Một số nước thành viên phản đối kế hoạch cải cách thuế của EU
Ngày 12/2, các bộ trưởng tài chính của một số nước thành viên nhỏ trong Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối kế hoạch nhằm hạn chế quyền lực của các chính phủ trong việc ngăn chặn các cải cách của EU về thuế quan.
Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna. (Nguồn: Reuters)
Động thái này được cho là sẽ giảm khả năng áp dụng mức thuế chung của EU đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn.
Những năm qua, những nước có dân số thấp trong EU đã chặn các nỗ lực nhằm thu nhỏ các lỗ hổng, vốn tạo điều kiện cho hành vi trốn thuế và thậm chí là rửa tiền trong khối.
Nhiều quốc gia trong số này cũng đã bảo lưu quyền tự thiết lập các đạo luật về thuế cũng như thu hút doanh nghiệp nước ngoài thông qua chính sách thuế nhẹ tay.
Để chấm dứt tình trạng này, tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đã đề xuất dỡ bỏ dần quyền phủ quyết của các quốc gia thành viên đối với các luật thuế.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ), Luxembourg, Malta, Litva, Hà Lan và Thụy Điển đã kêu gọi giữ nguyên quyền phủ quyết. Chỉ riêng sự phản đối của một trong những nước này đã đủ để chặn kế hoạch cải cách của EU.
Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna tin rằng việc giữ nguyên quy định về sự đồng thuận của tất cả các nước là “vô cùng quan trọng.”
Nhiều năm qua, quốc gia nhỏ bé này đã chặn quy định chống trốn thuế của EU, trong đó đòi hỏi trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng của công dân nước ngoài.
Luxembourg cũng là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất việc áp dụng thuế cơ sở chung cho EU, trong đó hạn chế quyền các nước trong việc đề ra những chính sách có lợi cho các tập đoàn lớn.
Trong khi đó, nhóm các nước nhỏ khác, dẫn đầu là Ireland, đã chặn mức thuế chung về doanh thu kỹ thuật số. Điều này đã khiến một số nước, trong đó có Pháp, Italy và Tây Ban Nha thông qua các khoản thuế tương tự ở cấp quốc gia, bất chấp nguy cơ làm suy yếu thị trường EU.
Khi đề xuất đánh thuế kỹ thuật số trên toàn bộ EU vào năm 2018, EC cho rằng việc này đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục sự cạnh tranh công bằng trong khối và chấm dứt hành vi cho phép các công ty đa quốc gia như Google, Facebook hay Amazon “né” thuế thông qua việc chuyển lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp như Luxembourg hoặc Ireland.
Đức và Pháp, hai thành viên lớn nhất trong EU, đã ủng hộ kế hoạch của EC về việc cho phép thông qua các khoản thuế quan nếu được đa số tán đồng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, cải cách này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình đưa ra quyết định trong EU./.
Video đang HOT
Theo TTXVN/VIETNAM
Cảnh báo nguy cơ xe đạp điện nước ngoài "đội lốt" hàng Việt xuất sang Châu Âu
Trước tình trạng lượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu bất ngờ tăng mạnh sau khi xe đạp điện Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, Bộ Công Thương lên tiếng cảnh báo nguy cơ xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Một mẫu xe đạp điện Trung Quốc
Theo thông tin được Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đưa ra tại thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2019, vừa qua Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu.
Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cộng gộp là từ 18,8 - 79,3% tùy thuộc vào từng doanh nghiệp xuất khẩu, áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 18/1/2019.
Cùng đó, số liệu thống kê cũng cho thấy xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng sau khi EU tiến hành điều tra đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2018, lượng xuất khẩu xe đạp điện của Việt Nam sang EU là 138.467 chiếc, đạt kim ngạch 66,9 triệu Euro, tăng 47,4% về lượng và 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
"Việc lượng xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính", Bộ Công Thương nêu rõ.
Vì thế, trên cơ sở theo dõi diễn biến vụ việc, Bộ Công Thương đã trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Bộ cũng đã và đang phối hợp với Tổng cục Hải quan để theo dõi những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để từ đó có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như lợi ích của các doanh nghiệp chân chính.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường.
Phương Hoàng
Theo Infonet
Nông nghiệp 2018 lập kỷ lục tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua Sự linh động trong quá trình xoay trục phát triển, ưu tiên cho những mặt hàng đang có lợi thế; nỗ lực khai thông, mở rộng thị trường của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp; sự chuyển biến trong tư duy sản xuất của nông dân đã giúp ngành nông nghiệp đạt được mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 7...