Một số ngân hàng bị kiểm toán nhắc nhở về nợ xấu
Hầu hết báo cáo tài chính năm 2019 của các ngân hàng đều được kiểm toán chấp nhận toàn phần, song vẫn có những trường hợp bị lưu ý về các vấn đề liên quan đến nợ xấu như phân loại nợ, trích lập dự phòng…
Eximbank trầy trật đòi khoản nợ 746 tỷ đồng của 7 khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank suốt từ năm 2016 đến nay. Ảnh: ST
Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Ngân hàng Eximbank, Công ty Kiểm toám KPMG đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay một nhóm khách hàng với số tiền là 746 tỷ đồng được đảm bảo bằng tài sản là cổ phiếu của một ngân hàng khác.
Cụ thể, trong 973 tỷ đồng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn – thuộc nhóm nợ xấu) của Eximbank có 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank và dự phòng tương ứng là 43 tỷ đồng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo công văn 942/NHNN-TTGSNH ban hành ngày 1/12/2016 cho đến khi NHNN phê duyệt đề án cơ cấu lại sau sáp nhập của Sacombank và xử lý các khoản nợ liên quan. Vào ngày 22/5/2017, NHNN đã phê duyệt đề án cơ cấu lại sau sáp nhập nêu trên. Nhưng đến ngày lập báo cáo tài chính này, Exmbank vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của NHNN về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay này.
Trong năm 2016, Eximbank đã khởi kiện toàn bộ 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Tới ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này, các vụ kiện liên quan đến 5 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 500 tỷ đồng đã có bản án với phán quyết phải trả cho ngân hàng tổng số tiền gốc và lãi là 711,7 tỷ đồng. Trong trường hợp các khách hàng này không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ thì Eximbank được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để đảm bảo thu hồi nợ.
Đối với 2 khách hàng còn lại với dư nợ gốc là 246 tỷ đồng, Eximbank đang chờ tòa án hoàn tất các thủ tục tố tụng để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Cũng liên quan tới cổ phiếu Sacombank, Công ty Kiểm toán và Tư vấn A&C lưu ý Ngân hàng Kienlongbank về việc phân loại nợ và xử lý các khoản cho vay và lãi dự thu liên quan đến một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác.
Cụ thể, trong số dư nợ đủ tiêu chuẩn tại ngày 31/12/2019 có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank. Các khoản cho vay này đã được gia hạn thời gian trả nợ gốc và lãi ít nhất một lần. Hiện Kienlongbank đang phân loại nợ các khoản vay này là nợ nhóm 1 – nợ đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 2595 của NHNN và các công văn khác có liên quan của NHNN.
Ngoài ra, trong số dư nợ đủ tiêu chuẩn tại ngày 31/12/2019 còn gồm 132 tỷ đồng dư nợ cho vay các khách hàng với mục đích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cấu một lần theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn thưc hiện một số nội dung của Nghị định 55.
Khoản cho vay của ngân hàng Nam Á đối với ba quỹ tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt theo chủ trương của NHNN với số tiền là 208,6 tỷ đồng tại ngày 31/12/2019 (tại thời điểm 31/12/2018 là 49,4 tỷ đồng) là nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể từ NHNN cũng được Công ty kiểm toán KPMG đề cập tới.
Khải Kỳ
Video đang HOT
"Điểm danh" những ngân hàng bị kiểm toán năm 2019
Năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán tình hình hoạt động kinh doanh và nợ xấu tại một số ngân hàng thương mại.
Lỗ lũy kế đến 31/12/2018 của VDB gần 5.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)
Báo cáo của KTNN về công tác kiểm toán năm 2019 cho thấy VDB đang lỗ nặng. Hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm hơn 866 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 gần 5.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ nợ xấu đến thời điểm 31/12/2018 hơn 46.000 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ gần 6.000 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu.
Đặc biệt, số liệu bù chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn, lên tới 13.496 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại VDB.
Trường hợp thứ nhất là Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ. Dư nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 mà công ty không trả được là gần 343 tỷ đồng. Công ty không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.
Trường hợp thứ hai là Công ty Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay). KTNN cho biết Sở Giao dịch 1 của VDB chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)
Sau đợt kiểm toán của KTNN, Vietinbank cho biết, nhà băng đã nhận được công văn số 538/KTNN-TH ngày 21/11/2019 của KTNN về việc gửi Báo cáo kiểm toán năm 2018 của VietinBank.
Theo đó, VietinBank đã thực hiện điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính (BCTC) riêng lẻ và hợp nhất năm 2018 được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập theo báo cáo kiểm toán của KTNN.
Việc điều chỉnh số liệu BCTC kiểm toán năm 2018 được thực hiện cho số liệu đầu kỳ BCTC quý IV/2019; các số liệu trên BCTC quý I, II và III/2019 giữ nguyên không thay đổi.
Lợi nhuận sau thuế năm 2018 giảm 139 tỷ xuống còn 5.277 tỷ đồng.
Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng được điều chỉnh giảm 120 tỷ đồng, từ 14.256 tỷ đồng xuống 14.084 tỷ; chi phí dự phòng rủi ro tăng từ 7.751 tỷ đồng lên 7.803 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của VietinBank giảm gần 172 tỷ đồng, xuống còn 6.559 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp 1.281 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2018 giảm 139 tỷ xuống còn 5.277 tỷ đồng.
Trong các khoản mục được điều chỉnh tại Bảng cân đối kế toán, khoản mục lãi và phí phải thu có sự thay đổi mạnh nhất khi giảm gần 308 tỷ đồng so với báo cáo kiểm toán trước đó.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Kiểm toán xác định, tính đến cuối năm 2018, BIDV có 5.450 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn, 6.182 tỷ đồng nợ nghi ngờ, 7.170 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Theo đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tới phần lớn (38%) trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV tăng từ 1,69% lên 1,9%. Bên cạnh đó, BIDV còn có 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm 27% so với đầu năm, trong đó trích lập dự phòng 7.676 tỷ đồng.
Năm 2018, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 44.483 tỷ đồng, tăng 14% và cũng là mức cao nhất trong các NHTMCP. Tuy nhiên, với 16.117 tỷ đồng chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 18.893 tỷ đồng; lợi nhuận của BIDV chỉ còn lại 9.4723 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.
Cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 988.739 tỷ đồng, tăng 14,1%. Huy động tiền gửi của khách hàng đạt 989.671 tỷ đồng, tăng 15,1%.
Báo cáo cũng cho biết, trong năm 2018, ngân hàng đã chi 7.620 tỷ đồng để trả thu nhập cho cán bộ nhân viên. Với 25.237 nhân viên trong năm, thu nhập bình quân tháng của nhân viên BIDV là 25,16 triệu đồng, tăng nhẹ so với mức 24,08 triệu đồng năm 2017.
Tiếp tục kiểm toán một số ngân hàng trong năm 2020
Trong năm 2020, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam lọt vào tầm ngắm của KTNN trong năm 2020
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng"; Đề án "Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" và việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42.
Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tại: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Nguyễn Long
Theo Enternews.vn
Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh trong quý I-2020 Giảm suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng có thể làm lợi nhuận các ngân hàng giảm mạnh trong thời gian tới. Nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận Tính đến hôm nay 22/4 đã có 11 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý I/2020, bao gồm:...