Một ngày của nhân viên kho Amazon trong đợt siêu khuyến mãi Prime Day
Sự kiện siêu giảm giá Prime Day chỉ kéo dài 2 ngày, song nhân viên Amazon có thể phải căng mình làm việc trong cả tuần để xử lý lượng đơn hàng khổng lồ.
16 tháng qua, nhân viên kho Amazon căng mình đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ các hộ gia đình trong đại dịch. Nay áp lực của họ còn lớn hơn nữa khi đối mặt với lượng đơn hàng khổng lồ trong mùa mua sắm Prime Day, bắt đầu từ ngày 21/6.
Một số nhân viên kho toàn thời gian của Amazon cho biết tuần này, họ phải làm tối thiểu 55 tiếng do các ca tăng từ 10 tiếng lên 11 tiếng/ngày. Họ cũng phải làm thêm một ngày để đáp ứng lượng đơn hàng khổng lồ trong hai ngày siêu khuyến mãi Prime Day. Họ sẽ nhận được lương làm thêm giờ nhưng với họ, làm thêm giờ đồng nghĩa với có ít thời gian nghỉ ngơi hơn trước khi quay lại làm việc.
Nhiều kho của Amazon có diện tích gấp 28 lần một sân đá bóng. Vì vậy, phải may mắn lắm họ mới có thể tìm được một chỗ ngồi ăn trong 20 – 25 phút và để đôi chân nghỉ ngơi giữa các ca trực.
Các biện pháp phòng ngừa Covid-19 như hạn chế lối ra vào tòa nhà, chính sách “đường một chiều” khiến các nhân viên mất thêm thời gian quý giá. Họ cũng cảnh giác vì thực tế mọi việc làm trong phân xưởng đều bị giám sát, từ thời gian làm việc, năng suất đến tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Video đang HOT
CEO Jeff Bezos cam kết thay đổi điều kiện làm việc cho nhân viên kho vận. Tuy nhiên, các điều khoản chưa thể hoàn thành trước Prime Day năm nay. Nhân viên cho biết công việc khiến họ mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt khi bắt buộc phải làm thêm giờ. Nếu như khách hàng tận hưởng những mặt hàng giảm giá sâu, nhân viên lại bị quá tải, không chỉ vài ngày mà có khi cả tuần.
Nhiều năm nay, Amazon đối mặt với chỉ trích vì điều kiện lao động khắc nghiệt trong nhà kho, bao gồm tỉ lệ chấn thương nặng cao. Trong thời kỳ Covid-19, nhân viên, tổ chức vận động và chính trị gia đặt câu hỏi về mọi thứ tại Amazon, từ nhịp độ làm việc điên cuồng tới thiếu minh bạch về số ca dương tính và việc một số người phải tiểu tiện trong chai nước.
Nhân viên Amazon đã tổ chức tuần hành vào đầu mùa dịch vì các điều kiện an toàn trong lao động. Dù vậy, từ đó tới nay, công ty tuyển thêm hàng trăm ngàn nhân viên hoàn tất đơn hàng (fulfillment) với lời hứa trả lương thấp nhất 15 USD/giờ.
Chỉ vài tuần trước Prime Day, Amazon cố dàn xếp một chỉ trích khi thông báo thay đổi cách đo lường hiệu quả công việc, dựa trên thời gian nhân viên không tương tác với phần mềm tại trạm làm việc. Nhân viên phản đối vì phép đo này làm công việc thêm căng thẳng vì họ liên tục phải giữ nhịp độ nếu không muốn bị sa thải, bất chấp một số vấn đề phát sinh do ngoại cảnh.
Amazon cho biết sẽ đánh giá trong khoảng thời gian lâu hơn nhằm bảo đảm công bằng, đồng thời khẳng định đây chỉ là biện pháp thứ cấp để xác định một nhân viên có làm việc hiệu quả hay không. Tuy nhiên, các nhân viên chia sẻ họ không thấy bất kỳ thay đổi nào về phép đo.
Bóc trần sự thật làm việc 'như mơ' ở Amazon: Nhân viên bị kiểm soát 24/24 vì Jeff Bezos tin rằng 'ai rồi cũng lười thôi'
Chúng tôi là con người chứ không phải công cụ được sử dụng để đạt được chỉ tiêu hàng ngày và hàng tuần, một nhân viên viết.
Một cựu phó chủ tịch của Amazon nói với New York Times rằng Amazon đã đưa ra nhiều chính sách nhằm ngăn chặn sự lười biếng tại nơi làm việc của người lao động.
David Niekerk, người thiết kế hệ thống quản lý tại kho hàng của công ty, cho biết vì tin rằng mọi người vốn dĩ lười biếng nên CEO Jeff Bezos đã tạo nên những chính sách đó. Theo ông, mong muốn làm việc hiệu quả của nhân viên sẽ giảm dần theo thời gian.
Niekerk nói: "Ông ấy cho rằng bản chất của chúng ta là tìm cách tiêu hao ít năng lượng nhất có thể để đạt được những gì mình muốn". Ông chỉ ra mô hình làm việc ngắn hạn không đem lại cho người lao động nhiều cơ hội thăng tiến và cách gã khổng lồ thương mại điện tử sử dụng công nghệ để ngăn sự lười biếng của họ.
Một báo cáo tiết lộ rằng Amazon không đảm bảo việc tăng lương cho nhân viên sau 3 năm đầu tiên. Đây là cách công ty áp dụng để loại bỏ những nhân viên bất mãn một cách chính đáng.
Theo Niekerk, một số cách gây tranh cãi nhất của Amazon là sa thải nhân viên trong ngày mà họ có năng suất làm việc thấp hoặc bắt họ làm việc gần như không có thời gian nghỉ để tăng năng suất.
Điều này khiến một bộ phận không nhỏ nhân viên cảm thấy như thể công ty đang đối xử với họ như máy móc hơn là con người. Một người viết trên bảng phản hồi nội bộ của một nhà kho vào năm ngoái: "Chúng tôi là con người chứ không phải công cụ được sử dụng để đạt được chỉ tiêu hàng ngày và hàng tuần".
Tháng 3 vừa qua, tập đoàn tin tức Thomson Reuters của Canada đã công bố báo cáo gây sốc về một tài xế giao hàng của Amazon ở Denver. Người này cho biết mình đã phải trải qua sự giám sát quá mức của hệ thống AI do Amazon lắp đặt trong xe.
Anh chia sẻ: "Đó là một sự vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng và vi phạm cả lòng tin lẫn nhau. Việc bị theo dõi và báo cáo khi ngáp ngủ có thể giúp tăng sự an toàn nhưng chẳng ai thấy thoải mái với nó cả. Việc công ty yêu cầu tài xế đồng ý giám sát liên tục trong quá trình giao hàng dường như là một kiểu ép buộc chứ không dựa trên sự tự nguyện của họ". Sau đó, anh đã bỏ việc vì quá bức xúc.
Ngoài ra, yêu cầu về năng suất lao động của Amazon đã khiến họ trở thành công ty dẫn đầu về chấn thương tại nơi làm việc. Đầu tháng này, tờ Washington Post công bố phân tích dữ liệu từ Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ, cho thấy công nhân kho hàng của Amazon có nguy cơ bị thương nặng cao hơn so với công nhân tại các công ty đối thủ như Walmart.
Theo một thống kê năm 2020, cứ 100 nhân viên Amazon thì có khoảng 6 người bị chấn thương khi làm việc. Con số này tại Walmart chỉ là 2,5.
Trước đó, báo cáo của một tờ báo khác cho thấy Amazon từ lâu đã là môi trường làm việc có tỷ lệ thương tật cao hơn so với đối thủ trong ngành. Thậm chí, họ còn khẳng định rằng Amazon đã lừa dối công chúng và cơ quan quản lý bằng cách báo cáo không đầy đủ về thương tích cũng như trì hoãn việc điều trị cho người lao động.
Về phần mình, Amazon nói rằng họ sẽ đầu tư hơn 300 triệu USD trong năm nay vào các biện pháp an toàn tại nơi làm việc để giảm thiểu chấn thương cho nhân viên.
Trong lá thư gửi cổ đông cuối cùng của Jeff Bezos với tư cách là CEO, ông cũng trình bày chi tiết kế hoạch sử dụng các thuật toán để luân chuyển người lao động giữa các công việc để họ có thể sử dụng nhóm cơ khác thay vì phải vận động một nhóm cơ duy nhất trong thời gian dài. Vị tỷ phú nói thêm rằng công ty "cần một tầm nhìn tốt hơn về cách tạo ra giá trị cho nhân viên".
Đột nhập ổ chuyên viết đánh giá ảo cho Amazon trên Facebook Khi Amazon đang nỗ lực triệt phá những đánh giá ảo trước thềm Prime Day, thì vấn đề này bắt đầu lan sang các nền tảng mạng xã hội. Valeria Zhong, admin nhóm Club Ki-Fair trên Facebook, đưa ra một lời chào mời đơn giản và hào phóng: chỉ cần gia nhập nhóm của cô, bạn sẽ được nhận những mẫu thử miễn...