Một số quốc gia ủng hộ mua đạn ngoài châu Âu cho Ukraine
Pháp và Hà Lan đều ủng hộ kế hoạch mua đạn dược bên ngoài châu Âu để nhanh chóng chuyển các thiết bị quân sự cần thiết đến Ukraine.
Đề xuất dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu tháng 3.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc gặp ở Paris ngày 14/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin ý tưởng mua hàng trăm nghìn viên đạn từ một số quốc gia đã được Thủ tướng Séc Petr Fiala vạch ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris (Pháp) ngày 27/2 nhằm thể hiện ủng hộ đối với Kiev và nhấn mạnh quyết tâm của phương Tây giúp nước này giành chiến thắng trước Nga. Thủ tướng Fiala cho biết 15 quốc gia có thể ủng hộ đề xuất của Séc, tuy nhiên ông không nêu tên các nước đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đề nghị các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) để đạt được giải pháp. Chúng tôi sẽ tham gia vào sáng kiến này. Chúng tôi hoàn toàn cởi mở với nó. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là hiệu quả”.
Sau khi rời cuộc họp, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với các phóng viên rằng Amsterdam đồng ý đóng góp 100 triệu euro cho kế hoạch của Séc và hy vọng các quốc gia khác sẽ làm theo.
Pháp và các quốc gia khác phản đối sử dụng quỹ của EU để mua đạn dược bên ngoài khối. Bên cạnh đó, Paris kêu gọi dùng số tiền này để phát triển các ngành công nghiệp của chính EU.
Nga đã đạt được những tiến bộ trên chiến trường khi quân đội Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và nhân lực sau nhiều tháng bế tắc. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự đoán Nga sẽ chuẩn bị phản công vào cuối tháng 5.
Video đang HOT
Khi được hỏi liệu phương án gửi bộ binh tới Ukraine có được đưa ra thảo luận hay không, ông Macron cho biết: “Hiện chưa có đồng thuận về việc điều bộ binh một cách chính thức và công khai. Nhưng xét về mặt động lực thì không thể loại trừ điều gì”.
Trong khi đó, trước cuộc họp báo, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định việc điều động lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) châu Âu tới Ukraine là vấn đề không tồn tại đối với Athens và đại đa số những người đồng cấp của ông.
Tổng thống Ukraine Zelensky trước đó vào ngày 26/2 cho biết EU cho đến nay mới chỉ giao 30% trong số 1 triệu quả đạn pháo đã cam kết. EU thừa nhận vào cuối tháng 1 rằng họ sẽ phải trì hoãn mục tiêu vài tháng. EU đưa ra cam kết về số đạn pháo này vào năm 2023 nhưng đến tháng 1 năm nay cập nhật rằng đến tháng 3, khối sẽ chỉ có thể chuyển một nửa trong số 1 triệu quả đạn pháo.
Tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2024 diễn ra vào tháng này, Tổng thống Séc Petr Pavel cho Praha đã xác định được 500.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155 mm và 300.000 viên đạn cỡ nòng 122 mm có thể được giao trong vòng vài tuần nếu có đủ tiền. Tuy nhiên, ông Pavel không nêu tên nhà cung cấp.
Bộ Quốc phòng Séc ngày 23/2 cho biết họ đang điều phối nỗ lực và đảm bảo cam kết sơ bộ từ Canada và Đan Mạch, cũng như các quốc gia khác không muốn nêu tên.
Trung Quốc gửi 'tín hiệu' mới cho châu Âu trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Châu Âu đang lo lắng về khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và Trung Quốc nhìn thấy cơ hội.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 19/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gửi thông điệp tới những người đồng cấp châu Âu vào cuối tuần qua: cho dù thế giới có thay đổi thế nào, Trung Quốc sẽ "nhất quán và tin cậy" - một "động lực cho sự ổn định".
Tuyên bố mà ông Vương Nghị nêu rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu đang thận trọng theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới - lo ngại rằng sự trở lại tiềm tàng của cựu Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác của họ với Washington.
Những mối lo ngại đó bùng lên trong tuần qua sau khi ông Trump nói rằng sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO đã không chi đủ tiền cho quốc phòng - một mối đe dọa bất ngờ đối với nhiều người ở châu Âu khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Thời điểm đưa ra bình luận của ông Trump là cơ hội đối với Trung Quốc, khi Ngoại trưởng Vương Nghị đang thăm châu Âu trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách khôi phục mối quan hệ đang xấu đi với EU - một nỗ lực trở nên cấp bách hơn bởi các vấn đề kinh tế trong nước và căng thẳng đang diễn ra với Mỹ.
"Cho dù thế giới có thay đổi như thế nào, Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia lớn có trách nhiệm, sẽ giữ các nguyên tắc và chính sách chính của mình nhất quán và ổn định, đồng thời đóng vai trò là lực lượng chính cho sự ổn định trong một thế giới hỗn loạn", ông Vương Nghị nói trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh Munich, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và châu Âu "tránh xa những rắc rối về địa chính trị và ý thức hệ" và hợp tác cùng nhau.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, trong khi lời kêu gọi của ông Vương Nghị có thể được một số nước châu Âu lắng nghe, nơi các nhà lãnh đạo hy vọng ổn định các khía cạnh trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng gặp phải một vấn đề lớn khi đạt được tiến bộ thực sự trong việc hàn gắn mối quan hệ với EU: mối quan hệ chặt chẽ với Nga.
Noah Barkin, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Quỹ Marshall Đức của Mỹ (GMF), cho biết: "Thông điệp của ông Vương Nghị gửi tới các nước châu Âu là không nên để những khác biệt về địa chính trị cản trở sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Nhưng điều chưa đề cập là Trung Quốc chưa sẵn sàng thay đổi quan điểm và chính sách khiến châu Âu lo lắng nhất, cụ thể là mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga".
Châu Âu đang lo lắng về sự trở lại tiềm tàng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân tố "Trump"
Các nhà quan sát cho rằng trong bối cảnh đó, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xoa dịu những lo ngại của châu Âu về vị thế của Trung Quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể có ít tác động trong EU.
"Chừng nào xung đột ở Ukraine còn tiếp diễn, các chính sách của EU đối với Trung Quốc sẽ chuyển sang liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Rất có thể, châu Âu sẽ cùng với Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu đối với các công nghệ quan trọng vì coi an ninh kinh tế của EU là tối quan trọng", theo Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London.
EU đang xem xét một loạt biện pháp giúp khối này "giảm thiểu rủi ro" cho chuỗi cung ứng châu Âu từ Trung Quốc, đảm bảo các công nghệ quan trọng và bảo vệ thị trường của mình khỏi những gì họ coi là "hàng hóa Trung Quốc giá rẻ không thực chất". Bắc Kinh coi chính sách của châu Âu bị ảnh hưởng quá mức bởi Mỹ.
Ông Vương Nghị cũng phản đối các biện pháp như vậy ở Munich, cảnh báo rằng "những ai tìm cách kiềm chế Trung Quốc dưới danh nghĩa 'giảm thiểu rủi ro' sẽ mắc phải một sai lầm lịch sử".
Nhà ngoại giao Trung Quốc đã gặp một số đối tác châu Âu bên lề hội nghị an ninh Munich, trước khi tiếp tục tới Tây Ban Nha. Ông Vương Nghị cũng sẽ đến thăm Pháp trong tuần này.
Theo các nhà phân tích, ông Vương Nghị có thể đạt được nhiều thành công hơn trong việc ổn định quan hệ với từng quốc gia thành viên EU quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - và những quốc gia đang có tâm lý không chắc chắn về cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ.
Theo Liu Dongshu, Phó Giáo sư tại khoa Các vấn đề Quốc tế và Công chúng thuộc Đại học Thành phố Hồng Kông, trong các cuộc gặp ở châu Âu, ông Vương Nghị có thể "sử dụng 'nhân tố Trump' để chỉ ra rằng việc hoàn toàn đứng về phía Mỹ không mang lại lợi ích tốt nhất cho các nước châu Âu".
Với tư cách là tổng thống, ông Trump không chỉ lên tiếng hoài nghi về hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Âu mà còn tận dụng thuế quan đối với thép và nhôm châu Âu, gây ra các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa Mỹ từ châu Âu.
Bắc Kinh đã đạt được một số tiến bộ trong việc xoa dịu quan hệ với các nước châu Âu trong năm qua, bao gồm cả trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào mùa xuân năm ngoái - một bước phát triển mà ông Vương Nghị hy vọng sẽ tiếp tục phát huy.
"Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới một số nước châu Âu, các bên sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giữ mối quan hệ với Bắc Kinh ổn định, một phần để tránh nguy cơ xảy ra xung đột thương mại hai mặt trận với Bắc Kinh và Washington nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng", chuyên gia Barkin của GMF kết luận.
Hàng nghìn người Ukraine tham gia sản xuất vũ khí ở Séc Sự xuất hiện của những công nhân mới từ Ukraine, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng, có thể mang lại lợi ích tài chính cho CH Séc. Séc đang có nhu cầu nhân viên sản xuất các trang thiết bị quốc phòng tay nghề cao. Ảnh: Euractiv Trang tin Euractiv.cz (Séc) ngày 13/12 dẫn thông báo của Bộ...