia đình bị cáo có công với các mạng, sức khỏe của bị cáo không được tốt…
Chứng minh vô tội bằng cách… không thay đổi chứng cứ
Khác với các cựu quan chức ACB đồng phạm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, trú tại Hà Nội) và Lý Xuân Hải (SN 1965, trú tại TP.HCM, nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng ACB) vẫn cho rằng mình vô tội.
Tuy nhiên, những chứng cứ để chứng minh các bị cáo vô tội thì vẫn không có gì thay đổi nhiều so với phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP. Hà Nội.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, “bầu” Kiên tỏ ra rất “rắn” trong từng câu trả lời, thể hiện khả năng hùng biện, nhớ vanh vách từng điều luật trích dẫn. Tại phiên tòa phúc thẩm, sự “hùng hồn” này đã giảm rất nhiều.
Bị cáo Kiên cho rằng mình không trốn thuế. Bị cáo lập luận, công ty B&B do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT có kê khai doanh số hàng tháng, hàng quý và giải trình cuối năm có ghi rõ chi tiết số tiền phát sinh từ hợp đồng nào, không thể nói chi cục Thuế quận Đống Đa, TP. Hà Nội không biết.
Để bác bỏ điều này, giám định viên bộ Tài chính khẳng định, số tiền 25 tỉ đồng trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên là phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa công ty B&B (do Bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT) và bà Hương (em gái Kiên). Đại diện chi cục Thuế quận Đống Đa cho biết, khi bản án có hiệu lực sẽ gửi công văn yêu cầu thu hồi khoản tiền 25 tỉ đồng cho Nhà nước.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tòa sơ thẩm cáo buộc Kiên đã chuyển nhượng 20 triệu cổ phần thuộc sở hữu của công ty CP đầu tư ACB Hà Nội do Kiên làm Chủ tịch HĐQT cho công ty TNHH MTV Thép Hoà Phát với giá trị 264 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số cổ phần này đang được công ty CP đầu tư ACB Hà Nội thế chấp tại ngân hàng ACB, “không có chuyện Thép Hòa Phát chưa nhận được số cổ phiếu như công văn của Thép Hòa Phát gửi cơ quan điều tra”.
Lập luận lại, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát đều khẳng định, thởi điểm thỏa thuận mua bán cổ phần với Kiên, Hòa Phát không hề biết nó bị thế chấp.
Dù vẫn cố gắng biện minh, nhưng Kiên nhiều lần tỏ ra quá xúc động, giọng nghẹn lại, run run, nói nhầm lẫn giữa tòa sơ thẩm và phúc thẩm nên được HĐXX động viên: Không nên “cố quá” đồng thời cũng nhắc nhở bị cáo nói ngắn, tập trung vào câu hỏi.
Tuy nhiên, trong phần trình bày, nhiều lúc Kiên lại nói lan man những vấn đề không đúng trọng tâm khiến tòa phải ngắt lời, nhắc nhở: “Bị cáo đã chuyển sang phần bào chữa rồi. Chưa bao giờ trong phần xét hỏi lại đưa ra đánh giá. Chỉ khi bản án được tuyên thì đó mới là quan điểm của HĐXX”.
ACB – VietinBank: Anh chứng minh qua, tôi chứng minh lại
HĐXX đã làm rõ 6 bị cáo có liên quan trực tiếp đến phiên họp thường trực HĐQT ngân hàng ACB vào ngày 22.3.2010. Tại cuộc họp này, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo không được làm giả tổng tài sản của ngân hàng ACB. Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để nhận lãi xuất tiền gửi, vừa được hưởng thêm hoa hồng, khuyến mãi. Các thành viên HĐQT đồng ý ký.
Đây là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy 19 nhân viên ngân hàng ACB được ủy thác mang 728 tỉ đồng đi gửi tại VietinBank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank, chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt.
Tại tòa, Huyền Như thú nhận: “Tôi rút tiền bằng cách thế chấp sổ tiết kiệm và tất toán sổ tiết kiệm của các nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền tại VietinBank”. Hành vi lừa đảo của Như đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được giải quyết trong một vụ án khác nên HĐXX tòa phúc thẩm TAND Tối cao không xem xét.
Đại diện ngân hàng ACB và các luật sư tìm cách chứng minh số tiền 718 tỉ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt thuộc quyền quản lý của VietinBank. Ngược lại, đại diện ngân hàng VietinBank lại chứng minh số tiền này do Huyền Như chiếm đoạt và Huyền Như phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình.
Điều này cũng đã được cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ, được nêu trong bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội.
Theo Đời sống & Pháp luật
Cần bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung
rao đổi với phóng viên sau phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên kết thúc trưa 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo trong vụ án cho thấy sự quyết tâm lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt với vụ án kinh tế, chức vụ có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo đưa ra nhiều lý lẽ gỡ tội khác nhau song cơ quan bảo vệ pháp luật đã củng cố chứng cứ, lập luận chặt chẽ, đủ sức thuyết phục, do đó các tội danh cáo buộc là khách quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Nguyễn Đức Kiên cần phải có bản án nghiêm khắc hơn.
Việc tuyên mức án 20 năm tù về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (lừa đảo 264 tỉ đồng) là còn nhẹ bởi theo Điều 139 - BLHS, hành vi lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội bị phạt 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nguyễn Đức Kiên không chỉ gây hậu quả vật chất khi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng nói trên mà với các thủ đoạn tinh vi, gian xảo, bị cáo còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng lòng tin của khách hàng trong lĩnh vực này.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) lĩnh mức án cao nhất - tổng cộng 30 năm tù giam cho 4 tội danh truy tố.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định, đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, việc tuyên các bản án không chỉ trừng phạt đối tượng phạm tội mà còn nhằm răn đe, phòng ngừa chung, nhất là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức cam go, phức tạp.
- Theo dõi vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi "bầu Kiên"), ông có nhận xét gì về tiến trình tố tụng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án?
Đây là vụ án trọng điểm năm nay. Vụ án Nguyễn Đức Kiên rất nghiêm trọng, hoạt động, hành vi phạm tội tinh vi, liên quan đến chính sách pháp luật quản lý tài chính, tiền tệ, trong đó có nhiều quy định luật và văn bản dưới luật. Khi xem xét, định tội trong xét xử hình sự, đối với loại án kinh tế không chỉ đơn thuần các quy định trong BLHS mà còn liên quan quy định trong các văn bản pháp luật khác nữa. Trong quá trình theo dõi, tôi thấy các luật sư bào chữa cho bị cáo, họ tìm mọi cách gỡ tội, lật lại vấn đề. Nhưng cơ quan tố tụng đã dựa vào bằng chứng xác thực do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đưa ra, đủ cơ sở để buộc tội. Kết quả như đã tuyên, các tội danh truy tố, xét xử là đúng pháp luật. Trong bối cảnh hiện nay, nhân dân cả nước rất quan tâm việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nếu vụ việc này không được làm rõ, không xử lý nghiêm minh sẽ làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân về nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Quá trình xét xử, các luật sư đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, trong khi Nguyễn Đức Kiên và nhiều bị cáo quanh co không nhận tội. Trong dư luận cũng có những ý kiến trái chiều. Với tính chất phức tạp như vậy, ông đánh giá gì về chứng cứ kết tội của của cơ quan tiến hành tố tụng?
Trong vụ án này dù rất phức tạp, dư luận có những ý kiến khác nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra được các căn cứ pháp lý thuyết phục, đó là sự cố gắng lớn của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Tôi thấy rằng, các căn cứ kết tội là rất khách quan. Trong thời gian vừa rồi, có nhiều vụ án phức tạp như vụ Dương Chí Dũng, vụ Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên..., thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã thể hiện năng lực, trình độ cũng như bản lĩnh trước các ý kiến, dư luận đa chiều.
- Không ít luật sư phủ nhận cáo buộc của Viện, Tòa, cho rằng bị cáo vô tội?
Kể cả luật sư, họ có hiểu biết pháp luật nhưng vì họ là người bảo vệ cho thân chủ nên họ tìm mọi lý lẽ để bảo vệ, vì thế nhiều khi lập luận của họ thiếu khách quan, họ tìm cách gỡ tội chứ đâu tìm chứng cứ buộc tội. Trước các lý lẽ gỡ tội của luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có lập luận của mình, đảm bảo chắc chắn, dựa trên kết luận điều tra, cáo trạng của VKS cũng như quá trình xét xử tại tòa, đảm bảo khách quan.
- Đảm bảo yêu cầu pháp luật là nền tảng trong xét xử các vụ án, đặc biệt với vụ án có ảnh hưởng lớn tới dư luận như vụ Nguyễn Đức Kiên?
Đúng như vậy. Việc xem xét mức án cao nhất hay thấp nhất của khung hình phạt dựa vào nhiều yếu tố nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật, rồi về bối cảnh xã hội, khi loại tội phạm đó được xác định nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì khung hình phạt phải càng nghiêm khắc. Yêu cầu mấu chốt là yêu cầu pháp luật, phải đảm bảo chứng lý cụ thể.
- Có ý kiến cho rằng, việc truy tố, xét xử Nguyễn Đức Kiên với 4 tội danh là chặt chẽ về pháp lý nhưng mức án chưa đảm bảo nghiêm khắc. Chẳng hạn, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng và gây ảnh hưởng lớn về an ninh tài chính ngân hàng, cần phải có mức án nghiêm khắc hơn (tòa sơ thẩm chỉ tuyên 20 năm tù về tội danh này)?
Để đánh giá sát thực, như với số tiền chiếm đoạt đặc biệt nghiêm trọng thì phải cân nhắc để xử lý mức hình phạt cao, không những đảm bảo tính nghiêm khắc trong vụ án đó mà còn nhằm phòng ngừa, răn đe tội phạm nói chung. Sau này, khi mà Luật Tổ chức tòa án sửa đổi có hiệu lực theo tinh thần Hiến pháp mới, có vấn đề tổng kết kinh nghiệm xét xử với án lệ thì những hành vi, loại tội như thế này sẽ là mẫu, tiền lệ để cho các vụ án sau áp dụng khi có đủ cơ sở.
- Trong trường hợp này, VKSND tối cao có thể kháng nghị xét xử nghiêm minh hơn theo trình tự phúc thẩm?
Đúng rồi, đó là thẩm quyền của Viện Kiểm sát. VKS khi thấy mức án chưa thỏa đáng thì VKS có quyền kháng nghị tăng nặng hình phạt.
- Cùng việc điều tra, khám phá các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây, ông có đánh giá gì về vai trò cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương?
Theo quan sát của tôi, chúng ta đang tập trung xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, liên quan chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đã có sự nỗ lực rất lớn. Khi pháp luật chúng ta quy định việc bồi thường Nhà nước, đương nhiên các cơ quan khi thi hành pháp luật đều phải thận trọng. Những vụ án lớn như thế này càng phải đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý, thận trọng, bởi nếu như để xảy ra oan, sai sẽ gây hậu quả lớn, từ trách nhiệm bồi thường Nhà nước đến các hậu quả khác. Cho nên, tôi thấy các vụ án phức tạp, nghiêm trọng như thế này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, làm rõ, xét xử, đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ cơ sở pháp lý, điều đó thể hiện sự cố gắng, quyết tâm lớn. Chúng ta mong muốn trong thời gian tới tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm ở các vụ án khác, điều đó sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Công An Nhân Dân
Bầu Kiên líu lưỡi giữa tòa: "Tôi định giữ lại 9 quả phạt đền" Bầu Kiên "nói nhịu": "Tôi định giữ lại 9 quả phạt đền...", nhận mình "nói nhịu", bầu Kiên xin lỗi HĐXX rằng: "Tôi định giữ lại 9 vấn đề lớn nhưng do sức khỏe tôi xin được trình bày luôn". Bầu Kiên: "Tôi định giữ lại 9 quả phạt đền". Chiều 5/12, HĐXX tiếp tục thẩm vấn bầu Kiên về tội "cố ý...