Một lễ hội văn hóa ẩm thực ở TP HCM vừa đón lượng khách kỷ lục
Hơn 60.000 lượt khách đã tới thưởng thức, trải nghiệm tại lễ hội văn hóa ẩm thực diễn ra cuối tuần qua.
Saigontourist Group dự kiến nâng lên tầm quốc tế, đưa lễ hội ra nước ngoài phục vụ kiều bào
Ngày 1-4, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết sau 4 ngày (từ 28 đến 31-3) Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024 (tại khu du lịch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã tiếp đón, thu hút một lượng khách kỷ lục.
Ước tính hơn 60.000 lượt khách đăng ký vé tham gia, là người dân TP HCM, du khách trong nước và quốc tế cùng bà con Việt kiều, cao gấp 1,5 lần so lễ hội tổ chức năm 2023. Nhiều thời điểm quá tải so diện tích không gian ngoài trời của khu du lịch Văn Thánh.
Tham gia lễ hội vào tối 31-3, gia đình chị Hoài Nam (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết: “Cứ nghĩ buổi tối ngày cuối lễ hội, khách sẽ bớt đông và đồ ăn ít hơn, nhưng không khí vẫn nhộn nhịp, sôi động, gia đình tôi và bạn bè thưởng thức các món ăn ở khu ẩm thực miền Nam và rất thích”.
Lễ hội thu hút lượng khách kỷ lục, hơn 60.000 lượt trong 4 ngày
Không chỉ khách Việt, lễ hội cũng thu hút nhiều khách quốc tế và Việt kiều. Cùng vợ là người Việt Nam đến dự lễ hội, anh Peter Smith, quốc tịch Anh, một chuyên gia trong ngành bất động sản đang sống và làm việc tại TP HCM, hào hứng chia sẻ: “Tôi vừa thử nhiều món ăn ngon của Việt Nam, vừa có cơ hội thưởng lãm các loại hình nghệ thuật truyền thống, làng nghề, trò chơi dân gian. Quá đặc sắc và ý nghĩa. Tôi mong được tham dự lễ hội một vài lần nữa, nếu chu kỳ công tác của tôi còn ở TP HCM”.
Video đang HOT
Tại lễ hội lần này, du khách đã được tham gia thưởng lãm, khám phá hơn 400 món ngon, đặc sắc ba miền Bắc, Trung, Nam; hòa mình vào không gian văn hóa, nghệ thuật truyền thống; tương tác học làm 50 loại bánh dân gian cùng nghệ nhân…
Những món ăn “không thể bỏ qua” tại lễ hội như heo bản nướng lá mắc mật (khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Ba Bể và Sài Gòn – Bản Giốc), mắt cá ngừ tiềm thuốc Bắc (khách sạn Sài Gòn – Phú Yên), cao lầu Hội An (khách sạn Saigontourane), dồi lươn nướng xứ Nghệ (khách sạn Sài Gòn – Kim Liên), cơm muối Hoàng cung (khách sạn Sài Gòn – Morin), phở gà atiso Đà Lạt (khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt), bún chả heo thảo mộc (khách sạn Rex Sài Gòn), bún cá rô đồng Majestic (khách sạn Majestic Sài Gòn), gỏi cá trích (khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Phú Quốc) và gân đà điểu hầm hồng đẳng sâm (khu du lịch Văn Thánh)…
Những món ăn đặc sắc từ khắp vùng miền cả nước hội tụ
“Sau thành công của ba kỳ lễ hội, chúng tôi có định hướng sẽ nâng Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group lên tầm quốc tế, và dự kiến sẽ đưa lễ hội ra nước ngoài phục vụ bà con kiều bào các nước, đồng thời cũng là dịp để góp phần đẩy mạnh quảng bá du lịch TP HCM nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung” – ông Phạm Huy Bình – Chủ tịch Saigontourist Group, trưởng ban chỉ đạo chương trình Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024, cho biết.
Lễ hội thu hút cả du khách trong nước và quốc tế đến thưởng thức, trải nghiệm văn hóa dân gian
Du lịch mùa hoa - Nét riêng làm nên thương hiệu
Trong những năm gần đây, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã tận dụng, khai thác các thế mạnh về lễ hội văn hoá, về cảnh sắc thiên nhiên để phát triển du lịch.
Cùng với đó, du lịch mùa hoa đang trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn hành trình của nhiều du khách.
Hoa mận Bắc Hà đang trở thành lợi thế giúp người dân làm kinh tế (Ảnh tư liệu)
Tưng bừng khoe sắc
Vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch, giữa tiết xuân ấm áp, ngược ngàn lên Tây Bắc đến vùng đất anh hùng Điện Biên, sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ đá núi của loài hoa ban. Hoa ban đã đi vào đời sống tinh thần, gắn bó với bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc và trở thành tài sản chung của Nhân dân Điện Biên.
Đặc biệt, từ năm 2014, thứ tài sản đó, đã và đang giúp cho Điện Biên từng ngày phát triển kinh tế nhờ tỉnh đưa việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban thành hoạt động thường niên để kích cầu du lịch.
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên năm 2020 (thời điểm tạm dừng tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2020 do dịch Covid-19), vẫn có khoảng 351.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 16.800 lượt đến du lịch tỉnh Điện Biên, cho thấy sức hút từ du lịch mùa hoa.
Những năm gần đây vùng cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai), không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi bản sắc văn hóa vùng cao, đặc sắc của chợ phiên, mà còn đem lại những trải nghiệm mới. Đó là những mùa hoa, mùa quả đặc trưng của nông nghiệp tiểu vùng khí hậu ôn đới.
Ba năm nay, xã Tả Van Chư đã trở thành địa danh quen thuộc trên bản đồ du lịch mùa hoa của Bắc Hà. Là một trong những gia đình có vườn hoa đẹp ở Tả Van Chư, chị Giàng Thị Say, cho biết: Trước đây, chưa có nhiều du khách đến, nguồn thu nhập chính của người dân là từ những mùa thu hoạch mận quả. Nhưng gần đây, khách du lịch đến nhiều vào thời điểm mỗi mùa hoa nở rộ, nên gia đình có thêm nguồn thu nhập từ việc cho thuê trang phục của đồng bào Mông để du khách chụp ảnh." Do vậy, hằng năm, gia đình đã đầu tư trồng thêm nhiều hơn. Hiện tại, vườn mận của gia đình tôi có hơn 200 gốc mận cho hoa, quả mỗi mùa".
Trở về vùng Đông Bắc, ở mảnh đất Bình Liêu (Quảng Ninh), từ bao đời nay, cây hoa sở là loại cây bản địa trên dải đất biên cương gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Bình Liêu. Hiện nay, loài hoa này đang mang lại thu nhập cho người dân sở tại.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2015, và được huyện Bình Liêu duy trì trở thành sự kiện thường niên, Hội Hoa Sở đang từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Khai thác giá trị từ những sắc hoa
Những loài hoa là món quà thiên nhiên ban tặng, nhưng để phát huy được giá trị của nó thì lại phụ thuộc vào chiến lược của mỗi địa phương.
Tại Lễ khai mạc Lễ hội Hoa ban năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nêu rõ: Lễ hội Hoa ban là cơ hội để Điện Biên tăng cường mở rộng kết nối, giao lưu với các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp để cùng liên kết, khai thác du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Sự lan tỏa của lễ hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo mục tiêu Nghị quyết 03 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; đặc biệt Lễ hội góp phần cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 33, hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Còn tại tỉnh Lào Cai, với xu hướng thu hút khách du lịch dựa vào các mùa hoa như hiện tại, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai khẳng định: "Trong định hướng phát triển du lịch từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai luôn xác định loại hình du lịch mùa hoa cũng là một thế mạnh mang lại lợi ích "kép" trong phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh khuyến khích các địa phương xây dựng kịch bản để phát triển mạnh loại hình du lịch này gắn với xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, dựa trên tiềm năng, lợi thế nông nghiệp mang nét đặc trưng".
Cùng với hoa ban Điện Biên, hay hoa mận Bắc Hà (Lào Cai) thì các mùa hoa khác như hoa sở Bình Liêu (Quảng Ninh) hay hoa tam giác mạch Hà Giang... cũng đang từng ngày đua nở để làm đẹp hơn cho cảnh sắc vùng cao.
Và hơn cả từ những bông hoa bé nhỏ, lại góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho mảnh đất nó đang sinh sôi, đem lại no ấm cho nhiều gia đình.
Mùa hoa anh đào Nhật Bản sẽ bắt đầu sớm nhất tại Tokyo Trong năm 2024, các dự báo chính thức cho thấy Tokyo sẽ trở thành khu vực đầu tiên tại Nhật Bản có hoa anh đào (sakura) nở rộ - loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa quốc gia này và thường báo hiệu sự bắt đầu của mùa xuân. Hoa anh đào dự kiến sẽ nở sớm nhất tại Tokyo...