Một số tỉnh thành đề nghị đẩy nhanh tiến độ thanh tra, điều tra
Ngày 28/12, Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương được tổ chức nhằm triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thi Kim Ngân và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã thảo luận, đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội.
Đề nghị đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc việc thanh tra, điều tra các vụ việc
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, thành phố Đà Nẵng có một năm phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, thành phố cũng đã làm được nhiều việc tiến bộ, tích cực rà soát, điều chỉnh, xử lý nhiều vấn đề tồn tại trên nhiều lĩnh vực.
Tại Hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm có hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thi hành kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến những sai phạm về quản lý đất đai của thành phố, tạo điều kiện sớm giải phóng nguồn lực từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án, để thành phố tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, đề nghị đẩy nhanh tiến độ để sớm kết thúc việc thanh tra, điều tra các vụ việc, vụ án, đưa ra xử lý sớm để thành phố có điều kiện tập trung thời gian và nguồn nhân lực giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới thay thế cho Nghị định 144 của Chính phủ về Đà Nẵng theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho thành phố phát triển…
Video đang HOT
Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã trải qua một năm với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa điều hành phát triển kinh tế-xã hội, vừa tập trung thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có những vụ việc kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ…
Môi trường đầu tư ảnh hưởng, nhiều dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư phải chậm lại sau chủ trương tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao) theo công văn của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả mang tính toàn diện và đáng ghi nhận.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019 được xác định là thời cơ quan trọng để thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 đồng thời xác định chủ đề của năm là “Năm đột phá cải cách hành chính,” thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
“Cụ thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước với một số giải pháp như tập trung cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; sắp xếp, nâng chất tổ chức bộ máy; thực hiện đề án ủy quyền, giảm bớt thủ tục cho người dân và doanh nghiệp; đánh giá công khai xếp loại công tác cải cách hành chính của các đơn vị; xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính…
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và 7 chương trình đột phá của thành phố…
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân, tăng cường đầu tư các hoạt động văn hóa, giáo dục đào tạo…; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; tập trung quyết liệt giải quyết khiếu nại tố cáo, trọng tâm là giải quyết căn cơ các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài…
Tại hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh một số nghị định, thông tư theo hướng phân cấp mạnh cho Thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện, ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi).
“Thành phố kiến nghị Chính phủ điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho địa phương, gắn với trách nhiệm liên quan, đồng bộ với các luật liên quan, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong hiệu quả các dự án đầu tư công.
Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án theo hình thức BT… để các địa phương sớm triển khai thực hiện,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ý kiến.
Cũng có kiến nghị về vấn đề phân cấp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, “Khi đón nhận phân cấp ủy quyền, chúng tôi làm việc hết sức trách nhiệm, nhất là khi được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư các đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển…, chúng tôi đã huy động được nguồn lực của các nhà đầu tư, nguồn lực ngân sách của tỉnh cho giải phóng mặt bằng và cải cách hành chính rất thành công.
Do vậy, Quảng Ninh đề nghị, vấn đề liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng vốn ngân sách của địa phương hay vốn ngoài ngân sách thì nghiên cứu phân cấp cho Quảng Ninh, tỉnh sẽ bàn quyết định chủ trương đó”./.
Theo Vietnam
Lần đầu có đường bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn
Trong khi Hà Nội và Hải Phòng đều phát huy được thế mạnh nhờ lợi thế từ sân bay quốc tế, thì giờ đây, Quảng Ninh mới hội tụ đủ điều kiện phát triển khi có sân bay quốc tế Vân Đồn.
Một góc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có mức vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng nằm tại địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách vịnh Hạ Long 50km về phía Tây Nam và cách cửa khẩu Móng Cái 140km về phía Đông Bắc.
Theo kế hoạch, hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ chính thức khai thác đường bay này từ ngày 30/12/2018 với tần suất một chuyến/ngày bằng tàu bay Airbus A321.
Với đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn sắp khai thác, các chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ khởi hành lúc 14 giờ hàng ngày và từ Vân Đồn lúc 16 giờ 45 phút, với thời gian bay khoảng 2 giờ. Đây được đánh giá là khung giờ khá phù hợp với nhu cầu của các đối tượng trên đường bay, đặc biệt là những hành khách tại các khu vực ở xa có đủ thời gian di chuyển.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, không chỉ là đường bay với vai trò phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn còn là cầu nối về kinh tế và văn hóa, tạo nên sức bật cho không chỉ Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh nói riêng mà còn là cả vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc.
"Việc khai thác các đường bay đến Vân Đồn cũng là một nội dung trong thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Vietnam Airlines," ông Thành cho hay.
Để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Vietnam Airlines đã tập trung chuẩn bị trang thiết bị mặt đất mới và đồng bộ; cài đặt hệ thống làm thủ tục với tính năng mới nhất, đảm bảo quá trình làm thủ tục nhanh, chính xác, đầy đủ.
Bên cạnh đó, hãng cũng chuẩn bị chu đáo cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên phục vụ; chuẩn bị văn phòng, cơ sở vật chất; rà soát quy trình làm việc từ đại diện Vietnam Airlines cho đến sân bay, cảng vụ... để đảm bảo cho chuyến bay được vận hành một cách thông suốt và đạt hiệu suất cao nhất.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu du lịch, giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, đường bay thẳng này cũng đồng thời giúp Vietnam Ailines hoàn thiện mạng bay của mình, củng cố vị thế và hình ảnh của hãng bay tại thị trường đi đến vùng Đông Bắc Việt Nam nói riêng và thị trường nội địa nói chung.
Trong tương lai, khi các dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Vân Đồn đi vào hoạt động, tỷ trọng khách du lịch và những hành khách đến Vân Đồn với mục đích kinh doanh được dự đoán sẽ tăng lên.
Ngoài ra, cư dân Quảng Ninh cần sử dụng chuyến bay để đi lại phục vụ cho các vấn đề học tập, thăm người thân, đi khám chữa bệnh và các mục đích khác cũng là đối tượng mà Vietnam Airlines muốn hướng đến.
Quảng Ninh là một trong ba cửa ngõ tam giác phát triển kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ gồm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, đồng thời cũng nằm trên vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc. Vì vậy, Vietnam Airlines mở đường bay đầu tiên kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn được nhiều chuyên gia đánh giá đã tạo ra sự kết nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giữa cửa ngõ khu vực kinh tế phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và điểm đầu tiên trong vành đai kinh tế Việt-Trung tại Vân Đồn.
Năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố khảo sát cho thấy, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất trong 63 tỉnh thành cả nước, với 70,6 điểm trên thang điểm 100, xếp trên cả Đà Nẵng và Đồng Tháp.
Sự năng động của cửa ngõ kinh tế Đông Bắc có thế thấy qua thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây, khi năm 2013 tỉnh này xếp thứ 4, năm 2014 xếp thứ 5, nhưng đến năm 2015 đã lọt vào top 3, năm 2016 xếp thứ 2 và năm 2017 vươn lên dẫn đầu./.
Theo Vietnam
Hội thảo khoa học về Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế kỷ 13 Ngày 22/12, tại thành phố Hạ Long, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13." Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy phát biểu tại hội thảo....