Một ngày khám phá quần đảo Điệp Sơn
Ghé thăm Điệp Sơn đảo, trải nghiệm cảm giác đi bộ trên con đường nổi giữa đại dương, thưởng thức hải sản ở làng chài Vạn Giã… sẽ đem lại cho bạn những cảm giác mới mẻ, đầy thú vị.
Cách TP HCM gần 500 km, Điệp Sơn đảo nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn, lôi kéo nhiều du khách. Nơi đây cuốn hút bởi vẻ đẹp hoang sơ và đặc biệt là con đường nổi lênh đênh giữa đại dương độc đáo nhất Việt Nam.
Con đường nằm dưới mực nước biển độc đáo, du khách có thể đi lại từ đảo này sang đảo khác ở Điệp Sơn.
Cách di chuyển
Để đến Điệp Sơn, bạn phải tới thị trấn Vạn Giã, Khánh Hòa để bắt tàu ra đảo. Từ TP HCM bạn có thể bắt xe khách đến Nha Trang, thuê xe máy chạy theo hướng bắc khoảng 60 km là tới nơi.
Ngoài ra, bạn có thể lên xe khách ra Phú Yên, rồi thuê xe máy tại thành phố Tuy Hòa chạy theo hướng nam khoảng 60 km để đến Vạn Giã. Nếu đi từ Tuy Hòa, bạn nên chạy men theo con đường ven biển, đi qua những điểm du lịch rất đẹp của Phú Yên như Mũi Điện, vịnh Vũng Rô. Cảm giác vi vu xe máy qua những con đường đèo ven biển ít người cho bạn cảm phiêu du, tự do.
Từ thị trấn Vạn Giã, đi theo đường Trần Hưng Đạo để đến bến tàu. Thường tàu chạy vào sáng sớm, chuyến cuối lúc 15h. Nếu đi tàu từ bến đò ra Điệp Sơn, bạn phải phụ thuộc vào những hành khách địa phương khác.
Nếu thuê nguyên một con tàu của dân chài để đi ra đảo, bạn hãy đi theo đường Trần Hưng Đạo, đến tìm nhà chú Hai lái đò, cách bến đò khoảng 300 m. Chi phí tham quan và khám phá toàn bộ quần đảo là 500.000 đồng, tàu có thể chở 7 – 8 người. Vì vịnh Vân Phong sóng khá mạnh, ra đảo cũng khá xa (mất khoảng 1h để đến nơi) nên tàu bè thường ra đảo vào buổi sáng để chiều về bến.
Ở Điệp Sơn chưa có những nơi xử lý rác, du khách tới đây nên chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường.
Các điểm tham quan, trải nghiệm
Điểm trải nghiệm đầu tiên sẽ là con đường trên biển độc đáo. Từ Vạn Giã, sau khoảng 1h lênh đênh trên biển, quần đảo Điệp Sơn với 3 hòn đảo nhỏ sẽ hiện ra rõ nét trên đường chân trời. Các bạn đừng cho tàu chạy thẳng tới Điệp Sơn, hãy dừng lại tại hòn đảo giữa, từ đây có thể nhìn thấy con đường trên biển nằm bên dưới mặt nước, kéo dài khoảng 800 m, nối liền với đảo Điệp Sơn lớn.
Sau khi trải nghiệm con đường này, bạn ghé thăm Điệp Sơn đảo gồm khoảng 80 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Việc sinh hoạt của người dân trên đảo buổi tối trông chờ vào máy phát điện, mỗi gia đình chỉ có 3 tiếng đồng hồ sử dụng điện hàng ngày. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, du khách có thể kết hợp du lịch và từ thiện.
Video đang HOT
Thăm thú Điệp Sơn đảo xong, hãy khám phá các hòn đảo nhỏ xung quanh, nổi bật nhất là hòn Một, cách đó khoảng 15 phút đi tàu. Tại đây, điểm thú vị nhất chính là sự hoang sơ, vắng vẻ, bãi biển xanh biếc và một cánh đồng cỏ lau ngút ngàn. Đây sẽ nơi lý tưởng để các bạn chụp ảnh, ghi lại những bức hình kỷ niệm lung linh về vịnh Vân Phong.
Ăn uống
Hàng nước giải khát ở Điệp Sơn.
Trên Điệp Sơn đảo rất ít hàng quán ăn, chỉ có một hàng nước ngọt ở đầu làng. Các đảo xung quanh là đảo hoang, vì vậy nếu muốn cắm trại bạn nên chuẩn bị đồ ăn, nước uống trước.
Ngoài ra, các bạn nên dành một buổi tối trải nghiệm thị trấn Vạn Giã. Tại đây, bạn tha hồ thưởng thức hải sản tươi ngon với giá rẻ. Đi dọc con đường Trần Hưng Đạo, men theo bờ vịnh sẽ thấy có những quán hải sản. Một đĩa hàu tươi ngon đầy ắp hay ốc đập có giá 50.000 đồng…
Lịch trình gợi ý
Thông thường, các bạn có thể khám phá Điệp Sơn trong vòng 2 ngày một đêm. Có hai phương án thích hợp sau:
Sau khi đến Nha Trang hoặc Tuy Hòa vào sáng sớm, các bạn thuê xe máy và chạy ngay đến Vạn Giã rồi lên tàu ra đảo, có thể đem theo lều ngủ trên đảo hay trở về thị trấn Vạn Giã chơi một đêm.
Sau khi đến Nha Trang hoặc Tuy Hòa vào sáng sớm, các bạn thoải mái vui chơi khám phá Nha Trang, hay Tuy Hòa rồi trưa khoảng 14h tới thị trấn Vạn Giã, nghỉ lại một đêm khám phá thị trấn nhỏ này, rồi sáng mai sẽ khởi hành ra đảo sớm.
Lưu ý
Trên đảo rất hoang sơ, và không có dịch vụ nhiều nên các bạn muốn ở lại nên chuẩn bị đầy đủ hành trang, đồ ăn, nước uống…
Ngoài ra, trên đảo hay trên con đường nổi trên biển không có những nơi xử lý rác, các bạn hãy ý thức giữ gìn môi trường và cảnh quan nơi đây sạch đẹp.
Theo VNExpress
Tháng 3 ngược dòng sông Tranh hiền hòa
Trên dòng sông Tranh (Quảng Nam) đâu chỉ có thủy điện Sông Tranh 2 mênh mông sóng nước mà còn có những ghềnh đá, khúc khuỷu uốn mình giữa núi rừng nối về hạ nguồn.
Tháng 3, đôi bờ dòng Tranh đẹp như tiên cảnh
Mới ở cái tiết giữa xuân mà xứ Quảng nóng hầm hập. Cứ tưởng càng lên cao không khí sẽ bớt hanh hao hơn. Nhưng lên Nam Trà My khí trời vẫn thế. Thậm chí, có phần oi nồng hơn khi những cơn mưa giông "tức tối" muốn rớt mình xuống đất nhưng không được.
Thế thì chỉ có đi dọc bờ sông Tranh để thả hồn vào những phiến đá, được thỏa thích nghịch đùa với nước mát mới là cách tránh cái nắng xuân phân lạ lùng ấy. Sông Tranh mùa này cạn nước để lộ những phiến đá với nhiều thù hình kì dị, trông rất lạ mắt.
Để tận mắt chiêm ngưỡng dòng sông từng là cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ, bạn nên "tụt" xuống tại một địa điểm trên QL 40B. Đó là một "bến" đá dọc tuyến đường nối Kon Tum với Quảng Nam cách trung tâm huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khoảng 5 km.
Rồi từ đây, bạn tha hồ khám phá khi bắt đầu đi qua những mỏm đá dọc bờ sông với những hang đá cạn, bãi cát phẳng lại thoai thoải chẳng khác với cát biển là bao. Dọc sông Tranh mùa này, hoa rừng đua nở nên trong mỗi chặng, bạn nên dừng chân để vừa nghỉ lấy sức vừa chụp ảnh với hoa, cũng rất thú vị.
Qua từng khúc sông, bạn sẽ thấy những bản làng người Ca Dong ẩn mình giữa rừng. Họ sống hồn nhiên như cây cỏ với nghề trồng lúa rẫy, săn bắt thú rừng và lấy tổ ong để bán kiếm tiền. Thi thoảng trên sông xuất hiện một vài người bản địa đánh bắt cá. Người Nam Trà My bảo rằng 3 loài cá ngon nhất sống trên sông Tranh là "nhất chiên, nhì chình" và loài cá niên đặc hữu.
Nếu may mắn, bạn có thể mua 3 thứ cá này để thưởng thức ngay tại chỗ bằng cách kiếm ít củi khô xếp giữa bãi đá để nướng lên. Nếu có thêm tí rượu chuẩn bị sẵn để nhâm nhi, tôi tin là sẽ không có bữa tiệc nào có thể ngon hơn.
Và nếu gặp được những người dân tốt bụng ở đây, bạn sẽ thêm vui vì họ sẽ góp thêm rượu và nhất sẽ có cơ hội hiểu thêm về lịch sử một dòng sông. Họ sẽ kể cho bạn biết sông Tranh được bắt nguồn từ dãy núi cao nhất Trường Sơn, đỉnh Ngọc Linh gắn liền với một giống sâm trứ danh trên độ cao hơn 2.500m. Sông đi qua Nam Trà My được bồi thêm bởi những chi lưu nhỏ, trước khi sông về xuôi dừng lại Bắc Trà My với hồ thủy điện với hàng chục triệu khối nước.
Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của dòng sông Tranh:
Đi dọc sông Tranh dễ dàng bắt gặp những phiến đá có hình thù đẹp và lạ mắt
Nhờ phong cảnh hữu tình nên sông Tranh là điểm đến "hút" nhiều dân phượt vào mỗi dịp cuối tuần và nghỉ lễ
Một loại cây rừng cheo leo mọc bên đá núi
Hai bờ sông Tranh toàn là đá với những bãi cát xen lẫn sẽ là điểm dừng chân thú vị với những ai đến đây
Những chi lưu đổ vào sông Tranh mùa này cũng cạn nước
Những tảng đá lớn giữa sông "vô tình" ngăn lại thành "bể bơi" thênh thang
Nhưng cũng có đoạn sông Tranh rất "hung dữ" cuộn sóng trắng xóa
Những bãi lau sậy, bãi cát bình yên
Hồ thủy điện Sông Tranh trong xanh. Đây là nơi sông Tranh "dừng lại" lâu nhất trước khi về xuôi
Theo iHay
5 cù lao dọc miền Trung cho chuyến du xuân Bính Thân Cù Lao Chàm, Cù Lao Thu, Cù Lao Câu... đều là những nơi có phong cảnh hữu tình, hoang sơ và nhiều món ăn đặc trưng hấp dẫn, thích hợp để bạn bè hoặc gia đình du ngoạn dịp đầu năm. Dưới đây là gợi ý về 5 cù lao miền Trung có thiên nhiên hoang sơ, dân địa phương thân thiện và...