Một người tử vong do sốt xuất huyết tại TP.HCM
Dù đang là cuối mùa dịch sốt xuất huyết nhưng số bệnh nhân nhập viện điều trị không những không giảm mà còn tăng cao bất thường, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018
Ngày 14-2, theo ghi nhận của PV, tại Khoa Nhiễm D, bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có rất nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) phải nằm ngoài hành lang.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D, cho biết thông thường thời điểm sau Tết Nguyên Đán là chu kỳ đi xuống của bệnh SXH, nhưng hiện số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D. Trong đó riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải.
Trong suốt dịp Tết Nguyên Đán, số ca mắc không giảm khiến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn phải căng mình làm việc. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, tại BV Bệnh Nhiệt đới đã có một trường hợp tử vong do SXH. Số ca nặng phải thở máy, lọc máu từ 3-5 ca. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang thăm khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: HL
BS Phong khuyến cáo, bệnh nguy hiểm ở chỗ diễn tiến nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh. Lúc đó, bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… Vì vậy, điều quan trọng đối với bệnh SXH là phải chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời. Hiện đã có test kháng nguyên dễ dàng phát hiện SXH ngay từ những ngày đầu mắc bệnh.
Số liệu từ phòng kế hoạch tổng hợp của BV cũng ghi nhận trong tháng 1-2019, có hơn 1.600 ca nhập viện điều trị do SXH, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 khi chỉ điều trị cho 600 ca mắc SXH.
Video đang HOT
Nhập viện vào ngày 12-2, anh Nguyễn Văn Hòa (34 tuổi, ngụ ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết vào ngày 12-2 anh cảm thấy mệt mỏi trong người, ra máu chân răng. Nghĩ sốt thông thường, anh tự mua thuốc uống nhưng không hạ sốt.
Sau đó, anh tới một BV tư thử máu và cho kết quả dương tính với SXH nên lên BV Bệnh nhiệt đới điều trị. Anh Hòa cho biết thêm trước Tết vợ và hai con anh cũng nhập viện vì bị SXH.
“Khu vực tôi sống có khá nhiều bờ ruộng nước đọng nên muỗi nhiều. Hàng xóm cũng có vài người bị SXH. Tết này coi như cả nhà ở BV, thành ra đâu có vui chơi Tết được gì”, anh Hòa thở dài.
Dấu hiệu sốt xuất huyết, các nốt mẩn đỏ trên da. Ảnh: HL
Điều trị ngày thứ 4 tại Khoa Nhiễm D, bệnh nhân Nguyễn Hoàng Huy (24 tuổi, quê Bạc Liêu, tạm trú tại quận Tân Phú, TP.HCM), chia sẻ ngày 6-2 anh bắt đầu có triệu chứng sốt, mệt mỏi. Nghĩ mình chỉ bị cảm anh đến hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về tự điều điều trị.
Hai ngày sau dù sốt đã thuyên giảm nhưng cơ thể lại xuất hiện những đợt nóng, ớn lạnh bất thường. Sau đó, anh Huy đã đến BV ở địa phương thăm khám và xác định SXH nên được chỉ định nhập viện điều trị. Do làm việc ở TP.HCM nên anh xin chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới điều trị cho thuận lợi.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ 1-1-2019 đến ngày 10-2-2019, toàn TP có 6.067 trường hợp mắc SXH, 978 ca sởi và 386 ca tay chân miệng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, SXH đang trong giai đoạn cuối của mùa dịch 2018 – 2019, số ca mắc đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018. Số ca sởi tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới, đặc biệt đáng lưu ý, 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng.
HOÀNG LAN
Theo plo.vn
Cảnh giác với nhiều dịch bệnh sau Tết
Sau Tết là đặc trưng của hình thái thời tiết mùa xuân với nhiều thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm... làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, ngành Y tế đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các trường hợp mắc bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
Tăng nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết cực đoan
Đề cập đến những dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong mùa xuân, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo quy luật, thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân với độ ẩm tăng cao, mưa phùn kèm theo nồm ẩm là thời điểm rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như: Sởi, thủy đậu, cúm, ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết... phát sinh và phát triển.
Để phòng dịch bệnh sau Tết, Bộ Y tế phối hợp với các ngành giám sát dịch bệnh, tổ chức phun thuốc khử trùng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua đã ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh như: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre. Còn tại Hà Nội, trong đầu năm 2019 cũng đã ghi nhận hơn 80 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lưu ý, tại thời điểm này, tình hình dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng trên địa bàn thành phố tương đối ổn định nhưng không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan. Nhiều người dân cho rằng, thời điểm giao mùa đông - xuân thường không có muỗi do tiết trời lạnh và không mưa nhiều như mùa hè. Quan niệm này chưa chính xác.
Bởi đặc điểm khí hậu miền Bắc nước ta vào thời gian này nền nhiệt cao hơn kèm theo những đợt không khí lạnh ngắn ngày, mưa phùn, nồm khiến môi trường ẩm ướt lại là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Ở miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng từ tháng 3 đến tháng 11.
Cùng với sốt xuất huyết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa đông - xuân khi thời tiết nồm ẩm kéo dài với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Ngay trong tháng 1-2019, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 64 trường hợp mắc sởi. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh.
Sau Tết Nguyên đán thời tiết nóng ẩm, mưa phùn, đồng thời là mùa của lễ hội với việc giao lưu, đi lại nhiều, tình trạng buôn bán, mổ thịt gia cầm cũng gia tăng rất thích hợp để vi rút cúm lây lan, bùng phát. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm ở động vật, không có ca bệnh cúm gia cầm trên người.
Tuy nhiên, những ngày qua, tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm A/H5N1. Bệnh cúm A/H5N1 lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện trên gia cầm tại nước ta vào cuối năm 2003. Sau đó, Việt Nam là một trong những nước công bố dịch đầu tiên và bị thiệt hại nhiều nhất trên thế giới với khoảng trên 45 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong giai đoạn 2003-2006. Ngoài ra, giai đoạn 2004-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc, trong đó có 64 người chết (chiếm 50,4%) vì cúm A/H5N1.
Theo ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không chỉ H5N1 mà cả H7N9, H5N6, H1N1 đều là những chủng cúm gia cầm độc lực cao, rất nguy hiểm có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và gây bệnh cho người. Nếu người sử dụng thịt gà, vịt, động vật chưa được nấu chín kỹ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong trường hợp gà, vịt, động vật mắc bệnh, bao gồm cả cúm gia cầm độc lực cao, đặc biệt là khi ăn tiết canh.
Chủ động đối phó với dịch bệnh
Để phòng chống dịch bệnh sau Tết và mùa lễ hội xuân, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường giám sát dịch bệnh và mở rộng diện giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm, khoanh vùng, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra diện rộng.
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng có yêu cầu sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đối với những hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được mổ thịt và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Còn tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, từ đầu năm 2019, ngành Y tế đã chủ động lên các phương án phòng chống dịch bệnh; duy trì việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng tại các xã, phường, quận, huyện; giám sát trọng điểm dịch bệnh tại các khu vực nguy cơ cao, những ổ dịch cũ và tại các bệnh viện.
Tuy nhiên, để công tác phòng dịch có hiệu quả cần sự tham gia của cả cộng đồng. Mỗi người dân hãy tích cực phòng dịch ngay từ gia đình mình bằng việc tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi... và đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ.
Theo Hà Nội Mới
Bộ Y tế cung ứng đủ thuốc phục vụ chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Các cơ sở y tế chú trọng sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là cúm A, tay chân miệng, sốt xuất huyết,... Ảnh minh họa Nhằm đảm bảo nhu cầu thuốc chữa bệnh của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán cũng như phục vụ phòng chống dịch bệnh mùa Đông...