Một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính, rủi ro chưa lùi xa
Ở thời điểm này, bóng đen của khủng hoảng tài chính thế giới 2008 vẫn còn ám ảnh tất cả nền kinh tế bao gồm cả Việt Nam bởi nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, việc chú trọng các giải pháp phòng ngừa sớm, bịt các lỗ hổng tài chính trước khi những “vết dầu” rủi ro loang rộng, đồng thời, tăng năng lực quản trị doanh nghiệp được coi là những giải pháp trọng yếu để tránh các cú sốc và phòng ngừa rủi ro.
Cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa sớm để đối phó với bất ổn tài chính. Ảnh minh hoạ: Internet
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm
Tại Hội nghị quốc tế các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” ngày 15/11, ông Sebastian Eckardt, Trưởng nhóm kinh tế học, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, diễn biến về thương mại và đầu tư với trọng điểm là những bất đồng giữa các nước lớn có thể gây những tổn thương và rủi ro cho nền kinh tế các nước.
Do đó, vị trưởng nhóm kinh tế của WB khuyến nghị, các nước cần chú trọng giảm thiểu các lỗ hổng tài chính vĩ mô. Việc này được thực hiện bằng cách sử dụng các quy định pháp lý vĩ mô để giải quyết các lỗ hổng tài chính, duy trì tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, đồng thời, tăng cường khuôn khổ pháp lý và khung giám sát ngành tài chính.
Đồng thời, ông Sebastian Eckardt cho rằng, việc xây dựng bộ đệm tài chính và tăng cường tính bền vững nợ cũng không kém phần quan trọng. Về thương mại và đầu tư, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị cần tăng cường cam kết khu vực đối với hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế mở và có quy tắc nhất định. Đồng thời, tăng cường hội nhập thông qua các sáng kiến khu vực hiện có và được đề xuất cùng các sáng kiến song phương.
Các ưu tiên về chính sách là cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường sân chơi giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các nhà cung cấp trong nước, tăng năng suất các công việc truyền thống bao gồm việc mở rộng quyền truy cập công nghệ kỹ thuật số, cải cách hệ thống phát triển kỹ năng và giáo dục.
Bên cạnh đó, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị, các nền kinh tế cần quan tâm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm với việc chú trọng xử lý nợ xấu. Trong đó, cần thúc đẩy việc kết hợp xử lý nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Để hỗ trợ cho điều này, việc xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu vững mạnh để có thông tin nhằm xây dựng và thiết chế chính sách vĩ mô hiệu quả và kịp thời ứng phó trước các biến động bất lợi của kinh tế thế giới.
Video đang HOT
Việt Nam nên phòng bệnh hơn chữa bệnh
Chia sẻ góc nhìn về thực tế ở Việt Nam, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng và công nghệ tài chính – ngân hàng ngày một phát triển hơn, những diễn biến kinh tế – tài chính trên thị trường thế giới và khu vực có thể ảnh hưởng nhanh và mạnh hơn đến các nền kinh tế thành viên.
Đối với các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, xử lý các tác động ấy một cách tự thân không phải là một vấn đề đơn giản. Thực tế, chỉ sau hơn 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997, Việt Nam lại hứng chịu tác động bất lợi từ một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khác. Thời điểm mà Việt Nam gặp thêm một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lại diễn ra vào năm 2008 – ngay sau khi Việt Nam còn khá hứng khởi với việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dù vậy, điều này không làm giảm tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, thay vào đó, Việt Nam phải có một tâm thế sẵn sàng hơn và hợp tác sâu rộng hơn để có thể ứng phó với những diễn biến kinh tế – tài chính trên thị trường thế giới.
Theo ông Cung, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính trong thời gian qua đã mang lại cho Việt Nam những bài học quý báu.
Trước hết, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cần chuẩn bị ngay cho khủng hoảng từ khi nền kinh tế đang vận hành bình thường. Các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần luôn cập nhật và nắm chắc các luồng thông tin, hình thành các cơ sở dữ liệu phân tích tình huống, từ đó, có khả năng nhận diện sớm các vấn đề của khủng hoảng, cân nhắc và đưa ra các quyết định kịp thời.
Bên cạnh đó, cần duy trì và củng cố dư địa hợp lý để thực thi các chính sách kinh tế – tài chính vĩ mô một khi nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính, các biện pháp hành chính có thể phát huy tác dụng nhưng cũng cần thực hiện với liều lượng và thời gian hợp lý.
Quan trọng không kém là xây dựng và củng cố vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về tài chính nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trước, trong và sau khủng hoảng.
Hoàng Oanh
Theo baodauthau.vn
Lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng
Trong hoạt động, các NH đều phải trải qua những giai đoạn bất lợi như cuộc khủng hoảng kinh tế, hoặc khủng hoảng tài chính. Để nâng cao khả năng ứng phó, Ủy ban Basel yêu cầu các NH xây dựng kịch bản kiểm tra sức khỏe để xác định liệu có đủ vốn để chịu được tác động của những bất lợi hay không. Tại Việt Nam, từ năm 2019, các NHTM cũng sẽ phải xây dựng những kịch bản này.
Những bài kiểm tra bắt buộc
Trong những năm gần đây, kiểm tra sức chịu đựng, hay còn gọi là thử nghiệm căng thẳng (stress testing-ST) thường được nhắc đến trong các nội dung có liên quan đến quản lý rủi ro NH. Đây là kỹ thuật mô phỏng thường được sử dụng trong ngành NH. Nó cũng được sử dụng trên danh mục tài sản và trách nhiệm pháp lý, để xác định phản ứng của các tổ chức đối với các tình huống tài chính khác nhau.
Ngoài ra, các bài kiểm tra ST sẽ đánh giá mức độ căng thẳng nhất định đến một công ty, ngành, hoặc danh mục đầu tư cụ thể. Thử nghiệm ST thường là các mô hình mô phỏng do máy tính tạo ra để kiểm tra các kịch bản giả định.
Kiểm tra sức chịu đựng là việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau, nhằm xác định khả năng chịu đựng rủi ro của NHTM chi nhánh NH nước ngoài.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, báo cáo pháp lý quy định ngành tài chính, đặc biệt là các NH ở các nước phát triển, đã tập trung hơn vào kiểm tra căng thẳng và sự an toàn vốn. Bắt đầu từ năm 2011, các quy định mới tại Hoa Kỳ yêu cầu nộp tài liệu Phân tích và Đánh giá toàn diện về vốn (CCAR) cho ngành NH.
Tài liệu CCAR yêu cầu các NH báo cáo về thủ tục nội bộ của mình để quản lý vốn, và được yêu cầu phải có các kịch bản ST khác nhau. Ngoài báo cáo CCAR, các NH Hoa Kỳ còn bị Hội đồng ổn định tài chính của nước này quy định nếu là NH quá lớn (thường là những NH có tài sản lớn hơn 50 tỷ USD), phải cung cấp báo cáo ST về lập kế hoạch cho tình huống phá sản.
Hiện tại, Basel III đang có hiệu lực đối với các NH toàn cầu. Đây là bài kiểm tra ST đòi hỏi tài liệu báo cáo về mức vốn của NH với các yêu cầu cụ thể, để kiểm tra độ chịu đựng căng thẳng của NH trong các kịch bản khủng hoảng khác nhau. Tại Việt Nam, lần đầu tiên năm 2010, NHNN đã đề cập đến mô hình ST trong Thông tư 13/2010/NHNN-TT, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ giới thiệu. Đến Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18-5-2018, việc lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng đã được định nghĩa và quy định cụ thể.
Tăng cường sức chịu đựng về thanh khoản và vốn
Thông tư 13 quy định bộ phận quản lý rủi ro của các NH phải lập tối thiểu 2 kịch bản kiểm tra sức chịu đựng, đó là kịch bản hoạt động bình thường (bussiness as usual scenario) và kịch bản có diễn biến bất lợi (stress scenario) trong kỳ kiểm tra sức chịu đựng tiếp theo.
Các kịch bản được lựa chọn phải đảm bảo khả năng xảy ra trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô; tính toán tác động của các giả định đối với thanh khoản, tỷ lệ an toàn vốn trong từng kịch bản; lập báo cáo kết quả kiểm tra sức chịu đựng (bao gồm số liệu định lượng và các phân tích, đánh giá định tính).
Đơn cử kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản: NH có phương pháp tính toán tác động của các giả định, đảm bảo đánh giá được khả năng thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản. Các giả định, phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với thanh khoản phải được rà soát, tự đánh giá mức độ phù hợp. Kịch bản có diễn biến bất lợi có tối thiểu các giả định về tiền gửi, chất lượng tín dụng.
Kế hoạch dự phòng tối thiểu có các nội dung sau: dự kiến các biện pháp xử lý về nguồn vốn, sử dụng vốn, dòng tiền tương lai đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quy định.
Hay như kiểm tra sức chịu đựng về vốn: NHTM, chi nhánh NH nước ngoài lập kịch bản có diễn biến bất lợi với tối thiểu các giả định về lãi suất, tỷ giá, chất lượng tín dụng và có phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đảm bảo.
Cụ thể, đối với giả định về lãi suất, tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro lãi suất), rủi ro lãi suất trên sổ NH theo giả định về lãi suất. Đối với giả định về tỷ giá, tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro ngoại hối) theo giả định về tỷ giá.
Đối với giả định về chất lượng tín dụng, tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng theo giả định về chất lượng tín dụng.
Căn cứ kết quả kiểm tra sức chịu đựng, các NH phải đánh giá tình hình tuân thủ tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, các hạn chế khác để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định nội bộ. Lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản; tính toán vốn kinh tế trong kịch bản có diễn biến bất lợi để xác định vốn mục tiêu.
Trí Dũng
Theo saigondautu.com.vn
Những pha knock out trên TTCK - Kỳ 3: Sập sàn chớp nhoáng trong 36 phút Ngày 6-5-2010, một vụ sụp đổ TTCK Hoa Kỳ kéo dài khoảng 36 phút, nhưng đã làm bốc hơi hàng ngàn tỷ USD. Những chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ đã lao dốc không phanh, như chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 998,5 điểm (khoảng 9%). Đầy rẫy bất thường Vào ngày 6-5-2010, khi TTCK vừa mở cửa,...