Một thế kỷ đảng Cộng sản Trung Quốc ‘chấn hưng Trung Hoa’
Mùa hè năm 1921, khi đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, đất nước đang chìm trong hỗn loạn bởi xung đột và đói nghèo.
Một ngày tháng 7/1921, trong một ngôi trường tại Tô giới Pháp ở Thượng Hải, 12 người đàn ông tập hợp lại để thành lập một lực lượng chính trị mới, là đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trung Hoa Dân Quốc khi đó vẫn loay hoay trong những xung đột dân sự và nạn đói nghèo hoành hành, một thập kỷ sau sự sụp đổ của triều Thanh vào năm 1911, chấm dứt hàng nghìn năm phong kiến.
Những người thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc được truyền cảm hứng từ Cách mạng tháng Mười ở Nga. Tuy nhiên, chặng đường sau đó của đảng Cộng sản Trung Quốc không hề dễ dàng, với những thất bại liên tiếp và nhiều năm bất định.
Năm 1927, một cuộc nổi dậy của đảng chống lại Quốc dân đảng bị đàn áp một cách thảm khốc, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Những thành viên còn lại phân tán, với một số người tái hợp tại một vùng núi thuộc tỉnh Giang Tây, nơi Mao Trạch Đông trở thành lãnh đạo.
Lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông (giữa) tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949 tại Bắc Kinh. Ảnh: Hou Bo.
Tại đây, những người cách mạng tuyên bố thành lập Cộng hòa Xô viết Trung Hoa vào năm 1930, nhưng 4 năm sau phải đối mặt với vòng vây của lực lượng Tưởng Giới Thạch. Cuộc Vạn lý Trường chinh, rút lui khỏi căn cứ địa, được tiến hành và kết thúc vào năm 1935, khi những người còn lại trong quân đội của Mao Trạch Đông đến được tỉnh Thiểm Tây. Một trong những lãnh đạo bấy giờ là Tập Trọng Huân, cha của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Từ căn cứ mới này, đảng Cộng sản Trung Quốc đã chiến đấu với quân Nhật trong Thế chiến II, đồng thời vận động đông đảo những người theo chủ nghĩa dân tộc. Sau khi Nhật đầu hàng phe Đồng minh vào năm 1945, cuộc chiến giữa đảng Cộng sản và Quốc dân đảng lại tiếp tục với chiến thắng cuối cùng thuộc về những người Cộng sản. Phe Tưởng Giới Thạch chạy khỏi đại lục, đến đảo Đài Loan.
Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, chính quyền non trẻ chưa tròn một năm tuổi lại rơi vào thế đối đầu với Mỹ và đồng minh trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cái giá phải trả cho cuộc xung đột là 197.000 người chết, thậm chí các học giả cho rằng con số thực tế lớn hơn rất nhiều.
Tình hình trong nước cũng không tươi sáng. Năm 1958, đảng Cộng sản Trung Quốc phát động phong trào Đại Nhảy Vọt, đưa hàng triệu nông dân vào các nhà máy nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa. Bước ngoặt này, cùng các thiên tai và việc giới chức phóng đại quá mức số lượng ngũ cốc hiện có đã dẫn đến Nạn đói Lớn, giai đoạn hàng chục triệu người chết đói.
Năm 1966, với lời cảnh báo của Mao Trạch Đông rằng “những kẻ theo chủ nghĩa xét lại” đang tìm cách lật đổ chính quyền, Trung Quốc bắt đầu cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản, với mục tiêu chính là loại bỏ phần tử tư sản.
Trong giai đoạn đầu, Cách mạng Văn hóa do các đơn vị Hồng vệ binh tiến hành. Họ sử dụng hình thức đấu tố, ngược đãi, làm nhục bất kỳ ai bị coi là “kẻ thù của giai cấp”. Những năm sau đó, thế hệ trẻ được đưa về vùng nông thôn để khơi dậy tinh thần cách mạng. Trong số này có Tập Cận Bình và Vương Nghị, người sau này trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc.
Bất chấp những biến cố và thách thức, Eric Li, nhà khoa học chính trị tại Thượng Hải, chỉ ra rằng “khả năng tự đổi mới mạnh mẽ” là một đặc điểm nổi bật của đảng Cộng sản Trung Quốc, với minh chứng là công cuộc dẫn dắt quốc gia lớn nhất thế giới sau khi nắm quyền vào năm 1949.
Sau khi ông Mao qua đời năm 1976, dấu mốc được cho là chấm dứt một giai đoạn biến động, đảng Cộng sản Trung Quốc một lần nữa chứng minh khả năng này với việc mở cửa đất nước và cải cách kinh tế. Khởi đầu bằng các đặc khu kinh tế vào đầu những năm 1980, 4 thập kỷ sau, Trung Quốc đứng trước ngưỡng cửa trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những kế hoạch 5 năm định hình Trung Quốc. Video: SCMP .
Năm 2001, Ủy ban Thế vận hội Quốc tế đã trao cho Bắc Kinh quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm 2008, sự kiện đối với nhiều người tại Trung Quốc đại diện cho sự trỗi dậy của đất nước như một cường quốc hiện đại.
“Họ từng mắc những sai lầm như Cách mạng Văn hóa và phong trào Đại Nhảy Vọt. Tuy nhiên, họ đã sửa lại đường lối”, chuyên gia Li phát biểu trong một hội nghị, đề cập đến đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập, Lawrence Lau, giáo sư kinh tế tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết đây là một trong số ít đảng chính trị trên thế giới vẫn đứng vững trước những thử thách của thời gian, như đảng Bảo thủ của Anh hay đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ.
Lau đánh giá cuộc sống của người dân Trung Quốc nhìn chung ngày càng đi lên dưới sự dẫn dắt của đảng, bao gồm sự phát triển trong các lĩnh vực công như giáo dục, vấn đề mà người Trung Quốc luôn vô cùng coi trọng. Tỷ lệ biết chữ, được cho là dưới 50% vào năm 1949, đã tăng lên 97,3% vào năm 2020, một phần nhờ quá trình đơn giản hóa Hán tự vào những năm 1950.
Quá trình này từng hứng nhiều chỉ trích, nhưng nó giúp giảm số năm học cần thiết để đọc được báo từ 8 xuống 4 năm, được cho là thành tựu lớn. Tỷ lệ đỗ đại học và cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp trung học cũng tăng từ 24,6% vào năm 1989 lên 94,5% năm 2016. Hầu như tất cả những người muốn học đại học giờ đây đều có thể thực hiện nguyện vọng.
Trung Quốc cũng đạt những bước tiến lớn trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Tuổi thọ trung bình, vốn chỉ là 35 tuổi vào năm 1949 và tăng lên 67,8 vào năm 1981, đã ở mức 77,3 tuổi vào năm 2019. Tỷ lệ tử vong của dân số cũng giảm hơn một nửa, từ 2% năm 1949 xuống 0,71% năm 2020.
Trong đại dịch Covid-19, giữa lúc toàn cầu ghi nhận gần 183 triệu ca nhiễm và gần 4 triệu người chết, Trung Quốc, dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, chỉ báo cáo gần 92.000 ca nhiễm và hơn 4.600 trường hợp tử vong tại đại lục. Dù là nơi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, Trung Quốc đã nhanh chóng được kiểm soát được tình hình.
Giáo sư Lau nhận định thành công lớn nhất của Trung Quốc là công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo tiêu chí năm 2010 của nước này, một gia đình được xác định là hộ nghèo nếu thu nhập bình quân đầu người hàng năm dưới 2.300 tệ (khoảng 356 USD), tương đương khoảng 2.930 tệ theo tỷ giá năm 2020.
Năm 1978, trước khi bắt đầu công cuộc đổi mới và mở cửa kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn này lên đến 97,5%. Tới năm 2019, con số giảm xuống còn 0,6% và được cho là đã đạt mức 0 vào năm ngoái. “Rõ ràng đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải quyết thành công vấn đề cung cấp lương thực cho người dân và tạo nên một xã hội tương đối khá giả”, Lau nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại thủ đô Bắc Kinh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay. Ảnh: Xinhua .
Bất chấp biến động về mức tăng trưởng từ cuối những năm 1950 đến cuối thập niên 1970, GDP thực tế bình quân hàng năm và trên đầu người của Trung Quốc trong toàn bộ giai đoạn từ 1949 đến 2020 vẫn tăng trưởng lần lượt là 8,47% và 7,02%, thành tựu được đánh giá thực sự đáng kể trong khoảng thời gian dài như vậy.
“Thành công này dường như nhờ vào tầm nhìn dài hạn của các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc, cùng sự tập trung dồn toàn bộ vào tăng trưởng kinh tế”, Lau đánh giá. Ngoài ra, mức tiêu dùng hộ gia đình được cho là sẽ tăng khi thu nhập của mỗi hộ tiếp tục tăng.
“Trong thập kỷ tới, nền kinh tế Trung Quốc có lẽ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc đạt tỷ lệ tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm, từ đó vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030″, giáo sư nói thêm.
Trong bài phát biểu đánh dấu 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn hôm nay, Chủ tịch Tập, người được đánh giá là một nhà cải cách trước cả khi lên nắm quyền vào năm 2012, đã đề cập đến vai trò của đảng đối với sự phát triển của đất nước, cũng như quá trình vươn lên trên trường quốc tế.
“Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong 100 năm qua là kết quả đoàn kết đấu tranh của các thành viên đảng Cộng sản, người dân và đất nước Trung Quốc”, Chủ tịch Trung Quốc cho biết. “Thành công của Trung Quốc gắn liền với đảng. Bất cứ nỗ lực nào nhằm chia rẽ đảng và người dân Trung Quốc ắt thất bại”.
Ông Tập còn dành thời lượng dài để nói về những mặt đen tối của chế độ phong kiến và sự can thiệp của thực dân vào Trung Quốc, trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Chuyển từ lịch sử sang hiện tại, ông nêu ra mối đe dọa từ sự can thiệp của nước ngoài, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không bị bắt nạt thêm lần nữa.
“Bất cứ ai nung nấu ảo tưởng về điều đó sẽ va phải bức tường thép vĩ đại được dựng lên từ máu thịt của 1,4 tỷ người. Sự chấn hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc đang vào guồng quay lịch sử không thể đảo ngược. Chúng ta là những người làm cho đất nước trở nên hùng cường”, ông nói.
Quyền lực của Tập ngày một tăng
Chủ tịch Tập Cận Bình đang cho thấy quyền lực mạnh mẽ chưa từng thấy, sau khi chứng minh đại dịch toàn cầu cũng không thể ảnh hưởng tới ông.
Tháng 3/2020, cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh lần đầu bị hoãn sau hàng thập kỷ, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng kiểm soát Covid-19.
Sự kiện quan trọng năm nay bắt đầu vào ngày 6/3 như thông lệ trong bầu không khí chiến thắng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập, người đã vươn lên mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Trung Quốc đã gần như kiểm soát hoàn toàn Covid-19, trong khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau những tổn thất nghiêm trọng từ đại dịch. Trung Quốc được dự đoán vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đó.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại sự kiện ở Trường Đảng của Học viện Quản trị Quốc gia ở Bắc Kinh hôm 1/3. Ảnh: Xinhua.
Thành công xử lý Covid-19 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng minh cho đảng Cộng sản Trung Quốc và bất kỳ nhà phê bình nào rằng "thậm chí đại dịch cũng không thể ảnh hưởng tới ông ấy", theo Steven Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS, Anh.
Giới chuyên gia cho biết ông Tập đang củng cố vị thế mình trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản vào tháng 7, có thể sánh ngang tầm người khai sinh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông.
Nhiệm kỳ 10 năm đầu tiên trong vai trò Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập sẽ kết thúc vào tháng 11/2022. Nhưng Tsang nhận định hiện tại, chỉ có một ứng viên tiềm năng duy nhất cho vị trí đó.
"Chúng ta biết chính xác ai sẽ là người kế nhiệm ông Tập Cận Bình và nó thậm chí rõ ràng hơn bao giờ hết. Chính là ông Tập Cận Bình", Tsang nói.
Theo truyền thống vào tháng 3 hàng năm, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC), tức quốc hội, và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan tham vấn chính trị hàng đầu đất nước, sẽ tổ chức họp kép, thường được gọi là "lưỡng hội".
Kỳ họp năm nay sẽ thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, vạch ra lộ trình chi tiết cho các ưu tiên của chính phủ Trung Quốc từ nay tới năm 2025 và bao gồm mọi lĩnh vực từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nghiên cứu công nghệ. Lưỡng hội năm nay cũng sẽ thảo luận về tầm nhìn phát triển của Trung Quốc tới năm 2035, một kế hoạch dài hạn thường không được tiết lộ chi tiết.
Bill Bishop, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, cho rằng kế hoạch dài hạn có thể chỉ ra thời gian nắm quyền của Tập Cận Bình. Nhiều chuyên gia cũng nhận định khả năng ông Tập sẽ gia tăng quyền lực sau khi Trung Quốc chiến thắng đại dịch.
Tháng 11 năm ngoái, đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo đã đạt mục tiêu xóa "nghèo cùng cực", hoàn thành lời hứa của ông Tập năm 2015. Tại buổi lễ nhằm tôn vinh thành tựu này hôm 25/2, Chủ tịch Trung Quốc đã ca ngợi tầm nhìn ông đã đưa ra về vấn đề "nghèo đói thực sự".
Trong vài tháng gần đây, truyền thông Trung Quóc đã hết lời ca ngợi vai trò của ông Tập trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo. Bài viết hôm 23/2 trên trang People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ca ngợi "đôi mắt của Tổng bí thư Tập Cận Bình luôn hướng về người dân".
Chỉ vài ngày trước khi lưỡng hội bắt đầu, People's Daily đăng một bài viết khác ca ngợi vai trò của ông Tập trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, mô tả ông là người "có tầm nhìn rộng lớn và lòng dũng cảm phi thường của chính trị gia và chiến lược gia theo chủ nghĩa Mác".
Carl Minzner, gáo sư tại Đại học Luật Fordham, chỉ ra cách truyền thông quốc gia Trung Quốc viết về ông Tập đang bắt đầug thay đổi. "Trong các bài báo, ông Tập là trọng tâm. Ông ấy là người biến mọi thứ thành hiện thực. Đó không phải về đảng Cộng sản, các thể chế hay các lãnh đạo khác. Nó là về chính ông ấy", Minzner nói.
Trước thềm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, Bắc Kinh tháng trước khởi động "Chiến dịch nghiên cứu lịch sử đảng". Một bài luận của hãng thông tấn nhà nước Xinhua nhận định cần phải "thống nhất tư tưởng của các thành viên và nâng cao tinh thần của họ".
Nhưng Bishop cho rằng chiến dịch cũng nhằm củng cố vị thế của ông Tập trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, chia thành ba thời kỳ gồm thời Mao Trạch Đông, thời lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và giờ là thời của ông Tập.
Ben Westcott, biên tập viên của CNN, nhận định không điều gì cho thấy quyền lực mạnh mẽ của ông Tập hơn việc chưa thấy ưngs viên kế nhiệm. Thông lệ từ năm 2002 là các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm và sau đó trao quyền cho tổng bí thư mới.
Nhưng năm 2018, chính phủ đã loại bỏ giới hạn về thời gian tại nhiệm đối với vị trí chủ tịch nước, cho phép ông Tập có thể nắm quyền trọn đời nếu muốn. Ông Tập cũng là người đứng đầu đảng và quân đội Trung Quốc.
Đĩa kỷ niệm in hình Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và cố lãnh đạo Mao Trạch Đông tại một cửa hàng ở Bắc Kinh hôm 2/3. Ảnh: AFP.
Khi chỉ còn chưa đầy 18 tháng trước đại hội đảng 2022, Trung Quốc dường như chưa có bất kỳ ứng viên tiềm năng nào có thể kế nhiệm ông Tập. Trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị gồm 7 thành viên, "cái nôi" của tổng bí thư mới, tất cả lãnh đạo đều quá già để phục vụ thêm 10 năm, khi độ tuổi nghỉ hưu không chính thức là 68.
Hầu hết chuyên gia đều có chung nhận định ông Tập sẽ chắc chắn phục vụ thêm một nhiệm kỳ. "Trừ khi có điều gì bất thường xảy ra mà chúng ta không thể lường trước, ông Tập sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba", Tsang nói.
Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện Lowy ở Sydney, thậm chí còn dự đoán khả năng ông Tập có thể phục vụ nhiệm kỳ thứ 4 hoặc lâu hơn, nếu không tìm ra người kế nhiệm tiềm năng hoặc Chủ tịch Trung Quốc không đề xuất người có khả năng thay thế ông trong đại hội đảng lần thứ 20 vào tháng 11/2022.
"Khả năng chuyển giao quyền lực hòa bình là một trong những thành tựu lớn nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc và tôi không nghĩ ý tưởng tốt này sẽ bị ném qua cửa sổ", McGregor nói.
'Quà Tết' Biden tặng Tập Cận Bình Ông Tập và bài toán lòng trung thành của 'hồng nhị đại' Thông điệp năm mới đầy lạc quan của ông Tập 'Lưỡng hội' - hai kỳ họp quan trọng nhất năm tại Trung Quốc
Ông Tập và bài toán lòng trung thành của 'hồng nhị đại' Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoa Quốc Phong, tầng lớp hậu duệ các khai quốc công thần Trung Quốc đã nhận một thông điệp chính trị quan trọng. Hoa Quốc Phong, người từng được kỳ vọng sẽ tiếp bước Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc, có thời điểm giữ mọi chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống chính trị...