Một nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ ở Hàn Quốc là con trai độc đinh
Không khí đau thương, ảm đạm bao trùm lấy xóm Keo, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Người thân, hàng xóm, bà con thân thích ai cũng đau xót khi biết tin anh Tăng Văn Khanh (SN 1990) gặp nạn khi đang đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.
Cũng như bà Học, từ khi hay tin dữ, bà Dương Thị Thanh Hà và ông Tăng Văn Hoàng (trú tại xóm Keo, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) – bố mẹ anh Tăng Văn Khanh – vô cùng đau đớn khi đứa con trai duy nhất thiệt mạng trong vụ nổ nhà máy tại Hàn Quốc xảy ra vào ngày 10.11.
Bà Hà nước mắt giàn giụa, nghẹn ngào mỗi khi có người nhắc đến tên đứa con trai xấu số.
Hàng xóm, người thân đến chia buồn với gia đình và chuẩn bị lo hậu sự.
Bà Dương Thị Hảo (dì ruột của Khanh) cho biết, Khanh là con trai duy nhất trong nhà và chưa lập gia đình. Dưới Khanh có một em gái là chị Tăng Thị Lệ Quyên – vợ anh Chu Văn Đường (nạn nhân cùng bị thiệt mạng trong vụ nổ).
“Gia đình anh chị tôi thuộc diện chính sách người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà có mỗi cháu Khanh là con trai độc đinh, xảy ra cơ sự này đúng là sự mất mát quá lớn. Cả con trai, con rể đều gặp nạn như này, giờ anh chị tôi, cháu gái tôi biết bấu víu vào đâu. Đến khi anh chị ấy tuổi cao sức yếu thì như nào…”, bà Hảo khóc nghẹn.
Chị Hảo (dì ruột của anh Khanh) xúc động khi kể lại chuyện về anh Khanh.
Những tiếng khóc nấc khiến bà Hà không nói nên lời khi PV hỏi về cậu con trai độc đinh. “Học xong Cao Đẳng công nghiệp ở Thái Nguyên, nó cũng xin đi làm nhiều chỗ nhưng không được nhận. Sau đó, nó mới xin chúng tôi cho đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Nó ngoan hiền, làm được 10 đồng thì gom góp rồi gửi về 9 đồng. Cũng thương con, nhưng chỉ nghĩ con đi làm vài năm rồi về, ai ngờ đâu nên cơ sự này. Chúng tôi cả đời làm nông vất vả, cũng chỉ muốn con có công việc, kiếm chút vốn rồi về quê buôn bán cho đỡ khổ như cuộc đời chúng tôi”, bà Hà xúc động nói.
Video đang HOT
Trong cơn khóc nấc nghẹn ngào, bà Hà liên tục nhắc tên con và ngày đêm mong đưa được con về nhà sớm nhất. Còn ông Hoàng lòng quặn thắt, im lặng không nói nổi câu nào.
Bà Hà nghẹn ngào khi mọi người nhắc tới tên con trai.
Được biết, anh Tăng Văn Khanh bắt đầu sang Hàn Quốc từ tháng 4.2017. Từ lúc anh Khanh đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc đến nay vẫn chưa về thăm gia đình, chỉ thỉnh thoảng gọi điện về hỏi thăm mọi người ở nhà.
Bà Hảo cho biết: “Giờ mọi người trong nhà chẳng ai thiết ăn uống hay làm gì cả. Chỉ mong làm sao đưa được cháu về nhà sớm nhất. Gia đình cũng mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện, giúp đỡ để hoàn thiện nhanh nhất các thủ tục, đưa cháu về đến tận nhà. Đây là một mất mát quá lớn đối với gia đình, không gì có thể bù đắp. Gia đình mong các cơ quan chức năng hai nước điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm khi xảy ra vụ nổ, cướp đi mạng sống của cháu trai và cháu rể tôi”.
Trước đó, Dân Việt có bài viết Nổ nhà máy ở Hàn Quốc: Danh tính 4 công nhân Việt Nam thương vong. Theo đó, Bộ Ngoại giao dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cảnh sát Hàn Quốc cho biết vào lúc 9h45 ngày 10.11, tại nhà máy Foosung Precision Industry Co ở thành phố Wonju, phía Đông Hàn Quốc, đã xảy ra vụ nổ khiến 2 công nhân Việt Nam thiệt mạng và làm 2 công nhân Việt Nam khác bị thương.
Theo thông tin ban đầu, 2 nạn nhân thiệt mạng là anh Chu Văn Dương (sinh năm 1987) và anh Tăng Văn Khanh (sinh năm 1990), 2 công nhân bị thương là anh Đỗ Quốc Hùng (sinh năm 1987) và anh Vương Đắc Khải (sinh năm 1997).
Cảnh sát Hàn Quốc cho biết thông tin ban đầu là vụ nổ xảy ra do bị chập bóng đèn điện hàn trong khi hai công nhân Việt Nam đang hàn gắn các phần bị ăn mòn trong bình chứa hóa chất.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc yêu cầu phía Hàn Quốc tìm hiểu thông tin, đồng thời khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân Việt Nam.
Trong một thông tin khác, theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, vào lúc 5h00 sáng 9.11 đã xảy ra vụ cháy nhà tập thể tại Khu Jongno 3 – ga, quận Jongno, thành phố Seoul (Hàn Quốc) khiến 6 người thiệt mạng và 12 người khác bị thương.
Tòa nhà tập thể có 50 người dân sinh sống tại tầng 2 và tầng 3, trong đó có 2 sinh viên Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã liên hệ được với 2 sinh viên Việt Nam và được biết các em không bị thương và thiệt hại trong vụ cháy.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục theo dõi tình hình và phối hợp với cơ quan liên quan sở tại sớm ổn định cuộc sống và học tập cho sinh viên Việt Nam.
Theo Danviet
Gái đảm miền biên viễn ươm cây giống xuất bán khắp các nơi
Từ nhiều năm nay, vườn ươm cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp của chị Nguyễn Thị Thủy (Lạng Sơn) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nông dân, khách hàng là chủ vườn cây, người buôn cây giống. Không những thế, chị còn được nhiều người biết đến bởi nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu.
Đến tham quan mô hình ươm cây giống của chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Tân Hoa, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô vườn ươm của gia đình chị. Với diện tích 2-3 mẫu vườn trước kia, chị đã bàn với chồng, chuyển đổi toàn bộ thành khu ươm cây giống và vườn cây chủ (cây giống hoặc cây hom).
Theo chị Thủy, trước khi chị về làm dâu ở đây, gia đình chồng chị đã làm nghề ươm cây giống từ lâu, nhưng quy mô nhỏ hẹp. "Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng phải theo học từ mẹ chồng và mọi người trong nhà. Sau này vợ chồng tôi tách làm riêng, rồi từ đó chúng tôi cùng học làm, mở rộng vườn cây", chị Thủy nói.
Vườn cây keo giống của gia đình chị Thủy xuất bán hơn 100 vạn cây/ năm phát triển xanh tốt.
Ở đây, nghề sản xuất giống cây trồng đã có từ lâu, nhưng thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp, hiệu quả kinh tế không cao. Vài năm trở lại đây, nghề này phát triển rầm rộ vì đầu ra và thị trường mở rộng ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Thậm chí, thị trường mở rộng tận vào các tỉnh Nghệ An - Bình Định, nên nhiều gia đình trong làng đều mở rộng làm vườn ươm keo giống.
Theo chị Thủy, hiện có thể mua hạt giống keo nhập khẩu từ Úc, giống keo nội hoặc trồng cây nuôi lấy mô (keo cành) để làm vườn ươm keo giống. Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu thực tế hiện nay, giống hạt keo nội vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Thực tế, người trồng keo vẫn ưa chuộng giống keo nội bởi đặc tính có thể sinh trưởng trên đất khó, dốc, chống chịu tốt với mưa bão. Quan trọng nhất, chủ các vườn ươm chọn được giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cây trồng trong vườn giống lấy hom phải là các dòng keo lai cấy mô hay đời F1 do các đơn vị đảm bảo cung cấp vì đã được chọn lọc, khảo nghiệm khẳng định tính ưu trội hơn bố mẹ và các dòng khác.
Hom sau khi cấy vào bầu sẽ được che kín bằng bạt để đảm bảo độ ẩm và sự phá hoại của sâu bệnh.
Với phương châm "vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm", ban đầu vợ chồng chị Thủy cũng chỉ sản xuất với số lượng ít và tập trung vào chất lượng giống cây. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chọn đất, làm đất, ươm giống, che chắn vườn và cách phòng, điều trị bệnh nên tỷ lệ cây sống đạt tỷ lệ thấp. "Những ngày đầu chưa nắm vững kỹ thuật nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhờ cố gắng học hỏi, chúng tôi biết lượng nước tưới như thế nào cho đủ, cắt hom phải lựa phần đọt non, đủ số lượng mắt lá...
Để có một cây keo chất lượng bán ra thị trường, đòi hỏi phải cẩn thận từng khâu, từ làm đất, cho đất vào bì, làm luống, cắt cành giâm, tiến hành giâm hom. Trong đó, quan trọng nhất là khâu cắt hom, giâm hom và khâu chăm sóc cây con mới giâm. Làm nhiều năm kinh nghiệm tích lũy càng nhiều rồi cũng vượt qua khó khăn", chị Thủy chia sẻ.
Cây keo giống xuất bán chủ yếu vào các tỉnh miền Trung, miền Nam đem lại cho gia đình chị hàng trăm triệu/năm.
Theo kinh nghiệm nhiều năm sản xuất keo giống, chị Thủy cho biết: Việc cắt cành (cắt hom) phải tiến hành vào buổi sáng. Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước. Khi cắt cành, phải để lại ở phần gốc ít nhất 2 đôi lá hoặc 2 chồi ngủ. Chiều dài hom 4 - 7cm, mỗi hom có 1-2 lá và phải cắt bớt 2/3 diện tích phiến lá. Tùy mức độ phát triển của cành mà quyết định thời gian cắt đợt tiếp theo. Hom đã cắt được chấm vào hỗn hợp có chứa chất kích thích ra rễ và cấy sâu khoảng 2 - 3 cm vào chính giữa bầu cây chứa đất đỏ đã được đóng sẵn xếp thành từng luống.
Công nhân đang làm việc tại vườn ươm keo giống của gia đình chị Thủy.
Hiện nay, mỗi năm vườn ươm nhà chị Thủy cung cấp ra thị trường hơn 100 vạn cây keo giống, chủ yếu đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Với giá trung bình 300- 350 đồng/cây, gia đình chị Thủy thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm. Sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Thủy lãi ròng hơn 200 triệu/năm. Ngoài ra vườn ươm của gia đình chị Thủy còn tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng.
Theo Danviet
Thông tin mới nhất về 4 lao động Việt Nam thương vong tại Hàn Quốc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Hàn Quốc theo dõi sức khỏe của 2 lao động bị thương đang được điều trị tại BV, cũng như hỗ trợ giải quyết các thủ tục liên quan đến 2 lao động tử vong. Anh Đỗ Quốc Hưng đang được điều trị...